| Hotline: 0983.970.780

Viết tiếp bài: "Khi doanh nghiệp bội tín"

DN nói có, dân bảo không!

Thứ Hai 26/05/2014 , 09:26 (GMT+7)

Đến nay Lasuco vẫn chưa có một động thái nào về việc thanh, kiểm tra quá trình thực hiện chính sách của Cty Lam Sơn – Bá Thước.

* Chủ tịch UBND huyện Bá Thước: "Huyện không thấy có văn bản tạm dừng nào của Lasuco"!

Chính sách hỗ trợ chuyển đổi trồng mía (Thông báo số 663 TB/ĐLS-KH) của Cty CP Mía đường Lam Sơn (Lasuco), đóng tại huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) được áp dụng từ niên vụ 2011/2012 đến 2014/2015. Nhưng, vừa triển khai được 1 năm, Lasuco đã âm thầm tạm dừng mà không hề thông báo khiến dư luận và người trồng mía vô cùng bức xúc, cho rằng Lasuco đã cho nông dân ăn “bánh vẽ”.

Sau khi báo NNVN ngày 15 và 16/5/2014 đăng tải 2 bài viết “Chuyển đổi cây trồng: Khi doanh nghiệp bội tín”, dư luận ở Thanh Hóa tỏ rõ sự bất bình trước cách làm của Lasuco và Cty CP Đầu tư phát triển Lam Sơn – Bá Thước (Cty con của Lasuco – PV).

Ngày 20/5/2014, chúng tôi có buổi làm việc với ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Lasuco để làm rõ những phản ánh của người trồng mía các xã Điền Quang, Lương Trung, Điền Lư… huyện Bá Thước. Trong buổi làm việc này, ông Tam khẳng định: Cty Lam Sơn – Bá Thước đã thực hiện đúng các chính sách do Lasuco ban hành và “Không có vấn đề gì”.

Ông Tam lý giải rằng, những con người xấu ông không thể chọn lên Cty Lam Sơn – Bá Thước, hơn nữa báo cáo giải trình của Cty cho thấy, niên vụ mía 2011/2012, Cty đã hỗ trợ và thanh toán cho nông dân hơn 700 triệu đồng.

PV hỏi: “Nhưng tại sao ông Giang, Phó giám đốc trả lời với các chủ hợp đồng (HĐ) chính sách hỗ trợ 663 đang thực hiện và bảo người dân chờ?”, ông Tam nhấn mạnh: “Anh Giang phát ngôn sai. Nếu cô nghe anh Giang cô sẽ sai lầm, cho nên cô đừng nghĩ tôi giao nhiệm vụ các anh Phó giám đốc phản ánh trung thực là đúng đâu”. Hóa ra, nói như ông Tam, đến cả lời của Phó giám đốc cũng không tin được, vậy nông dân phải tin ai, tìm ai để đòi quyền lợi (?).

Theo các hộ dân xã Lương Trung: “Mặc dù nói đầu tư không tính lãi cho người trồng mía nhưng cuối vụ thu hoạch, Cty Lam Sơn – Bá Thước trừ nợ các khoản cao hơn giá thị trường rất nhiều. Điển hình, tiền thuê máy ngoài khai hoang hết 4 triệu đồng/ha nhưng Cty lấy 6,8 – 6,9 triệu đồng/ha; cùng một loại phân của Cty phân bón Lam Sơn, mua ngoài 3,8 – 4 triệu đồng/tấn nhưng Cty thu 5 triệu đồng/tấn; các chi phí khác như thuốc BVTV, giống… tất cả đều cao hơn giá mua bên ngoài”.

Một thực tế đáng buồn nữa là sau khi những phản ánh của người dân được đăng tải trên báo NNVN, đến nay Lasuco vẫn chưa có một động thái nào về việc thanh, kiểm tra quá trình thực hiện chính sách của Cty Lam Sơn – Bá Thước.

 “Trước hết chúng tôi chỉ lấy ý kiến tự giác của Cty Lam Sơn – Bá Thước. Bởi hàng năm Lasuco có ban kiểm soát đi thanh tra về việc thực hiện các thông báo chính sách hỗ trợ này”, ông Tam nói. Khi PV đề nghị được làm việc với ban kiểm soát, ông Tam không đồng ý.

Mặc dù mới chỉ nghe cấp dưới báo cáo, chưa nắm lại thông tin từ chính quyền địa phương cũng như nghe ý kiến người dân, nhưng ông Tam lại khẳng định: “Những hộ dân trong bài báo phản ánh đã lấy tiền đầu tư để đi làm việc khác, bán bò cũng là để đi miền Nam làm việc khác”.

Liên quan đến chính sách “Hỗ trợ 2 triệu đồng/ha cho những diện tích chuyển đổi từ đất trồng sắn và các cây trồng khác sang trồng mía lâu dài; 2 triệu đồng/ha tiền khai hoang đối với diện tích đất trồng rừng chuyển sang trồng mía; hỗ trợ tiền cước vận chuyển giống mía cho những diện tích chuyển đổi lần đầu sang trồng mía lâu dài và diện tích mía phá gốc trồng lại theo thực tế.

Diện tích khai hoang, mở rộng được thu nợ trong 2 năm, mỗi năm 50% bằng tiền bán mía cho Lasuco”, ông Tam cho hay: Chính sách trên là do ông ký ban hành, nhưng chỉ thực hiện vụ mía 2011/2012, các niên vụ sau do “gặp trắc trở nên Cty đã bàn với dân để khắc phục, điều chỉnh”.

Ông Tam cũng khẳng định: “Khi tạm dừng chính sách, Lasuco có thông báo bằng văn bản đến từng Cty con để triển khai”.

Ông Trương Văn Phòng, thôn Quang Trung: “Khi Lasuco đưa cây mía về phát triển trên địa bàn cùng với việc ban hành chính sách hỗ trợ, người trồng mía rất phấn khởi. Nếu nhà máy gặp khó khăn chúng tôi sẵn sàng thông cảm, chia sẻ, không đòi hỏi gì. Nhưng nhà máy dừng chính sách mà không nói gì thì không thể chấp nhận được”.

Để nắm thêm thông tin, chúng tôi tìm gặp ông Lê Bá Chiều, Giám đốc Cty Lam Sơn – Bá Thước. Ông Chiều cho biết: “Vụ mía năm 2011/2012, cả 2 chính sách 473 và 663 đã được Cty thực hiện đầy đủ 100% và không có chuyện thu nợ hết 100% ngay từ vụ thu hoạch mía đầu tiên”.

Còn đối với việc tạm dừng chính sách 663 “Văn bản thì không có nhưng Lasuco có chủ trương tạm dừng và Cty Lam Sơn – Bá Thước cũng đã thông báo với xã, chủ HĐ, thậm chí những HĐ lớn chúng tôi tổ chức họp dân để thông báo”.

Nhưng, khi trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Quy, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước và ông Cao Thượng Xuân, Chủ tịch UBND xã Lương Trung đều khẳng định, địa phương chưa nhận được thông báo nào của Lasuco cũng như Cty Lam Sơn – Bá Thước về việc tạm dừng thực hiện chính sách hỗ trợ người trồng mía!

“Huyện không thấy có văn bản tạm dừng nào của Lasuco. Chỉ nhớ một vài lần tôi hỏi bác Tam, bác ấy bảo Cty đang khó khăn chưa triển khai được. Vì chỉ nói bằng lời với nhau nên huyện không thể triển khai thông báo với dân được”, Chủ tịch huyện Bá Thước Nguyễn Văn Quy nói.

Chiều 22/5, chúng tôi tiếp tục làm việc với chính quyền và người trồng mía xã Lương Trung và Điền Quang. Theo phản ánh của các chủ HĐ và người trồng mía, họ cũng không nhận được thông tin nào về việc tạm dừng chính sách hỗ trợ 663.

Anh Đoàn Văn Sỹ, thôn Trung Thủy, xã Lương Trung nhớ lại: Cuối năm 2011 anh nhận được thông báo chính sách 663 từ ông Lê Công Diện, cán bộ địa bàn. Sau khi nghiên cứu, anh ký HĐ phá 5 ha luồng và 6 ha sắn, đất màu khác chuyển sang trồng mía cho Cty niên vụ 2012/2013.

Lúc này, ông Diện bảo khi chuyển đổi cây luồng và các cây trồng khác sang trồng mía anh Sỹ sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; thu nợ đầu tư trong 2 năm, mỗi năm 50%; hỗ trợ tiền vận chuyển ngọn giống…nhưng cho đến nay tiền hỗ trợ anh Sỹ không nhận được, trong khi tiền bán mía bị Cty trừ nợ 100% ngay từ vụ đầu tiên.

“Nhiều lần tôi hỏi ông Diện và kế toán Cty nhưng họ cứ bảo chưa có, từ từ, Cty đang gửi văn bản xuống Lasuco. Hỏi nhiều lần không được, tôi chán chả buồn hỏi nữa. Cty Lam Sơn – Bá Thước nhiều lần hứa rồi lại thất hứa”, anh Sỹ thở dài.

Ngoài hộ anh Sỹ, ở xã Lương Trung còn có nhiều hộ cùng chung cảnh ngộ như ông Trương Cộng Sản, Trương Văn Phòng, Trương Bá Dừa, Bùi Văn Ngọ, Bùi Đức Hai… đều thực hiện khai hoang, phá luồng, phá cây màu từ cuối năm 2011 để trồng mía nhưng không nhận được hỗ trợ theo thông báo chính sách.

Trở lại khẳng định của ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Lasuco: “Chính sách 663 chỉ áp dụng với những chủ HĐ hoặc đại diện cho một nhóm người ký HĐ, tức là người nào có HĐ và trong HĐ ghi rõ được hỗ trợ thì Cty mới hỗ trợ”. Tuy nhiên, đối chiếu HĐ của một hộ dân được hưởng chính sách ở xã Tân Lập và một hộ không được hỗ trợ ở xã Lương Trung, cả 2 HĐ đều có nội dung như nhau (chỉ khác thời gian ký HĐ), không ghi chi tiết từng mục hỗ trợ như lãnh đạo Lasuco và Cty Lam Sơn – Bá Thước nói.

Đặc biệt, theo căn cứ trên HĐ, những hộ dân được hưởng chính sách năm 2011/2012 là thực hiện theo chính sách 473 chứ không phải 663. Như vậy, việc người dân hoài nghi Lasuco cho người dân ăn “bánh vẽ” là có cơ sở.

Thông báo số 663 TB/ĐLS-KH ngày 22/8/2011 về “chính sách đầu tư phát triển mía vụ 2011/2012 đến 2014/2015 cho các Cty CP Đầu tư phát triển tại các huyện” do Chủ tịch HĐQT Lasuco Lê Văn Tam ký nêu rõ:

Hỗ trợ 2 triệu đồng/ha cho những diện tích chuyển đổi từ đất trồng sắn và các cây trồng khác sang trồng mía lâu dài; 2 triệu đồng/ha tiền khai hoang đối với diện tích đất trồng rừng chuyển sang trồng mía;

Hỗ trợ tiền cước vận chuyển giống mía cho những diện tích chuyển đổi lần đầu sang trồng mía lâu dài và diện tích mía phá gốc trồng lại theo thực tế. Diện tích khai hoang, mở rộng được thu nợ trong 2 năm, mỗi năm 50% bằng tiền bán mía cho Lasuco...

 

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất