| Hotline: 0983.970.780

Do đâu dịch dại bùng phát ở Thanh Hóa?

Thứ Hai 17/02/2014 , 10:39 (GMT+7)

Tỷ lệ tiêm phòng đạt quá thấp, chính quyền cơ sở thờ ơ với dịch bệnh, vận chuyển, buôn bán, giết mổ chó tràn lan...

Tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó đạt quá thấp, chính quyền cơ sở thờ ơ với dịch bệnh, tình trạng vận chuyển, buôn bán, giết mổ chó tràn lan xuyên quốc gia… là những nguyên nhân chính khiến dịch dại đang có nguy cơ lây lan diện rộng ở Thanh Hóa.


Hàng trăm con chó được tập kết tại cơ sở của anh Hợi chuẩn bị vận chuyển ra Bắc tiêu thụ.

Buôn chó xuyên quốc gia

Phải nhờ đến sự dẫn đường, can thiệp của Trạm thú y huyện Hậu Lộc và UBND xã Thành Lộc chúng tôi mới tiếp cận được các cơ sở chuyên vận chuyển, buôn bán chó xuyên quốc gia.

Cơ sở của chị Phạm Thị Yên, thôn 5, xã Thành Lộc hiện đang có gần 100 con chó nhốt trong lồng. Bên ngoài sân một số thương lái đến nhập chó vừa thu mua từ các huyện lân cận cho chị. Thời kỳ cao điểm nhất cơ sở này thu mua từ 5 - 7 tạ chó/ngày, nhưng đầu năm nay lượng hàng tiêu thụ ít nên mỗi ngày chỉ có 1 - 2 tạ chó được nhập vào và trung chuyển đi các tỉnh khu vực phía Bắc.

Chị Yên cho biết, gia đình chị chỉ thu mua chó nội tỉnh nhưng một số hộ kinh doanh lớn còn buôn chó từ Nam ra Bắc với số lượng hàng tấn mỗi ngày.

Khi PV hỏi: Số chó chị thu mua về có được tiêm phòng và cấp giấy kiểm dịch không, chị Yên khẳng định là có. Hỏi tiếp: Làm sao chị biết được con vật được tiêm phòng. Trả lời: Ai nuôi chó chả phải tiêm phòng. Trái với khẳng định của chị Yên, một thương lái vừa đến nhập chó tại cơ sở này, cho hay mua chó ngoài huyện thì có giấy chứng nhận tiêm phòng nhưng chó trong huyện thì không.

Mặc dù trên địa bàn Thanh Hóa đang bùng phát dịch dại khiến 2 người chết nhưng những người hàng ngày tiếp xúc với vật chủ gây bệnh từ nhiều nơi chuyển về lại thờ ơ, thậm chí chủ quan với căn bệnh hết sức nguy hiểm này một cách kỳ lạ. Chị Yên nói: Khi bắt chó chúng tôi bị cắn thường xuyên, không đi tiêm phòng mà cũng có làm sao đâu.


Cơ sở thu mua chó của chị Yên nằm ngay cạnh nơi chị nhốt chó gia đình nuôi.

Được biết, Thành Lộc là địa điểm trung chuyển chó nổi tiếng xứ Thanh, toàn xã hiện có 23 hộ kinh doanh, buôn bán; tổng đàn chó nuôi tại các hộ dân gần 600 con. Tỷ lệ tiêm phòng dại chó đợt 2/2013 của xã chỉ đạt trên 70%.

“Khi vận chuyển chó ra Hà Nội chúng tôi không có bất kỳ giấy tờ gì. Mỗi chuyến hàng chỉ phải nộp 30 - 40 ngàn đồng tiền phun thuốc tiêu độc khử trùng cho trạm kiểm dịch khu vực Dốc Xây và một trạm ở Ninh Bình”, chị Yên cho biết thêm.

Thờ ơ với dịch

Theo ông Lê Văn Luận, quyền Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thanh Hóa, ngoài nhận thức về phòng chống dịch bệnh kém của người dân, còn có 4 “mắt xích” quan trọng trực tiếp gây nên dịch dại ở Thanh Hóa. Trước tiên là sự chênh lệch giữa số liệu báo cáo để tiêm phòng và số lượng tổng đàn theo thống kê. Hầu hết các địa phương đều hạ thấp con số tổng đàn để hoàn thành kế hoạch tiêm phòng, điều này lý giải vì sao khi dịch bệnh xảy ra, cấp trên về kiểm tra mới tá hỏa trước tỷ lệ tiêm phòng dại đạt quá thấp.

Ông Luận dẫn chứng, tổng đàn chó huyện Như Xuân báo cáo chỉ có 11 nghìn con, đợt 2/2013 toàn huyện tiêm vacxin phòng dại được 2 nghìn con. Tuy nhiên, con số Chi cục nắm được thì tổng đàn chó của huyện này phải lên đến 18 - 20 nghìn con.

“Giả sử tổng đàn toàn huyện A có 1 nghìn con chó huyện đó chỉ báo cáo 500 con để khi triển khai tiêm phòng chỉ cần tiêm đạt 470 con thì hoàn thành kế hoạch. Đây là một trong những cách để cơ sở lấy thành tích”, ông Luận khẳng định.

Cũng theo ông Luận, tỷ lệ tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm các địa phương báo cáo lên 80 - 85% nhưng thực tế cao nhất cũng chỉ đạt 25 - 30%.


Việc buôn bán chó không có sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng đang có nguy cơ khiến dịch dại lây lan nhanh.

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến dịch dại lây lan là do chính quyền huyện, xã thờ ơ với dịch bệnh. Như 2 trường hợp tử vong ở xã Xuân Bình (Như Xuân) và Thiệu Dương (TP Thanh Hóa), vật nuôi bị bệnh dại chính quyền xã, huyện không biết đã đành nhưng khi người phát bệnh, tử vong địa phương cũng không hề hay. Phải đến lúc Chi cục gọi điện xuống nắm tình hình lúc này huyện, xã mới vỡ lẽ.

Nguyên nhân thứ tư dẫn đến dịch dại bùng phát là do tình trạng vận chuyển, buôn bán, giết mổ các sản phẩm từ chó xuyên quốc gia không được giám sát chặt chẽ.

“Bình quân mỗi ngày Thanh Hóa tiêu thụ từ 300 - 400 con chó. Số lượng chó này không chỉ buôn bán trong và ngoài tỉnh mà còn được nhập từ các nước Lào, Thái Lan. Tuy nhiên việc kiểm dịch nhập khẩu qua biên giới không thuộc quyền quản lý của Chi cục nên rất khó kiểm soát dịch bệnh. Còn số lượng chó buôn bán qua đường tiểu ngạch, nếu lực lượng Thú y muốn kiểm tra còn phụ thuộc vào sự phối hợp của chính quyền địa phương nên gặp rất nhiều khó khăn. Đây chính là lỗ hổng dẫn đến việc chó bị dại có thể “vượt rào” lây lan sang các tỉnh khác”, ông Luận phân tích thêm.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất