| Hotline: 0983.970.780

Đô thị văn minh không thể chấp nhận hành vi ngang ngược

Thứ Bảy 17/08/2019 , 07:10 (GMT+7)

Trong nỗ lực xây dựng một thành phố thông minh và nghĩa tình, công tác đấu tranh với các loại tội phạm cũng là một trọng tâm phải triển khai thường xuyên và hiệu quả.

Qua hai vụ gần đây, phở Hòa Pasteur bị ném mắm tôm và cụ ông du khách Nhật bị “chém” 2,9 triệu đồng cho một cuốc xích lô ở khu vực trung tâm Sài Gòn, càng thấy rằng cần sớm loại trừ những hành vi ngang ngược ở đô thị văn minh.
 

I.

Quán Phở Hòa Parter có truyền thống kinh doanh gần nửa thế kỷ, là một địa chỉ quen thuộc với người bản xứ lẫn người phương xa. Chỉ trong vòng 1 tháng 7, có tổng cộng 8 lần quán Phở Hòa Pasrter bị ném mắm tôm và các chất bẩn khác.

13-53-18_pho_ho_pster
Phở Hòa Pasteur bị khủng bố.

Ngay lần bị “khủng bố” đầu tiên, chủ nhân quán Phở Hòa Paster là ông Phạm Tùng Linh đã cấp báo cho chính quyền địa phương, nhưng kẻ xấu vẫn hung hăng tiếp diễn hoạt động xâm hại đời sống của người khác. Sau khi báo chí đồng loạt đưa tin, thì cơ quan điều tra mới vào cuộc.

Nguyên nhân chính để quán Phở Hòa Paster trở thành nạn nhân là do em rể của ông Phạm Tùng Linh là Trần Anh Tuấn nhà ở bên cạnh đã thiếu nợ một số cá nhân. Thay vì đòi tiền trực tiếp ông Trần Anh Tuấn thì những phần tử đòi nợ thuê đã gây áp lực lên quán Phở Hòa Paster.

Liên quan đến hành vi “khủng bố” quán Phở Hòa Paster, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TPHCM đã bắt giữ 5 đối tượng giang hồ có dấu hiệu “hủy hoại tài sản công dân”, đồng thời cũng tạm giữ ông Trần Anh Tuấn do tình nghi sử dụng giấy tờ giả để thế chấp, vay nợ nhiều người hơn 3 tỷ đồng. Đối tượng chủ mưu vụ tấn công quán Phở Hòa Paster là Phạm Phong Phú (tức Phú "Moto", 47 tuổi) đã thừa nhận tất cả sai phạm. Ngoài 8 lần tạt sơn, mắm tôm... nhóm giang hồ do Phú “Moto” sai khiến đã kéo đến ngồi chật quán, bắt gián bỏ vào phở rồi vu cho quán bán thức ăn bẩn, nhằm làm mất uy tín với thực khách và du khách nước ngoài. Trong hai ngày 25 và 26/7, bọn chúng kéo đến ném mắm tôm vào thực khách, khiến nhiều người hoảng loạn.

Câu chuyện của quán Phở Hòa Paster xem như tạm khép lại. Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn được giải quyết sự cố nhanh chóng như ông chủ Phạm Tùng Linh. Có rất nhiều trường hợp, người dân bị “xã hội đen”dọa nạt, tạt sơn vào nhà… nhưng vẫn phải nhẫn nhục chịu đựng vì “hậu quả không rõ ràng, nên không có cơ sở xử lý”.
 

II.

Công an Q.1 dễ dàng xác định người "chém” cụ ông du khách Nhật một cuốc xe xích lô 5 phút dạo Sài Gòn giá 2,9 triệu đồng, là ông Phạm Văn Dũng (49 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) và đã ra quyết định tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi “Cướp giật tài sản”. Theo tường trình của ông Phạm Văn Dũng, thì sáng 3/8, ông Dũng vừa chạy từ đường Hai Bà Trưng ra Công trường Mê Linh thì gặp cụ Oki đang đi bộ nên vẫy tay mời và cụ đồng ý lên xe.

13-53-18_du_khch_nht
Cụ ông du khách Nhật bị "chém" 2,9 triệu đồng cho một cuốc xe xích lô 5 phút dạo Sài Gòn.

Cụ Oki đưa tấm card của khách sạn nói ông Dũng chở về đây. Vì cụ Oki không hỏi giá nên ông Dũng cũng không nói giá. Tới gần khách sạn, cụ Oki bảo dừng lại để cụ đi bộ rồi đưa 500 ngàn đồng. Thấy cụ Oki là du khách nước ngoài, ông Dũng nói "more more" ý xin thêm tiền bo, xong chỉ vào các tờ tiền trong ví rồi tự rút ra thêm 2,4 triệu đồng nữa. Ông Phạm Văn Dũng biện hộ: “Lúc đó cụ chỉ nói “too much” rồi quay đi nên tôi nghĩ đó là tiền cụ bo cho mình. Chứ cụ la lên thì tôi đâu dám lấy mà trả lại rồi”.

Đoạn đường mà ông Dũng chở cụ Oki từ chợ Bến Thành về khách sạn Liberty Central Saigon Riverside chỉ khoảng 1 km. Cụ Oki trả công 500 ngàn đồng là đã quá rộng rãi. Thế nhưng, thấy người khách Nhật đã 83 tuổi nên ông Dũng đã giở trò đòi thêm tiền boa. Cho nên, đây không phải là “chém” kiểu dịch vụ, mà là hành vi trấn lột.
 

III.

Hai vụ việc có mức độ khác nhau, nhưng đều chứng minh: Có một loại tội phạm khác đang xuất hiện trong đời sống đô thị, đó là những kẻ cậy vào sức mạnh để hiếp đáp những người lương thiện. Cách phản ứng của du khách Nhật càng khiến những ai tha thiết với tiến bộ xã hội tại Việt Nam phải xấu hổ. Thông qua con dâu của mình, cụ Oki cho biết, cụ không có yêu cầu gì với ông Dũng vì biết người chạy xích lô cũng khó khăn, cũng không bắt phải trả lại tiền. Cụ Oki nhận trách nhiệm về mình: “Phần lớn lỗi là do tôi không hỏi giá trước”.

Khách hàng không hỏi giá trước, không có nghĩa là người cung cấp dịch vụ được quyền hét giá. Cũng như trong quan hệ dân sự, chủ nợ không thể lấy lý do con nợ chây ì để tạt sơn vào nhà hoặc ném mắm tôm vào cơ sở làm ăn của họ. Cách hành xử côn đồ và man rợ, cần phải kiên quyết loại bỏ khỏi môi trường đô thị.

Dù không ai lạc quan để tưởng tượng về một thế giới không có tội phạm. Ngay cả những đô thị lừng lẫy toàn cầu như Paris cũng có nạn móc túi du khách. Thế nhưng, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm không thể xem nhẹ, vì những hành vi ngang ngược đối với quán Phở Hòa Paster hoặc với cụ du khách Nhật 83 tuổi, sẽ trực tiếp làm hoen ố hình ảnh thành phố năng động bậc nhất phương Nam.

Một môi trường an toàn và trong lành chính là một giá trị cần thiết mà đô thị văn minh phải gìn giữ mỗi ngày.

(Kiến thức gia đình số 33)

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.