| Hotline: 0983.970.780

Diễn đàn chuyên gỡ rối tâm tư của nông dân

Thứ Hai 04/06/2018 , 09:18 (GMT+7)

Những rủi ro về thị trường, thời tiết, kỹ thuật, bệnh tật trong quá trình sản xuất... khiến “Nhịp cầu Nhà nông” trở thành một món ăn quen thuộc, một diễn đàn chuyên gỡ rối tâm tư cho những người nông dân...

“Nhịp cầu” vừa được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội “bắc” ở huyện Phú Xuyên đã đáp ứng đúng mong mỏi của những người nông dân. Tham dự có các chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, TS Cao Văn Chí, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển cây có múi (Viện Nghiên cứu Rau quả), PGS.TS Kim Văn Vạn đến từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, TS Ngô Vĩnh Viễn, nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ Thực vật. 

08-51-02_nh_2
Ban cố vấn tham gia tại Hội thảo

Diễn đàn đối thoại trực tiếp nhận được sự quan tâm đặc biệt của hơn 200 đại biểu nông dân của huyện Phú Xuyên. Những thắc mắc không biết tỏ cùng ai thì giờ đây được các chuyên gia hàng đầu giải đáp cặn kẽ giúp cho người dân vỡ ra nhiều kiến thức mới, kinh nghiệm bổ ích trong sản xuất.

Trước câu hỏi về vấn nạn cá rô phi tạp đang lấn át các loại cá khác, PGS.TS Kim Văn Vạn giải đáp: Các mương máng của Phú Xuyên có nhiều cá rô phi tạp, khi lọt vào trong ao chúng sẽ cạnh tranh thức ăn và ăn hết thức ăn của các loại cá chính được nuôi khiến cá không lớn hoặc chậm lớn. Không những vậy rô phi tạp còn tranh oxy trong ao nuôi. Mùa hè rô phi bắt đầu đẻ nên cách cải tạo áo thông thường là tát cạn rắc vôi và lấy nước vào vẫn có rô phi con nở. Sở dĩ có điều này do quá trình bà con tát cạn cá rô phi trong ao ngậm trứng trong mồm, những trứng này khi có điều kiện sẽ phân tán khắp ao.

Bà con phơi ao cạn từ 1 - 2 ngày trứng cá không thể chết, nhiều người dân lại chỉ rắc vôi ở những hố trũng trong ao còn trên bùn cạn không rắc thì trứng đó vẫn còn khi nước chảy vào sẽ sinh sôi. Mặt khác trong quá trình lấy nước ở mương bà con không dùng lọc, hoặc có nhưng cỡ mắt lưới lớn rô phi vẫn chui lọt qua. Bởi vậy chuyên gia này khuyên cần dùng lưới tráng để ở miệng cống và cho vào đó khoảng 1 - 2 tải bao trấu để khi có trứng nước nào đi qua gặp trấu ma sát nhiều trứng sẽ chết. Trong trường hợp bà con không phơi được ao trong 3 - 5 ngày và rắc vôi đều quanh ao thì cũng có thể sử dụng thuốc diệt tạp. Hoặc trong quá trình thả cá giống bà con có thể cho vài con cá trê, vài con cá chim trắng sẽ diệt được rô phi con.

Về chuyện cá mè hay bị chết thì nguyên nhân chủ yếu là do nước ô nhiễm. Mùa hè bà con không nên dùng vôi sống để diệt tảo và làm sạch vì khiến tăng độ pH trong ao nuôi. Trước đây bà con thường được hướng dẫn dùng vôi bởi chưa có thuốc chuyên biệt, tuy nhiên nếu bà con dùng vôi buổi trưa và chiều rất nguy hại cho cá đặc biệt là các ao nông và bẩn.

Để xử lí các ao khi cá mè bị bệnh nên dùng các thuốc khử trùng có tính axit, ví dụ như BKC hoặc Chlorine. Khác với cá mè, cá trắm chết chủ yếu do thiếu oxy vào những buổi sáng sớm thời tiết âm u. Mặt khác đến mùa gặt bà con thường đổ lượng thóc lép xuống cho cá ăn quá nhiều sẽ làm tiêu hao oxy của ao nuôi. Cá trắm là loại háu ăn, đòi hỏi oxy nhiều sẽ rất dễ chết ngạt trong các môi trường như vậy. Để khắc phục tình trạng này bà con có thể tăng cường sử dụng men vi sinh làm sạch ao nuôi cá trắm, tăng cường bật quạt nước cung cấp oxy cho cá. Vào mùa hè nên bật từ khoảng 22h để sáng ra ao không gặp tình trạng thiếu oxy.

08-51-02_nh_1
Bà con đến rất sớm để tham gia diễn đàn

Cá chép hay bị thối mang, thân có nhiều nhớt, để khắc phục tình trạng này mùa dịch bệnh bà con nên hạn chế thả cá giống, bởi cá giống từ các ao nuôi khác không an toàn dễ mang dịch bệnh lây lan sang ao nuôi.

Một lưu ý nữa là trong khi các ao nuôi xung quanh đang có dịch bệnh bà con nên hạn chế thay nước ao. Tiến hành khử trùng và cho cá ăn thêm vitamin C để tăng thêm sức đề kháng. Trừ những trường họp như cá thối mang, tuột vảy, loét trên người có dấu hiệu nhiễm khuẩn mới phải dùng đến kháng sinh. Thông thường bà con nên tăng cường quạt nước cho cá dễ thở vì virus này tấn công trên mang, cá tiết ra nhiều nhớt. Còn khối u trong ruột của cá chép liên quan đến bệnh do một loại ký sinh trùng, phải dùng thuốc cho ăn để trị. Chú ý để đói khi cho cá ăn thức ăn trộn lẫn thuốc nhằm đảm bảo hiệu quả tốt nhất.

Giá lợn hơi đang sốt có nên tái đàn?

Trước câu hỏi đó, chuyên gia khuyên: Muốn chăn nuôi hiệu quả là phải quan tâm khâu chọn giống, biết tìm đến các trang trại đảm bảo chất lượng như của anh Thanh ở huyện Ứng Hòa, anh Long ở huyện Thanh Oai. Khi mua nội tỉnh, nội thành như vậy, từ huyện này sang huyện kia con giống không phải làm kiểm dịch như mua từ ngoại tỉnh. Chuồng cần thông thoáng, chế độ chăm sóc phải theo quy trình, vệ sinh chuồng trại, sát trùng đầy đủ. Trong chăn nuôi phải tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến đầu ra hay liên kết với các đơn vị khác. Đơn cử như mô hình “chung cư lợn” của ông Nguyễn Trọng Long ở xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội không bị “thất trận” trong năm ngoái giá lợn rớt thê thảm. Thời gian đó lợn trên thị trường chỉ bán 20.000đ/kg thì ông luôn bán được giá 25.000đ/kg nên mới có thể duy trì và phát triển, thu lãi lớn vào năm nay.

Với giá lợn đang xu hướng tăng theo từng ngày người dân cũng không nên ồ ạt tái đàn tránh tình trạng đầu ra chưa chắc chắn, cung-cầu không hợp lí dễ rơi vào tình trạng rớt giá thê thảm như năm ngoái.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.