| Hotline: 0983.970.780

Điệp khúc "đắt quá"!

Thứ Sáu 11/03/2011 , 08:15 (GMT+7)

Giá các mặt hàng trên thị trường tăng cao, dù tính toán chi li cho sinh hoạt, song các bà nội trợ đang rất vất vả trước những bữa ăn hàng ngày.

Giá tăng, bữa cơm nhà nghèo thêm nhạt
Giá các mặt hàng trên thị trường tăng cao, dù tính toán chi li cho sinh hoạt, song các bà nội trợ đang rất vất vả trước những bữa ăn hàng ngày. Họ buộc phải mua dè xẻn hoặc cắt giảm khẩu phần của gia đình. Chị Nguyễn Thị Hải (nội trợ ở Đức Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình) lo lắng: “Giá chi cũng tăng lên hết cả, bữa cơm nhà nghèo càng thêm nhạt…”.

Cầm 100 ngàn ra chợ… cứ như không

Khoảng hai tháng nay, giá cả hàng hóa thị trường đã tăng kép; trước đó giá tăng do Tết Nguyên đán Tân Mão chưa kịp lắng xuống thì tiếp tục tăng bởi tác động từ việc điều chỉnh giá xăng dầu và điện. Việc tăng giá nhiên liệu, nguyên liệu và các mặt hàng tiêu dùng không bất ngờ nhưng hệ lụy của việc tăng giá tràn lan theo kiểu “té nước theo mưa” ấy đã khiến cho đời sống của người nghèo càng thêm chật vật. Theo thống kê, khoảng hơn 100 mặt hàng tăng từ 8 đến 20%, đặt biệt các mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống dân sinh.

Giá hàng hóa tăng nên câu chuyện của các chị ở các công sở buổi sáng vẫn là điệp khúc: “Đắt quá, không biết mua chi để ăn”, “không mua thì không được mà mua thì tiếc tiền”… Chị Nguyễn Thị Hảo (ở tiểu khu 10, phường Đồng Phú, Đồng Hới) xuýt xoa: “Nhà có ba người, mỗi buổi sang đi chợ cầm 100 nghìn mà…cứ như không. Số tiền thì lớn nhưng cũng chẳng mua được gì nhiều vì thực phẩm đắt đỏ. Trước mỗi buổi chợ, tôi thường suy nghĩ, đắn đo xem mua các loại thực phẩm nào để vừa phù hợp với khẩu vị cả gia đình, vừa tiết kiệm chi tiêu, nếu không thấy tiếc đồng tiền lắm…”.

Giá cả tăng vọt khiến cho nhiều người thu nhập thấp càng thêm khó khăn. Chị Trần Thị Huyền, nhân viên kế toán của một Công ty máy tính trên đường Lý Thường Kiệt, Đồng Hới cho biết, với mức lương 2,2 triệu đồng một tháng, phải nuôi một con nhỏ, chị không biết xoay xở thế nào. Tháng nào chi tiêu cũng bị thiếu trước hụt sau phải cầu cứu ông bà ngoại về hưu ở quê. Vợ chồng Minh- Hiền là cán bộ, viên chức ở trọ tại phường Bắc Lý cũng trong cảnh tương tự. Họ lập gia đình hai năm nay, hiện có một cháu trai hơn một tuổi. Minh nói: “Hai vợ chồng mới ra trường, làm ở cơ quan Nhà nước nêu chỉ “ăn” chắc lương, tháng gần 5 triệu đồng mà phải chi đủ thư như trả tiền nhà trọ, tiền gửi con, rồi sinh hoạt hàng ngày, đường sữa cho con. Chừ chi giá cũng tăng, chủ nhà trọ hôm qua mới thông báo là tháng tới sẽ tăng giá thuê nhà. Vợ chồng tằn tiện lắm nhưng vẫn không đủ chi tiêu…”.

Nơi tôi ở, không chỉ có cán bộ công chức mà còn rất nhiều công nhân, phụ hồ, sinh viên trọ học, họ là những người có thu nhập thấp lại bấp bênh. Chị Lê Thị Hòa (làm phụ hồ ở tiểu khu 5 phường Bắc Lý) nói: “Phụ hồ mỗi ngày được 100 ngàn đồng nhưng công việc nặng nên mỗi tháng chỉ làm được khoảng 20 đến 25 công, thời gian còn lại phải nghỉ ngơi không thì kiệt sức mất. Con cái đang đi học nên dù giá cả có tăng cao thì vẫn chỉ phải chi tiền đi chợ theo kiểu “khoán định mức” mỗi ngày từ 20.000 đến 25.000 ngàn đồng”. Thế là những người như chị phải mua những thực phẩm rẻ nhất như cá vụn xay, mớ rau, vài ngàn đậu phụ, dăm ba ngàn mỡ heo thay dầu ăn. Tôi hỏi chị Hòa :“Ăn thế sao làm được việc nặng được?”. Dừng tay quệt mồ hôi tấm lấm trên trán, chị đáp: “Biết thế nhưng phải dè xẻn phòng khi ốm đau, bệnh tật rồi cưới xin. Giá tăng chỉ còn cách bớt khẩu phần và chọn những thực phẩm giá để rẻ mua chứ không biết làm răng được”.

Một số người bán hàng thịt bò ở chợ Ga khi nghe các bà nội trợ xuýt xoa “đắt quá, 20.000 đồng không đủ thịt xào một bữa rau…” đã thanh minh: “ Bắt bò giá cao quá, từ tết đến chừ có hạ đâu nên chúng tôi cũng khó bán”…Nhìn chung, tất cả các chợ trong thành phố luôn đầy ắp những thức ăn “cao cấp” như các loài cá, tôm, cua.. tươi rói nhưng có khi vẫn ế khách vì giá quá cao, ít người mua. Điều tưởng như nghịch lý là giá cao thì tất thảy các mặt hàng đều phải cao nhưng có đến chợ mới biết, có những mặt hàng giá chỉ nhỉnh hơn chút ít so với trước đây, đó là ốc bươu, hàng hến…của những người nông dân suốt ngày “bám mặt cho đất, bán lưng cho trời” kiếm được. Trước đây 2 kg ốc bươu họ bán ra có thể mua được 0,5 kg thị lợn, nhưng giờ đây cũng chừng đó ốc bán ra chỉ mua được một nửa số thịt lợn nói trên. Vậy là thời gian, công sức lao động không giảm, chỉ có bữa ăn của họ là nhạt thêm…

Bình ổn giá, bao giờ người nghèo được hưởng?

Hiện tỉnh Quảng Bình đang quyết liệt thực hiện các biện pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó việc bình ổn giá, chống đầu cơ nâng giá được coi là biện pháp hàng đầu để giữ ổn định trật tự xã hội. Hàng hóa tăng có nguyên nhân nhưng tăng ở mức cao như trên là có phần “té nước theo mưa” của các đại lý, người kinh doanh buôn bán. Gần như giá của các mặt hàng được “phù phép” theo giá tăng của xăng dầu, điện và thậm chí giá…vàng, đô la. Nuôi con gà, con vịt, trồng luống rau xanh thì liệu có liên quan gì đến xăng dầu, và đô la kia mà mọi thứ cứ tăng ào ào như thể giá đồng đô la “nhảy múa” thì giá rau “múa nhảy” theo. Mà việc bó rau tăng giá không phải người trồng được hưởng lợi mà chính người buôn, còn phần chịu thiệt là người tiêu dùng khi bữa cơm ngày càng không thể thiếu rau xanh. Điều lạ và gần như quy luật bất thành văn ở thị trường cả nước nói chung: Giá hàng hóa lên nhưng rất khó xuống.

Bình ổn giá - cụm từ quá quen thuộc mà bất kỳ ai cũng nhớ được nhưng làm sao để bình ổn giá và việc bình ổn giá đi vào thực chất để người dân được nhờ thì rất khó. Liệu người nghèo được hưởng lợi gì từ việc bình ổn giá ấy nếu ngành chức năng không làm mạnh tay đối với các hành vi tự nâng giá, găm hàng và cân thiếu. Đáng buồn là trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ngành chức năng của tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại đăng ký giá bán để góp phần bình ổn giá trên thị trường, nhưng gần 100 cty đều lờ đi vì sợ giá hàng hóa tăng, đơn vị mình thua thiệt !?

Xem thêm
Thái Lan dự kiến xuất khẩu 1 triệu tấn sầu riêng trong năm 2024

Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn sầu riêng, trị giá khoảng 130 tỷ baht, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kem Thủy Tạ ra mắt 2 vị kem mới tại Lễ hội 2024

Ngày 20/4, Công ty CP Thực phẩm Thủy Tạ tổ chức 'Lễ hội Kem Thủy Tạ 2024' tại Nhà hàng Thủy Tạ Legend, số 1 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.