| Hotline: 0983.970.780

Dó bầu đâu dễ... hốt bạc

Thứ Tư 15/09/2010 , 10:39 (GMT+7)

Không phải cứ trồng cây dó bầu là ta sẽ có trầm hương vì cây dó chỉ sinh trầm khi nó được đáp ứng đúng điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và kỹ thuật tạo trầm phù hợp...

Nghiên cứu tạo trầm bằng phương pháp bơm hóa chất kích thích

Sự kiện một số người dân ở khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ mới đây may mắn kiếm được vài ký kỳ nam trong rừng và bán thu bạc tỷ, đã khiến phong trào tìm trầm và tạo trầm thêm sôi sục. Đặc biệt, hàng chục nghìn ha trồng cây dó bầu có khả năng sinh trầm nhân tạo (xuất hiện trong vòng 10 năm qua) được người ta kỳ vọng sẽ cho thu lợi nhuận khổng lồ.

BÍ QUYẾT TẠO TRẦM: TUYỆT MẬT!

Theo Hội Trầm hương VN, đến năm 2010 diện tích cây dó bầu tại nước ta vào khoảng 17.000 – 18.000 ha, tập trung chủ yếu ở duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Diện tích này không thay đổi so với năm 2006 - thời điểm tạm kết thúc phong trào trồng dó bầu sôi sục trong dân. Trước đó, vào cuối thập niên 1980, khi trầm hương trong tự nhiên đã gần như cạn kiệt, người dân vùng duyên hải Nam Trung bộ (đặc biệt là Bình Định, Khánh Hòa) đã đua nhau tìm bứng nguyên gốc cây dó trong rừng về vườn nhà để trồng. Sau đó, cũng chính vì một số người may mắn bỗng dưng thành tỷ phú do sinh được trầm nhân tạo đã khiến phong trào trồng cây dó bầu ngày càng lớn mạnh. Đặc biệt, từ năm 2000 – 2006, diện tích cây dó bầu từ 4.000 ha đã tăng lên tới 18.000 ha (riêng tỉnh Hà Tĩnh chiếm tới trên 3.000 ha).

Tuy nhiên, do diện tích cây dó bầu ngày càng tăng nhưng kỹ thuật tạo trầm và khả năng chiết xuất tinh dầu trầm rất mờ mịt, cộng với thời gian để thu được trầm rất lâu (từ 8 – 10 năm) nên nhiều người dân đã đem bán non nguyên vườn cây 4 – 5 tuổi cho các đơn vị, doanh nghiệp có “bí quyết” sinh trầm. Nghe đâu, đã có số ít cá nhân, doanh nghiệp hốt vàng từ cây dó bầu tạo trầm hương, tuy nhiên hầu hết những “bí quyết” đều nằm trong vòng… tuyệt mật. Điều này dẫn đến tình trạng, sau hàng chục năm cây dó bầu được trồng ở vườn nhà, ngành trầm hương VN đến nay vẫn chưa tìm ra được công nghệ tạo trầm có tính khoa học, cho trầm đồng loạt và có tính phổ cập rộng ở mọi vùng miền để khuyến cáo.

Trao đổi với NNVN, ông Mai Quốc Thái – Chủ trang trại trồng 50 ha dó bầu tại Dầu Tiếng (Bình Dương) cho biết, hơn 30.000 cây dó của ông đã được 6 năm tuổi và dự tính 4 năm nữa sẽ áp dụng kỹ thuật tạo trầm nhân tạo để sinh trầm. Tuy nhiên, ông Thái cho biết, do công nghệ tạo trầm hiện nay rất yếu và thiếu nên ông vẫn đang tiếp tục mày mò, theo dõi các kỹ thuật tạo trầm mới để áp dụng cho mình sau này.

Theo TS.Hoàng Cảnh – Phó Chủ tịch Hội Trầm hương VN, hiện kỹ thuật tạo trầm mỗi nơi áp dụng một kiểu, nơi thì đóng đinh, nơi thì đục lỗ, nơi thì bơm thuốc vào thân cây… để chúng phản ứng lại với những vết thương và sinh trầm. Tuy nhiên, hầu hết các phương pháp trên hoặc không cho trầm, hoặc chỉ cho ra loại trầm chất lượng thấp và dẫn đến việc ngộ nhận cây dó bầu là cây trầm hương. “Cây dó bầu có khả năng tạo trầm chứ không phải là cây trầm hương. Nên biết rằng, không phải cứ trồng cây dó bầu là ta sẽ có trầm hương vì cây dó chỉ sinh trầm khi nó được đáp ứng đúng điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và kỹ thuật tạo trầm phù hợp” – ông Cảnh nói.

GIÁ CẢ, THỊ TRƯỜNG: NGẤM NGẦM

Theo Hội trầm hương VN thì thị trường ngày càng rộng mở. Các nước, vùng lãnh thổ như Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản luôn có nhu cầu nhập số lượng lớn. Đặc biệt tại Nhật Bản, giới y khoa dùng trầm hương để chiết xuất mùi hương giúp kích thích thần kinh trung ương để chữa bệnh nên giá cả cực kỳ đắt đỏ.  Ngoài ra, tại khu vực Trung Đông nơi có lượng người theo đạo Hồi lớn thì bất cứ một nghi thức tôn giáo nào đều có dính đến sản phẩm trầm hương. “Nếu như ở VN ai đó có vài tấn trầm hương loại quý hiếm thì chỉ cần bốc máy gọi điện cho đầu mối ở Dubai, tức khắc sẽ có hẳn một chuyên cơ của vị đại gia nào đó bay thẳng đến VN để mua hàng”- TS Hoàng Cảnh nói như đinh đóng cột.
Việc cây dó bầu tạo trầm cho lợi nhuận trung bình trên 1 ha đến nay không có bất cứ số liệu chính thức nào, ngay cả Hội trầm hương VN cũng “bó tay”. Theo TS. Nguyễn Văn Minh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Tinh dầu, hương liệu, mỹ phẩm VN thì qua nhiều năm theo dõi, ông thấy lợi ích kinh tế của cây dó bầu “ước” vào khoảng 50 – 150 triệu đồng/năm. Tuy nhiên TS Hoàng Cảnh – Phó Chủ tịch Hội trầm hương lại khẳng định, đã có DN thu được gần 10 tỷ đồng trên một ha dó bầu tạo trầm.

Có sự khác biệt quá lớn này, theo ông Cảnh là do giá trầm có sự chênh lệch rất lớn, có loại “bèo” chỉ bán 2 USD/kg nhưng loại đặc biệt (kỳ nam) thì giá có thể lên đến gần 150.000 USD/kg (gần 3 tỷ đồng/kg). Điều đó đồng nghĩa với việc, ai có kỹ thuật tạo trầm tốt thì chắc chắn sẽ tạo được vàng ròng, nhưng số lượng này rất nhỏ và bí quyết thì luôn được giữ bí mật.

Tương tự, sản phẩm tinh dầu trầm hiện nay cũng ở trạng thái “chẳng biết đâu mà lần” khi giá bán trên thị trường dao động rất lớn: từ 125 USD/lít – 12.000 USD/lít tùy vào chất lượng. Điều đáng nói, tinh dầu được sản xuất tại VN đến nay chưa có bất cứ một tiêu chuẩn nào để xác định, cũng chưa có một DN nào thực hiện việc đăng ký chất lượng, xuất xứ hay thành phần. Cũng vì thế mà 100% sản phẩm tinh dầu XK của VN hiện nay được thực hiện theo hình thức… xách tay! Một DN chiết xuất tinh dầu trầm hương gần KCN Tân Bình TPHCM (xin giấu tên) ca thán, chính vì VN không có tiêu chuẩn đăng ký cụ thể nên sản phẩm của chúng ta luôn bị khách hàng nước ngoài ép giá và sống phận “chui lủi” hàng chục năm nay.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kem Thủy Tạ ra mắt 2 vị kem mới tại Lễ hội 2024

Ngày 20/4, Công ty CP Thực phẩm Thủy Tạ tổ chức 'Lễ hội Kem Thủy Tạ 2024' tại Nhà hàng Thủy Tạ Legend, số 1 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.