| Hotline: 0983.970.780

Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ...

Thứ Bảy 03/05/2014 , 09:15 (GMT+7)

Bây giờ, mỗi năm tôi vẫn quay về, đứng lặng với dòng sông Thạch Hãn và ngơ ngác, giật mình vì không hiểu sao mình vẫn sống được. 

Hơn 40 năm qua, tôi vẫn nhớ như in đợt tổng động viên năm 1971, tôi lên đường nhập ngũ ngày 6/9 năm ấy. Cùng lứa với rất nhiều sinh viên các trường đại học ở Hà Nội. Trong đội ngũ ấy có cả Nguyễn Văn Thạc.

Chúng tôi từ Trường Đại học Tổng hợp ra đi, sau bao nhiêu năm, điều tôi nhớ nhất là buổi chào cờ ấy, những giọt nước mắt lăn trên má của Nguyễn Văn Thạc. Hơn 40 năm trôi qua, tôi cảm thấy như là những giọt nước mắt ấy vẫn chưa khô, vẫn còn đọng trong tôi.

Sau này, đọc nhật ký của Nguyễn Văn Thạc, tôi mới biết có câu Thạc nói rằng: “Bài Quốc ca vang lên, bài hát này bao lần tôi đã nghe, nhưng đến hôm nay ta mới thực hiểu rằng, trên hết là Tổ quốc”. Nhưng trên hết là nụ cười lạc quan, cho đến khi ra trận, cho đến dòng cuối cùng của dòng nhật ký là “Kẻ thù không cho tôi ở lại, đêm nay tôi phải đi, nhưng nhất định tôi sẽ trở về với Thủ đô yêu dấu của lòng tôi”.

Chúng tôi được huấn luyện hết sức cấp tốc, vào trận mạc ngay, và cùng nhau chiến đấu trên mặt trận Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Nguyễn Văn Thạc là lính thông tin, Hoàng Nhuận Cầm là lính cao xạ. Bản thân đã chiến đấu trên trăm trận rồi. “Đánh trăm trận đã nguôi cơn khát, nhưng vẫn chưa nguôi khát diệt thù”.

Nhiều trận đánh, có ca nước ở ngay trên công sự mà không kịp uống vì máy bay cứ liên tục bổ nhào, có bài báo đến tay, 300 - 400 chữ viết về phố Hàng Bạc (Hà Nội) của mình mà không có thời gian để đọc, máy bay cứ bổ nhào liên tục. Đó là trận bảo vệ cầu Hàm Rồng ở Thanh Hóa. Bài thơ “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu” của tôi vang lên từ đó.

Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu

Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ

Trong những ba lô kia ai bảo là không có

Một hai ba giọng hát chú ve kim

Đấy là tiếng ve từ nhà trường vang vọng trong hành trang, trong ba lô vào mặt trận. Sau đó, bước ngay vào chiến trường khốc liệt nhất, chiến trường Quảng Trị. Mà như giờ đây, chúng ta vẫn biết, nơi mỗi mét đất là một mét máu, nơi lớp lớp người ngã xuống, lớp lớp người xông lên.

Nơi mà đánh một trận quay lại sau lưng toàn lính mới. Nơi không giống ở đâu trên thế giới là có một nghĩa trang ở dưới nước, nơi rất nhiều bạn bè sinh viên của tôi đã nằm lại đúng như câu thơ của Lê Bá Dương đã viết:

Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm

Cho nên hai mảnh đất mà trong cuộc đời cầm súng và cầm bút của tôi tôi nhớ mãi là Thanh Hóa - nơi hàng tấn tấn bom dội xuống mà không hiểu sao mình vẫn sống được và tiếp tục cầm súng để lao vào Quảng Trị. Dấu ấn lớn nhất trong cuộc đời lớn nhất của tôi vẫn là Quảng Trị.

Bây giờ, mỗi năm tôi vẫn quay về, đứng lặng với dòng sông Thạch Hãn và ngơ ngác, giật mình vì không hiểu sao mình vẫn sống được. Còn nhớ, lần đánh ở Quảng Trị, cùng với đồng đội là anh Trần Như Thìn, bây giờ làm phát hành phim, khi mìn đạn ghê quá, cháy cả tóc, cả mang tai thì anh bạn kêu lên “Eo ơi, như phim Cầm ạ”.

Khổ quá, chỉ biết đến chiến tranh trong phim Liên Xô, nên nghĩ chỉ có trong phim, giờ vào trận thấy khốc liệt quá, nên mới buột miệng nói thế. Nhưng ngay từ khi đó, tôi lại nghĩ, nếu còn được sống và trở về, tôi sẽ đưa những câu chuyện này lên phim và kịch bản bộ phim “Mùi cỏ cháy” được manh nha từ đó.

Tôi còn nhớ mãi, tất cả những hình ảnh của đồng đội, vì thế những nhân vật trong phim đều mang hình ảnh bạn bè của tôi trong đó. Bốn nhân vật Hoàng, Thành, Thăng, Long. Hoàng là Hoàng Nhuận Cầm, Thành là hình ảnh của Vũ Đình Văn, Long là Hoàng Thượng Lân, Nguyễn Văn Thạc là nhân vật Thăng.

Nhưng 4 cái tên cũng nói lên tình yêu Hà Nội, nói lên một thế hệ trẻ nhất, ưu tú nhất của Thủ đô đã lên đường ra trận. Nói về thế hệ chúng tôi, có thể dùng câu thơ của nhà thơ Thanh Thảo:

Những dấu chân rồi lùi lại phía sau

Dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất

Mười tám, hai mươi sắc như cỏ, dày như cỏ, yếu mềm và mãnh liệt như cỏ

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc

Cỏ sắc nào ấm quá phải không em?

Mỗi một mảnh đất máu lửa, gắn đầy kỷ niệm của chúng tôi đã gìn giữ bằng chính máu xương mình, bằng chính khẩu súng chúng tôi cầm trên tay, giờ nhìn lại vẫn không cầm được nước mắt.

Mảnh đất Quảng Trị vẫn là nơi nhớ nhất, phía địch không chịu lùi, chúng kiên quyết muốn cắm cờ để gây áp lực lên Hội nghị Paris, ta cũng kiên quyết không cho chúng cắm cờ. Thế nên ta thấm thía câu “Mỗi mét đất là một mét máu, nơi lớp lớp người ngã xuống, lớp lớp người xông lên, đánh một trận quay lại sau lưng toàn lính mới”.

Tôi đã chứng kiến những trận đánh nhau bằng lê, bằng dao. Tôi nhớ khi Thạc chết, chân anh ấy bị cắt đứt, anh ấy vẫn rất tỉnh táo và nói: “Máu ra nhiều thế này không sống được đâu Cầm ạ, chỉ tiếc biết bao điều dang dở vẫn chưa làm được”. Đó là câu nói cuối cùng của Thạc trước khi hy sinh. Và tôi đã cố gắng làm nốt điều dang dở của anh ấy, đó là bộ phim “Mùi cỏ cháy”.

Mảnh đất ấy thiêng đến nỗi, khi anh Nguyễn Văn Thục, anh của Nguyễn Văn Thạc vào tìm cả tuần vẫn không thấy phần mộ của anh Thạc, coi như nản lòng định đi ra rồi, đã chuẩn bị túi để ra Hà Nội, đứng trước một ngôi nhà thì thấy một bà cụ đi ra và bảo, kìa, chú Thạc nằm trước anh, cách anh có hai mét.

Bạn hỏi tôi rằng làm thơ vào lúc nào khi nước còn không kịp uống, có sợ chết không? Có cựu binh Mỹ cũng từng hỏi tôi như vậy. Tôi trả lời cựu binh Mỹ rằng, nếu mà sợ thì giờ tôi đã không đứng trước mặt ông nữa.

Tôi nhớ lại cảm giác khi máy bay bổ nhào, lúc đầu nó chỉ bằng cái điếu cày, sau nó to đúng bằng cái bàn… và tôi thấy hẳn đầu phi công lắc lắc thì mình nghĩ mày trượt rồi, giờ đến lượt tao. Và mọi việc diễn ra nhanh lắm, mình không có thời gian để sợ nữa. Thế là tôi cứ bóp cò.

Tôi làm thơ trên đường hành quân và giữa hai trận đánh. “Vào mặt trận giữa mùa ve đang kêu” là bài thơ được làm như thế. Làm được một khổ thì lại vào trận đánh, rồi đánh xong lại làm tiếp.

Đúng là những vần thơ chiến hào. Đúng là thơ ca nó chắt lọc từ cuộc sống. Từ chiến đấu tôi mới có những bài thơ sống được, còn trước đó, khi còn trên ghế nhà trường, thơ tôi không có hiện thực, không thể gọi là thơ, chỉ là những câu văn hoa tự rơi khỏi miệng.

Năm 1972, khi tôi được trao giải, nhà thơ Chế Lan Viên đã nói với bố mẹ tôi rằng: Cám ơn gia đình đã sinh ra một người con, nhưng Tổ quốc đã sinh ra một người lính, một nhà thơ. Và bây giờ, tôi vẫn tự hào nhận mình là một nhà thơ, chiến sĩ.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất