| Hotline: 0983.970.780

DN XK gạo bắt tay làm CĐML

Thứ Tư 18/09/2013 , 09:58 (GMT+7)

Trước bối cảnh xuất khẩu gạo sẽ ngày càng khó khăn hơn, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã nhận ra rằng đã đến lúc không thể không làm vùng nguyên liệu.

Mấy năm qua, trong khi nhiều doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp đã mạnh dạn tham gia vào các CĐML, thì phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn ngại ngần, lắc đầu với mô hình này. Nhưng đến vụ đông xuân 2013-2014, tình hình sẽ khác ...

Nhiều mô hình thành công

Thực ra, trong mấy năm qua, cũng đã có một số doanh nghiệp XK gạo bắt tay vào xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành các CĐML. Điều đáng mừng là số lượng doanh nghiệp như thế hãy còn đếm trên đầu ngón tay, nhưng cũng đã tạo nên được nhiều mô hình thành công, có thể nhân rộng.

Một trong những mô hình thành công nhất là của Cty Angimex. Theo ông Nguyễn Văn Tiến, TGĐ Angimex, từ năm 2008, Cty này đã bắt tay xây dựng vùng nguyên liệu theo mô hình cánh đồng liên kết. Trong mô hình này, Angimex cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho nông dân, rồi thu mua lúa chế biến xuất khẩu. Năm đầu, mới chỉ thực hiện được vài chục ha.

Ông Tiến cho hay, khi thực hiện mô hình, Cty có thuận lợi là đã có nhà máy sản xuất giống lúa, mỗi năm cung ứng 800-1.000 tấn giống cho diện tích trong và ngoài mô hình. Cty lại đã có sẵn hệ thống sấy lúa, kho, đảm bảo cho việc thu mua hết lúa tươi của nông dân. Mô hình nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, nông dân tham gia ngày càng nhiều vì họ thấy được hiệu quả thiết thực. Nhờ đó, đến niên vụ 2010-2011 đã tăng lên 3.000 ha, và đến niên vụ 2012-2013 lên tới 9.000 ha.

Là một doanh nghiệp mới thành lập từ năm 2011, nhưng Cty TNHH XNK Võ Thị Thu Hà, cũng đã tích cực tham gia xây dựng vùng nguyên liệu. Bà Võ Thị Thu Hà, GĐ Cty Võ Thị Thu Hà cho hay, cách làm của công ty là ký hợp đồng liên kết với các HTX. Trên cơ sở đó, Cty ứng vốn cho các HTX thực hiện các khâu đầu vào như giống, thuốc BVTV, phân bón.


Thu hoạch lúa ở Long An

Phần Cty sẽ đảm bảo việc thu mua lại lúa tươi, với giá luôn cao hơn thị trường 200 đ/kg. Khi làm vùng nguyên liệu ở huyện nào, Cty này cũng hợp tác chặt chẽ với Phòng NN- PTNT huyện nhờ phòng chịu trách nhiệm về vấn đề giống, vật tư nông nghiệp đúng chất lượng, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân …

Nhờ đó, nếu như trong năm 2011, Cty Võ Thị Thu Hà mới chỉ thực hiện vùng nguyên liệu trong vụ hè thu, thì năm 2012 đã làm 2 vụ (đông xuân và hè thu), và năm nay lên 3 vụ (thêm vụ thu đông). Bà Võ Thị Xuân Hà khẳng định, nhờ làm vùng nguyên liệu, Cty mới thu về được những hạt lúa thuần, gạo thuần, có sản lượng ổn định, đạt chất lượng phục vụ xuất khẩu.

Phải từ nhu cầu doanh nghiệp

Trước bối cảnh xuất khẩu gạo sẽ ngày càng khó khăn hơn, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã nhận ra rằng đã đến lúc không thể không làm vùng nguyên liệu. Bởi có làm vùng nguyên liệu, doanh nghiệp mới có được sản lượng gạo ổn định, chất lượng cao, qua đó nâng cao được khả năng nâng giá gạo xuất khẩu hiện đang còn thấp, khiến nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ, nhưng vẫn đang có những doanh nghiệp quyết tâm đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu.

Ông Đoàn Ngọc Phả, PGĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết ở tỉnh này đang có nhiều doanh nghiệp ngỏ ý muốn làm vùng nguyên liệu để sản xuất gạo đồ. Ông Nguyễn Thanh Truyền, PGĐ Sở NN-PTNT Long An cũng cho hay có 6 doanh nghiệp đang muốn tham gia làm CĐML trên địa bàn tỉnh này …

Bản thân Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng đã thực sự quan tâm tới việc xây dựng vùng nguyên liệu. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho biết, VFA cũng đã thống nhất với các doanh nghiệp thành viên sẽ thực hiện mô hình xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng ký hợp đồng tiêu thụ lúa hàng hóa với đại diện của nông dân (HTX, THT).

Mô hình này sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp cung ứng đầu vào. Đây là mô hình liên kết mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều có thể tham gia và nhân rộng. Bởi nếu đầu tư toàn bộ từ giống, phân bón, thuốc trừ sâu, hỗ trợ kỹ thuật, tới thu mua, chế biến, xuất khẩu, thì hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay đều không thể làm nổi do thiếu cả về vốn liếng lẫn nhân lực.

Ngay như mô hình của Angimex, dù đang rất thành công nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế lớn như rất khó mở rộng thêm vì công ty này không đủ khả năng cung cấp đầy đủ nguồn cung đầu vào; không đủ phương tiện, nhân sự nên công tác thu mua, giao nhận khó đảm bảo kịp thời khi thu hoạch rộ.

Vì thế, Angimex đã đề xuất mô hình liên kết mới gồm 5 chủ thể: Angimex; ngân hàng và dịch vụ khác; doanh nghiệp vận tải; doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp; nông dân. Ở khâu đầu vào, sẽ có 3 chủ thể là Angimex (cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất), ngân hàng (cho vay vốn), doanh nghiệp cung ứng phân bón, thuốc BVTV. Ở khâu sản xuất, chủ thể chính là nông dân. Khâu trung gian, chủ thể sẽ là doanh nghiệp, cơ sở làm dịch vụ vận tải. Ở khâu chế biến, tiêu thụ, chủ thể là Angimex.

Ngoài ra còn có 2 chủ thể gián tiếp là chính quyền địa phương (quy hoạch vùng sản xuất, đưa ra lịch thời vụ hợp lý, thực hiện các công trình thủy lợi, phòng chống lũ lụt), nhà khoa học (nghiên cứu, phục tráng và chọn tạo giống mới phù hợp nhu cầu thị trường; đào tạo, hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình kỹ thuật tiên tiến).

Bắt đầu từ vụ đông xuân tới, VFA và các doanh nghiệp thành viên sẽ bắt tay xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa. Theo đó, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp đứng chân ở các tỉnh, TP của ĐBSCL phải phối hợp ngay với ngành nông nghiệp, chính quyền các cấp ở địa phương, cùng bắt tay tìm địa điểm phù hợp, vận động nông dân liên kết làm CĐML, ưu tiên những nơi đã có HTX, THT …

Doanh nghiệp phải đưa ra các yêu cầu cụ thể cho HTX, THT, như cần làm giống gì (làm 1 giống là tốt nhất, tối đa chỉ nên 2 giống).

Ông Trương Thanh Phong cho rằng làm vùng nguyên liệu không thể nóng vội, mà phải làm từ từ, chậm nhưng chắc. Còn theo ông Đoàn Ngọc Phả, PGĐ Sở NN-PTNT An Giang, vùng nguyên liệu lúa gạo có làm được hay không, có phát triển bền vững không, phải được bắt đầu từ chính nhu cầu của doanh nghiệp.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.