| Hotline: 0983.970.780

Đoạn kết ở 'Vương quốc hồ tiêu': Nhổ trụ đem bán

Thứ Năm 01/08/2019 , 09:07 (GMT+7)

Một thời được biết đến với mỹ danh là "Vương quốc hồ tiêu", với hàng chục tỷ phú, hàng trăm triệu phú; với biệt thự đẹp, xe hơi sang. Giờ, đến cả cái trụ cho dây tiêu leo cũng phải... nhổ đem đi bán, lấy tiền trả nợ.

Chua xót

Từ thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê, Gia Lai) đến thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh), chỉ vài chục cây số theo quốc lộ 14, cơ man là trụ tiêu chất thành từng đống lớn. Đây là hệ quả của những vườn tiêu bị chết do bệnh, chủ vườn phá bỏ vườn tiêu, nhổ trụ đem bán - động thái cuối cùng dành cho những vườn hồ tiêu "vang bóng một thời".

16-56-59_tru_tieu_ct_ngn_bn_lm_cui
Trụ tiêu cắt ngắn bán làm củi.

Gia đình bà Trần Thị Nhẫn ( xã Ia Pah, Chư Sê) huy động toàn bộ vốn liếng tự có, vay thêm ngân hàng và người thân, trồng làm nhiều đợt được 2.500 trụ tiêu. Thu hoạch năm được năm mất chưa được bao nhiêu thì vườn tiêu đổ bệnh, rồi chết mà không thể cứu vãn. Giờ, gia đình bà buộc phải nhổ trụ tiêu đem bán nhằm vớt vát chút tiền trả nợ.

Bà Nhẫn cho biết: Trước kia, mua một trụ gỗ (loại gỗ căm xe, cà chít) có giá từ 80 ngàn đồng đến hơn 200.000 đồng - tùy từng thời điểm. Giờ bán đổ bán tháo chỉ được 50.000 - 60.000 đồng mỗi trụ, mà phải tự mình nhổ, đem ra chất đống ngoài đường may ra mới có người đến mua. Bán được hơn 1.000 trụ gỗ, còn lại chất đống, phơi nắng phơi mưa trước cổng nhà.

"Mong muốn lớn nhất của bà con là Nhà nước có cách gì đó như khoanh nợ, giãn nợ để nông dân chúng tôi dễ thở hơn", bà Nhẫn nói.

Hộ ông Đỗ Văn Kền (xã Ia Blang, Chư Sê) đầu tư hơn 1 tỷ đồng, trồng hơn 1.000 trụ tiêu, giờ cũng chết sạch. Ông cũng phải huy động con cháu nhổ trụ chất đống trước nhà, giờ mới chỉ bán được khoảng 300 trụ với giá 50.000 đồng mà theo ông: "Khi mới trồng tiêu, có thời điểm tôi mua với giá hai trăm ba mươi ngàn đồng mỗi trụ tròn", ông Kền chua xót. Nhìn vào số trụ gỗ chất đống ngoài cổng, ông Kền than thở, ai mua rẻ ông cũng bán, miễn sao giải phóng hết đống trụ gỗ này.

16-56-59_ong_do_vn_ken_ben_dong_go_tru_tieu_chu_bn_duoc
Ông Kền bên đống gỗ trụ tiêu chưa bán được.
Được biết, gỗ trụ tiêu sau khi mua, người ta cưa ngắn làm củi. Cũng có nhiều trường hợp cắt còn 3m, đưa đi các tỉnh khác làm trụ trồng chanh leo, hoặc làm trụ để làm nhà lồng trồng rau...

Cũng ở xã Ia Blang, gia đình bà Nguyễn Thị Lĩnh vừa bán tháo được 600 trụ gỗ xẻ, nhưng chỉ với giá... 15.000 đồng mỗi trụ, trong khi lúc mua vào với giá 80.000 - 140.000 đồng. Bà Lĩnh cho biết: “Gia đình tôi vay ngân hàng gần 500 triệu đồng để trồng sáu trăm trụ tiêu. Từ ngày tiêu chết, trụ gỗ bỏ không biết làm gì, nên tôi đem bán hết để trả nợ ngân hàng".

Để trồng được vườn tiêu 600 trụ, năm 2008, gia đình bà phải vay Ngân hàng Sacombank 400 triệu đồng, vay thêm bên Agribank 40 triệu nữa. Giờ mỗi quý, bà phải trả lãi 12,1 triệu đồng cho hai ngân hàng nói trên. Nhà còn 1,2 héc ta cà phê, năm được năm mất, đi làm thuê thêm ở ngoài để lấy tiền trả nợ ngân hàng. Cuộc sống gia đình giờ khốn khó lắm", bà Lĩnh than vãn.

"Ở ngoài đường này còn ít. Các chú vào sâu trong làng, trong xã, bà con nhổ trụ bán nhiều lắm!", bà Lĩnh nói.
 

Chuyển đổi, và... trốn nợ

Cách đây 4 năm, khi phát hiện vườn tiêu có dấu hiệu vàng lá, ông Đỗ Văn Kền đã báo cáo với chính quyền địa phương và ngành chuyên môn. Mọi biện pháp đã được áp dụng, tuy nhiên vườn cây ngày một đi xuống, có không ít trụ bị khô thân và chết hẳn. Nhìn xung quanh, thấy không ít vườn tiêu đổ bệnh chết mà vô phương cứu chữa, ông Kền lo lắng lắm, ông đã nghĩ đến một ngày nào đó phải phá bỏ toàn bộ vườn tiêu hơn 1.000 trụ của gia đình.

16-56-59_bo_trong_xen_trong_vuon_tieu_chet_cu_ong_do_vn_ken
Bơ trồng xen trong vườn tiêu chết của ông Kền.

Ngay lập tức, vừa tìm cách cứu vãn vườn tiêu, ông vừa trồng xen được 60 cây bơ ở những nơi trụ tiêu đã chết hẳn. Giờ, cây bơ đã cao vượt đầu người lớn, xanh tốt và đã cho thu hoạch. Khoản tiền bán bơ xen canh trong vườn tiêu chết vô cùng quý giá, bởi nó giải quyết phần nào nợ nần của gia đình ông. Cách đây hai tháng, ông trồng thêm được 100 cây bưởi trong vườn tiêu chết, bưởi ông trồng xen cũng đã lên cao vài gang tay người lớn.

"Hy vọng sau này, vườn cây ăn quả thay thế vườn tiêu chết sẽ là nguồn thu nhập ổn định của gia đình" - ông Kền nói trong hy vọng.

Ở cái nơi từng được mệnh danh là "Vương quốc hồ tiêu" này, những người nhanh nhạy chuyển đổi cây trồng, trồng xen cây ăn quả trong vườn tiêu chết như ông Kền là không nhiều. Phần lớn khi vườn tiêu đổ bệnh chết, không còn khả năng trả nợ, các chủ vườn đều phải bán tống bán tháo vườn cây, bán cả xe hơi, bán cả biệt thự để trả nợ. Trả không hết nợ, đành bỏ xứ đi làm ăn xa kiếm tiền nôi thân - cũng là một cách để... trốn nợ.

Ông Mai Liệu (thôn Thủy Phú, xã Ia B'lứ, huyện Chư Pưh) là một ví dụ. Gia đình ông vay ngân hàng đầu tư vào 15ha tiêu. Một thời, vườn tiêu này cho gia đình ông một khoản thu lớn. Còn bây giờ, hai người con của ông đã phải bán cả nhà lẫn đất để trả nợ ngân hàng, bảy người con còn lại thì nghỉ học sớm, đi làm thuê ở xa để giúp cha mẹ trả nợ.

Cũng ở xã Ia B'lứ, ông Dương Quỳnh (50 tuổi, trú thôn Thiên An) gom góp tiền nhà, vay ngân hàng thêm 200 triệu đồng trồng 2ha tiêu. Năm 2017, tiêu chết đúng ngày thu hoạch. Ông Quỳnh vào tận Sài Gòn làm bảo vệ, kiếm tiền trả lãi. Làm bảo vệ xứ người, mỗi tháng chỉ được 4,5 triệu, tiền trọ hơn 1 triệu, còn tiền ăn, trong khi mỗi tháng phải đóng lãi hơn 4 triệu. Được hơn một năm, ông trở về nhà, bàn với vợ con chuyện làm ăn trả nợ.

"Bước đường cùng"

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Tường trực Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê: "Việc nhổ trụ gỗ để bán xem như là bước đường cùng của người dân. Cơn hạn năm 2015 - 2016 và dịch bệnh năm 2017 - 2018 đã khiến người dân gần như kiệt sức, không thể theo đuổi để trồng tiêu được nữa.

Phía Hiệp hội đã đưa ra khuyến cáo cho bà con nên ngưng trồng tiêu, đồng thời chuyển đổi mô hình cây trồng sao cho phù hợp với thời tiết và thổ nhưỡng, khí hậu".

Ông Bính cũng mong muốn Nhà nước có những giải pháp hỗ trợ cho người dân vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần nghiên cứu đến việc đa dạng hóa cây trồng để người dân có nhiều chọn lựa, yên tâm sản xuất...

Xem thêm
Giá ca cao thế giới lập kỷ lục mới, tăng hơn 3 lần năm trước

Giá ca cao đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay trong ngày 26/3, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế ở Tây Phi, nơi chiếm khoảng 70% sản lượng toàn cầu.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

T&T Group vận hành 'chuẩn Nhật Bản' tại dự án T&T City Millennia Long An

Công ty Cổ phần Thái Sơn Long An (Tập đoàn T&T Group) và Tập đoàn Anabuki (Nhật Bản) vừa ký kết hợp tác quản lý vận hành dự án T&T City Millennia tại Long An.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.

Bình luận mới nhất