| Hotline: 0983.970.780

Đìu hiu La Phù

Thứ Tư 08/08/2012 , 11:08 (GMT+7)

Cùng với rất nhiều làng nghề khác, La Phù cũng chịu chung số phận khi thị trường tiêu thụ giảm sút, sản xuất kinh doanh đình đốn...

Nhiều xưởng dệt ở La Phù ngưng hoạt động

“Không còn cảnh tắc đường, kẹt xe; không còn cảnh nhộn nhịp hàng chục nghìn người ở khắp nơi đổ về đây tìm việc. Hàng chục năm nay, chưa bao giờ làng tôi lại trầm đến thế”, Phó chủ tịch UBND xã La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) Tạ Công Luận mở đầu câu chuyện khi có người hỏi về làng nghề của xã.

Theo lời ông Tạ Công Luận thì La Phù xưa kia vốn có nghề dệt truyền thống nổi tiếng khắp kinh kỳ với những sản phẩm the lụa tiến vua nổi tiếng. Sau ngày hòa bình lập lại, người La Phù đi nhiều nơi buôn bán. Nhờ tính năng động, người làng xoay chuyển rất nhiều nghề. Ban đầu là làm tinh bột để nấu nha, sau thấy nghề tinh bột ô nhiễm nên chuyển sang chỉ nấu nha và làm bánh kẹo. Đồng hành cùng nghề này, người dân trong xã còn phát triển nghề dệt kim: Bít tất, khăn bông, dệt len… xuất khẩu.

Thời điểm những năm 1995-2010, là lúc hưng thịnh nhất của làng nghề. Thời gian đó, La Phù được biết đến là một trong những làng giàu có bậc nhất xứ Bắc. Là khu vực nông thôn nhưng La Phù đã quy tụ hàng trăm các Cty, doanh nghiệp. Làng nghề như một công xưởng lúc nào cũng hối hả. Cả làng có hơn 100 Cty, doanh nghiệp và hàng nghìn hộ sản xuất, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như: Cty TNHH Minh Phương, Đông Đô, Vĩnh Thịnh...

Cả xã La Phù có khoảng 8.000 máy dệt len, gần 500 máy dệt tất tự động, ngoài ra còn có nhiều thiết bị hiện đại như máy dệt vi tính, máy thêu vi tính… chuyên dệt kim xuất khẩu sang Nga và các nước Đông Âu. Không chỉ phát triển nghề dệt, hàng trăm các hộ dân khác còn đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại phát triển nghề làm bánh kẹo, tiêu thụ thị trường nội địa và một phần xuất khẩu sang các nước Châu Phi.

Trong làng, lúc nào cũng có chừng 15.000 lao động đổ về đây làm thuê, làm công nhân. Ngoài lao động đổ về làng, người La Phù còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động vệ tinh ở các xã lân cận như: Cộng Hòa, Tân Phú (Quốc Oai), Đông La, An Khánh (Hoài Đức), Lại Yên (Chương Mỹ)… Người La Phù tự hào rằng tuy là nông dân song họ đã viết nên những câu chuyện thần kỳ của mình trong phát triển kinh tế, góp phần đưa doanh thu của xã đạt hàng trăm tỷ đồng mỗi năm…

Thế nhưng, cùng với rất nhiều làng nghề khác, La Phù cũng chịu chung số phận khi thị trường tiêu thụ giảm sút, sản xuất kinh doanh đình đốn, làng nghề thịnh vượng thủa nào nay trong cảnh đìu hiu, người làm nghề ngậm ngùi xoay xở đủ nghề để có thêm thu nhập.

Có mặt ở Cty TNHH Minh Phương, một doanh nghiệp đầu tàu của xã trong lĩnh vực hàng dệt kim xuất khẩu, nay lao động chỉ còn lại lèo tèo ở một vài phân xưởng. Giám đốc Cty Tạ Tương Huỳnh thở dài: “Cả đời tôi hơn 30 năm gắn bó với nghề dệt chưa bao giờ thấy sản xuất khó khăn như vậy. Để phục vụ sản xuất, doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục tỷ đồng mua máy móc các loại, trong đó có những chiếc máy dệt vi tính cả tỷ đồng/chiếc. Tuy nhiên, hiện số máy móc đầu tư chỉ hoạt động khoảng 30% công suất. Không ít máy móc “đắp chiếu” lâu ngày không sản xuất đã hoen rỉ”.

Khi làng nghề phát triển sôi động, ở xã hầu như không có tệ nạn xã hội bởi người người, nhà nhà cuốn vào guồng máy sản xuất thì nay tệ nạn xã hội cũng bắt đầu nhen nhóm. Xã La Phù đang rất cần sự tiếp sức hỗ trợ đồng bộ của các ngành chức năng để cấp cứu làng nghề thoát khỏi cơn khủng hoảng.

Từ chỗ 1.000 công nhân, làm không hết việc, đến nay Cty chỉ còn giữ lại 200 công nhân. Nguyên nhân do thị trường xuất khẩu giảm, doanh nghiệp phải làm gia công cho các doanh nghiệp phía Trung Quốc cốt để giữ chân người lao động và hoạt động để bảo dưỡng máy móc.

Thống kê của UBND xã La Phù, đầu năm 2011, cả xã có gần 150 Cty, hộ sản xuất thì cuối năm 2011, 20 Cty đã phải “đóng cửa” do không hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước. Đến thời điểm hiện tại, cả xã chỉ còn 120 Cty, hộ sản xuất, nhưng nếu để hoạt động thực tế chỉ chiếm 50%.  Anh Nguyễn Văn Bảo, xóm Hoa Thám, đã có hàng chục năm gắn bó với nghề dệt, mới đây cũng phải chuyển nghề sang làm bánh kẹo.

Ông Tạ Công Thanh, chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức, cũng là người xã La Phù, tâm sự: Lúc hưng thịnh, nhiều hộ ở La Phù đã đầu tư cả trăm triệu đồng mua máy móc, thuê nhân công phục vụ sản xuất. Song hiện nay đa số các hộ đều cắt giảm lao động chỉ tận dụng lao động trong gia đình. Thị trường xuất khẩu giảm, làng nghề chủ yếu tập trung vào hàng nội địa, sản xuất cầm chừng.

Hơn nữa, các doanh nghiệp hiện đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn do vay vốn với lãi suất cao, mặc dù gần đây ngân hàng có động thái giảm lãi suất nhưng doanh nghiệp vẫn chưa được tiếp cận. Ngoài ra, giá nguyên vật liệu đầu vào như điện, lương công nhân, giá thuê đất đều tăng khiến sản xuất không có lãi…

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất