| Hotline: 0983.970.780

Đỏ mắt tìm lao động có kỹ năng

Thứ Tư 09/11/2011 , 09:37 (GMT+7)

Phần lớn doanh nghiệp nước ngoài cho rằng lao động Việt thiếu kỹ năng là nguyên nhân khiến họ cân nhắc khi muốn tham gia đầu tư vào Việt Nam.

Cần đào tạo lao động có tay nghề từ trên ghế nhà trường

Theo kết quả điều tra do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) công bố ngày 8/11 tại Hà Nội, phần lớn doanh nghiệp nước ngoài cho rằng lao động Việt thiếu kỹ năng là nguyên nhân khiến họ cân nhắc khi muốn tham gia đầu tư vào Việt Nam.

Chỉ 15% lao động “chung tình”

Lãnh đạo một Cty Hàn Quốc đặt tại TP.HCM nói rằng: “Chúng tôi muốn đưa máy móc hiện đại vào Việt Nam nhưng không tuyển đủ số kỹ thuật viên để vận hành máy. Chúng tôi cần lao động có kỹ năng nhưng VN không có đủ”. Ông David Arless, Chủ tịch tập đoàn Manpower, tập đoàn hàng đầu thế giới hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ việc làm, tuyển dụng nhân sự cho các công ty, các tập đoàn kinh tế trên thế giới... mở đầu buổi nói chuyện bằng mong muốn của một Cty Hàn Quốc khi muốn nâng cấp nhà xưởng tại Việt Nam.

Ông David cho biết, khi cùng với Viện KHLĐ&XH điều tra 10 doanh nghiệp đang sử dụng lao động Việt nhiều nhất mới vỡ lẽ: Lao động Việt Nam nằm trong nhóm nước có chất lượng lao động thấp nhất của khu vực. Cứ một trong 2 doanh nghiệp cho rằng, lực lượng lao động ở đây chưa tốt và họ không tìm được lao động có kĩ năng họ cần. Có đến 2/5 giám đốc điều hành cho biết, họ gặp khó khăn trong tuyển lao động, nhất là “lao động cao” tại 4 trong tổng 6 nhóm nghề chính: lao động giản đơn, quản lý, kỹ sư và lao động có kỹ năng đơn giản như dịch vụ khách hàng, kỹ thuật viên các công ty.

Không chỉ có lao động thiếu hụt kỹ năng làm việc mà cấp quản lý cũng vậy. Nhiều người ở vai trò quản lý nhưng lại thiếu kỹ năng quản lý chung, kỹ năng tạo động lực cho nhân viên, quản lý nguồn lực, kỹ năng giao việc và đặc biệt nhất là yếu về ngoại ngữ, vi tính, hiểu biết về tài chính và khả năng sáng tạo. Đại diện một DN cho hay, đây là những “điểm mù” đã bị người lao động bỏ qua. Trong khi nó đang có vai trò ngày càng quan trọng trong sự thành công của DN vì chúng cho phép DN giải quyết vấn đề và tạo ra sản phẩm mới nhanh hơn các đối thủ.

Cuộc điều tra cũng cho thấy, khoảng ¼ DN cho rằng lao động VN không đáng tin cậy hoặc chưa quan tâm tới chất lượng công việc và thiếu kỹ năng giao tiếp. Có khoảng 15% lao động “thực sự gắn bó với DN của mình”, số còn lại làm việc tốt nhưng vẫn sẵn sàng bỏ đi ở môi trường khác tốt hơn. Lao động cũng không biết duy trì một môi trường làm việc an toàn và sạch sẽ, yếu về tiếp thu và áp dụng các thông tin mới. Họ cũng thiếu nghiêm trọng kiến thức về quy trình an toàn và vệ sinh lao động trong ngành chế biến thực phẩm, thiếu hụt cao về khả năng thích ứng công nghệ và an toàn vệ sinh lao động trong ngành dệt.

Kỹ năng lao động làm việc chỉ là phần ngọn, trong khi “phần gốc” là thời gian các em ngồi trên ghế nhà trường cũng bị thiếu hụt nghiêm trọng. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong số 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm, chỉ có 300.000 em học tiếp đại học, còn lại sẽ vào trường dạy nghề và trung cấp nghề. Thế nhưng, số trường này đâu có nhiều. Thêm vào đó là sự thiếu hụt về trang thiết bị dạy học, tài liệu giảng dạy và giáo viên có tay nghề cao…

Đầu tư bởi giá rẻ

Mặc dù thiếu hụt về chất lượng nhưng chi phí nhân công thấp vẫn là lợi thế thu hút đầu tư. Kết quả điều tra cũng cho thấy, 7/10 DN cho biết họ vẫn coi VN là một điểm kinh doanh tốt và vẫn chọn Việt Nam để đầu tư. Ví dụ như tại TP.HCM, đang có nhiều tập đoàn của Hoa Kỳ trong ngành chế tạo và dịch vụ đã chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam do ở đây có chi phí nhân công rẻ và môi trường kinh doanh thuận lợi.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong sáu ngành như khai khoáng và xây dựng, chế tạo, vận tải và thiết bị, bán buôn và bán lẻ, dịch vụ, tài chính, bảo hiểm và bất động sản đang gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động.

Tuy nhiên, họ cũng lường trước khó khăn từ việc chi phí thấp, kỹ năng thấp sẽ làm chậm quá trình phát triển. Theo ông David Arless, hệ thống giáo dục VN phải khắc phục tình trạng trên, tăng đầu tư cho các trường dạy nghề nhiều hơn nữa nếu muốn có thêm nhiều DN vào đầu tư. Bên cạnh đó, DN Việt Nam sẽ phải đánh giá cẩn thận nhu cầu của mình và điều chỉnh chiến lược đào tạo nhân viên, nhất là cấp điều hành. Bản thân các DN cần hợp tác chặt chẽ với các trường dạy nghề, CĐ, ĐH để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp.

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, đây là thực trạng đáng báo động đối với chất lượng lao động ở VN. Năm tới Viện sẽ cùng với Tập đoàn Manpower tiếp tục khảo sát 100 Cty hàng đầu đang đầu tư tại VN để xem lĩnh vực nào họ quan tâm nhất. Đồng thời sẽ đưa ra các khuyến nghị đối với Chính phủ và các cơ quan quản lý để có thể cải thiện chất lượng lao động VN trước khi quá muộn.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất