| Hotline: 0983.970.780

Đoạn trường chính sách: Khi chính quyền 'chuyền bóng' cho nhau

Thứ Hai 20/04/2015 , 12:05 (GMT+7)

Chính sách ưu đãi, thúc đẩy SX hiện nay nhiều vô kể, chính sách nào nghe qua cũng rất hay, rất nhân văn, nhưng thực tế, chặng đường để chính sách đến được người dân thật lắm chông gai. Làm thế nào nông dân tiếp cận chính sách đang là câu hỏi lớn.../ Hàng ngàn tấn ngao chết, dân khốn đốn

Trong khi chính quyền các cấp tỉnh Thái Bình vẫn đang mải miết tranh cãi về trình tự thủ tục hỗ trợ thiên tai dịch bệnh thì đã hơn nửa năm qua, người nuôi ngao bị thiệt hại nặng nề hồi tháng 8/2014 ở huyện Tiền Hải vẫn đang dài cổ ngóng tiền hỗ trợ của nhà nước.

Thư gửi đi mấy lần, đợi hồi âm chưa thấy!

Những thiệt hại liên tiếp vì bão, vì dịch bệnh và giá ngao tụt thảm hại từ suốt năm 2012-2013 chưa kịp phục hồi thì tới giữa tháng 8/2014, người nuôi ngao ở vựa ngao Tiền Hải (Thái Bình) lại một phen tán gia bại sản, khi hàng nghìn ha ngao chết trắng bãi, đẩy tình cảnh người nuôi ngao vào thê thảm. Hàng nghìn hộ dân ôm nợ, đa số nợ ngân hàng hàng tỉ đồng lãi suất cao, nhiều gia đình đã phải rao bán nhà, bỏ đi biệt tích.

Về lại Tiền Hải những ngày này, những đống vỏ ngao chết vẫn còn chất đống trên triền đê các xã Đông Minh, Nam Thịnh…

Dẫn chúng tôi ra bãi ngao chỉ còn trơ lại lưới vây rách nát xập xệ, bới mãi mới tìm thấy lác đác ngao còn sống sót, ông Phạm Tiến Dũng, một hộ nuôi ngao tại xã Đông Minh buồn bã cho biết: Toàn bộ khu đầm nuôi ngao giống hơn 5 ha và hơn 1,5 ha ngao thịt của gia đình ông gần như chết sạch sau đợt dịch bệnh hồi tháng 8/2014.

Trắng tay, vay ngân hàng không được nên từ đó đến nay, đầm ngao giống hơn 5 ha ông làm đơn trả lại UBND xã, hơn 1,5 ha ngao thịt hiện cũng chưa có tiền mua giống thả vụ mới.

Không riêng ông Dũng, theo UBND xã Đông Minh, sau thiệt hại cuối năm 2014, ước tính đến nay non nửa diện tích (trong tổng số hơn 400 ha toàn xã) dân đã bỏ hoang do không còn vốn mua giống thả mới, một số diện tích mật độ thả rất thưa thớt do dân cụt vốn.

Hỏi về tiền hỗ trợ của nhà nước, ông Dũng thở dài đánh thượt kể: Ngay sau khi ngao bị chết, khoảng cuối tháng 8/2014, rất đông người nuôi ngao bị thiệt hại ở xã Đông Minh đã cùng nhau làm đơn, ký tên gửi lên UBND xã xin hỗ trợ thiệt hại.

“Chúng tôi đã nhiều lần lên xã hỏi xem có được hỗ trợ thiệt hại gì không, thì lãnh đạo xã trấn an rằng bà con cứ yên tâm, UBND xã đã thống kê, rà soát thiệt hại và gửi thủ tục xin hỗ trợ lên cấp trên rồi, khi nào có hỗ trợ sẽ lập tức báo cho dân biết… Thế nhưng từ đó đến nay đã hơn nửa năm, chả thấy ai trả lời gì cả” - ông Dũng ngán ngẩm.

Dưới nói đúng, trên bảo sai

Đưa thắc mắc của người nuôi ngao xã Đông Minh lên hỏi UBND xã này, chúng tôi được ông Vũ Trung Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngay sau khi xảy ra hiện tượng ngao chết hàng loạt trên địa bàn xã, ngày 15/8/2014, UBND xã Đông Minh đã có báo cáo nhanh gửi Phòng NN-PTNT, UBND huyện Tiền Hải cùng các cơ quan chức năng khác xin ý kiến chỉ đạo.

Trước đó, các cơ quan gồm Trạm thú y huyện, Chi cục Thú y, Chi cục Nuôi trồng thủy sản phối hợp với UBND xã đã tiến hành lập các đoàn đi kiểm tra, xác minh toàn bộ diện tích ngao bị thiệt hại của xã.

Sau khi kiểm tra, ngày 18/8/2014, UBND xã Đông Minh có tiếp báo cáo chi tiết thống kê diện tích, mức độ thiệt hại của từng hộ dân gửi Phòng NN-PTNT, UBND huyện Tiền Hải đề nghị sớm triển khai chính sách hỗ trợ để người dân khôi phục SX.

Ông Vũ Trung Tiến cho biết thêm: Mọi trình tự thủ tục thống kê, bảng biểu chi tiết tới từng hộ dân chúng tôi đã thực hiện đầy đủ theo chính hướng dẫn của Phòng Chăn nuôi (Sở NN-PTNT) cũng như Phòng NN-PTNT huyện Tiền Hải là cơ quan được UBND huyện giao làm thường trực tổng hợp thiệt hại.

Tuy nhiên suốt từ đó đến nay, UBND xã chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào. “Người dân nuôi ngao đã nhiều lần lên gặp chúng tôi hỏi về chuyện hỗ trợ thiệt hại, nhưng quả thực chúng tôi cũng chẳng biết thế nào mà trả lời họ nên vẫn cứ bảo họ cố gắng chờ thêm xem sao vậy” – ông Tiến nói.

PV NNVN đem thắc mắc của ông Tiến lên Phòng NN-PTNT huyện Tiền Hải. Ông Phạm Văn Vang, Phó trưởng phòng NN-PTNT lôi ra một xấp công văn, cho biết: Trên cơ sở các thống kê, báo cáo chi tiết tình hình thiệt hại của các xã trong huyện, Phòng NN-PTNT đã tổng hợp, trình UBND huyện.

Ngày 22/9/2014, UBND huyện Tiền Hải cũng đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Thái Bình và Sở NN-PTNT, Sở Tài chính về việc hỗ trợ diện tích ngao chết. Cụ thể, tổng diện tích ngao chết toàn huyện là hơn 1.000 ha tại 4 xã, trong đó tỉ lệ chết trên 30% là 202 ha; từ 50-70% là 381 ha và trên 70% là 426 ha. Đông Minh là xã thiệt hại nặng nề nhất với 446 ha, tiếp theo là Nam Thịnh 382 ha, Đông Hoàng 140 ha và Đông Long hơn 41 ha.

Trước những thiệt hại nặng nề của người nuôi ngao tại Thái Bình, đầu tháng 9/2014, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã có chuyến làm việc với tỉnh Thái Bình. Theo đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát có ý kiến kết luận: Nguyên nhân ngao chết có yếu tố do ảnh hưởng của nắng nóng.
Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Thái Bình sớm điều tra thống kê diện tích ngao bị thiệt hại, gửi Bộ NN-PTNT để trình Chính phủ xem xét bố trí kinh phí hỗ trợ giúp người dân khôi phục SX theo Nghị định 142/2009/NĐ-TTg của Chính phủ về chính sách hỗ trợ cho người dân do thiên tai dịch bệnh.

Tờ trình này có kèm phụ lục chi tiết về tỉ lệ, diện tích thiệt hại của từng hộ dân tại 4 xã. “Mọi thủ tục hồ sơ để hỗ trợ cho dân chúng tôi đã làm đầy đủ theo hướng dẫn. Tuy nhiên từ đó đến nay, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ văn bản phản hồi nào của cấp trên.

Cũng không thấy có ai chỉ đạo, hướng dẫn rằng phải bổ sung, thực hiện thêm những gì. Thời gian qua, các xã liên tục thắc mắc về chuyện này, nhưng quả thực chúng tôi cũng chẳng biết trả lời họ thế nào, đành ngồi chờ thôi” – ông Vang ngao ngán.

Tiếp tục đưa ý kiến của Phòng NN-PTNT huyện Tiền Hải lên hỏi Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình, chúng tôi được ông Phạm Hữu Thoại, PGĐ Sở trả lời những vấn đề vì sao việc triển khai hỗ trợ cho người nuôi ngao đến nay vẫn dậm chân tại chỗ. Theo ông Thoại, đại loại có ba nguyên nhân cơ bản như sau:

Một là thủ tục thống kê thiệt hại chưa đúng quy trình. Mặc dù các xã đã có báo cáo thiệt hại, có thống kê chi tiết tới từng hộ dân về diện tích, mức độ thiệt hại, tuy nhiên theo nguyên tắc thì phải có thêm chữ ký của các hộ dân.

Danh sách thiệt hại sau đó phải được niêm yết tại UBND xã trong vòng 15 ngày, nếu không ai có ý kiến gì thì mới chuyển lên cấp trên xem xét. Tuy nhiên, các xã chưa tổ chức làm việc này. Tóm lại, các số liệu thống kê thiệt hại chưa đủ tính pháp lí.

Thứ hai, theo nguyên tắc tài chính để hỗ trợ thiên tai dịch bệnh thì diện tích bị thiệt hại phải nằm trong quy hoạch của địa phương. Tuy nhiên, các xã bị thiệt hại gồm Đông Minh và Nam Thịnh hiện nay chưa thực hiện quy hoạch theo Quyết định số 1519 ngày 5/8/2011 của tỉnh về quy hoạch bãi triều.

Tiền Hải mặc dù đã nuôi ngao trước khi tỉnh có quy hoạch, nhưng lại không dồn được vào quy hoạch, vì vậy cần phải xác định rõ được diện tích nào bị thiệt hại nằm trong quy hoạch, diện tích nào nằm ngoài quy hoạch. Vấn đề này các xã cũng chưa thực hiện.

Thứ ba, có tình trạng ngao chết là do người dân không tuân theo quy trình kỹ thuật, mật độ thả nuôi quá dày, không đúng với khuyến cáo của Sở NN-PTNT. Vì vậy, các xã phải xác định xem diện tích ngao bị chết có được nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật hay không.

“Ông nói nhiều trình tự thủ tục còn chưa đạt yêu cầu, vậy sao không có văn bản hướng dẫn phản hồi để địa phương thực hiện bổ sung?” – PV thắc mắc.

Trả lời câu hỏi này, ông Thoại cho biết: Theo tờ trình về việc xử lí ngao nuôi bị chết của Sở NN-PTNT, ngày 3/10/2014, UBND tỉnh Thái Bình đã có công văn yêu cầu UBND huyện Tiền Hải thực hiện tất cả những vướng mắc trên, bao gồm triển khai quy hoạch chi tiết nuôi ngao vùng bãi triều đã được UBND tỉnh phê duyệt; thực hiện chính xác diện tích, mức độ thiệt hại các hộ dân; xác định diện tích ngao chết có nằm trong vùng quy hoạch, có đảm bảo đúng hướng dẫn kỹ thuật nuôi hay không…

Tuy nhiên từ đó đến nay, UBND huyện Tiền Hải chưa thực hiện chỉ đạo này của tỉnh, và chưa có báo cáo phản hồi nào cho Sở NN-PTNT!

“Tỉnh đã có công văn chỉ đạo rồi. Thủ tục, trình tự triển khai hỗ trợ thiệt hại cho dân thế nào các ông ấy (xã, huyện) biết hết, chẳng qua họ không chịu làm thôi” – ông Thoại nói.

Đem ý kiến của lãnh đạo Sở NN-PTNT Thái Bình trao đổi lại với ông Vũ Trung Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Minh, ông Tiến bảo: “Các ông ấy nói thế là không được! Lúc ngao chết hết đoàn này đoàn kia của Sở NN-PTNT đã về kiểm tra, biểu mẫu thống kê thế nào chính họ hướng dẫn chúng tôi làm, bây giờ lại nói số liệu thống kê chưa chính xác là sao? Vậy chẳng lẽ báo cáo của các xã, của huyện là khai khống? 

Còn chuyện trình tự, chữ ký, niêm yết công khai gì đó chưa đạt yêu cầu, thì các ông ấy phải có văn bản hướng dẫn phản hồi xem chúng tôi phải làm thêm những gì, hồ sơ giấy tờ còn thiếu những gì để mà làm tiếp, đằng này cả nửa năm rồi có thấy ai bảo làm gì đâu?".

Ông Phạm Văn Vang, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Tiền Hải thì cho rằng: Vấn đề quy hoạch, tỉnh đã có từ cuối 2011 rồi, mà thiệt hại thì mãi tới cuối 2014 mới xảy ra. Sở dĩ đến nay Tiền Hải chưa thể thực hiện thu hết phí đấu thầu bãi triều theo quy hoạch của tỉnh là bởi suốt từ 2012 đến nay, người nuôi ngao liên tiếp dính thiên tai dịch bệnh, khó khăn chồng chất nên họ phải xin khất lần. 

“Thực tế, các diện tích ngao ở 2 xã Đông Minh và Nam Thịnh hiện nay là đều nằm trong quy hoạch cả đấy chứ! Bây giờ chỉ vì một số hộ còn nợ tiền thuê bãi triều mà bảo không hỗ trợ thiệt hại cho dân là thế nào…?” – ông Vang thắc mắc.

 

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất