| Hotline: 0983.970.780

Điêu đứng vì dự án... treo

Thứ Ba 07/08/2018 , 13:45 (GMT+7)

Người dân ngưng SX, chặt bỏ vườn cà phê, cây ăn trái... nhường đất cho dự án hồ chứa nước. Vậy nhưng dự án treo hoài, khiến 21 hộ dân thôn Đông Anh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) khổ sở…

Dân thiệt đơn, thiệt kép

Dự án hồ chứa nước Đông Thanh, xã Đông Thanh được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt ngày 12/4/2010, điều chỉnh lại ngày 17/7/2013. Trên cơ sở đó, UBND huyện Lâm Hà đã ra thông báo, ký quyết định thu hồi 169.291m2 đất ở và đất SX của 21 hộ dân thôn Đông Anh để xây hồ.

10-54-19_nh_1
Dự án treo khiến nông dân không dám đầu tư SX nông nghiệp, nhiều diện tích cà phê xuống cấp

Sau đó, 21 hộ dân trong vùng quy hoạch xây hồ chứa nước phải dừng mọi SX. Nhiều diện tích cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả... nông dân phải chặt bỏ, bán tống, bán tháo số đất SX còn lại, dồn tiền mua đất nơi ở mới. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm, dự án án binh bất động, người dân tiến thoái lưỡng nan, đi không được vì chưa nhận được tiền đền bù, ở lại cũng không xong.

Gia đình ông Lê Văn Sỹ ở thôn Đông Anh có gần 1,5ha đất trồng cà phê xen canh cây ăn trái. Sau khi có thông báo sẽ nhận được gần 1,5 tỷ đồng tiền bồi thường, ông đã dò hỏi mua đất, lên kế hoạch di dời đến nơi khác lập nghiệp. Vậy nhưng, kế hoạch đổ bể, vì chờ mãi không có tiền đền bù, ông đành ở lại, bám trụ SX và mỏi mòn chờ đợi.

Theo ông Sỹ, Nhà nước thu hồi đất để làm hồ chứa nước, phục vụ nhu cầu thủy lợi của bà con, ai cũng hoan nghênh. Nhưng chờ mãi không thấy ai đến thu hồi, giải tỏa, đền bù. Vườn cây thì đổ bệnh chết dần chết mòn, vì đã ngưng đầu tư. Thu nhập từ 1,5ha cà phê sụt giảm bằng 1/3 so với năm 2014. Cuộc sống 21 hộ dân vùng dự án khốn khó trăm bề.

Còn gia đình ông Cao Minh Phương ngụ cùng thôn có hơn 2,5ha đất trồng cà phê, cây ăn trái, theo thông báo được nhận gần 2,5 tỷ đồng tiền bồi thường. Trước đây, mỗi ha đất SX, ông thu về hàng trăm triệu đồng/năm. Giờ vườn cây không được chăm sóc, để hoang hóa, mất nguồn thu.

Theo ông Phương, dù rất đau lòng nhìn vườn cây héo mòn nhưng ông và nhiều nông dân không ai dám đổ tiền vào đầu tư, chăm sóc. Bởi một khi dự án khởi động, thu hồi thì họ trắng tay. Giờ ông đành phá bỏ vườn cà phê xuống cấp để trồng dâu nuôi tằm như một giải pháp tình thế.
 

Lơ lửng đến bao giờ?

Ngày 14/6/2017, UBND huyện Lâm Hà đã có báo cáo, nêu rõ: UBND huyện nhận thấy nếu kéo dài thời gian thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân sử dụng đất, như hạn chế đầu tư trên đất, không được thực hiện các quyền của người sử dụng đất…

10-54-19_nh_2
Ngoài việc vay vốn ngân hàng xây nhà không được, người dân thêm nỗi lo xây nhà rồi giải tỏa không được đền bù

UBND huyện Lâm Hà kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng cho chủ trương tạm ứng nguồn vốn từ ngân sách để bồi thường cho các hộ gia đình trong khu vực dự án, sẽ hoàn trả ngân sách khi công trình được phân bổ vốn đầu tư theo quy định.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, hơn nữa cho đến nay, công trình hồ chứa nước Đông Thanh vẫn chưa được bố trí vốn đầu tư, do vậy phương án bồi thường, GPMB được lập từ năm 2014 cũng chưa được phê duyệt.

Tại văn bản 280-CV/BCSĐ ngày 4/5/2017 của Ban Cán sự Đảng Bộ NN-PTNT đã khẳng định, dự án hồ chứa nước Đông Thanh không nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn từ 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua. Nếu dự án có triển khai thì khả năng trong giai đoạn 2021 - 2025, còn trước mắt, dự án chưa thể khởi động.

Ngoài thiệt hại kinh tế, 21 hộ dân còn phải gánh chịu một cám cảnh nữa là không được xây nhà ở, nếu bỏ tiền ra xây nhà đến khi giải tỏa không được đền bù. Vì khi khảo sát, mọi công trình, cây cối đã kê biên rồi. Vay vốn đầu tư SX, muốn thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng cũng không được vì đất đã nằm trong diện thu hồi.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.