| Hotline: 0983.970.780

Dinh thự cổ bị bức tử

Thứ Tư 04/12/2013 , 10:10 (GMT+7)

Đó là dinh thự cổ thổ ty tại huyện Bảo Lạc. Ngôi nhà này vốn tọa lạc trong khuôn viên khoảng 6000 m2, là nơi ở và làm việc của dòng họ Nông Quản Đạo - Nông Hồng Tân, nổi tiếng một thời...

Sau khi vụ cháy nhà Lang 100 tuổi ở Hòa Bình, các cơ quan chức năng đã phải tốn biết bao công sức, thời gian để làm rõ vụ việc này. Trong khi đó tại tỉnh Cao Bằng, có biết bao ngôi nhà và di tích cổ đang bị lãng quên và đứng trước nguy cơ biến mất như Nhà dinh thự cổ ở Bảo Lạc, Nhà đỏ ở Phia Đén (Nguyên Bình), đền Cao Tiên…

Điều tệ hại nhất là nó không biến mất bởi thiên tai, hỏa hoạn mà do chính sự thờ ơ của cơ quan hữu trách trong việc quản lý di tích.

Dinh thự trên 100 tuổi

Đó là dinh thự cổ thổ ty tại huyện Bảo Lạc. Ngôi nhà này vốn tọa lạc trong khuôn viên khoảng 6000 m2, là nơi ở và làm việc của dòng họ Nông Quản Đạo - Nông Hồng Tân, nổi tiếng một thời.

Ngôi nhà này chỉ còn tồn tại một phần rất nhỏ nhưng cũng đủ để người ta thấy cơ ngơi thật bề thế, hoành tráng không kém gì các di tích khác như dinh thự “vua mèo” Vương Chí Sình ở Hà Giang, hay Dinh thự thổ ty Hoàng A Tưởng ở Lào Cai...


Ngôi nhà còn sót lại trong quần thể dinh thự cổ thổ ty tại Bảo Lạc

Lật lại những trang sử, dòng họ này xuất hiện với những cái tên khá nổi tiếng cùng những chiến công lẫy lừng trong thế kỷ 18 và 19 như: Thổ ty Nông Văn Bật, Nông Văn Liêm, Nông Văn Vân, Nông Hùng Thạc… Có lẽ, do làm tốt công tác bảo tồn và phát huy được giá trị du lịch nên di tích tại hai tỉnh Hà Giang và Lào Cai được nhiều người biết đến hơn.

Trong các con cháu dòng họ Nông ở Bảo Lạc thì người nổi tiếng và có công với nhân dân và triều đình hơn cả là Nông Hùng Thạc (con trai Nông Văn Vân). Tháng 4/1868, Pháp đánh Nam Kỳ, nhà Nguyễn chấp nhận cho chúa Nông Hùng Thạc giữ quyền thổ ty, có quân đội riêng (chế độ cai trị hành chính của một xứ theo lệ thuyên chuyển trong dòng tộc). Nối tiếp gần hết thế kỷ 19, Nông Hùng Thạc cùng các con Nông Hùng Ân, Nông Hùng Phúc, Nông Hùng Tân đã cùng nhân dân các dân tộc vùng núi chống lại giặc Ngô Côn, Đặng Chí Hùng, Hoa Cửu, Lý Cửu, Trần Á Thụy…

Nông Hùng Thạc được triều đình thăng thưởng chức “Phòng ngự sứ Phủ Tương Yên”, gồm Bảo Lạc, Đại Man (Na Hang, Tuyên Quang) và Vị Xuyên (Hà Giang), hàm Chánh thất phẩm, ấp Thiên Hộ…

Con trai ông là Tri phủ Nông Hùng Tân cũng có công dẹp nhiều toán giặc cuối thế kỷ XIX như Tô Tử Bích (Lạo Xú), Trần Cao Hóa, Thi Thiên Đức, Nông Sinh Đạo, Hoàng Cửu, Lý Bại Cước…

Nhìn chung, cả 4 cha con thủ lĩnh Nông Hùng Thạc, trong suốt gần 100 năm đã lập được vô vàn chiến công trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm và dẹp yên các toán phản loạn, giữ yên được một vùng biên cương Bảo Lạc

Theo các tư liệu, ngôi dinh thự cổ ở đầu thị trấn Bảo Lạc hiện nay là do Tri phủ Nông Hùng Tân xây dựng. Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1890, với kiến trúc bằng gỗ rất khang trang, độc đáo, được tọa lạc ở một vị trí rất đắc địa.

Phần lưng của ngôi nhà tựa vào núi Vân Trung, mặt hướng ra dòng sông Năng xanh mát và cánh đồng Nà Bản rộng lớn.

Theo những người già ở đây kể lại, dinh thự này gồm 2 nhà chính với tổng diện tích trên 300 m2, được thiết kế thành 7 gian, 2 chái, với vật liệu chủ yếu là gỗ lim và nghiến, mái nhà được lợp bằng ngói âm dương, nền lát bằng gạch đất nung màu xám (13 x 28 cm).

Toàn bộ ngôi nhà có khoảng 72 cột, 2 cột to nhất ở giữa có đường kính trên 50 cm. Mỗi chân cột đều được kê lên một hòn đá xanh được chạm khắc hình rồng chầu nguyệt, dưới mỗi phiến đá đều được yểm một đồng bạc trắng. Xung quanh ngôi nhà được thiết kế nhiều gian nhà gỗ khác làm nơi ở cho các gia nhân và kẻ hầu người hạ. Ngoài ra còn khu chuồng ngựa có thể chứa được hàng trăm con ngựa, một khu sân rộng dùng tập luyện võ nghệ và chơi thể thao.

Đến năm 1909, con rể nạp tế của gia tộc tri châu Bảo Lạc là Nông Quảng Tuyên (tức Nguyễn Đình Giai) nâng cấp, tân trang và xây thêm một nhà gạch bên ngoài với kiến trúc phương Tây kết hợp kiến trúc địa phương. Khu nhà này có tường dày 40 x 40 cm, được xây bằng gạch đất nung, vôi và đường phên bản địa. Mỗi gian đều được thiết kế một lò sưởi và được nối với 2 ống khói trên mái nhà. Nếu nhìn tổng thể ngôi nhà có các đường nét hoa văn mang đậm kiến trúc Pháp, duy chỉ có phần mái là vẫn lợp ngói âm dương theo phong cách bản địa.

Sẽ phá bỏ?

Trải qua hơn một thế kỷ, từ năm 1890 đến nay, với biết bao thăng trầm của lịch sử, dinh thự cổ đặc biệt này chỉ còn giữ được duy nhất một ngôi nhà gạch phía ngoài, với dáng dấp cổ xưa và 2 cây dã hương cổ thụ trên 100 tuổi. Sau này, con cháu gia tộc họ Nông theo cách mạng, trong đó có ông Nông Gia Long (Trần Kiên), nay nghỉ hưu tại TP Hồ Chí Minh với quân hàm đại tá. Gia tộc hiến lại dinh thự dòng họ cho chính quyền địa phương làm trụ sở MTTQ và các đoàn thể huyện Bảo Lạc.

Điều đáng buồn nhất là không hiểu vì lý do gì, chính quyền địa phương đã cho phá toàn bộ khu nhà gỗ, và chỉ giữ lại duy nhất ngôi nhà gạch để làm trụ sở của chính quyền. Ngay cả khuôn viên của dinh thự đến nay cũng chỉ còn khoảng 3000 m2, phần còn lại đã được chính quyền cấp cho các hộ dân để làm đất ở.

Sau này, con cháu bên ngoại họ Nông là họ Dương có về xin lại một ít đất để xây nhà thờ họ và chính quyền địa phương đã “linh động giải quyết”. Tuy nhiên, hiện nay gia đình ông Dương Tấn lấy đất để xây nhà ở mà không hề xây nhà thờ họ.

Trong khi chưa có giải pháp nghiên cứu, bảo tồn, ngày 18/11/2013, huyện Bảo Lạc có cuộc họp lấy ý kiến các cấp, ngành chức năng về việc phá dỡ Dinh thự họ Nông Bảo Lạc để xây dựng trụ sở của UBND thị trấn Bảo Lạc. Sự việc trên khiến nhiều người dân, các nhà nghiên cứu, trí thức và dư luận nhân dân lo ngại, bức xúc.

Đáng ngạc nhiên là trong cuộc họp này, lãnh đạo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã không tham dự (dù được mời). Theo ông Trương Minh So, Bí thư Huyện Bảo Lạc, người trực tiếp chủ trì cuộc họp thì trừ đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch của tỉnh ra, hầu hết các đại biểu tham dự cuộc hội thảo đều nhất trí với phương án phá bỏ dinh thự cổ này để xây dựng trụ sở UBND thị trấn Bảo Lạc.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.