| Hotline: 0983.970.780

Đỏ tiết canh - xanh mặt

Thứ Năm 06/05/2010 , 10:15 (GMT+7)

Đồng hành với dịch lợn “tai xanh” đang bùng lên dữ dội, bệnh Liên cầu khuẩn ở người (tên khoa học Streptococcus suis) – một loại bệnh truyền từ lợn ốm qua người cũng đang có nguy cơ tăng nhanh do ý thức phòng bệnh của người dân còn rất kém.

* Người mắc bệnh đều ăn tiết canh lợn!

Bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn điều trị tại khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện các bệnh Nhiệt đới TƯ

Đồng hành với dịch lợn “tai xanh” đang bùng lên dữ dội, bệnh Liên cầu khuẩn ở người (tên khoa học Streptococcus suis) – một loại bệnh truyền từ lợn ốm qua người cũng đang có nguy cơ tăng nhanh do ý thức phòng bệnh của người dân còn rất kém. 

Cùng lúc với dịch lợn “tai xanh” bùng phát mạnh từ giữa tháng 4/2010 đến nay, tại Bệnh viện các bệnh Nhiệt đới TƯ đã ghi nhận 4 trường hợp bệnh nhân mắc bệnh liên cầu khuẩn (LCK). Tới chiều qua tại khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp của bệnh viện này, cả 4 bệnh nhân vẫn đang được tích cực điều trị và tạm thời qua khỏi nguy hiểm.

Anh Nguyễn Văn Hương (30 tuổi, trú tại xóm 1 thôn Giã Trung, xã Tiên Phong, Phổ Yên, Thái Nguyên), một trong những bệnh nhân bị bệnh nặng nhất đang điều trị tại Khoa nhiễm khuẩn tổng hợp kể lại: Khoảng ngày 12/4, anh cùng với một người bạn có ăn tiết canh lợn ở một quán ăn trong xã. Khoảng 2 ngày sau, anh Hương bắt đầu có các triệu chứng như toàn thân nổi đầy ban đỏ, sau chuyển sang tím sẫm; sốt cao; khó thở; đau đầu dữ dội...

Sau khi chuyển lên Bệnh viện C Thái Nguyên điều trị nhưng không khỏi, ngày 14/4, anh Hương được chuyển xuống Bệnh viện các bệnh Nhiệt đới TƯ trong tình trạng sốc nặng, phải đặt ống thở, các vùng da đã bị bong tróc, hoại tử. Các xét nghiệm cho thấy anh Hương bị vi khuẩn LCK tấn công nặng làm máu bị nhiễm khuẩn, màng não viêm kết hợp. Tới chiều qua, sức khỏe anh Hương đã cơ bản hồi phục, tuy nhiên các tổn thương vùng da vẫn bị bong tróc hoại tử.

Kể lại chuyện bị mắc bệnh lạ chưa từng thấy trong đời, anh Hương hối hận: “Tôi cũng có nghe tivi nói nhiều tới dịch lợn “tai xanh” gì đó ở Thái Nguyên từ trước nhưng đâu biết được mình ăn tiết canh nó lại mắc cái bệnh này. Bây giờ chắc tôi xin chừa tiết canh”.

Xung quanh sự nguy hiểm cũng như con đường lây bệnh LCK, bác sỹ Nguyễn Mạnh Trường trực tiếp điều trị cho 4 bệnh nhân mắc bệnh LCK tại Khoa nhiễm khuẩn tổng hợp cho biết: Vi khuẩn LCK thường xuyên có mặt trong amidal (vùng cổ họng) của nhiều loại vật nuôi, tuy nhiên nhiều nhất vẫn là vùng amidal của lợn. Đối với lợn khỏe, loại vi khuẩn này không có khả năng tấn công ra cơ thể lợn cũng như môi trường. Tuy nhiên khi lợn mắc bệnh và suy giảm khả năng miễn dịch (đặc biệt đối với lợn bị suy hô hấp như bệnh “tai xanh”) thì LCK bắt đầu tấn công ra toàn cơ thể con lợn mắc bệnh.

Đồng thời, chúng có khả năng lây lan sang người khi tiếp xúc với lợn mắc bệnh qua một số con đường như: ăn tiết canh lợn bệnh, ăn thịt lợn bệnh không nấu chín, tiếp xúc vết thương hở với dịch nhờn, máu, nước dãi lợn bệnh khi giết mổ lợn bệnh không có bảo hộ. Vi khuẩn này cũng có khả năng lây lan qua không khí, vì vậy sẽ rất nguy hiểm nếu người giết mổ lợn bị bệnh không đảm bảo an toàn vệ sinh...

Khi bị mắc LCK, người bệnh thường có 3 thể biểu hiện lâm sàng chính gồm: viêm màng não, nhiễm khuẩn máu và thể kết hợp 2 biểu hiện trên. Người bệnh mắc thể kết hợp (như bệnh nhân Nguyễn Văn Hương) sẽ hết sức nguy hiểm vì có khả năng tử vong rất cao. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị tử vong sau một thời gian ngắn hoặc nếu được cứu sống thì vẫn để lại di chứng nặng nề, có khi vĩnh viễn. Tiêu biểu cho các di chứng này là liệt dây thần kinh, kéo sụp mí mắt, và nguy hiểm nhất là bị điếc vĩnh viễn.

Bệnh nhân Lê Văn Đúc (35 tuổi, xã Nghĩa Đạo, Thuận Thành, Bắc Ninh) hiện đang điều trị tại Khoa nhiễm khuẩn tổng hợp là 1 ví dụ: anh Đúc có triệu chứng bệnh nhưng sau 6 ngày mới được đưa đi điều trị nên hiện tại đang bị điếc nặng, 1 mí mắt bị kéo kệch do viêm màng não. Điều này cho thấy bệnh LCK hết sức nguy hiểm. Bằng chứng là từ năm 2007 khi xuất hiện dịch lợn “tai xanh” đến nay, đã có hơn 200 bệnh nhân mắc bệnh phải điều trị tại Bệnh viện các Bệnh nhiệt đới TƯ, trong đó đã có không ít bệnh nhân tử vong. 

Vùng da bị hoại tử của một bệnh nhân
Về cơ chế lây bệnh, bác sỹ Trường khẳng định từ năm 2007 đến nay, hầu hết các bệnh nhân mắc LCK đều có liên quan tiếp xúc với lợn, đặc biệt là đều đến từ các địa phương có dịch lợn “tai xanh”. Điều tra tiền sử cũng cho thấy, cả 4 bệnh nhân mắc LCK đang điều trị thì có 3 người ăn tiết canh xong là phát bệnh, 1 người còn lại (trú tại Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) cũng có trang trại lợn và thường xuyên chăm sóc tiếp xúc với lợn. Các bệnh nhân trên cũng đều đến từ các địa phương hiện đang có dịch lợn “tai xanh” như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Nguyên...

Các nghiên cứu khoa học cũng chủ yếu đề cập đến nguy cơ lây bệnh từ lợn sang người chứ ít khi nói tới lây từ vật nuôi khác sang người. Hiện cũng chưa có cơ sở khoa học khẳng định vi khuẩn LCK lây từ người sang người. Bên cạnh đó, mặc dù LCK có thường xuyên trong vật nuôi nhưng tới nay chưa phát hiện và khẳng định trường hợp người mắc bệnh LCK do lây từ súc vật hay lợn khỏe mạnh sang người.

Năm 2007, đồng thời với sự xuất hiện và bùng lên của dịch lợn “tai xanh”, cả nước cũng đã có hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh LCK, trong đó nhiều ca đã tử vong. Theo các bác sỹ tại Bệnh viện các bệnh Nhiệt đới thì không chỉ có lợn mắc bệnh “tai xanh” mới lây LCK sang người mà lợn mắc các bệnh khác cũng có thể lây bệnh. Về điều này, Cục Thú y cũng như nhiều chuyên gia y tế đã nhiều lần khuyến cáo: 

+ Người dân không được giết mổ, buôn bán, ăn tiết canh lợn, thịt lợn ốm, chết do bất kỳ bệnh gì. 

+ Nấu chín kỹ thịt lợn mới ăn. 

+ Đối với lợn mắc bệnh, cần phải tiêu hủy, vệ sinh đúng kỹ thuật an toàn. Đồng thời thận trọng khi tiếp xúc với lợn ốm, chết. 

+ Người giết mổ lợn, tiêu hủy lợn phải có bảo hộ lao động an toàn, hợp vệ sinh. 

+ Vi khuẩn LCK lợn có thể sống 2 tuần trong các chất thải của lợn ngoài môi trường và chỉ chết ở nhiệt độ cao hoặc trong chất sát khuẩn. Vì vậy phải vệ sinh sạch môi trường, phun sát khuẩn khi có lợn mắc bệnh.  

 + Khi nghi ngờ mắc bệnh liên cầu khuẩn với các triệu chứng như: sốt cao, nhức đầu, nôn nhiều, đau họng... cần nhập viện ngay.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất