| Hotline: 0983.970.780

DN TĂCN ngại vào diện bình ổn giá

Thứ Hai 15/11/2010 , 10:33 (GMT+7)

Vấn đề nóng được các “ông lớn” trong ngành SX TĂCN quan tâm không phải là bàn bạc để hạ giá thành TĂCN, mà đồng loạt kêu lỗ, kêu khổ...

Nhiều ý kiến cho rằng, các DN được tham gia chương trình bình ổn giá đang “hốt bạc” nhờ hưởng vốn vay ưu đãi, giá hàng hóa lại cạnh tranh. Thế nhưng ngược đời là các DNSX thức ăn chăn nuôi (TĂCN) lại đang nằng nặc xin rút khỏi chương trình này.  

Trước tình hình giá hàng loạt nguyên liệu TĂCN, đặc biệt là nguyên liệu NK liên tục leo thang thời gian gần đây, cuối tuần qua, Hiệp hội TĂCN Việt Nam đã triệu tập gấp một hội nghị bất thường. Tuy nhiên, vấn đề nóng được các “ông lớn” trong ngành SX TĂCN quan tâm không phải là bàn bạc để hạ giá thành TĂCN, mà đồng loạt kêu lỗ, kêu khổ vì không may bị liệt vào danh sách các DN phải thực hiện chương trình bình ổn giá.  

Nguyên nhân chủ yếu là sau hơn một năm thực hiện, gần 10 DN lớn trong ngành SX TĂCN được chỉ định thực hiện chương trình này đều quyết liệt cho rằng, họ bị chỉ định như vậy là không công bằng. Đặc biệt là về cơ chế xin tăng giá hiện nay đang “hành” DN đủ điều, khi mà giá nguyên liệu TĂCN thời điểm này đang nhảy múa từng ngày. 

Lý Anh Dũng, GĐ Cty TNHH Thương mại Quang Dũng (TP.HCM) – một trong 8 DN được chỉ định thực hiện chương trình bình ổn giá TĂCN từ cuối năm 2009 nêu dẫn chứng, hiện nay các DNSX TĂCN nước ngoài tại Việt Nam nắm giữ tới hơn 60% tổng sản lượng. Trong đó có những DN thậm chí lớn hơn cả DN trong nước. Thế nhưng khi lựa chọn DN phải thực hiện chương trình bình ổn giá thì Bộ Tài chính lại chỉ chọn ra 8 DN của Việt Nam mà thôi.  

Ông Dũng cho rằng, đây là điều hết sức không công bằng cho các DN trong nước, khi mà họ buộc phải luôn luôn bán sản phẩm với giá thấp hơn nhiều so với các DN nước ngoài có cùng sức cạnh tranh. Đồng tình với quan điểm này, đại diện Cty cổ phần Việt Pháp SX thức ăn gia súc Proconco gay gắt khẳng định, kể từ khi phải thực hiện chương trình bình ổn giá, Cty này lỗ không dưới 20%. 

 “Chính sách đưa ra thì phải bình đẳng giữa các DN chứ? Tại sao cả nước có tới hơn 200 DNSX TĂCN, lại chỉ bắt 8 DN trong nước bị liệt vào danh sách bình ổn giá? Đã thế, cái khổ nữa là chúng tôi lại liên tục bị cơ quan chức năng, nào quản lí thị trường, nào thanh tra... suốt ngày lôi ra kiểm tra. Đó là chưa kể mỗi lần điều chỉnh giá còn cơ cực hơn nữa” – vị này khổ sở. 

Xoáy sâu về thủ tục xin tăng giá, hầu hết các DN tham gia chương trình bình ổn giá đều tỏ thái độ bức xúc bởi hiện nay, mỗi lần DN muốn tăng giá đều phải có hồ sơ giải trình cơ cấu giá trình Cục Quản lí giá (Bộ Tài chính) để chờ quyết định. Mỗi lần như vậy, DN phải chờ có khi cả tuần. Trong khi đó, giá cả nguyên liệu hiện nay lại biến động hàng giờ. Vì vậy các DN cho rằng, việc làm báo cáo giải trình cơ cấu giá tại từng thời điểm là điều không khả thi. 

 “Về nguyên tắc thì sau 2 ngày nộp hồ sơ, nếu không nhận được phản hồi từ Cục Quản lí giá thì DN có quyền ra quyết định tăng giá. Tuy nhiên, DN chúng tôi tự tăng giá thì không hiểu sau đó khi kiểm tra, chúng tôi có bị phạt hay không thì không biết được. Đó là chưa nói, đơn cử như giá bã đậu nành mỗi đêm có khi tăng vài lần. TĂCN có tới vài trăm công thức, nếu một nguyên liệu tăng vẫn phải giải trình thì chắc phải cử một người “túc trực” ở Cục Quản lí giá để cập nhật liên tục” – ông Lý Anh Dũng bức xúc. 

Đổ lỗi cho việc chỉ định DN vào chương trình bình ổn giá, bà Lê Phương Hoa – đại diện Cargill Việt Nam tại Hà Nội nêu vấn đề: Bộ Tài chính là cơ quan quản lí việc thực hiện bình ổn giá của các DN. Tuy nhiên đề xuất danh sách này chính là Bộ NN-PTNT, mà cụ thể là Cục Chăn nuôi. Vì thế, việc các DN “chịu thiệt” vì chính sách bình ổn giá chính là vì Cục Chăn nuôi đề xuất. Không đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi phản pháo: “Chủ trương bình ổn giá là chủ trương chung đúng đắn của Chính phủ. Chúng tôi đồng tình quan điểm các DN đều bình đẳng trong cạnh tranh và không phân biệt loại hình, quy mô DN trong việc chỉ định. Tuy nhiên đây mới là giai đoạn đầu thực hiện thí điểm đối với các DN trong nước. Vì thế việc lựa chọn các DN chiếm thị phần, ảnh hưởng lớn là đúng đắn!”

Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam: 

“Các DN nước ngoài chiếm 60% sản lượng TĂCN nhưng chúng ta chưa có chủ trương cho phép các DN nước ngoài tham gia các hiệp hội trong nước. Quan điểm của tôi là chúng ta nên chấp nhận họ như người nhà, và cho họ cùng “chung mâm” với hiệp hội thì mới bàn bạc giải quyết chính sách được. Khi họ thành người nhà của mình rồi, thì chính sách như bình ổn giá cũng phải bình đẳng, giao cho họ chung tay thực hiện.

Về cơ chế thủ tục xin tăng giá như hiện nay là đang làm khó cho các DN tham gia bình ổn giá. Tôi chẳng hiểu ai tham mưu cho Bộ Tài chính mà lại đặt ra hồ sơ xin tăng giá, bắt DN phải giải trình cơ cấu giá nhiêu khê như vậy. Nguyên liệu TĂCN, đặc biệt là nguyên liệu NK sáng một giá, chiều một giá. Vì thế đặt ra quy định này là thiếu khả thi và Bộ Tài chính cần xem xét, điều chỉnh”.

Xem thêm
Xử phạt nhiều công ty, đại lý cung ứng phân bón giả, kém chất lượng

Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai phát hiện, xử phạt nhiều công ty, đại lý cung ứng, phân phối phân bón giả chất lượng, kém chất lượng... cho bà con nông dân.

Lộc Trời ra mắt 2 sản phẩm sinh học mới

CẦN THƠ Ngành Vật tư Nông nghiệp Lộc Trời đã chính thức công bố, ra mắt hai bộ giải pháp canh tác sinh học với các sản phẩm dành riêng cho cây lúa NEMACES và ANMITE 40SC.

Tập đoàn Hùng Nhơn có thêm thành viên thứ 16

Sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, Hùng Nhơn Group chính thức có thêm thành viên thứ 16.