| Hotline: 0983.970.780

Đoản khúc chuyện lúa lai

Thứ Hai 02/08/2010 , 10:15 (GMT+7)

Nghề sản xuất giống lúa lai tưởng dễ ăn vì sản phẩm giống lai luôn đắt. Thế nhưng không ít doanh nghiệp đã phải chịu những cú sốc thất bại có thể nói khó gượng dậy nổi với cái nghề tưởng dễ ăn này.

CHÚNG TÔI TỪNG THẤT BẠI

XV. Đoản khúc chuyện lúa lai

Nghề sản xuất giống lúa lai tưởng dễ ăn vì sản phẩm giống lai luôn đắt. Thế nhưng không ít doanh nghiệp đã phải chịu những cú sốc thất bại có thể nói khó gượng dậy nổi với cái nghề tưởng dễ ăn này.

1. Cay đắng chuyện người tiên phong “Nam sản Bắc tiêu”

Sản xuất hạt lúa lai F1 tại Công ty CP Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam. Ảnh: Ngọc Khanh

Nói về nghề sản xuất giống lúa lai, “cái nôi” đầu tiên phải kể đến là Nam Định. Nam Định vào giữa những năm 1990, khi một số tỉnh mới tập tành làm giống lúa lai thì tỉnh này diện tích lúa F1 lên con số trên vài trăm ha/năm. Nam Định trở thành điển hình với những HTXNN tự tổ chức sản xuất hạt lai F1 nức tiếng. Ngày đó giống làm chỉ là Bác ưu 64, sau đó là Bác ưu 903, những giống cảm quang chỉ cấy vụ mùa.

Thời hoàng kim làm lúa F1 ở Nam Định kéo dài 6-7 năm rồi suy dần, và nay diện tích còn không đáng kể. Nguyên nhân không nằm ở khâu kỹ thuật, bởi cho đến nay phải nói tay nghề của nhiều HTX tại Nam Định vẫn là số một. Đó là bởi lúa F1 làm ra lúc đó rất khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại nhập từ Trung Quốc vì tâm lý “sính ngoại” và nhiều lý do tế nhị khác trong đó có chuyện cấu kết gửi giá của không ít DN nhập khẩu. Một lý do nữa là thời vụ. Lúa giống làm ở Nam Định gặt muộn, trong khi vụ mùa thời gian thì gấp rút, có nơi gặt lúa xuân đến đâu, gieo cấy lúa mùa đến đó, vì vậy lúa giống Nam Định gặt, làm sạch phơi khô đóng gói xong thời vụ đã sắp hết. Như đã nói, lúa lai hệ Bác ưu chỉ làm được vụ mùa, giống bán không hết buộc phải chờ vụ mùa năm sau, chi phí bảo quản quá lớn HTX nào chịu nổi...

Đằng sau một thất bại sẽ có vô số kinh nghiệm rút ra. Đã không ít người tâm huyết với nghề suy nghĩ rằng, cần phải sản xuất giống lúa lai khu vực phía Nam để cung cấp giống cho miền Bắc. Người ta có lý khi cho rằng làm giống các vùng phía Nam sẽ thuận lợi vì thời tiết ổn định, thu hoạch sớm hơn phía Bắc 1-2 tháng, từ đó đưa ra Bắc là vừa. Đó là ý kiến hay và dựa vào đó, câu “Nam sản Bắc tiêu” (SX giống lúa lai ở miền Nam, tiêu thụ tại miền Bắc) ra đời.

Chúng tôi nhớ một trong số các đơn vị vào miền Nam sản xuất giống là Cty Nông nghiệp Hữu Cơ (Hà Nội). Cty này với sự trợ giúp về kỹ thuật của KS. Phạm Văn Ngữ, nguyên Trại trưởng Trại giống cây trồng Đồng Văn (Cty Giống cây trồng Trung ương) - một trong những bậc thầy về cây lúa lai lúc bấy giờ, đã vào vùng Cờ Đỏ - Cần Thơ khảo sát và thí điểm làm lúa F1. Đáng tiếc, việc thí điểm đó bị thất bại, bởi lúa lai Trung Quốc kháng rầy kém, vùng Cần Thơ dù đất vô cùng tốt, nhiệt độ hoàn hảo, chỉ có điều lúa lai bố mẹ mọc đến đâu rầy xơi cháy sạch đến đó. Cty Nông nghiệp Hữu Cơ làm thử đúng một vụ, đầu tư mất mấy trăm triệu phải tháo lui vì nạn rầy nâu phá hoại.

KS. Phạm Văn Ngữ, một người rất tự tin về chuyên môn nông nghiệp vẫn kiên định với lý thuyết “Nam sản Bắc tiêu”. Theo đó, ông bỏ vốn tự lập công ty riêng, tiếp tục khảo sát các vùng đất phía trong đèo Hải Vân để thí điểm làm lúa lai F1. Xác định từ Bình Định trở vào thì lúa rất dễ bị dịch rầy nâu, từ đó KS. Phạm Văn Ngữ chọn Quảng Nam và Tây Nguyên để thí điểm sản xuất giống lúa lai 3 dòng: Bác ưu 903 và Nhị ưu 838. Thành công ngoài mong đợi, năng suất hạt lai F1 lên đến trên 3 tấn/ha (nếu SX ở ngoài Bắc cao lắm đạt 2,5 tấn/ha F1), lúa thu hoạch vào cuối tháng tư nắng đẹp, chất lượng độ thuần đảm bảo, đóng gói đưa ra miền Bắc bán được giá cao, thời vụ đảm bảo (lúa vùng Quảng Nam gặt sớm hơn khu vực phía Bắc 1 tháng). Từ thành công bước đầu, ông Ngữ chỉ đạo công ty sang năm làm lớn tại Quảng Nam, thí điểm thêm ở Quảng Ngãi và Đăk Lăk, trong đó riêng Quảng Nam là gần 300 ha. Đó là năm 2001, một năm “ngã đau” của giám đốc Phạm Văn Ngữ, gây một cú sốc lớn trong ngành sản xuất giống lúa lai.

Đầu tháng 4 năm đó, ông Ngữ mời tôi vào Quảng Nam thăm lúa, đi cùng còn có các “cố vấn” kỹ thuật của công ty ông như KS. Nguyễn Thế Nữu, KS. Võ Văn Xuân, đó là những tên tuổi lẫy lừng. Với đội ngũ cố vấn và chỉ đạo kỹ thuật giàu kinh nghiệm, công việc sản xuất lúa lai F1 với giám đốc Phạm Văn Ngữ không thành vấn đề, dù trên một diện tích rất lớn, trên 300 ha, điều chưa hề có trong lịch sử sản xuất giống lúa lai tính đến thời điểm đó khi một công ty tư nhân dám “ôm” diện tích sản xuất lớn như vậy.

Nắng và lúa Quảng Nam vụ đó đẹp làm sao. Trên đồng Điện Bàn nơi chúng tôi đến, những ruộng F1 sắp thu hoạch phẳng phiu được KS. Võ Văn Xuân, cán bộ Trung tâm Khảo kiệm nghiệm GCT TW đánh giá độ thuần rất khá. Vui hơn là năng suất hạt F1 đạt rất cao, trung bình 3,5 tấn/ha, có ruộng thậm chí đạt trên dưới 5 tấn/ha, là chuyện không ai tin trong giới làm lúa lai F1 nếu không trực tiếp chứng kiến. Các HTX hợp đồng làm giống với Giám đốc Ngữ cũng sẽ trúng to. Vì theo hợp đồng, phía công ty chịu toàn bộ giống bố mẹ, hóa chất kích thích tăng trưởng như GA3, HTX chỉ bỏ công và một phần phân bón, thuốc BVTV; công ty có trách nhiệm mua lại toàn bộ sản phẩm quy đổi 1kg hạt lai F1 bằng 4kg thóc thương phẩm. NS F1 đạt 3,5 tấn/ha, đồng nghĩa HTX thu về tương ứng 14 tấn thóc thường/ha, quy tiền theo giá thị trường, đó là thu nhập trong mơ. Về phía công ty, với khoảng trên 330 ha lúa F1, vụ đó họ thu gần 1.200 tấn giống; giả sử bán được giá 25.000 đ/kg, thu 30 tỷ, trừ chi phí còn lãi một nửa.

Nhưng thật ở đời ai lường hết chữ ngờ, câu này ứng vào một người tài năng và tâm huyết như ông Phạm Văn Ngữ quả thật xót xa. Trên ngàn tấn lúa giống F1 ông tổ chức làm ra nhưng bán không được. Một lần nữa tâm lý sính ngoại (giống Trung Quốc) đi cùng nạn móc ngoặc gửi giá nhan nhản thời đó đã bóp chết sản xuất trong nước. Cũng có thể còn do nguyên nhân nữa là ông Ngữ làm lớn quá. Vụ mùa miền Bắc nhu cầu chỉ cần 6-7 ngàn tấn giống F1, trước đó công ty cấp tỉnh nào cũng đã có kế hoạch với đối tác Trung Quốc rồi, nay bỗng đâu “dôi” trên ngàn tấn giống từ Quảng Nam chuyển ra, ai mua?

Hàng làm ra không bán được, ông Ngữ không thể thu mua cho các HTX. Thế là kiện. Thế là ông bại sản…

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất