| Hotline: 0983.970.780

Điểm sản xuất lúa tối ưu nằm đâu?

Thứ Tư 05/05/2010 , 14:15 (GMT+7)

Đang tồn tại nghịch lý là nông dân làm lúa liên miên, sản lượng nhiều nhưng đồng tiền thu về chẳng mấy bởi cảnh "được mùa giá rớt". Chọn mô hình sản xuất thế nào vừa đạt hiệu quả kinh tế vừa đảm bảo môi trường là điều cần các nhà chính sách, nhà khoa học tính toán thành phương thức tối ưu?

Việc chạy đua về lượng có mặt trái là làm cho đồng ruộng, môi sinh nông thôn ngày một ô nhiễm trầm trọng do phải sử dụng nhiều hóa chất. Nghịch lý là nông dân làm lúa liên miên, sản lượng làm ra nhiều nhưng đồng tiền thu về chẳng mấy bởi cảnh "được mùa giá rớt". Chọn mô hình sản xuất thế nào vừa đạt hiệu quả kinh tế vừa đảm bảo môi trường là điều cần các nhà chính sách, nhà khoa học tính toán thành phương thức tối ưu?   

Vòng luẩn quẩn

Nông dân ĐBSCL đã quen với cảnh vay nợ đầu vụ, cuối vụ bán lúa trả nợ. Chuyện tích lũy, làm giàu là rất khó.

Ông Ngô Văn Khánh, ấp 3, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ cho biết: Cái sổ đỏ 2 ha đã thế chấp ngân hàng mấy năm qua để vay 30 triệu đồng đầu tư vào sản xuất lúa, nuôi vịt. Và cái câu “muốn nghèo nuôi vịt” đã đúng khi làm cho gia đình rơi vào cảnh nợ ngân hàng chưa cách trả. Bây giờ mỗi khi đến mùa gieo sạ thì đi vay tiền bên ngoài để đầu tư, cuối vụ bán lúa trả tiền vay, tiền phân, tiền thuốc, số còn lại chỉ đủ no cái bụng cho 6 người đến vụ sau. Nông dân thiếu vốn sản xuất rất khó tích lũy được lợi nhuận.

Ông Nguyễn Trường Xuân, ấp Phú Thạn, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cũng vậy. Ông có cuốn sổ 8.000 m2 đất trồng lúa đã “giao” ngân hàng giữ để vay 15 triệu đồng nhiều năm nay vẫn chưa cách trả. Sau mỗi vụ tiền bán lúa phải giải quyết ngay cho chủ đại lý vật tư nông nghiệp, đóng lãi ngân hàng, còn lại chút ít thì chi tiêu gia đình và lo cho 5 miệng ăn. Món nợ ngân hàng 15 triệu đồng cứ đến hạn thì vay tiền bên ngoài trả lãi. Thiếu vốn sản xuất theo mùa vụ đã khổ, khi đến mùa thu hoạch giá lúa thấp bán lại không được buồn khổ hơn nhiều. 

Nông dân chịu ảnh hưởng nặng nề của thuốc BVTV

Đến vựa lúa An Giang thuộc ấp Trung An, xã Lê Trì, huyện Tri Tôn, ông Phạm Văn Giàu đang làm lúa đông xuân trễ thu hoạch được 5,4 tấn/ha. Ông Giàu cho biết số tiền bán lúa gần như không đủ thanh toán các khoản chi phí đã đầu tư. Để có vốn sản xuất tiếp 3 ha lúa vụ hè thu này ông chọn cách: Mua phân bón, thuốc ghi nợ đại lý dù biết phải bị kê thêm tiền lãi từ 5 – 15%. Còn các khoản tiền giống, dọn đất, bơm nước, làm cỏ, thu hoạch đành vay thêm tiền góp bên ngoài để thanh toán. Bằng khoán đỏ 3 ha cũng đã nằm trong ngân hàng nhiều năm qua. Món nợ quá hạn hiện không biết cách nào để trả.

Ông Nguyễn Văn Của, nông dân xã Phú Thành, Phú Tân, An Giang trúng đậm 2,6 ha lúa nếp vụ đông xuân nhưng để đủ vốn sản xuất vụ hè thu, vẫn tiếp tục tái vay 1 triệu đồng/công, lãi suất 1,25%/tháng của Quỹ tín dụng Phú Mỹ. Khi vay vốn ở Quỹ tín dụng Phú Mỹ (Phú Tân) phải đóng trước tiền lãi của 1/2 chu kỳ vay vốn và thanh toán dứt điểm cả vốn lẫn lãi vào cuối kỳ trước khi tái vay. Dẫu biết tổ chức tín dụng quá quắt thế nhưng chúng tôi đang “khát” vốn buộc phải chấp nhận.

Đầu vụ vay vốn, cuối vụ bán lúa trả nợ đang diễn ra với nông dân trồng lúa ở ĐBSCL. TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng: Từ năm 2002 trở lại đây, mức tích lũy trung bình của người dân nông thôn chỉ từ 800.000 - 1.000.000 đồng/năm. Việc nông dân sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư rất hiếm, ngoại trừ các trang trại, nhà nông có diện tích sản xuất có quy mô lớn.

Nông dân quắt queo, doanh nghiệp sống khỏe!

Ông Phùng Bửu Hiếu, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, An Giang đang canh tác trên 1,2 ha đất ruộng cho biết: Mấy vụ rồi thu hoạch lúa thật sự không có lãi hoặc lãi rất ít. Do đó, để tiết kiệm chi phí, những công việc như bón phân, phun xịt thuốc BVTV phải tự làm mà không dám mướn thêm ai. Ông Hiếu cho biết: Mỗi lần phun thuốc, nước thuốc trừ sâu thấm ướt cả quần áo làm cho da thịt đỏ bong lên cũng phải cắn răng làm. Chúng tôi hỏi vì sao ông không trang bị các dụng cụ bảo hộ để tránh hít phải thuốc có thể gây ngộ độc? Ông Hiếu trả lời, từ trước đến giờ đâu thấy ai ra đồng mà chịu mang khẩu trang, nên tới đâu hay tới đó. Ông nói chuyện, phun thuốc, môi vẫn thản nhiên ngậm thuốc lá phì phèo chẳng chút nghĩ suy. 

Cuối vụ là cảnh bán lúa trả nợ quen thuộc đối với nông dân ĐBSCL...

Ông Nguyễn Văn Thum (56 tuổi), xã An Nông, huyện Tịnh Biên (An Giang) đã có thâm niên trên 10 năm làm nghề xịt thuốc mướn than thở: Trước đây, gia đình tôi có 7 công đất ruộng trên nhưng càng làm thì càng lỗ vì năng suất thấp. Do đó, tôi cứ bán lần, bán hồi trả nợ nên bây giờ cả nhà chỉ biết làm thuê kiếm sống. Là người dân ở nông thôn nhưng lại không có đất sản xuất, buộc lòng mình phải lao vào những công việc biết là có hại cho sức khoẻ vẫn phải làm. Từ năm 2000 đến nay, cả nhà ông đều trông cậy vào việc đi xịt thuốc BVTV cho bà con trong xóm. Giá tiền công mà chủ đất trả thù lao cho mỗi bình xịt là 3.000 - 3.500 đồng/bình. Ông Thum cho biết thêm, trước đây cả ngày ông có thể xịt trên 40 bình, được trên 100 ngàn đồng. Nhưng càng làm thì ông càng thấy sức khoẻ của mình kiệt dần và cũng không biết còn làm nổi được bao lâu nữa. Sau mỗi ngày đi phu thuốc BVTV mướn về người ông rất khó thở, có khi bỏ cả cơm, thay bằng bát nước đường gọi là giải độc.

Theo điều tra của Chi cục BVTV các tỉnh ĐBSCL thì bình quân 1 vụ lúa nhà nông phun 2 lần thuốc trừ sâu, 2 lần thuốc trừ bệnh và 1 lần thuốc trừ cỏ. Theo đó bình quân 1 ha nông dân phun 1 lít thuốc trừ bệnh/vụ, thuốc trừ sâu 0,5 lít/ha/vụ, trừ cỏ trung bình 0,5 lít/ha/vụ. Như vậy, tổng 3 loại thuốc trừ sâu, trừ bệnh, trừ cỏ nông dân sử dụng 2 lít/ha/vụ. Tỷ lệ hấp thu qua cây trồng 20%, bốc hơi 15 - 20%, còn lại thấm vào đất và hòa vào nước.

Thống kê sơ bộ của Viện BVTV thì chỉ trong vòng 20 năm trở lại đây lượng thuốc BVTV cung ứng ra thị trường tăng hơn gấp đôi. Điều đáng báo động là sự tồn dư của chất độc này trong đất chiếm trên 60%. Tuy nhiên, việc đánh giá tác hại của quá trình tồn dư thuốc BVTV trong môi trường, ảnh hưởng sức khỏe con người vẫn bỏ ngỏ...

Với diện tích 1,5 triệu ha đất sản xuất lúa ở ĐBSCL mỗi năm lượng thuốc BVTV tồn dư trong đất, nước cực lớn. Và đến bây giờ chưa có một cơ quan chức năng nào thống kê được việc nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tình trạng phải đi cấp cứu khi phun thuốc BVTV diễn ra liên miên.

Thuốc BVTV là con dao 2 lưỡi, một mặt có tác dụng diệt sâu hại bảo vệ mùa màng, mặt khác khi sử dụng chúng mà không tuân thủ đúng quy trình, hoặc quá lạm dụng, thu sản phẩm không đúng thời điểm thích hợp sẽ làm tồn dư lượng thuốc  tích luỹ trong rau cao, gây ngộ độc, tổn hại sức khoẻ con người. Những hợp chất độc hại này, khi xâm nhập vào cơ thể con người bằng bất cứ con đường nào đều nguy hiểm.

Trong khi nông dân phải chịu mọi tác động về ô nhiễm môi trường, độc hại của thuốc BVTV, thì DN kinh doanh thuốc BVTV sống khỏe re. Tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các DN kinh doanh thuốc BVTV đều ăn nên làm ra nhất là khu vực ĐBSCL, đương nhiên mức tăng trưởng năm sau đều cao hơn năm trước.

Thực tế cho thấy, bình quân một DN kinh doanh thuốc BVTV vào loại xoàng xoàng cũng kiếm được gần chục tỷ đồng tiền lời mỗi năm. Cũng dễ nhận ra điều này khi các DN kinh doanh thuốc BVTV toàn sắm xe mới, tốt và lương, thưởng cho cán bộ nhân viên cũng như hậu mãi các đại lý rất hậu hĩnh. Ngược hẳn với nông dân, những người ngày một quắt queo vì thuốc bảo vệ thực vật!

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm