| Hotline: 0983.970.780

Định dạng cơ cấu lại ngành để phát triển hiện đại, bền vững

Thứ Năm 01/02/2018 , 07:01 (GMT+7)

Ngày 31/1, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có buổi làm việc với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ để bàn về định hướng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, trong đó có vấn đề phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tái cơ cấu kinh tế bắt đầu từ nông nghiệp

Nghe báo cáo và phần trình bày trực tiếp của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về kết quả thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2013-2016 và Kế hoạch cơ cấu lại ngành giai đoạn 2017-2020, các thành viên của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đều đánh giá cao vai trò của nông nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

17-31-58_dsc_0485
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

TS. Vũ Viết Ngoạn, Tổ tưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết, trong chương trình công tác năm 2018, Tổ sẽ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ chính sách, biện pháp tạo động lực tăng trưởng, nâng cao chất lượng nền kinh tế từ nay cho đến năm 2020, tầm nhìn 2025, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp - một lĩnh vực không chỉ có Tổ tư vấn mà cả xã hội đang quan tâm.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành Nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong 30 năm đổi mới, đặc biệt từ năm năm 1993 khi chúng ta có chủ trương giao 10 triệu ha đất nông nghiệp, 4 triệu ha đất rừng cho nông dân. Nhờ chính sách này, ngành Nông nghiệp đã có bước phát triển ngoạn mục, từ chỗ thiếu đói chúng ta đã đáp ứng đủ lương thực, thực phẩm cho hơn 90 triệu dân và xuất khẩu đạt mức kỷ lục 36,57 tỷ USD trong năm 2017, thặng dư thương mại 8,78 tỷ USD. Về xây dựng nông thôn mới, chúng ta đã có 2.884 xã (32,3%) và 43 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, chu trình 30 năm đổi mới đang tái khởi động lại từ lĩnh vực nông nghiệp. 30 năm trước, nông nghiệp đã tiên phong đi đầu trong đổi mới và quá trình cơ cấu lại nền kinh tế lại đang khởi động từ nông nghiệp.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đang có chuyển biến tích cực, khác biệt so với rất nhiều ngành kinh tế khác.

Ông Cung cho rằng, trong lĩnh vực công nghiệp, cơ cấu lại rất khó do chúng ta không thể quyết định sự chi phối trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thế nhưng, với lĩnh vực nông nghiệp và du lịch thì Việt Nam hoàn toàn có thể cơ cấu lại ngành thành công.

Theo Bộ NN-PTNT, sau gần 5 năm thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, ngành đang tạo được những chuyển biến tích cực, rõ nét, đó là: đã tạo sự thống nhất cao của toàn xã hội về tính tất yếu khách quan và yêu cầu cấp bách phải thay đổi căn bản nền sản xuất nông nghiệp nước ta theo hướng chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững. Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, thu nhập và đời sống cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng từ 18,6 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 29,2 triệu đồng năm 2016.
 

Hóa giải “nút thắt” để phát triển bền vững

Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nhờ thực hiện cơ cấu lại ngành mà sức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay là rất lớn, thậm chí có mặt hàng còn dư thừa. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn, đó là áp lực cạnh tranh khi nhiều nước lớn quan tâm, đầu tư cho nông nghiệp trong khi một số thị trường lại dựng lên các rào cản đối với nông sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, nước ta đang có hơn 8,6 triệu hộ dân và 78 triệu mảnh ruộng, trong khi ngành Nông nghiệp định hướng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung và tỷ lệ lao động trong nông nghiệp đang chiếm tới 42% là những lực cản rất lớn, cần phải có giải pháp tháo gỡ.

Chính vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mong muốn các thành viên của Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, đề xuất cách thức giảm nhanh tỷ lệ lao động trong nông nghiệp; tham mưu chính sách cụ thể để thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ; chính sách thu hút nguồn lực để tái cơ cấu hạ tầng, đặc biệt thủy lợi, điện, logistic...; chính sách phát triển thị trường; đặc biệt hoàn thiện các chính sách về đất đai để tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện đại.

Trao đổi tại buổi làm việc, nhiều thành viên của tổ tư vấn cho rằng cần có chính sách để tháo gỡ nút thắt về hạn điền đất đai. TS. Nguyễn Đình Cung nêu cụ thể: “Để lấy được 100-200 ha đất, phải mất đến 7-8 tháng và chúng ta phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc mới xong. Làm như vậy quá tốn kém, doanh nghiệp và người dân đầu tư vẫn không yên tâm do có rất nhiều rủi ro”. Chính vì thế, ông Cung kiến nghị, cần phải mở thị trường, tăng cầu sử dụng đất, đa dạng hóa cung và xây dựng hệ thống hỗ trợ giao dịch ít tốn kém và rủi ro.

Các thành viên Tổ tư vấn cũng nhấn mạnh đến việc tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp, phát triển công nghiệp phụ trợ và phát triển thị trường nông sản cả trong và ngoài nước. Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, Việt Nam nên định hướng phát triển công nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm, tuy vậy không phải sản phẩm nông sản nào cũng chế biến mà phải có sự lựa chọn, vì có nông sản bán tươi thì giá rất cao.

Về phát triển thị trường, theo ông Tuyển, muốn xuất khẩu nông sản đạt giá trị cao thì chúng ta phải có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và phải áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn này vào trong sản xuất kinh doanh, đồng thời chúng ta phải tiến hành sản xuất theo chuỗi, ổn định cung và kiểm soát chất lượng.

Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế đặc biệt nhấn mạnh đến việc hình thành các HTX để kết nối nông dân với các doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất khép kín, qua đó mang lại hiệu quả cao hơn cho nông dân.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Trận dông lốc kinh hoàng khiến hàng trăm hộ dân 'màn trời chiếu đất'

Bắc Kạn Rạng sáng ngày 18/4, dông lốc trên diện rộng làm hơn 580 ngôi nhà tại tỉnh Bắc Kạn hư hỏng, người dân và chính quyền địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm