| Hotline: 0983.970.780

Dịch vụ xung quanh đền Trần “thổi” giá phát lộc

Thứ Sáu 18/02/2011 , 08:47 (GMT+7)

Đền Trần vào hội, những tiểu thương người địa phương cũng được dịp thả sức "chặt chém" du khách với mức giá trên trời, không tưởng...

Chen chân bán nước trong đám đông chờ giờ khai ấn

Đến hẹn lại lên, khi lễ Khai ấn Đền Trần được tổ chức (14-15 tháng Giêng âm lịch) cũng là lúc các dịch vụ thiết yếu phục vụ du khách như ăn, nghỉ, gửi xe đều tăng giá gấp 2-3 lần so với ngày thường. Dịp lễ Khai ấn Đền Trần năm Tân Mão cũng không phải là ngoại lệ.

Ước tính năm nay lễ Khai ấn Đền Trần thu hút khoảng 20.000 du khách, trong khi toàn thành phố Nam Định và vùng phụ cận chỉ có đến hơn 100 khách sạn, nhà nghỉ với khoảng 2.500 phòng. Vì vậy, chỉ một phần nhỏ trong số du khách có được nơi ăn nghỉ nhờ đã đặt chỗ từ trước hàng tuần, thậm chí hàng tháng.

"Phố vẫy" chặt chém gửi xe

Những ngày đầu xuân lợi dụng người người, nhà nhà đi lễ, hầu hết bãi gửi xe ở quanh khu vực đền Trần đều “thổi” giá vé lên cao, thậm chí hơn gần chục lần so với quy định của Nhà nước.

Đầu giờ chiều ngày 14 tháng Giêng âm lịch, dòng người ùn ùn đổ về đền Trần. Bãi giữ xe tự phát mọc lên như nấm dọc đường Quốc lộ 10 và “phố vẫy” cũng dần dần được hình thành. Cùng với đó, bãi giữ xe được dịp “chặt chém” các “thượng đế” không thương tiếc.

Chỉ với tấm bảng gỗ hay bìa các tông được viết bằng phấn hay mực là các điểm trông giữ xe được hình thành. Thậm chí, những cơ quan gần đó cũng trưng tấm biển “trông giữ xe sân cơ quan” khiến cho người dân có thêm lựa chọn.

Tuy nhiên, giá trông xe vẫn cao ngất ngưởng, với xe máy dao động từ 20.000 đến 30.000 đồng/lượt; ôtô không dưới 50.000 đồng/lượt.

Ngay mé bên trái đền Trần cách 400m có sẵn hai tấm bảng chỉ dẫn “nơi đỗ xe” đền Trần nhưng không niêm yết giá vé trên bảng theo quy định của Thành phố. Nghi ngại về việc bị thu giá quá đắt so với ngày thường nên mỗi lần vào gửi xe câu cửa miệng của mỗi người hỏi nhân viên thu vé là “bao nhiêu nghìn/lượt”.

Trao đổi với chúng tôi, những nhân viên trông giữ xe ở quanh khu vực này cho biết, đây không phải là giá thu “đột xuất” của những ngày lễ tết, mà là đáp ứng nhu cầu bến bãi đỗ của hành khách.

“Gửi được ở bãi này còn may chán, những ngày này không ở bãi nào trên đường Quốc lộ 10 và khu vực lân cận đền Trần có giá dưới 10.000 đồng/lượt,” nhân viên trông xe cho biết.

“Chưa vào tới đền đã phải 'công đức' cho bãi gửi xe từ 10.000 đến 50.000 đồng/lượt, nếu số tiền bị nhà xe 'chặt chém' dành cho nhà chùa sẽ rất có ích đối với xã hội,” anh Lê Văn Tuấn nhân viên một hãng hàng không bức xúc nói và cho biết, lệ phí gửi xe kiểu này cũng chẳng khác nào bỏ thêm tiền mua vé vào chùa nhưng sau đó giá tiền thực không biết nộp cho nhà chùa hay nhà nước thu thuế được bao nhiêu.

Gần sát giờ khai ấn, dọc trục Quốc lộ 10 dẫn vào đền, từng đoàn xe xếp hàng dài nối đuôi nhau nằm chình ình mất 2/3 đường khiến cho việc lưu thông gặp rất nhiều khó khăn.

Thậm chí, đến 12 giờ đêm, nhiều phương tiện đổ về quá đông các bến bãi đều quá tải và không còn dịch vụ trông xe.

Khách sạn, nhà nghỉ đua nhau "đẩy" giá

Không chỉ có bãi giữ xe chặt chém khách mà ngay cả việc ăn ngủ đi lại du khách cũng bị người dân địa phương “đẩy giá” lên gấp đôi, gấp ba so với ngày thường.

Tại khách sạn Vị Hoàng, giá phòng đã tăng gần gấp đôi so với ngày thường. Phòng đơn có giá 580.000-700.000 đồng, phòng đôi giá 1.000.000 đồng, phòng VIP giá 2.000.000 đồng. Ngoài ra, nếu có người ở ké, ở ghép, khách sạn sẽ thu thêm 120.000 đồng/người.

Tại nhà nghỉ Công Đoàn, ngày thường giá phòng chỉ 300.000-500.000 đồng, song hiện nay thấp nhất cũng 500.000 đồng, cao hơn là 800.000 đồng và 1.000.000 đồng. Khách sạn Nam Sơn, ngày thường giá 200.000-400.000 đồng/phòng, nay đã tăng gấp đôi.

Không chỉ vậy, hệ thống nhà nghỉ tư nhân dịp này cũng "cháy phòng". Anh Trần Đăng Nam, chủ một nhà nghỉ gần đường 10 cho hay, hầu hết các nhà nghỉ khác đã nâng giá lên gần 300.000 đồng/đêm và đã không nhận thêm khách.

Theo ghi nhận của phóng viên, trên lộ trình vào đền Trần xin ấn, hai bên đường mọc la liệt quán nước, quán ăn để đáp ứng nhu cầu của thượng đế. Thậm chí, có hàng quán còn kê ghế xuống bãi đất sát bờ mương, ruộng để làm nơi “nghỉ chân” cho du khách trong chuyến hành trình hành xác về xin ấn.

Chỉ với vài chiếc chiếu và một chiếc bàn nhỏ kê trên đường, quán nước bày bán từ nước, cá mực, hoa quả và đồ ăn. Chị Trần Thị Nhung, Lộc Hạ, Nam Định chủ quán nước cho hay, để bán hàng được ở đây phải là những người dân địa phương của phường và phải đăng ký trước khi lễ hội diễn ra.

Tuy nhiên, giá cả đối với những đò ăn này được các chủ quán “hét" trên trời khiến nhiều du khách khi thưởng thức xong cũng đều tặc lưỡi, ngoáy đầu.

Thanh toán mất 50.000 đồng chỉ với 4 cốc nước trà nóng và thêm tiền ghế ngồi, anh Bùi Văn Toản mới ngã ngửa người vì không nghĩ một cốc nước chè nóng bằng chén nhỏ con con lại có giá bằng chai nước khoáng!

“Uống một cốc nước để tỉnh táo và nghỉ ngơi sau chuyến đi và thời gian đợi khai ấn mà chủ quán nằng nặc đòi 10.000 đồng/cốc, với cái giá tăng gấp 5 lần thế này thì sang năm khéo tôi cũng cố chen chân xin bán quán,” anh Toản hóm hỉnh nói.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất