| Hotline: 0983.970.780

Định cư ở buôn Ma Hinh

Thứ Tư 17/11/2010 , 12:11 (GMT+7)

Buôn Ma Hinh (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa) đã được chọn là một trong những buôn xây dựng điểm làng định canh định cư kiểu mẫu...

Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng cho các địa bàn vùng sâu thì công tác định canh định cư, ổn định đời sống cho bà con dân tộc thiểu số cũng đã được chính quyền huyện Krông Pa (Gia Lai) đặc biệt quan tâm.

Buôn Ma Hinh (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa) đã được chọn là một trong những buôn xây dựng điểm làng định canh định cư kiểu mẫu ở địa phương. Gần 90 hộ dân người J’rai ở buôn Ma Hinh, xã Đất Bằng giờ đây đã có cuộc sống ổn định hơn. Những ngôi nhà tạm bợ nằm rải rác trong rừng nay đã được thay bằng những ngôi nhà sàn mái tôn, xây dựng tập trung trong vùng quy hoạch. Bà con ở đây không còn phải nơm nớp lo sợ trong mỗi mùa mưa bão vì đã được trú ngụ trong những ngôi nhà chắc chắn.

Nếu như trước đây, do sống du canh, du cư, lúc no, lúc đói thì nay bà con đã ổn định chỗ ở, có đất sản xuất để chuyển đổi cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế. Đây được xem là mô hình điểm trong việc bố trí lại dân cư của huyện Krông Pa. Ông Rơ Ô Blia ở buôn Ma Hinh tâm sự: “Tôi rất vui vì được về định cư ở buôn Ma Hinh. Ở đây thuận tiện lắm, có giếng nước sạch để dùng, có chuồng trại để chăn nuôi; nhà nào cũng có vườn rộng để trồng rau, trồng cây ăn quả”.

Ngoài việc định canh, định cư, mỗi hộ dân ở đây đều được địa phương hỗ trợ làm nhà vệ sinh, nhà tắm, giếng nước, làm chuồng trại chăn nuôi heo bò, rào vườn, trồng cây ăn quả. Từ chỗ phải đi xa vài cây số lấy nước suối về dùng thì nay, cứ 2 gia đình được đào 1 giếng, bơm nước dùng ngay tại nhà nên bà con ai cũng rất phấn khởi bởi từ việc ăn uống, tắm giặt đều ở ngay trong khuôn viên gia đình, vừa kín đáo lại không tốn thời gian đi xa như trước.

Mô hình khép kín này đã giúp bà con có ý thức hơn trong việc ăn ở hợp vệ sinh. Thay vì lấy nước suối về trữ trong bầu để uống dần, nay đồng bào J’rai ở trong buôn đã quen dần với việc ăn chín uống sôi, do đó đã giảm được các dịch bệnh như tả, tiêu chảy ở trẻ em. Chị Kpă H’Chuôi, buôn Ma Hinh nói: “Trước đây, mỗi khi đi làm rẫy về là còn phải đi gùi nước dưới suối rất vất vả. Bây giờ có nước về đến tận nhà nên muốn làm gì cũng được. Nấu ăn, rửa chén, giặt giũ đều ở ngay bên cạnh, khỏe lắm, không còn vất vả nữa”.

Không chỉ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, các hộ gia đình ở đây còn được cán bộ khuyến nông và thành viên các tổ chức như phụ nữ, nông dân… xuống tận nơi hướng dẫn cách trồng, chăm sóc vườn cây sao cho hiệu quả. Nhờ đó, hiện nay gia đình nào cũng đã rào vườn trồng nhiều loại cây ăn trái có hiệu quả. Đặc biệt nhiều hộ đã tận dụng nguồn nước ngay tại nhà, cải tạo vườn tạp, trồng các loại rau màu để cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Krông Pa, cho biết: Sắp tới sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nhân dân để ổn định đời sống. Cụ thể hỗ trợ thêm về giống cây trồng vật nuôi, rồi hỗ trợ đào tạo tập huấn kỹ thuật về nông nghiệp để người nông dân biết tổ chức sản xuất, đầu tư tăng năng suất cây trồng…
Bao đời nay, người dân J’rai ở Krông Pa thường phải du canh du cư, tìm đến vùng đất mới để mong muốn có năng suất cao hơn, thì nay với chương trình định canh định cư, bà con được ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế. Ama Phan, già làng buôn Ma Hinh, nói: “Sau ngày giải phóng, nơi đây nghèo khổ không có gì cả. Đến nay, người dân buôn Ma Hinh đã được định cư, có nước sạch để dùng, có vườn rộng để trồng cây, trồng rau và phát triển chăn nuôi; cán bộ thì về tận nơi hướng dẫn cách làm ăn nên bây giờ, đời sống ai cũng ổn định”.

Trong 2 cuộc kháng chiến, huyện Krông Pa nói chung, xã Đất Bằng nói riêng là cái nôi cách mạng - một địa bàn chiến lược, một hậu phương vững chắc cho chiến trường Gia Lai và ĐăkLăk. Với truyền thống kiên cường đó, người dân Đất Bằng - Krông Pa luôn biết phát huy và đạt được nhiều thành quả trên mảnh đất đầy gian khó này. Từ một vùng đất khô cằn sỏi đá, bằng nội lực của mình cùng với sự đầu tư của Nhà nước, đến nay xã Đất Bằng đã có một nền kinh tế tăng trưởng khá.

Tuy nhiên, với trên 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên vùng đất khắc nghiệt này, nếu không có sự đầu tư đồng bộ và những giải pháp thiết thực thì khó làm thay đổi được cuộc sống của người dân. Đây cũng chính là trăn trở của chính quyền địa phương.

Ông Phan Vũ Hưng, Chủ tịch UBND xã Đất Bằng, nhận xét: “Nhiều năm qua, nhờ Chương trình 134, 135 nên bộ mặt kinh tế - xã hội của xã đã có sự thay đổi rất lớn, đời sống nhân dân cơ bản đã được cải thiện. Đến giờ không còn hộ đói nữa, chỉ còn xóa nghèo thôi. Để huyện bứt phá đi lên không phải dễ gì, theo tôi nghĩ phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Thứ nhất là phải nâng cao dân trí, đào tạo nông dân. Tiếp nữa, định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, ổn định đời sống. Trong những năm qua, Buôn Ma Hinh đã được đầu tư và thực hiện thành công mô hình này”.

Các chương trình đầu tư của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào đã tạo điều kiện cho người dân có được cuộc sống ổn định, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và tạo điều kiện để phát triển kinh tế. Xác định vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, do vậy, sự đi lên của xã Đất Bằng cũng như của huyện Krông Pa là cả một quá trình lâu dài, bền bỉ, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.