| Hotline: 0983.970.780

Đổ nợ vì chồn nhung đen

Thứ Hai 01/07/2013 , 10:03 (GMT+7)

Hàng loạt hộ nông dân ở TT-Huế đang điêu đứng vì bị “dính vố lừa” khi tham gia mô hình nuôi chồn nhung đen đa cấp. Điều đáng nói, trong khi người dân đang ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, thì chính quyền, các cơ quan hữu quan phản ứng rất chậm và lúng túng...

Hàng loạt hộ nông dân ở TT-Huế đang điêu đứng vì bị “dính vố lừa” khi tham gia mô hình nuôi chồn nhung đen đa cấp. Điều đáng nói, trong khi người dân đang ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, thì chính quyền, các cơ quan hữu quan phản ứng rất chậm và lúng túng trong việc xử lý…

Nông dân “dính vố lừa”

Làng quê Phú Mậu (huyện Phú Vang, TT-Huế) mấy ngày nay không còn bình yên nữa bởi câu chuyện về con chồn nhung đen đã khiến nhiều hộ dân ở đây phải điêu đứng vì nợ nần, tiếp tục nuôi chồn thì quá tốn kém mà bỏ đi cũng không được.

Vào nhà ông Lê Viết Tăng (thôn Mậu Tài) vừa lúc ông đi cắt cỏ về cho chồn ăn. Ra chiều uể oải, ông Tăng cho biết: “Gần 2 tháng trước, ông Đoàn Việt Châu (Hà Nội) thông qua một người tên Phương (hiện là giáo viên ở Huế) kết hợp với một số người dân địa phương bảo là đưa giống chồn nhung đen về cho gia đình tui nuôi. Họ quảng cáo nuôi chồn nhung đen lợi nhuận cao, thu hồi vốn nhanh và rất dễ nuôi nên gia đình tôi cũng muốn thử.

Tôi mua 144 cặp với giá 4 triệu đồng/cặp, ông Châu bảo mua chồn sẽ được “hỗ trợ” 50% nên giá chỉ còn 2 triệu đồng/cặp và hứa sau một thời gian nuôi, chồn sinh sản thì sẽ mua với giá 1 triệu đồng/con chồn con. Do không đủ tiền nên tui “ứng” trước cho ông Châu 40 triệu đồng, hứa thời gian nữa sẽ trả nốt”. Ông Tăng mang chồn về nuôi, chừng nửa tháng thì chồn đã sinh sản, khấp khởi mừng. Đến khi ông gọi vào số điện thoại ông Châu nhiều lần nhưng ông không bắt máy. Cho đến nay, số chồn trên đã sinh sản khá lớn, chi phí thức ăn từ việc cắt cỏ, bột nuôi ngày một nhiều nhưng ông Châu vẫn bặt vô âm tín.

Ông Tăng cho biết thêm: “Tôi chủ động điện cho ông Châu thì ông không bắt máy, nhưng thỉnh thoảng ông lại chủ động gọi lại, hỏi han và tiếp tục hứa sẽ thu mua chồn nhung con trong thời gian tới”.

Điều đáng nói là, hàng chục hộ dân ở TT-Huế khi chấp nhận rủi ro mua giống chồn này về nuôi, họ không hề hay biết rằng đây là loài vật chưa có tên trong danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh.




Tại cơ sở nuôi chồn nhung đen của ông Lê Viết Tăng ở xã Phú Mậu, mấy tháng nay ông Đoàn Việt Châu không ghé thu mua chồn con như đã hứa

Cùng rơi vào hoàn cảnh như ông Tăng là gia đình ông Lê Văn Lộc (thôn Tiên Nộn), Nguyễn Đức Tùng (thôn Thế Vinh), cũng bỏ ra hàng chục triệu đồng từ việc vay mượn, giờ đành bó gối chờ người đến mua chồn. Hộ gia đình ông Lộc được ông Đoàn Việt Châu “chuyển giao” 100 con chồn nhung đen, nuôi từ tháng 2/2013. Sau 5 tháng nuôi, chồn đã sinh sản gần 30 con nhưng chẳng thấy người đến mua. Chị Trần Thị Bé, người nhà ông Lộc bức xúc: “Không ai ngờ nuôi chồn nhung đen lại ôm nợ hết. Lúc trước, khi mang chồn về, ông Châu hứa với gia đình tôi, khi chồn sinh sản sẽ mua mỗi con giá 1 triệu đồng.

Trong quá trình nuôi, chồn bị chết con nào thì ông Châu sẽ đền lại tiền cho con đó. Thấy dễ nuôi, thu hồi vốn nhanh, vả lại, các điều kiện ông Châu đưa ra cũng khá “thuận lợi” nên gia đình chúng tôi đồng ý mua nuôi”. Hộ ông Lộc mua 100 con chồn nhung đen, làm nhà nuôi hết 7 triệu đồng, mua lồng nuôi từ ông Châu hết 50 triệu đồng. Số tiền trên đều phải đi vay mượn nên giờ gia đình đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi mà chồn đã sinh sản khá nhiều nhưng chẳng có ai mua.

Bi kịch hơn là gia đình ông Lê Đức Oánh (phường An Tây, TP Huế) nuôi 350 con chồn nhung đen cũng từ “nguồn cung” là ông Đoàn Việt Châu. Sau mấy tháng nuôi, nợ nần chồng chất, tiền thức ăn không kham nổi, người hứa mua chồn thì lặn mất tăm, ông Oánh đã liên lạc với cán bộ Chi cục Thú y TT-Huế yêu cầu “giúp” mang số chồn đi xử lý bằng cách tiêu hủy.

Chưa có phương án xử lý

Theo thống kê chưa đầy đủ, ngoài xã Phú Mậu, trên địa bàn TT-Huế còn hàng chục hộ dân tham gia nuôi chồn nhung đen tập trung ở các địa phương như Bình Thành, Bình Điền (thị xã Hương Trà), Phú Dương, Phú Thượng (huyện Phú Vang), Lộc Sơn (huyện Phú Lộc) và phường An Tây (TP Huế) với “quân số” lên đến hàng nghìn con. Ông Trần Vãng - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mậu cho biết: “Sau khi phát hiện 3 hộ dân trên địa bàn xã có nuôi chồn nhung đen, ngày 21/6, UBND xã Phú Mậu đã kết hợp với Trạm Khuyến nông, Phòng NN-PTNT huyện Phú Vang tiến hành kiểm tra và nhận thấy các hộ nuôi không có thủ tục kiểm dịch vận chuyển, nguồn gốc vật nuôi không rõ ràng. Đoàn đã lập biên bản đối với những hộ dân trên và yêu cầu viết cam kết giữ số lượng nuôi tại chuồng, không được mang mua bán, cho tặng, giết mổ; khi phát hiện bệnh tật, chủ nuôi phải báo cáo cho chính quyền, trạm thú y, phòng nông nghiệp huyện biết để có phương án xử lý”.


Hàng loạt hộ dân ở TT-Huế đổ nợ vì chồn nhung đen

Ông Vãng thừa nhận: “Mặc dù người dân mang giống chồn nhung đen về nuôi vào tháng 2, nhưng đến tháng 6 địa phương mới phát hiện thì khi đó đã có khá nhiều hộ nuôi, do đây là mô hình mới, bà con cũng không nắm được thông tin, không báo cho thú y cơ sở. Nhiều người bảo các hộ gia đình trên nuôi chuột, sợ sổng chuồng phá hoại mùa màng, lây lan dịch bệnh, khi báo lên chính quyền thì địa phương mới nắm được”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Thạnh - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Phú Vang cho biết: “Sau khi có sự chỉ đạo của Sở NN-PTNT TT-Huế, UBND huyện Phú Vang đã có công văn về kiểm soát việc nuôi và phát tán chồn nhung đen. Theo đó, UBND huyện yêu cầu tăng cường kiểm soát, hạn chế việc người dân tự phát nuôi chồn nhung đen; theo dõi và phát hiện rủi ro về bệnh dịch và sự tác hại của chồn nhung đen. Các UBND xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc người dân nuôi chồn nhung đen nhằm hạn chế những rủi ro tiềm ẩn”. Ông Thạnh cho biết thêm, việc xử lý chồn nhung đen hiện tại rất khó khăn bởi chỉ mới ngành nông nghiệp vào cuộc. “Để hiệu quả hơn, cần có sự kết hợp giữa các ban, ngành chức năng như TNMT, kiểm lâm, công an kinh tế, môi trường…” - ông Thạnh nói.

Ông Hồ Vang - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TT-Huế thừa nhận: “Hiện tại, đã có một số địa phương ở TT-Huế có tham gia mô hình nuôi chồn nhung đen đa cấp. Tuy nhiên, chồn nhung đen người dân đang nuôi hiện chưa có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh; không rõ nguồn gốc và chưa có kết quả khảo nghiệm của các cơ quan chuyên môn báo cáo về Bộ NN-PTNT. Điều này chưa có căn cứ đánh giá mặt tích cực cũng như tác hại của chồn nhung đen về lây lan dịch bệnh, phá hoại mùa màng… Vì thế, cần có biện pháp tuyên truyền, kiểm soát nhằm hạn chế rủi ro về tác hại của việc chăn nuôi chồn nhung đen, nhất là với hình thức đa cấp”.

Về phương án xử lý, nhiều hộ dân nuôi chồn nhung đen ở TT-Huế cho biết, đến nay vẫn chưa có sự hướng dẫn nào từ các cơ quan chức năng về việc có được tiếp tục nuôi hay không hay phải tiêu hủy, vì thế bà con rất hoang mang.

Thực trạng nuôi chồn nhung đen “căng” đến mức, nhiều địa phương trong tỉnh TT-Huế phải phô tô loạt bài “Ẩn họa nuôi chồn nhung đen đa cấp” của Báo NNVN “cấp phát” cho người dân nhằm định hướng, cảnh báo tránh tình trạng nuôi tràn lan, ôm nợ.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất