| Hotline: 0983.970.780

Dở khóc, dở cười chuyện liên kết giữa hai nhà ở Lào Cai

Thứ Năm 08/06/2017 , 09:35 (GMT+7)

Bên cạnh gam màu sáng của HTX miến đao Thanh Sơn hay gạo Séng Cù Mường Vi, vẫn có những câu chuyện dở khóc, dở cười xoay quanh việc liên kết giữa người dân với HTX hay doanh nghiệp.

Đôi khi, liên kết bị đứt gãy từ phía người dân. Nhưng có khi, lỗi "tại anh, tại ả, tại cả đôi bên"…
 

Câu chuyện giải cứu

Giải cứu nông sản – cụm từ thời gian qua lan tỏa khắp ngóc ngách của các bà nội trợ hay cả những tòa nhà công sở và đặc biệt nóng trên các mặt báo. Tuy nhiên, dường như vấn đề được mùa, rớt giá, hàng hóa ế ẩm đã thành tiền lệ của mặt hàng nông sản. Nhưng tại Lào Cai, chúng tôi xin kể lại 2 câu chuyện giải cứu dở khóc, dở cười sau.

11-15-53_1
Người dân đến HTXNN Mai Anh lấy giống rau về trồng

Câu chuyện thứ nhất. Hoàn lưu cơn bão số 2, gây ra trận lũ quét kinh hoàng ngày 5/8/2016 khiến nhiều ha đất SX của người dân xã Quang Kim, huyện Bát Xát bị san phẳng như sân bóng. Cuộc sống của người dân điêu đứng. Ngay lập tức Bộ NN-PTNT họp bàn tới tỉnh đưa ra giải pháp chuyển đổi cho người dân sang trồng các loại cây màu như khoai lang, ngô.

Mô hình thành công trên cả mong đợi, có thể nói là “màu xanh trở lại vùng rốn lũ”. Những cánh đồng bùn đất ngày nào đã phủ kính màu xanh của khoai, màu vàng ruộm của ngô. Tại buổi tổng kết mô hình, đại diện HTX Vàng Xanh, trụ sở tại Sa Pa phát biểu chắc như đinh đóng cột đã ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản lượng khoai cho người dân Quang Kim. Thực tế thì sao?

Những ngày người dân thu hoạch khoai, chúng tôi tiếp tục trở lại. Anh Nguyễn Văn Lực, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Kim cho biết, sản lượng khoai dự kiến khoảng 300 tấn. Người dân đã thu được khoảng 40%, tuy nhiên chưa thấy bóng dáng của bà chủ HTX Vàng Xanh đâu. Rốt cục, HTXNN Song Kim phải đứng ra thu mua cho người dân với giá 10 nghìn đồng/kg.

Bẵng đi một thời gian, mới đây trở lại Bát Xát, chúng tôi được một số cán bộ địa phương than rằng, sau vụ đó, tất cả được kêu gọi chung tay giải cứu khoai bằng cách mua ủng hộ mỗi người vài chục kg. Không chỉ cán bộ huyện, mà nhiều xã cũng phải góp mặt giải cứu.

Vậy là, nhiều lãnh đạo huyện, xã ở Bát Xát được một phen “ăn khoai trừ cơm”.

11-15-53_2
Mô hình nhà lưới của HTXNN Mai Anh có nguy cơ phá sản do giá đất tăng cao

Câu chuyện thứ hai. HTXNN nọ đã quyết tâm về một huyện của Lào Cai liên kết SX, bao tiêu sản phẩm quả su su với người dân. Mọi chuyện diễn ra êm đẹp cho đến khi vào vụ thu hoạch. Thấy giá su su ngoài thị trường cao, người dân tự ý phá bỏ hợp đồng, bán sản phẩm ra ngoài.

Khi HTX tiến hành thu mua mới tá hỏa, su su trên giàn chỉ còn lại quả nhỏ, không đạt tiêu chuẩn. Đơn vị này quyết định không thu mua, dù có thể mang tiếng “chạy làng”. Sau đợt đó, chúng tôi có dịp về thăm địa phương này. Hỏi về su su, một cán rỉ tai, lỗi tại ai thì đã quá rõ, nhưng rốt cục đều phải giải cứu và… ăn su su trừ cơm. Nhiều nhà mua về chất đống, băm cho lợn ăn đến nỗi con vật cũng phát hờn!
 

Tích tụ đất… khó như lên trời

Bên cạnh câu chuyện liên kết, vấn đề tích tụ đất đai trong SXNN ở Lào Cai nói riêng cũng như cả nước nói chung còn nhiều điều đáng bàn. Sa Pa – thiên đường du lịch, quanh năm khí hậu mát mẻ. Đồng thời, đây là điều kiện trời phú để phát triển các nghề trồng rau, hoa, cây cảnh. Nhưng chính vì đất đai ngày một thu hẹp, đắt đỏ khiến nhiều doanh nghiệp, HTX chuyên về nông nghiệp gặp khó.

11-15-53_3
Đất đai tại Sa Pa ngày càng đắt đỏ khiến các vùng SXNN ngày một thu hẹp

HTXNN Mai Anh, nằm ngay trên con đường dẫn vào khu du lịch Tả Van, thuộc thôn Giàng Tra, xã Sa Pả. Nếu không giới thiệu, chẳng ai nhận ra anh Bùi Trọng Trung, Giám đốc HTX, bởi lúc nào anh cũng áo phông cộc tay, xỏ đôi ủng toàn bùn đất lấm lem.

Anh Trung, người gốc tận Bắc Ninh, lên Sa Pa lập nghiệp từ năm 2006. Sau nhiều năm mày mò, chung đụng làm ăn, mãi đến năm 2012, anh Trung quyết định thành lập HTX, liên kết với người dân trồng rau. “Tôi phải vận động mãi người dân mới chịu tham gia. HTX cung ứng toàn bộ giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật, đến cuối vụ sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm. Lúc đầu chỉ có 5 – 7 hộ tham gia, giờ toàn HTX có 45 hộ”, anh Trung chia sẻ.

Ngoài liên kết SX, HTX Mai Anh chật vật tích tụ được hơn 10ha, thuê lại của người dân để xây dựng mô hình nhà lưới. Năm đầu tiên, anh Trung thuê 1ha đất chỉ mất 15 triệu đồng/năm. Đến năm 2017, giá thuê đã bị đội lên tới 80 triệu đồng/năm. “Mấy hộ cho HTX thuê đất đang dọa sang năm tăng thêm, chưa biết là bao nhiêu. Họ bảo nếu không tăng sẽ đòi lại để… trồng lúa. Tháng 3/2018, thời hạn hợp đồng thuê đất sẽ hết. Chúng tôi đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng vào nhà lưới…”, anh Trung giọng đầy chua xót.

Tôi hỏi, giá đất thuê theo đà tiếp tục tăng thì sao. Anh Trung trầm ngâm một lúc bảo, thế thì không kham nổi, đành dỡ nhà lưới, trả lại đất, kiếm nghề khác tiếp tục mưu sinh.

Bà Hà Thị Thập, Giám đốc HTXNN Phát Lợi (Sa Pa) cũng thừa nhận, đơn vị đang gặp khó trong vấn đề phát triển SX, liên quan tới đất đai. Tổng diện tích HTX này đang liên kết SX với người dân vào khoảng 30ha. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, Sa Pa phát triển mạnh du lịch, mọi thứ đắt đỏ, nhiều người dân đến xin “đòi” lại đất.

Diện tích đất SX dần dần bị thu hẹp. Theo bà Thập, chỉ trong thời gian ngắn, HTX này đã mất khoảng 7ha vùng nguyên liệu vì người dân “đòi” lại. Trong khi về nhu cầu, đơn vị này vẫn muốn mở rộng khoảng 20ha để trồng rau.

+ “Mỗi năm, HTX xuất ra thị trường khoảng 1.000 tấn rau các loại. Tuy nhiên đầu ra không được ổn định. Trước đây có 3 doanh nghiệp dưới Hà Nội lên đăng ký thu mua nhưng đến giờ chưa thấy trở lại”, anh Bùi Trọng Trung, Giám đốc HTXNN Mai Anh.

+ “Tôi xin khẳng định, vấn đề liên kết trong SXNN hiện nay chưa có sự ràng buộc chặt chẽ, kể cả đã có hợp đồng. Các doanh nghiệp đặt mối thu mua nhưng không bền vững. Trong khi, giá lên cao, người dân vẫn lấy sản phẩm liên kết với HTX bán ra ngoài…”, bà Hà Thị Thập, Giám đốc HTXNN Phát Lợi than.

 

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm