| Hotline: 0983.970.780

DN cài bẫy người lao động

Thứ Ba 29/03/2011 , 10:59 (GMT+7)

Cty cổ phần Hà Anh (Thái Nguyên) thu tiền đặt cọc khi tuyển lao động nhưng khi nghỉ việc người lao động lại mất trắng số tiền này.

Là người sử dụng lao động, Cty cổ phần Hà Anh (huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) tự đặt ra quy chế với thế “chiếu trên” để thu tiền đặt cọc khi tuyển dụng lao động. Nhưng đến khi người lao động nghỉ việc vì những lý do khác nhau thì số tiền cọc này cũng lặn mất tăm như những lời hứa suông của lãnh đạo Cty.

Tuyển dụng hay tuyển tiền?

Trong các năm 2008, 2009 và 2010, theo quy chế tuyển dụng của Cty, để được vào làm việc, người lao động phải đóng tiền đặt cọc. Như năm 2008, vị trí công nhân phải đóng tiền cọc 10 triệu đồng, vị trí bảo vệ và kế toán là 12 triệu đồng. Đến năm 2009, số tiền cọc được giảm xuống tương ứng là 3 triệu đồng và 5 triệu đồng/người. Trong quá trình làm việc nếu người lao động vi phạm kỷ luật, bị phát hiện mắc tệ nạn xã hội hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì sẽ bị thanh lý HĐLĐ mà không được trả lại tiền đặt cọc. Điều đáng nói là theo quy định của Cty, số tiền này sẽ được hoàn trả lại cho người lao động sau ba năm làm việc liên tục. Tuy nhiên, HĐLĐ được ký dài nhất chỉ là 1 năm.

Với chiêu bài đơn giản như vậy mà nhiều người lao động đã đóng tiền đặt cọc vào Cty coi như bị mất trắng vì nhiều lý do khác nhau. Chị Nguyễn Thị Mây (xóm Hương Đình 2, xã Tân Hương, huyện Phổ Yên) làm việc ở tổ may từ tháng 2/2009. Chị Mây đặt cọc 10 triệu đồng, thử việc hai tháng với mức lương 600 nghìn đồng/tháng và lời hứa sẽ tăng lương trên 1 triệu đồng/tháng sau thử việc. Chị Mây cho biết: "Thực tế tôi chưa bao giờ nhận được số tiền như đã hứa vì Cty không đủ việc làm”.

 Lương thấp, thời gian làm việc kéo dài căng thẳng đã khiến chị Mây từng bị sảy thai nên gia đình đã khuyên chị đi tìm việc nơi khác. Khi xin nghỉ việc, ban đầu Cty hứa sẽ trả lại tiền đặt cọc nhưng lời hứa này vẫn không được thực hiện. Chị Nguyễn Thị Vân Anh được tuyển dụng vào làm kế toán tháng 1/2010 với số tiền đặt cọc 5 triệu đồng. Chị Vân Anh phải thử việc 5 tháng liền vẫn chưa được ký HĐLĐ. Sang tháng thứ 6, Cty điều chuyển chị sang bộ phận khác, chị đã làm đơn xin nghỉ việc nhưng Cty không trả lại tiền đặt cọc.

Đã có hàng chục người lao động phản ánh số tiền của họ vẫn nằm lại Cty sau khi không còn làm việc ở đó nữa. Chỉ tính riêng những lao động này thì số tiền đặt cọc đã lên đến hàng trăm triệu đồng.

Đuổi việc như đùa

Quyết định buộc thôi việc ông Nguyễn Kiên Cường (bảo vệ) mang số 72/QĐ-HA của Cty cổ phần Hà Anh ra ngày 22/4/2010 chẳng những thể hiện lãnh đạo Cty này thiếu kiến thức về pháp luật lao động mà còn tùy tiện trong việc đuổi người lao động. Quyết định này có hàng loạt điểm vô lý. Cụ thể, quyết định không nêu được căn cứ vào điều khoản nào của Bộ luật Lao động và hướng dẫn thi hành kỷ luật mà chỉ có căn cứ theo điều lệ hoạt động Cty, tình hình sản xuất kinh doanh tháng 4/2010 và biên bản xét kỷ luật ngày 22/4. Phía trên quyết định ghi: “Quyết định của Phó Giám đốc Cty cổ phần Hà Anh”, nhưng phía dưới lại ghi tên và chữ ký của giám đốc Trần Quốc Huy.

Sau khi bị buộc thôi việc, số tiền 12 triệu đồng ông Cường đặt cọc để làm bảo vệ đương nhiên không được Cty trả lại. Tương tự, anh Dương Việt Hà, làm công nhân tổ dệt từ tháng 2/2008 đến tháng 11/2009 còn bị đuổi việc mà không nhận được quyết định. Khi đó Cty ít việc nhưng vẫn bắt công nhân đến làm mà lại không tính công, công nhân tổ dệt phản ứng thì bị đình chỉ công việc. Sau đó, ở khu vực bảo vệ có dán thông báo không được phép đến Cty nữa. Số tiền đặt cọc vào Cty coi như mất trắng. Nhiều người lao động khác cũng chung số phận mất tiền đặt cọc vì bị buộc thôi việc với những lý do không rõ ràng.

Thách đố

Trong các văn bản trả lời cơ quan chức năng, Cty cổ phần Hà Anh biện minh lý do thu tiền đặc cọc theo quy chế của Cty là để “người lao động làm việc lâu dài và chia sẻ phần nào chi phí đào tạo mà doanh nghiệp đã bỏ ra”.

Ông Đỗ Đức Thắng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Luật Lao động hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành không có một điều khoản nào cho phép người sử dụng lao động được phép thu tiền đặt cọc của người lao động”. Theo điều 23 Nghị định 139/2006/NĐ-CP: Các khoản đầu tư, tài trợ và các chi phí hợp lý khác của DN cho dạy nghề được trừ khi tính thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật thuế thu nhập DN. Như vậy không thể bắt người lao động “chia sẻ” chi phí đào tạo nghề được.

Sai phạm không thể chối cãi, đầu tháng 1/2011, Cty cổ phần Hà Anh đã ra thông báo trả lại tiền đặt cọc mà phía Cty gọi là “tiền nộp quy chế” cho toàn bộ người lao động đã thôi việc trước ngày 31/12/2010. Theo đó, người lao động đem theo phiếu thu tiền đến phòng kế toán Cty để được thanh toán. Tuy nhiên, thông báo này lại cài những quy định “đánh đố” người lao động. Theo đó, đối tượng của thông báo này là người lao động đã không còn làm việc tại Cty nhưng nơi nhận được ghi: Thông báo Cổng bảo vệ, Bản tin Cty. Thông báo được dán trong phòng bảo vệ Cty thì sẽ có bao nhiêu người lao động đã nghỉ việc trong vòng hai năm qua biết được thông báo này?

Chưa hết, Cty này còn tự ý đặt ra quy định chỉ trả tiền trong hai ngày 10 và 11/01, nếu người lao động không đến hoặc không xuất trình đủ giấy tờ cần thiết thi Cty sẽ không chịu trách nhiệm. Bằng quy định vô lối này, Cty CP Hà Anh đã tự cho phép mình đoạt số tiền đặt cọc của người lao động đã nghỉ việc nếu họ không biết đến thông báo được dán trong phòng bảo vệ.  

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất