| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 04/09/2013 , 09:53 (GMT+7)

09:53 - 04/09/2013

Đổ lỗi vòng quanh

Tình trạng đổ lỗi vòng quanh, đùn đẩy trách nhiệm trước các vấn đề của thị trường lao động “vừa thừa vừa thiếu” như hiện nay không phải là hiếm.

Theo một quan chức ngành giáo dục, khi chọn ngành học thì học sinh không chỉ căn cứ năng lực của mình mà còn phải xem xét nhu cầu thực của địa phương.

Tuyên bố này là của ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo khi phát biểu về việc ngành này đang thiếu đến 27.000 giáo viên trong khi hàng nghìn sinh viên sư phạm ra trường không tìm được việc (vnexpress.net 30/8/2013).

Theo ông Cục trưởng, để dứt điểm được tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên hiện nay cần có thời gian và giải pháp đồng bộ cùng với việc điều chỉnh cơ học dân số.

Ông cũng cho biết, “điều này cũng không thể phụ thuộc vào ngành giáo dục mà đòi hỏi sự chung tay của các địa phương” và thậm chí là của cả các… thí sinh. Cụ thể là, học sinh thi sư phạm không chỉ căn cứ năng lực của mình mà còn xem xét nhu cầu thực của địa phương, những môn còn thiếu giáo viên trên địa bàn (?).

Tuyên bố của ông Cục trưởng cho thấy ông dường như đang phủi tay và đẩy trách nhiệm sang các đối tượng không có khả năng phản ứng lời của ông là… cơ chế, chính sách, địa phương và cả chính các em… học sinh.

Tuy nhiên, điều đáng nói là tuyên bố của ông Cục trưởng không phải là trường hợp cá biệt bởi lẽ tình trạng đổ lỗi vòng quanh, đùn đẩy trách nhiệm trước các vấn đề của thị trường lao động “vừa thừa vừa thiếu” như hiện nay không phải là hiếm.


Ảnh minh họa

Kết quả một nghiên cứu của Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết khoảng 2/3 doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn trong khâu tuyển dụng bất chấp thực tế là khoảng 1 triệu người đang không có việc làm.

Các ông chủ doanh nghiệp này cho biết phần lớn người lao động, kể cả lao động đã được đào tạo bài bản ở các trường nghề, trường cao đẳng, đại học và thậm chí là trên đại học hiện không đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về kỹ năng.

Theo các nhà tuyển dụng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các cơ sở đào tạo không chú trọng đến phần rèn luyện kỹ năng và thực hành, lĩnh vực vốn yêu cầu phải có sự đầu tư lớn về nhân lực – vật lực, mà chỉ tập trung đào tạo kiến thức, lĩnh vực không đòi hỏi vốn đầu tư cao, để tối giản hóa chi phí.

Trong khi đó, phía nhà trường lại bày tỏ những khó khăn mà họ đang phải đối mặt như thiếu vốn đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thiếu nguồn giáo viên, giảng viên có tâm huyết, chất lượng, thậm chí là thiếu… cơ chế để họ có thể nhanh chóng đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng sát với nhu cầu xã hội hơn.

Còn các nhà hoạch định chính sách, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước trong ngành giáo dục thì không ít lần cho biết những hệ lụy mà xã hội đang phải gánh chịu đến từ nhiều nguyên nhân như do quan điểm xã hội vốn coi trọng bằng cấp, do lỗi hệ thống và thậm chí là do… người đi học không biết chọn nghề như phát biểu của vị Cục trưởng nói trên.

Trong khi đó, những điều mà người dân cần nghe và muốn biết nhất như: Biện pháp khắc phục, phương án triển khai và lộ trình thực hiện các bước cải cách giáo dục theo hướng sát với yêu cầu thực tế thì dường như chỉ được đề cập một cách khá mờ nhạt, chung chung và bị chìm nghỉm trong tiếng vỗ tay vang dội của hàng trăm cuộc hội nghị, hội thảo lớn nhỏ khắp từ Nam ra Bắc.

Như vậy, có thể thấy thực trạng thừa lao động, thiếu nhân công đã diễn ra dai dẳng nhiều năm và có lẽ sẽ còn tiếp tục kéo dài trong nhiều năm nữa nếu tình trạng “đổ lỗi vòng quanh” không được giải quyết triệt để.

Bình luận mới nhất