| Hotline: 0983.970.780

Điện ảnh Việt cần quỹ hỗ trợ phát triển như thế nào?

Thứ Hai 23/05/2022 , 19:40 (GMT+7)

Điện ảnh Việt đang cần triển khai Quỹ hỗ trợ phát triển, là nội dung chính mà Luật Điện ảnh sửa đổi được trình bày tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15.

Một bộ phim do tư nhân đầu tư 60 tỷ đồng, vừa được công chiếu!

Một bộ phim do tư nhân đầu tư 60 tỷ đồng, vừa được công chiếu!

Điện ảnh Việt sau hai năm ngưng trệ vì Covid-19, đang gượng dậy bằng những nỗ lực cá nhân qua các bộ phim chiếu rạp như “Người tình”, “Kẻ thứ 3” hoặc “578: Phát đạn của kẻ điên”. Điện ảnh Việt đang cần sự ủng hộ của cộng đồng để có những đột phá mạnh mẽ hơn. Cho nên, dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi được đưa ra Quốc hội trong kỳ họp thứ 3 (vừa khai mạc sáng 23/5 tại Hà Nội) là một sự kiện khiến người hâm mộ hy vọng cho điện ảnh Việt.

Điện ảnh Việt đang thiếu gì? Trung bình mỗi năm điện ảnh Việt có khoảng 40 bộ phim tư nhân và 3 bộ phim Nhà nước đặt hàng. Đó là một con số khiêm tốn. Thế nhưng, vấn đề cần băn khoăn hơn là làm sao kích hoạt nhân tố mới và những ý tưởng sáng tạo để điện ảnh Việt thực sự có đủ khả năng hội nhập quốc tế.

Một nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi là thành lập và vận hành Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Vì sao phải cần Quỹ hỗ trợ phát triển cho điện ảnh Việt? Cục trưởng Cục Điện ảnh – Vi Kiến Thành phân tích: “Thực tế có nhiều dự án của nước ngoài đang tài trợ cho việc làm phim ở nước ta, đầu tư cho các nhà làm phim trẻ, nhà làm phim độc lập và phim nghệ thuật…Đương nhiên, họ hỗ trợ thì họ có quyền chi phối, định hướng, điều chỉnh mình. Trong khi điện ảnh của chúng ta không có Quỹ phát triển thì không có kinh phí hỗ trợ các nhà làm phim và các quỹ nước ngoài sẽ nhảy vào. Vậy chúng ta phải làm thế nào? Phải có Quỹ để nắm quyền chủ động đối với các đối tượng là nhà làm phim trẻ, nhà làm phim độc lập”.

Nói đến sự xuất hiện và sự tồn tại của một loại Quỹ nào đó thì câu hỏi đầu tiên là tiền đâu? Theo dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi thì Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được thu gom từ 3 nguồn. Thứ nhất, là vốn ban đầu từ nguồn ngân sách sự nghiệp văn hóa. Thứ hai, huy động từ đóng góp tự nguyện, tài trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn thu nhập khác.

Thứ ba, then chốt hơn và cũng gây tranh cãi hơn là các khoản tài chính “trích 3% từ doanh thu bán vé của các phim nhập khẩu chiếu rạp tại Việt Nam; 3% từ phí thẩm định và phân loại phim; 1% tiền thuê bao của phim phổ biến xuyên biên giới; 0,05% tiền thuê bao của truyền hình trả tiền; 0,5% doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình; 5% phí hậu kiểm”.

Bộ phim 'Bố già' doanh thu 400 tỷ đồng thì đóng góp bao nhiêu cho Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh?

Bộ phim "Bố già" doanh thu 400 tỷ đồng thì đóng góp bao nhiêu cho Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh?

Theo kế hoạch, với đặc thù một quỹ tài chính ngoài ngân sách, thì Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh có mục đích hỗ trợ cho dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ; hỗ trợ cho tác giả, dự án, phim Việt Nam xuất sắc tham gia liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, hội chợ phim, chương trình phim, tuần phim tại nước ngoài.

Đồng thời, trong điều kiện cho phép, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ cho cá nhân và hãng phim vay để thực hiện dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ hiện đại trong hoạt động điện ảnh, cũng như hỗ trợ các hoạt động khác để phát triển nghệ thuật điện ảnh đương đại.

Ở các nước có nền công nghiệp giải trí hùng mạnh, thì các loại quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh đều do những tập đoàn kinh tế nào đó tài trợ. Ở Việt Nam, chờ doanh nghiệp mặn mà với nghệ thuật thứ bảy thì e chừng hơi khó và hơi lâu. Cho nên, để thoát khoải bối cảnh phim tư nhân chạy theo các thể loại hài nhảm để bán vé, còn phim Nhà nước đặt hàng thì nhỏ giọt cầm chừng, phải có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh với tư duy cởi mở và cầu thị.

Cục trưởng Cục Điện ảnh – Vi Kiến Thành bày tỏ: “Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là cánh tay nối dài, là công cụ quản lý của Nhà nước để định hướng và thực hiện các dự án phim của những đối tượng tương lai của nghệ thuật điện ảnh. Bây giờ nhận thức của chúng ta về Quỹ vẫn lúng túng, cần thay đổi. Chúng ta mới đang hiểu là Quỹ kinh tế mà không hiểu là công cụ quản lý nhà nước. Chúng ta nắm và điều chỉnh lực lượng sáng tác như thế nào?

Hiện nay, các Hội có quản lý được hội viên trẻ không? Họ có vào các Hội không? Lực lượng nghệ sĩ trẻ rất đông và họ sáng tác độc lập, không tham gia các Hội. Điện ảnh cũng vậy, nếu không có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, không thu hút được các nhà làm phim trẻ, các nhà làm phim độc lập thì vô cùng nan giản cho tương lai điện ảnh Việt”.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.