* Nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm
Quy định giá dịch vụ thủy lợi thay cho thủy lợi phí được xem là điểm rất mới của dự án Luật Thủy lợi, được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/9. Nhưng đây cũng là nội dung khiến nhiều vị Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn thấy băn khoăn.
Lũ lụt, hạn hán không được đổ tại trời
Chính phủ lập luận, cần chuyển đổi sang cơ chế giá dịch vụ thủy lợi để đảm bảo sự phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, vì Luật Phí và lệ phí không quy định thủy lợi phí.
Đồng thời, việc thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội về công tác thủy lợi từ phục vụ sang đúng bản chất dịch vụ, giúp người sử dụng dịch vụ hiểu rõ bản chất hàng hóa của nước, coi dịch vụ thủy lợi là dịch vụ đầu vào cho sản xuất, góp phần nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm.
Việc thực hiện cơ chế giá dịch vụ thủy lợi, theo Chính phủ, còn đưa công tác thủy lợi tiếp cận với cơ chế thị trường, tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy lợi.
Đa số ý kiến Ủy viên Thường vụ QH đều cho rằng, bước chuyển này sẽ góp phần sử dụng hợp lý, hiệu quả các công trình thủy lợi, khuyến khích việc sử dụng nước tiết kiệm.
Tuy nhiên, vấn đề này còn liên quan đến chủ thể cung cấp dịch vụ được thu tiền, các loại hình dịch vụ thủy lợi nên để Luật đi vào được cuộc sống cần phải cân nhắc hết sức kĩ lưỡng.
Góp ý vào dự thảo luật, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn, với những công trình thủy lợi nhỏ, nội đồng, dân đã bỏ tiền đầu tư rồi thì việc cung cấp dịch vụ giá sẽ như thế nào để tạo sự đồng thuận. Ngoài ra, trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ cũng cần được làm rõ.
“Cơ sở hạ tầng đầu tư rồi thì phải bỏ tiền ra mua lại người dân mới chịu. Rồi trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ thế nào. Đơn vị cung cấp dịch vụ có phải cam kết dù hoàn cảnh nào cũng phải bảo đảm nước được không, hay khi lũ lụt hạn hán lại đổ tại trời. Cần làm rõ kẻo sau này tạo áp lực với quản lý Nhà nước”, ông Phúc nói.
Nhấn mạnh vấn đề phí, giá “đụng” đến đời sống và nhận thức của người dân, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, phí để làm nông nghiệp là cao so với thu nhập của người nông dân nên cần nghiên cứu tác động chứ không chỉ đơn giản là ngôn từ rằng chuyển qua kinh tế thị trường thì phải là giá dịch vụ.
“Tổng chi phí của người nông dân rất cao, phải giúp họ chứ không chỉ phục vụ quản lý Nhà nước. Người dân không lời hay giàu từ làm lúa đâu nên luật cần làm gì tốt nhất cho dân. Trách nhiệm quản lý Nhà nước và người khai thác công trình thủy lợi cũng cần làm rõ. Không để lãi thuộc về tôi, còn lỗ và sửa chữa thuộc về Nhà nước”, ông Phan Thanh Bình nêu quan điểm.
Cần nghiên cứu tác động đến dân
Đánh giá cao bước chuyển đổi mới trong dự thảo Luật Thủy lợi, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, cần coi đầu tư vào thủy lợi là lĩnh vực đặc biệt ưu đãi để nhà đầu tư có điều kiện cung cấp giá thủy lợi có lợi nhất cho người dân.
Kiểm tra khả năng hoạt động ở trạm bơm Bà Giang (Hà Nội)
Bên cạnh đó, ông đề nghị dự thảo Luật cần nghiên cứu để đại đa số người nông dân trên cả nước tiếp cận được với những chính sách hỗ trợ song hành của Nhà nước, ví dụ không nên quy định vùng khó khăn, miền núi, hộ nghèo thì được hỗ trợ vì làm như vậy có thể 80% người nông dân ở các vùng ĐBSCL, miền Trung không tiếp cận được chính sách mà nên quy định đối tượng được hỗ trợ trong hạn điền.
Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, đánh giá tác động về việc chuyển từ thủy lợi phí sang giá dịch vụ thủy lợi chưa rõ, như khó khăn nào sẽ gặp phải; lộ trình tính đúng, tính đủ thế nào; kinh nghiệm chuyển từ phí sang giá là gì; sự hưởng ứng của nhân dân ra sao?... Do đó, cần quan tâm đến công tác tuyên truyền để người dân sẵn sàng chấp nhận chuyển từ phí sang giá.
Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết Luật Thủy lợi sẽ điều chỉnh các hoạt động đầu tư, quản lý, vận hành các công trình thủy lợi, các hoạt động thủy điện theo thủy lợi nhưng cũng chỉ điều chỉnh ở chức năng tưới tiêu...
Luật khuyến khích người sử dụng nước thành lập các tổ chức của mình để vận hành công trình thủy lợi, khuyến khích tư nhân đầu tư vào các công trình thủy lợi. Hướng tới là để mọi người sử dụng nước đều cần phải thấy có trách nhiệm khi sử dụng nước, nhưng theo ông, sẽ có bước chuyển lớn khi huy động được các tổ chức, cá nhân đầu tư vào thủy lợi và thực tế ở An Giang khi tư nhân đầu tư vào thủy lợi đã tạo bước đột phá rõ rệt.
“Đầu tư làm công trình thủy lợi nếu đặt vào vai Nhà nước thì đụng đến đâu cũng sẽ gặp khó, dù đụng đến một ít đất, người dân cũng phản ứng mạnh. Nhưng rút kinh nghiệm từ thực tế nếu vận động như nông thôn mới, người dân làm và Nhà nước có chính sách hỗ trợ thì tốt hơn”, ông Thắng chia sẻ.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu kĩ những tác động đến đời sống nhân dân, những quy định về giá, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ thủy lợi; bổ sung hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng miễn giảm trong trường hợp ở đó không có công trình thủy lợi của Nhà nước; bổ sung khoản chi đền bù thiệt hại theo hợp đồng cho các bên liên quan; chi phí phạt khi vi phạm quy định về vận hành khai thác công trình thủy lợi... để Luật Thủy lợi sớm được hoàn thiện.