Tùy bút nhà văn Trần Huy Quang: Đò cũ sông Mơ

Trần Huy Quang - Thứ Bảy, 17/09/2022 , 07:24 (GMT+7)

Mưa rét thế này. Nhưng thôi, khi nào cậu về, cậu gọi to và bảo, cháu học trò đây thì mấy giờ tôi cũng sang. Nhớ phải hét to là học trò, cậu nhớ chưa?

Những chuyến đò ngang từ làng Mơ qua sông Mơ, bốn mùa mùa nào cũng vất vả, chen lấn, xô đẩy, chòng chành. Con đò cũ kỹ rách nát, không biết đã sang sông bao nhiêu năm tháng, sửa chữa bao nhiêu lần. 

minh-ho-nh-khoi104023690
Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Sau này tôi mới biết sông Hoàng Mai bắt nguồn từ vùng miền Tây Thanh Hóa đổ vào miền Phủ Quỳ xứ Nghệ rồi xuôi về mạn Quỳnh Lưu, chảy qua vùng đất hoang vu Kẻ Nô, qua Vực Mấu về Hoàng Mai, gọi là sông Hoàng Mai. Độ mươi cây số nữa nó chia làm hai cửa chảy ra biển. Nhánh trái chảy ra cửa lạch Càn tạo nên một làng đánh cá trù phú sầm uất từ nhiều thế kỷ trước, đó là làng Kẻ Càn, sau kiêng húy gọi chệch thành Kẻ Cờn. Nhánh nữa chạy song song với bờ biển, chỉ gọi là sông Mai, cách bờ biển độ vài cây số, qua Kẻ Úc, Kẻ Mơ, Kẻ Hàu rồi đổ ra cửa lạch Quèn, tạo nên những làng đánh cá và làm nước mắm nổi tiếng như Kẻ Hàu, Kẻ Thơi.

“Câu thơ Thi xã, con thuyền Nghệ An” là những thuyền buôn nước mắm của vùng này ra bán ở đất kinh kỳ. Như vậy vô hình chung, con sông Mai đã ngăn cách làng Kẻ Mơ, Kẻ Hàu và Kẻ Úc thành một cái ốc đảo, muốn đi ra bên ngoài phải qua đò. Có rất nhiều con đò ngang, đò Hàu cho dân Kẻ Hàu, đò Càn cho dân Kẻ Càn, đò Úc cho dân Kẻ Úc. Làng tôi Kẻ Mơ, con đò ngang không mang tên đò Mơ mà lại có tên là đò Ông. Thực ra con sông chảy qua làng tôi không phải là sông Hoàng Mai. Nó lúc đầu là một con kênh, kênh Nhà Lê, dân gọi là sông Ngọc Để, nối sông Hoàng Mai với sông Thai, đổ ra cửa Quèn.

Từ đò Ông đi xuống một đoạn nữa là bến đậu của nhiều loại thuyền đánh cá, thuyền vận tải, to nhỏ và màu sắc lòe loẹt. Và từ đó cho ra đến cửa lạch là bến đậu của nhiều làng đánh cá như Kẻ Hàu, Kẻ Mơ, Kẻ Mành, Kẻ Quèn. Trước kia là những chiếc dạ hai buồm ba buồm, đi mút mùa mới về bến. Nay toàn thuyền lớn, đánh cá bằng đèn hàng ngàn oát. Dưới làng tôi là làng Phú Nghĩa Thượng, dưới nữa là Phú Nghĩa Hạ. Không hiểu các cụ ngày xưa có phải mong giàu có không mà đặt tên làng từ tố đầu đều là Phú, làng tôi là Phú Minh, dưới là Phú Nghĩa, rồi Phú Lương, Phú Thanh, Phú Quí, Phú Đức. Dĩ nhiên là mong sự giàu có nhưng là giàu có về sự sáng suốt, minh bạch, về tình, về nghĩa.

Dọc hai bờ sông là hai con đê mỏng manh, uốn lượn. Qua bờ đê bên kia bãi sú vẹt xanh tốt bốn mùa. Ngày tôi đi học tiểu học trường huyện, lên mặt đê nhìn sang bên kia sông thấy một bờ tre mờ trong mưa bụi lẫn với những cánh cò trắng thỉnh thoảng lại bay lên chuyển chỗ kiếm mồi. Muốn qua đò tôi phải qua con đê, từ chỗ này nhìn xuống mới thấy ớn lạnh. Con đò bạc phếch, lầm lũi, cô đơn, cắm sào đứng mãi dưới mép nước, mà từ mặt đê xuống con đò là cả một bãi bùn, xọc chân xuống thì bùn ngập lên tận đầu gối. Trên mặt bùn còn đọng lại nhiều quả sú, những con cá bống nhảy lóc bóc và thưa thớt vài vết chân như chân tôi đi qua đò trong những ngày mưa phùn gió bấc.

Dường như tôi là người đi chuyến thứ hai trong ngày. Con đò mới chỉ vài vết bùn và nước ướt, còn thì nhiều chỗ còn khô. Tôi có thể kê một chiếc dép vào chỗ be thuyền ngồi đợi. Mỗi lần sang ngang, ông lái cũng phải găm đò đợi đủ khách, ít ra cũng phải mươi người. Lúc này mới chỉ có một mình tôi, không biết bao giờ mới là đò đầy.

Tôi còn bé nhưng không phải chưa đi đò lần nào. Có khi bạn rủ tôi cũng qua đò sang Kẻ Giót xem đánh cờ người, xem chọi gà, có khi chẳng xem gì cả, đi ra ngoài cái làng mình mỏi chân thì về. Cũng đã đi những chuyến đò đông. Người ta phải lội qua một bãi bùn dài đến hơn trăm mét, xô nhau lên đò, đôi chân bám bùn như đi ủng chỉ chao đi chao lại vài cái dưới nước là bước lên be đò. Lòng đò thì nước lấp xấp, hai cái be thuyền bùn nhầy nhụa, nhoe nhoét, đành cứ bám vào nhau mà đứng. Người đi chợ có gồng gánh có thể bắc cái đòn gánh lên be thuyền mà ngồi, thế mà chuyện vẫn nổ như ngô rang.

Khi đò đã nằng nặng, các bà thường hay không nể nang liền giục, nhổ sào đi ông lái, kẻo đò đầy thì trưa chợ. Hình như câu đó liên quan đến một cái tích rất tục nên mọi người nháy nhau cười. Bấy giờ ông lái mới chui ra khỏi cái mui đò, lắc nhè nhẹ con sào đang cắm để cho được lâu, mà ngày nay trong bóng đá người ta gọi là câu giờ. Có khi ông lái mới quay được mũi đò thì trên bờ đê chợt có bóng người, ông lại áp mũi đò trở lại. Người qua đò thì muốn sang nhanh, ông lái thì muốn đò đầy để sang một chuyến cho đỡ công chèo. Thế mà chẳng thấy ai nặng lời với ai cả, hình như mọi người đều biết cái lẽ của mình và của người. 

Tôi ngồi co ro một mình trên đò, gió ngoài sông tha hồ lồng lộng, rét tái tê. Ông lái cũng ngồi co ro trong sạp thuyền, khoác cái chăn mỏng và rách xơ xác. Tôi nhìn ông với ánh mắt cầu mong, ước gì ông bảo tôi vào trong đó ngồi cùng ông một chốc cho đỡ gió, nhưng chắc ông đã quen với cái cảnh khách đi đò thế này rồi. Rét à, có sao. Tớ đây suốt ngày, suốt mùa, đông thì buốt thấu da, hạ thì nắng cháy thấu xương. Thỉnh thoảng, tôi ngoái lên bờ đê mong có thêm một bóng khách đồng hành với tôi chăng? Hai ba người có khi ông thương tình chở cho qua chứ một mình tôi thì nhất định ông không bao giờ. Tôi ôm khư khư cái xắc sách vở mà lòng ruột sôi lên, giờ này nhất định các bạn đã vào lớp, chạy túa lua thằng nào thằng ấy khư khư giữ cho chắc lọ mực, đổ là về ăn đòn. Điểm danh thầy giáo lại cho tôi một cái dấu nhân vào cột nghỉ không lý do.

Ông lái cũng không nói chuyện, tôi nhìn chằm chằm vào ông, con mắt ông nhìn ra nhưng như không nhìn thấy tôi. Tôi chưa thấy ai có con mắt to và nhiều lòng trắng như mắt ông. Khi nào cũng như đang trợn ngược lên, không phải như ngạc nhiên hay dọa dẫm ai, mà chỉ trợn lên một cách vô hồn, giống như bị người khác banh mắt ra vậy. Bàn tay to, năm ngón sần sùi như năm khúc củi phi lao xếp cạnh nhau. Đó là bàn tay cầm chèo có khi đã ba bốn chục năm, mỗi ngày mấy chục lượt, đưa người bên này sang bên kia, đưa người bên kia về bên này, không thấy trùng lặp, không chán nản, không kêu nhiều không chê ít, bình thường, đương nhiên. Nhưng dáng người ông lại xương xẩu. Nước da ông đen bóng giống như những tấm vải người làng tôi nhuộm nâu phơi nắng lâu ngày, đen bóng và rắn chắc.

Ông không phải người làng tôi. Là người tứ chiếng. Nghe nói lưu lạc lắm, phong trần lắm, là dân thảo khấu một thời, cũng nghe nói đã đánh nhau với cọp dốc Lụi, bất phân thắng bại, cọp bỏ đi ông cũng bỏ về, thương tích đầy người phải ăn hết đến mấy nong tằm chín mới lành.

Vào mùa này, nước cường buổi chiều, buổi sáng lộ ra hai bên bờ những bãi sú vẹt mênh mông. Từ bến đò Ông nhìn xuôi xuống mãi chỉ có một dòng nước lặng lờ yên ả, những con sóng vỗ vào bờ cũng rất nhẹ. Phía hữu ngạn, tháp chuông nhà thờ làng Tân An nhọn như cái ngòi bút nổi lên mờ mờ trong màn mưa bụi cuối đông. Bên tả ngạn là Phú Nghĩa Thượng xanh um những bãi phi lao và dừa. Đó là nhìn xa xa, còn ngay sát chân đê, cái lều hai gian thấp lè tè, mái rạ bạc phếch, trơ trọi và quạnh hiu, trước cửa là mặt đê, đó là nhà của cha con ông lái đò.

Con bé độ bằng tuổi tôi, tóc buộc một túm cũn cỡn sau gáy, cái quần cái áo không biết là màu gì, bóng dáng có vẻ tất bật. Ngọn khói bốc lên từ mái rạ xơ xác, nhỏ nhoi và liêu xiêu, tan liền trong gió. Nhiều lần đi học về tôi thấy nó dưới bãi sú, bùn ngập đến tận bẹn, cái oi to kềnh bên vai, đầu đội cái nón rách te tua, bùn bắn lên cả tóc cả mặt, nó lượn trong bãi bùn ấy, gặp con gì bắt con nấy. Nhiều nhất là ốc, cua lột và cá bống. Cá bống nhảy lóc bóc trên mặt bùn nhưng rất khó bắt. Cá bống ngon nhưng ít, không bõ để người ta làm lưới hoặc dụng cụ để đánh bắt nó. Chỉ có những người đi bắt ốc, sẵn thì bắt luôn, nhiều lắm cũng chỉ được dăm lạng. Còn ốc thì nhiều. Ốc vùng đò Ông của làng tôi là ốc sắt, ngon có tiếng, đến mùa có thương lái từ Phủ Diễn, Vinh ra mua từng xe ô tô, hoặc dân chạy chợ làng Kẻ Hàu gánh bộ lên tận Phủ Quỳ, sông Hiếu bán phiên chợ Đàn, chợ Phủ…

Trong sạp thuyền ông lái rũ cái chăn vải nâu ra mà tôi muốn phát khóc. Đò mới chỉ một khách mà lại khách học trò, không bõ công chèo, chắc ông đắp chăn làm thêm một giấc. Thế này thì đành phải bỏ buổi học. Chờ cho đò đầy sang đến nơi thì cũng tan trường. Tôi không nén nổi tiếng thở dài. Nhưng hình như... không phải, ông lái rũ ra rồi gấp lại. Người tôi hết lo lắng chợt nhẹ bẫng. Ông lái chui ra khỏi sạp đò, rồi bảo tôi:

- Bây giờ cũng chưa muộn đâu cậu ạ.

- Vâng, vâng... chưa muộn ạ. Tôi ấp úng phụ họa. 

- Sao rét thế này mà nhà trường không cho nghỉ?

- Nhà trường chỉ cho nghỉ hè chứ không cho nghỉ đông.

- Ờ, phải rồi.

Rồi ông nhổ sào chống cho con đò quay mũi sang ngang. Tôi mừng quá vì đang thất vọng, bải hoải chờ đợi, nhất là chờ đợi cái không cụ thể, không rõ rệt. Một lúc con đò rách đã cập bờ, cũng một bãi sình lầy đủ để thử thách một trung đoàn chiến binh. Từ đấy lên huyện lỵ cũng chỉ con đường đất bùn trơn như đổ mỡ nhưng tôi cảm thấy sung sướng như đi trên thiên đường. Mặc dù khi bước chân lên bến ông lái dặn, khi về phải về sơm sớm. Tôi bảo:

- Hôm nay có khi cháu không về sớm được.

Ông lái lại bảo:

- Mưa rét thế này, đò nghỉ sớm, ai về muộn đò không qua đâu. Nhưng thôi, khi nào cậu về, cậu gọi to và bảo, cháu là học trò đây thì mấy giờ tôi cũng sang. Nhớ phải hét to là học trò, cậu nhớ chưa?

Sau đó, nhiều khi có việc về muộn, muộn lắm, tôi đã đứng bên kia sông gọi đò ơi, kèm theo câu ông dặn thì y như rằng, vài chục phút sau, con đò đã hiện dần dần trên mặt sông đêm đen thẫm.

Trần Huy Quang
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Hà Giang hút khách
Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.

Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?
Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không?

Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'
Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'1

Một người dạy tiếng Việt ở Mỹ, giáo sư Andrea Hoa Pham cho rằng, ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, dù muốn hay không cũng không ngăn được thực tế ấy.

Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano
Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Bộ phim đã khiến tôi tò mò và tôi đã tìm hiểu rộng hơn lịch sử đất nước và tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, nhân dân ta trong kháng chiến.