| Hotline: 0983.970.780

Diêm dân Ninh Thuận: Ngập trong muối ế, bơi trong nợ nần

Thứ Năm 11/03/2010 , 10:04 (GMT+7)

Giá muối tại Ninh Thuận hiện đã tụt xuống mức thấp nhất mấy năm qua. Không những vậy, hạt muối làm ra còn bị tư thương o ép khiến diêm dân rơi vào cảnh "một cổ hai tròng".

Giá muối tại Ninh Thuận hiện đã tụt xuống mức thấp nhất mấy năm qua. Không những vậy, hạt muối làm ra còn bị tư thương o ép khiến diêm dân rơi vào cảnh "một cổ hai tròng".

 Chúng tôi có mặt tại đồng muối Xóm Mới, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải sáng 10/3. Trái ngược với không khí nhộn nhịp, khí thế phấn khởi trên các đồng muối năm trước thì nay là cảnh vắng lặng. Đồng muối rộng mênh mông mà thi thoảng mới có người đi tháo nước vào ruộng hay đang uể oải cào những mẻ muối đã quá ngày thu hoạch. Đi bộ mãi tôi mới gặp anh Trương Hòa cùng 2 nhân công làm thuê đang cào muối. Một người làm thuê cho anh Hòa uể oải đẩy từng xe muối ra đầu ruộng, còn anh Hòa thì xúc muối vào xe. Nhìn nước da đen sạm của anh, tôi đã đã hiểu cái nghề nặng nhọc, đầy vất vả này.

Thấy khách lạ anh Hòa lầm tưởng tôi là thương lái mua muối, phấn chấn chạy lại chào giá rất “hấp dẫn”. Khi biết tôi là nhà báo đến viết bài thì nét mặt anh buồn so. Anh cho biết: Nhà tôi có 0,8ha đồng muối, làm muối đã hơn 20 năm nhưng tôi thấy cái nghề “múc nước biển lấy tiền” bạc quá. Mấy năm 2008, 2009 giá muối trên 1.000 đồng/kg diêm dân mừng lắm. Nhưng niềm vui cũng không trọn bởi mưa trái mùa trút xuống, muối mất mùa liên miên. Nếu trước đây mỗi năm tôi thu 150 tấn, thì 2 năm qua chỉ thu được 80 tấn/năm nên giá cao cũng đâu có được hưởng. Còn năm nay thời tiết thuận lợi, nắng đều tôi đang khấp khởi thì bất ngờ giá muối ào ào giảm.

Từ đầu vụ đến nay, anh Hòa chào gẫy lưỡi mà giá cũng chỉ quanh mức 350 đồng/kg. Anh cho biết thêm: Với trên 50 tấn muối như giá năm trước tôi đã thu về 60 triệu đồng, còn năm nay được 19 triệu đồng. Theo tính toán của anh Hòa thì tiền sửa sang lại ruộng đầu vụ, tiền điện bơm nước vào ruộng 250.000 đồng/tháng, tiền thuê lao động 500.000 đồng thu hoạch mỗi mẻ muối thì không lỗ đã là may.

Đảo sang cánh đồng muối thôn Ninh Chữ, thị trấn Khánh Hải không khí còn buồn tẻ hơn. Đi mãi chúng tôi mới gặp bác Trần Thành, 59 tuổi đang đi tháo nước vào ruộng muối 0,4ha. Bác Thành buồn bã: Giá muối xuống thấp quá nên mặc dù đang cao điểm sản xuất người dân cũng chẳng buồn ra đồng. Như nhà tôi đầu vụ đến nay (3 tháng) thu hoạch trên 20 tấn muối, sau khi trừ chi phí còn lãi 4 triệu đồng. Với 4 triệu đồng mà chia cho 2 người làm- gồm tôi và thằng con trai trong 3 tháng trời thử hỏi công lao động được bao nhiêu? Mà cái nghề này anh thấy đấy- vô cùng nặng nhọc, vất vả.

Không chỉ mất giá, người làm muối còn bị thương lái o ép đủ đường. Theo bác Thành những năm trước giá cao thương lái đến tận ruộng đòi mua, người làm muối chỉ cân xong là có tiền tươi, còn nay muối đẹp họ cũng chê bủng, chê beo nhằm đánh tụt giá xuống. Mặt khác họ còn bắt mình trả thêm phí đóng bao, bốc xếp thành ra người làm muối đâu có được cầm đủ số tiền như giá ban đầu. Tức nhưng cũng phải bán vì ôm muối lúc này chẳng khác gì "ôm bom".

Những người làm muối như bác Thành, anh Hoà còn may mắn hơn. Đó là những đồng muối này có sẵn từ trước không phải khấu hao, còn rất nhiều hộ làm muối tại Ninh Hải trong 2 năm qua thấy giá muối cao đã chuyển những đìa nuôi tôm không hiệu quả sang làm muối thì nay hối hận đã quá muộn. Để chuyển 1ha nuôi tôm sang làm muối mất không dưới 100 triệu đồng, chính vì chi phí cao cộng với mất mùa nên bà con chưa thu hồi được tiền đầu tư chủ yếu đi vay ngân hàng.

Những ngày qua, một số “đại gia” tại TP Phan Rang đã trót đầu tư tiền tỷ vào làm muối ở huyện Ninh Hải nay đang tìm cách rao bán đồng muối với giá rẻ hơn rất nhiều so với năm 2009. Nhưng ai dại gì bỏ ra cả nửa tỷ đồng mua 1ha muối để rồi không biết bao giờ mới thu hồi vốn.

Mặt khác ruộng muối của bác Thành, anh Hoà gần nguồn nước biển, lại có nguồn điện nên chi phí thấp. Còn những cánh đồng muối “ tự phát” chuyển từ nuôi tôm, hay mở mới tại xã Tri Hải, Phương Hải, Nhơn Hải...đều ở rất xa nguồn nước, có nơi cách xa 2km. Những vùng nằm ngoài “quy hoạch” này không có đường điện, không có kênh dẫn nước mà phải dùng máy bơm dầu bơm tăng bo 2 – 3 lần nước mới tới được ruộng khiến chi phí đội lên gấp 5 – 7 lần so với bơm điện. Với chi phí lớn như vậy chắc chắn người làm muối càng làm càng lỗ, nói gì đến trả nợ.

Theo Sở NN- PTNT Ninh Thuận hiện toàn tỉnh có 1.571ha đồng muối, tăng 106 ha so với cùng kỳ năm trước. Nhờ mùa mưa kết thúc sớm, nắng đều nên từ đầu vụ đến nay toàn tỉnh SX được 47.000 tấn, tăng 24.752 tấn so với cùng kỳ. Đã thế, điều đáng lo ngại là mới chỉ đầu vụ nhưng sản lượng muối tồn đọng trong dân lên tới 24.000 tấn, tăng 18.000 tấn so với năm trước. Kiểu này diêm dân không chỉ ngập trong nợ nần mà còn ngập trong muối...ế.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.