| Hotline: 0983.970.780

Đổ nợ vì bí không ra trái

Thứ Tư 14/08/2019 , 08:45 (GMT+7)

Dự đoán năm nay, bí đỏ sẽ được giá nên hàng trăm hộ dân ở huyện Ea H'leo (Đăk Lăk) đua nhau trồng loại bí đỏ lấy trái. Tuy nhiên, đến thời điểm thu hoạch, ruộng bí chỉ toàn... ra hoa đực.

Bí toàn ra hoa đực

Anh Nguyễn Thanh Long thôn Gha, xã Dliê Yang, huyện Ea H'leo có thâm niên trồng bí đỏ lấy quả từ hơn chục năm nay, cho biết: Từ nhiều năm nay, anh cùng bà con ở đây trung thành với giống bí lấy trái của Cty TNHH EAST- WEST SEED (Hai mũi tên đỏ). Năm nay, anh trồng 2 giống bí đỏ lai F1 ARJUNA và giống bí xanh lai F1 SUPEMA, được mua từ đại lý Anh Măng ở thị trấn Ea Đ'răng (huyện Ea H'leo).

15-37-00_tui_giong_bi_do_li_f1_rjun_cu_cty_hi_mui_ten_do
Túi giống bí đỏ lai F1 ARJUNA của Công ty Hai mũi tên đỏ.

Nhận định bí đỏ được giá, anh đã mạnh dạn đầu tư trồng 2,6 ha bí từ tháng 4/2019, dự kiến sau 3 tháng (đến tháng 7/2019) sẽ cho thu hoạch. Tuy nhiên sau một tháng rưỡi, vườn bí nhà anh chỉ... ra hoa đực, sau đó lác đác ra vài nụ cái nhưng chưa kịp bung hoa thì đã bị thối rữa.

Anh Long tính toán: Bí ở đây được trồng theo phương pháp vô cơ, mỗi ha cần đến 3,5 triệu đồng tiền giống, rồi phân bón, béc tưới, công làm đất, chăm sóc, thu hoạch... tất tần tật đầu tư cho 1 ha hết 30 triệu đồng. Không thu được một quả bí nào, gia đình anh mất trắng gần 80 triệu đồng cho vụ bí này.

Ông Triệu Khánh Tình (thôn 4, xã Dliê Yang) xuống giống 3 ha từ tháng 4/2019. Cùng chung số phận với ruộng bí của anh Long, ruộng bí của ông chỉ ra hoa đực mà không ra trái, nhưng ông Tình thiệt hại nặng nề hơn anh Long, bởi ông phải đi thuê đất mỗi ha với giá 15 triệu. Tính tổng thiệt hại của ông ở vụ bí này lên đến gần 120 triệu đồng. Ông Tình chua xót nói: "Chỉ còn cách bán nhà trả nợ thôi, chú ơi!".

Còn anh Nguyễn Viết Hòa (tổ dân phố 9, thị trấn Ea Đ'răng, huyện Ea H'leo) cũng có 3 ha bí, được trồng theo 2 đợt. Đợt đầu anh xuống giống 1 ha vào tháng 4/2019, sau một tháng rưỡi, ruộng bí chỉ cho hoa đực. Đợt hai là vào giữa tháng 5/2019, anh tiếp tục xuống 60 túi giống cho 2 ha.

15-37-00_tc_gi_doi_mu_v_nh_nguyen_viet_ho_ben_ruong_bi_khong_r_tri
Tác giả (đội mũ) và anh Hòa bên ruộng bí đỏ không ra trái.

Cũng như 1 ha ở đợt một, và cũng như những ruộng bí khác trong vùng, ruộng bí của anh cũng vẫn chỉ ra hoa đực, tuyệt nhiên không đậu được một trái nào. Anh cho biết, nghỉ công việc ở một công ty mà chỉ biết làm chứ không biết đến đồng lương, anh huy động vay mượn anh chị, bạn bè để đầu tư vào 3 ha bí này. Giờ thì xem như trắng tay!

Nhìn những ruộng bí tươi tốt, những ngọn bí mập mạp vươn ra xung quanh, tôi hỏi sao không cắt ngọn bí bán, nhằm vớt vát chút tiền đầu tư, bà con ở đây trả lời: Đây là giống bí ăn trái chứ không phải giống bí ăn ngọn. Giờ bí không đậu trái, xem như là bỏ hẳn vả vườn. Một danh sách dài tới 4 trang giấy A4 được bà con đưa cho tôi xem: Đó là danh sách những hộ dân ở đây bị thua lỗ, lâm nợ vì những ruộng bí cho cho ra... hoa đực.
 

Khắc phục kiểu nào?

Trước thiệt hại từ những ruộng "bí đực" nêu trên, người dân nơi đây đã báo với chính quyền, đồng thời báo với bên cung cấp giống (Cty Hai mũi tên đỏ). Công ty đã cử cán bộ chuyên môn đến tận vườn kiểm tra, xác nhận là ruộng bí vụ này không ra trái.

Ông Nguyễn Thanh Long cho biết: "Họ nói nguyên nhân là do thời tiết khô hạn nên bí không ra trái. Nhưng đây là giống bí chịu hạn. Hơn nữa đợt một xuống giống vào tháng 4/2019, trời nắng nên bà con chúng tôi bỏ tiền kéo béc tưới nước cho bí, dây bí phát triển tốt. Xuống giống đợt hai thì đã có mưa nên không thể đổ cho thời tiết được".

Cũng theo bà con thì công ty yêu cầu lập danh sách những hộ bị thiệt hại, sẽ hỗ trợ 50% giống cho vụ sau. Tuy nhiên bà con không đồng ý, bởi đầu tư một ha bí cho một vụ, ít nhất là mất 30 triệu đồng, nhưng công ty chỉ hỗ trợ 50% giống, nếu bị như năm nay, lại nợ chồng chất nợ. "Nông dân yêu cầu công ty hoàn lại chi phí. Rất mong ngành chức năng lấy mẫu giống về trồng khảo nghiệm, đối chứng", ông Long nói.

15-37-00_dnh_sch_cu_mot_phn_nhung_ho_dn_bi_thiet_hi_o_vu_bi_ny
Một phần danh sách những hộ dân bị thiệt hại vụ bí này.

Trả lời Báo NNVN, ông Đặng Văn Tuấn, GĐ khu vực miền Trung- Tây Nguyên của Công ty Hai Mũi Tên Đỏ, cho biết: "Do những cơn mưa đầu mùa làm dây bí sinh trưởng mạnh, cành nhánh sum suê, làm ức chế quá trình phát triển. Ở đây nụ cái vẫn ra nhưng bị rụng".

Ông Tuấn cho biết công ty đã hỗ trợ bà con 50% chi phí hạt giống cho vụ sau. Tuy nhiên có một số bà con không nhận, còn kích động làm khó khăn cho công ty. Nếu cần kiểm nghiệm, công ty sẵn sàng nhưng phí kiểm nghiệm thì bên nào thua, bên đó phải chịu.

Chị Thủy, một thương lái thu mua trên địa bàn huyện Ea H’leo và nhiều huyện lân cận cho biết, trung bình hằng năm chị thu mua 2- 3.000 tấn bí, chủ yếu cung cấp cho các chợ ở TPHCM. Tuy nhiên, năm nay do nhiều khu vực mất mùa nên sản lượng thu mua không đáng kể.

Được biết, toàn xã Dliê Yang có diện tích trồng bí đỏ gần 200 ha, tập trung ở thôn Tri C3 và thôn 1, chủ yếu là giống bí đỏ của Công ty Hai mũi tên đỏ. Đây là loại cây ngắn ngày, dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc và là cây trồng đem lại thu nhập cao cho người dân nhiều năm qua.

Thế mà theo ông Hà Văn Tài, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dliê Yang, năm nay bí đỏ trong xã hầu như mất trắng, nhiều hộ thua lỗ, đặc biệt là các hộ phải thuê đất để trồng. Hội Nông dân xã đang khảo sát, đánh giá tình hình để kiến nghị với cấp trên có hướng hỗ trợ người dân.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.