Rất ít thông tin bị rò rỉ
Quân đội và cảnh sát chống bạo động đã chiếm giữ các vị trí then chốt ở thủ đô Naypyitaw và những khu trung tâm thương mại lớn ở Yangon. Tình trạng khẩn cấp quốc gia kéo dài một năm được ban bố bởi quân đội và tướng Myint Swe đã được bổ nhiệm làm Tổng thống tạm quyền Myanmar.
Sau khi các hoạt động liên lạc bị ngắt kết nối kể từ sáng sớm thứ Hai đảo chính và bắt giữ bà Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức chính phủ, đến sáng thứ Ba, kết nối điện thoại và internet đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên theo giới quan sát, những khu vực ngày thường nhộn nhịp vẫn vắng lặng, trong khi sân bay ở Yangon đã bị đóng cửa.
Theo Reuters, các ngân hàng Myanmar ở trung tâm thương mại Yangon đã mở cửa trở lại vào thứ Ba sau khi đóng cửa từ sáng thứ Hai, trong khi đến thời điểm này vẫn chưa có bất kỳ báo cáo nào về tình trạng bất ổn vừa qua.
“Rất khó để có thông tin cụ thể về những gì đã xảy ra, một phần vì internet đã bị ngắt ngay từ khi đảo chính. Theo Điều khoản 77 của Luật Viễn thông, chính phủ có quyền cắt đứt hệ thống viễn thông nhằm đảm bảo lợi ích công cộng trong trường hợp khẩn cấp quốc gia”, một nhân chứng cho hay.
Trong khi đó, thông tín viên của hãng BBC báo cáo rằng chính quân đội Myanmar đã thực hiện điều này. “Họ có thể ra lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ internet giới hạn quyền truy cập, thông qua việc ‘điều tiết’ băng thông của các trang web hạn chế, khiến cho internet trở nên bị chậm kết nối và khó sử dụng”, theo BBC.
Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet cho biết, các nhà báo địa phương dường như cũng không được tự do đưa tin về cuộc chính biến này. "Có những báo cáo đáng lo ngại về việc các nhà báo đã bị đe dọa hoặc tấn công. Điều này sẽ hạn chế quyền tiếp cận thông tin và quyền tự do ngôn luận vào thời điểm hết sức quan trọng và đáng sợ này đối với người dân Myanmar", bà Bachelet nói trong một tuyên bố.
Bà Aung San Suu Kyi đang ở đâu?
Câu trả lời ngắn gọn là: Chúng tôi không thực sự biết nơi ở của bà Suu Kyi cùng các quan chức chính phủ đã bị phía quân đội Myanmar bắt giữ hôm thứ Hai.
Kể từ khi nổ ra cuộc đột kích vào sáng sớm thứ Hai đầu tuần đến nay, mọi thông tin liên quan đến cuộc đảo chính vẫn chưa được công khai. Người dân cũng không biết bà San Suu Kyi đang ở đâu, nhưng theo người phát ngôn chính thức của đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD), có thể bà Suu Kyi hiện đang bị quản thúc tại tư dinh.
"Bà ấy vẫn đang cảm thấy ổn và vẫn đi lại trong khu nhà", phát ngôn viên đảng NLD, Kyi Toe được CNN dẫn lại một bài đăng trên trang Facebook cá nhân.
Trong diễn biến khác, phía quân đội Myanmar cho biết, họ đang nắm quyền kiểm soát đất nước trong vòng một năm sau khi đảng NLD không giải quyết được các cáo buộc gian lận bầu cử trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 11 năm ngoái. Trong khi đó, Ủy ban Bầu cử quốc gia thì cho biết, họ không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy đảng NLD của bà Suu Kyi gian lận phiếu để giành được 83% số ghế trong Quốc hội.
Hiện giới chức quân đội đang nắm quyền cũng không tiết lộ rõ, liệu bà Suu Kyi có bị quản thúc tại gia trong 12 tháng tới hay không. Tuy nhiên theo giới quan sát, bà Suu Kyi- một cựu tù nhân chính trị vốn đã quá quen với việc bị giam cầm, khi nhà hoạt động dân chủ này đã trải qua quãng đời khoảng 15 năm bị quản thúc.
Hồi năm 2011, biểu tượng dân chủ từng giành giải thưởng Nobel Hòa Bình đã nói với tờ The Independent rằng, mình đã dành nhiều năm bị giam cầm để đọc sách triết học, chơi piano và thi thoảng còn được tiếp khách là các nhà ngoại giao nước ngoài và bác sĩ riêng.
Theo các nguồn tin rò rỉ trong nước, bà Suu Kyi được cho là đã đưa ra một tuyên bố thông qua đảng của mình sau khi bị bắt giữ có nội dung: "Hành động của quân đội là hành động đưa đất nước quay trở lại chế độ độc tài. Tôi kêu gọi mọi người đừng chấp nhận điều này, và hãy toàn tâm toàn ý phản đối cuộc đảo chính". Tuy nhiên xét trong bối cảnh hiện tại, nhiều hãng tin tỏ ra hoài nghi về tính xác thực của tuyên bố này.
Quân đội đã bắt giữ những ai?
Theo Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet, đã có ít nhất 45 người bị phía quân đội Myanmar bắt giữ hôm thứ Hai. Cùng với bà Suu Kyi còn có Tổng thống Win Myint và các lãnh đạo đảng NLD khác.
Với việc bà Suu Kyi được cho là đang bị giam giữ tại tư gia, vẫn chưa rõ những nhân vật còn lại đang bị giam giữ ở đâu.
Theo tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, các nhà hoạt động và bất kỳ ai lên tiếng chống lại sự cai trị của quân đội lâu nay vẫn phải chịu tù đày ở Myanmar. Mãi cho đến năm 2011, nhiều người mới được trả tự do trong quá trình chuyển đổi từ quân sự sang nền dân chủ của đất nước. Bản thân bà Suu Kyi cũng đã trả tự do cho nhiều người, sau khi lên nắm quyền chính phủ vào năm 2015.
Quân đội Myanmar có lịch sử can thiệp lâu dài vào nền chính trị của đất nước, bắt đầu từ cuộc đảo chính năm 1962 khi chính phủ dân chủ thông qua bầu cử của Thủ tướng U Nu bị lật đổ. Đến năm 1990, bất chấp chiến thắng vang dội mang ý nghĩa quyết định của đảng NLD, đảng này tiếp tục bị ngăn cản thành lập chính phủ vì quân đội bác bỏ kết quả này. Kế đó là việc bà Suu Kyi bị quản thúc tại gia trong gần hai thập kỷ... Giới phân tích cho rằng, tham vọng chính trị của quân đội là một trở ngại trong con đường dân chủ ở Myanmar và cuộc đảo chính mới nhất là một bước lùi tại quốc gia Đông Nam Á.
Theo tờ Indian Express, không thể coi thường ảnh hưởng của Trung Quốc trong cuộc binh biến lần này do Bắc Kinh và giới lãnh đạo quân đội Myanmar đã có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau trong nhiều thập kỷ. Nhiều người tin rằng quân đội Myanmar sẽ không thực hiện cuộc đảo chính bất ngờ như vừa rồi nếu không tham khảo ý kiến của Bắc Kinh, cho dù bà Suu Kyi vẫn duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc.