| Hotline: 0983.970.780

Định Tường - nơi con người là hoa của đất

Thứ Năm 28/08/2008 , 07:45 (GMT+7)

Có về Định Tường mới biết mảnh đất này, con người đã biến không thành có, thật đúng với câu “Con người là hoa của đất”.

Xã Định Tường, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá là địa phương thuần nông có tổng diện tích tự nhiên 674ha, trong đó 405ha đất canh tác. Có thể nói Định Tường ít được sự ưu đãi của thiên nhiên: không sông ngòi, bến bãi, không chợ, không nghề truyền thống. Nhưng có về Định Tường mới biết mảnh đất này, con người đã biến không thành có. Thế mới biết câu ca muôn đời vẫn truyền tụng trong dân gian rằng: “Con người là hoa của đất” thật đúng với Định Tường.

Anh Trần Ngọc Côn- PCT UBND xã Định Tường không giấu diếm điều gì mà tự bạch một cách chân tình, mộc mạc như củ khoai, hạt lúa vậy. Anh nói: “Định hướng CNH- HĐH nông nghiệp nông thôn được Đảng bộ Định Tường xác định ngay từ năm 1996. Lúc đó chúng tôi đã thực hiện bước đột phá, chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa một cách nhanh chóng, có hiệu quả, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ. Có thể nói thành công đó như một mô hình vì sau đó Hội thảo về vấn đề này đã được tổ chức tại xã và nhân rộng ra các địa phương khác”.

Từ đó, ruộng đồng Định Tường không còn manh mún nữa, đồng thời đã quy hoạch được hệ thống GTTL nội đồng một cách đồng bộ, thuận lợi cho việc thâm canh. “Nhìn những cánh đồng thẳng cánh cò bay, chúng tôi lại suy nghĩ. Ruộng đất đó sẽ cho cây gì, con gì phát triển trên đó”- anh Côn tâm sự. Từ những trăn trở ấy, đồng ruộng Định Tường được xây dựng thành các vùng sản xuất chuyên canh, đưa cơ giới hoá, tiến bộ KH và công nghệ sinh học vào thâm canh tăng năng suất, tăng hệ số sử dụng đất đai trong năm. Hằng năm sản xuất được hàng trăm ha giống lúa lai, ngô lai F1 và hàng trăm ha hạt giống lúa thuần nguyên chủng, góp phần tăng giá trị thu trên đất canh tác và tăng thu nhập cho người lao động.

Từ năm 2004 đến nay, Định Tường đã tự sản xuất được các giống lúa, ngô đạt chất lượng cao cho cả hai vụ trong năm. Điều đáng nói là giờ đây giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích của xã là rất cao, con số 50 triệu đồng/ha đối với Định Tường đến nay đã đạt 100% diện tích canh tác và đang vươn tới 60- 70 triệu/ha. Riêng vụ xuân 2008, giá trị sản xuất thu từ làm giống chiếm 40% tổng giá trị của ngành trồng trọt. Trong 405ha đất canh tác thì hiện có 200ha chuyên dùng cho việc sản xuất lúa giống, với phương châm tạo sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng cao, hàng hoá có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường. Giống lúa từ Định Tường đã xuất bán ở nhiều huyện trong tỉnh và một số tỉnh bạn.

Nhà anh Trịnh Hữu Hạnh- ở thôn Lý Yên là một ví dụ cho gương sáng nông dân sản xuất giỏi. Vợ chồng anh Hạnh và hai đứa con chỉ được 1 sào ruộng khoán, không có ngành nghề phụ, anh mạnh dạn đấu thầu và mượn thêm ruộng của những gia đình khác để làm. Hai mẫu ruộng, vụ chiêm xuân vừa qua, anh cấy lúa Q5 16 sào và 4 sào làm ngô. Mặc dầu chịu tác động của rét hại rét đậm đầu năm nhưng với sự cần mẫn của anh chị nên kết quả thu hoạch đã mang lại niềm vui cho gia đình. Bà Trịnh Thị Hào- mẹ anh Hạnh thật thà nói: “Riêng lúa được khoảng 7 tấn, ngô thì tôi không biết được bao nhiêu nhưng vừa rồi vợ chồng nó xuất bán 4 tấn lúa được 35 triệu và bán 1,1 tấn ngô được 10 triệu nữa. Tôi rất mừng vì các con chăm chỉ làm ăn nuôi được hai đứa cháu học giỏi”.

Song song với lĩnh vực trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng được Định Tường đặc biệt quan tâm phát triển. Từ năm 2000, chính quyền đã cử cán bộ đi tiếp cận, học hỏi chương trình nạc hoá đàn lợn và Sind hoá đàn bò. Sau 5 năm thực hiện, đến nay toàn xã có trên 900 con lợn nái ngoại nuôi ở 9 trang trại, trong đó có 2 khu trang trại tập trung theo tiêu chí của tỉnh với gần 3.000 con trâu bò. Sau những năm thực hiện chương trình Sind hoá, đến nay 60% tổng đàn bò đã được cải tạo dáng vóc. Nhiều hộ gia đình thoát nghèo, tiến tới làm giàu từ hiệu quả trong chăn nuôi lợn.

Định Tường có 5 thôn đều đạt tiêu chí làng văn hoá cấp tỉnh. Các cấp học và trạm y tế xã đạt chuẩn Quốc gia năm 2004. Đời sống người dân đang được cải thiện ngày một giàu có, tỷ lệ hộ nghèo chỉ chiếm 8% (huyện là 12%). Lương thực bình quân đầu người đạt 691kg, GDP bình quân đầu người đạt 8,5 triệu đồng/năm (so với năm 2001 tăng 5,7 triệu đồng). Mạng lưới GTNT 100% được bê tông hoá, nhựa hoá; 100% người dân sử dụng nước sạch; hằng năm có 55- 63 em học sinh trúng tuyển vào các trường CĐ- ĐH… Năm 2007, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Định Tường vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng trong thời kỳ Đổi mới.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm