| Hotline: 0983.970.780

Giá nông sản: Từ đồng tới chợ

Đoạn trường những mớ rau

Thứ Hai 24/03/2014 , 10:15 (GMT+7)

Qua hành trình gian truân với vô số khoản chi phí phải gánh thêm, giá nông sản khi đến tay người tiêu dùng tăng tới 2 - 3 lần so với giá mà người nông dân bán ra.

Để tới được tay người nội trợ ở Hà Nội, những mớ rau, quả trứng nông dân làm ra, đôi khi chỉ cách 10 km thôi, nhưng đã phải lòng vòng qua tay tới 3 - 4 tiểu thương. Qua hành trình gian truân với vô số khoản chi phí phải gánh thêm, giá nông sản khi đến tay người tiêu dùng tăng tới 2 - 3 lần so với giá mà người nông dân bán ra.

Lãi 1 sào cải bắp, chỉ bằng nửa ngày công thương lái

Dưới cái mưa nhầy nhụa, chúng tôi về vựa rau xã Liên Hồng (huyện Gia Lộc, Hải Dương) đúng vào dịp giá rau xanh tăng chóng mặt mấy ngày gần đây. Giá rau đang sốt nên ven những cánh đồng rau ở xã Liên Hồng la liệt những chiếc xe tải cỡ 1,5 tấn biển số Hà Nội đổ về tranh nhau mua rau.

Thoăn thoắt xếp những bao tải cải bắp lên xe tải cho một chủ buôn, bà Trần Thị Liên (đội 1 Quán Phấn, xã Liên Hồng) chỉ  sang mấy ruộng cải bắp quá lứa, đã trổ cờ dài ngoẵng tiếc rẻ cho biết: Chỉ cách đây gần 1 tháng thôi, giá cải bắp còn rẻ bèo, có lúc chỉ 300 - 500 đ/kg, thuê người chặt chẳng lại tiền công nên dân Liên Hồng chẳng thèm thu hoạch, bỏ cho cải trổ cờ la liệt. Ấy thế đùng một cái, mười ngày trở lại đây giá rau đột ngột tăng vọt, bây giờ cải bắp bán tại ruộng đã 4.500 - 5.000 đ/kg nhưng đâu còn nữa mà bán.

Mở quyển sổ tính tiền ruộng cải bắp mới được quẳng lên xe bán cho thương lái, bà Liên nhẩm tính: Già một sào, được tổng cộng 1 tấn 350 kg, nhân giá 4.500 đ/kg được tròn 6 triệu. Trừ chi phí đầu tư hết 3 triệu, vị chi lãi 3 triệu. “Giá rau thế này là cao nhất rồi, bình thường mỗi sào cải bắp, lãi khoảng 2 triệu đồng đã là tốt lắm” - bà Liên phấn khởi.

Những tưởng giá cải bắp nông dân Gia Lộc bán 4.500 đ/kg đã là khá lắm, ấy thế nhưng Huy, một thương lái ở thị trấn Đông Anh (Hà Nội) vừa mua ruộng cải bắp của bà Liên khoát tay bảo: “Nhằm nhò gì, cải bắp này hiện các chợ trên Hà Nội bán giá 11 nghìn đồng/kg chẳng có hàng”.

“Mua tại ruộng giá có 4.500 đ/kg, lên Hà Nội bán giá tới 10.000 đ/kg, vậy còn gì lãi hơn nghề buôn cải bắp” – tôi gạ hỏi.

Nghe tôi thắc mắc, Huy nhấm nhẳng giải thích: “Lãi thế có mà ngang buôn thuốc phiện à? Nói giá 11 nghìn đồng/kg là người bán lẻ ở chợ, chứ cánh này mua cải giá 4.500 đ/kg, về bán lại chỉ được 6.000 đ/kg, lãi 1,5 giá thôi. Mỗi chuyến thế này chất đầy xe chỉ được 2,5 tấn, trừ tiền xăng 500 nghìn, lại còn tiền "luật lá" vì chở quá tải, may ra chỉ kiếm lãi được 2 triệu đồng. Xe tải của nhà mình nên xem như lấy công làm lãi, chứ lãi dưới 2 triệu/chuyến thì thà để xe ở nhà chơi cho khỏe”.

Cứ như lời thương lái này nói thì hóa ra, mỗi chuyến hàng (mất khoảng 1/2 ngày công không phải đụng tay đụng chân gì) của một thương lái, cũng có thu nhập ngang ngửa với một sào cải bắp mà nông dân ở Hải Dương đầu tư chăm bẵm ròng rã 2 tháng rưỡi (nếu được giá).

Hành trình đội giá

Huy giải thích thêm, thực ra nếu rau mua từ các tỉnh như Hải Dương về đổ thẳng được tới các chợ đầu mối ở Hà Nội như chợ Đền Lừ, chợ Dịch Vọng..., cải bắp chẳng hạn, hiện tại vẫn có thể lãi được ít nhất 3 giá (cải bắp hiện ở chợ đầu mối sẽ bán được giá từ 7.500 - 8.000 đ/kg). Thế nhưng điều này là không đơn giản, bởi trong giới buôn rau thôi cũng “đất có thổ công, sông có hà bá”.

Thứ nữa, đưa hàng thẳng vào các chợ đầu mối sẽ phải mất vô số loại phí khác không thể kể tên cụ thể ra như phí “bảo kê”, thuế chợ, chưa nói xe chở rau bao giờ chẳng quá tải, không may bị CSGT tóm một cái là xem như chuyến hàng đó hòa vốn. Thế nên nguồn hàng ở các chợ đầu mối Hà Nội hiện nay thực ra không phải là hàng nông sản của các tỉnh đổ thẳng về đây, mà đa phần đã phải “qua tay” một hệ thống thương lái cấp II.

Cụ thể như Huy, sau khi gom hàng từ các vùng rau ở Hải Dương về, sẽ phải bán lại cho một hệ thống các chủ buôn khác ở Hà Nội. Đội ngũ thương lái cấp II này thường không buôn chuyên biệt một loại rau nào, mà họ đặt hàng rất nhiều loại rau khác nhau từ các chủ buôn cấp I như Huy, sau đó từ 1 - 2h đêm sẽ chuyển tới bán tại các chợ đầu mối ở Hà Nội bằng xe máy hoặc xe kéo.

Tại các chợ đầu mối, sẽ tiếp tục có một đội ngũ chủ buôn cấp III thường gọi là dân “hai sọt” (các chủ buôn bán lẻ tại các chợ trong nội thành) tới lấy hàng. Đội ngũ chủ buôn “hai sọt” cũng có thể là chủ hàng cung cấp cho các chợ cóc trong các ngõ hẻm nội thành.

Theo lời giới thiệu của Huy, 4h sáng hôm sau, chúng tôi gặp Hải (quê Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội), một “đối tác” thường lấy hàng của Huy tiêu thụ tại chợ đầu mối Dịch Vọng. Ngoài nguồn hàng lấy từ các thương lái cấp I như của Huy, Hải cho biết còn gom hàng trực tiếp tại vùng rau Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội), hoặc các xã Tráng Việt, Tiến Thắng, Văn Khê (Mê Linh, Hà Nội). Tại chợ đầu mối này, chúng tôi thấy mỗi kg cải bắp từ Hải Dương được Hải bán cho đội ngũ lái buôn “hai sọt” với giá 7.500 đ/kg; mỗi củ su hào mà Hải mua từ xã Tráng Việt (chỉ cách Hà Nội khoảng 10 km) bán giá 6.500 đ/củ; cải dưa giá 1.400 đ/kg...

dscf1239172326281
Mỗi củ su hào thế này bán tại Mê Linh (cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 10km) có giá 4.500 đ, nhưng tới các chợ bán lẻ ở Hà Nội có giá 8.000 - 9.000 đ/củ

Hỏi chuyện lời lãi, Hải cho biết: Cải bắp hiện tại các vùng quanh Hà Nội không còn nên phải nhập lại của các chủ buôn từ Hải Dương lên với giá 6.000 đ/kg, bán ra 7.500 đ/kg; su hào nhập vào 5.000 đ/củ, bán ra 6.000 đ/củ; cải dưa nhập vào 10.000 đ/kg, bán ra 14.000 đ/kg... “Nếu tính từ ruộng tới tay người mua ở các chợ trong nội thành thì chí ít cũng qua 3 tay, còn chợ cóc ở các ngõ hẻm chắc là phải qua tay thứ 4, mỗi người lãi một ít. Như cánh này thường chỉ ăn lãi 1,5 - 2 giá, mỗi buổi chợ nếu may cũng kiếm được 200 - 300 nghìn là cùng. Cánh bán lẻ trong chợ mới là lãi. Đơn giản như cải bắp này, họ mua ở chợ đầu mối giá chỉ 7.500 đ/kg, nhưng bán lẻ phải 10.000 - 11.000 đ/kg, lãi thêm 3 - 3,5 giá. Hay như xu hào họ nhập vào 6.000 đ/củ, bán lẻ phải 8.000 đ/củ là ít” - Hải so sánh.

Lời Hải nói quả là khá chính xác. Cùng ngày hôm đó, chúng tôi đã rảo quanh một loạt các chợ tại khu vực quận Cầu Giấy, quận Ba Đình (TP Hà Nội) như chợ Dịch Vọng Hậu, chợ Cầu Giấy, chợ Ngọc Hà... thì thấy: Giá cải bắp trung bình được bán lẻ 10.000 đ/kg; giá su hào trung bình 8.000 đ/củ; giá cải dưa trung bình 17.000 đ/kg..., tăng từ 3 - 3,5 giá so với giá bán tại chợ đầu mối Dịch Vọng. 

Theo dõi hành trình của một số loại rau từ Hải Dương (cách Hà Nội 50km) và một số vùng rau ngoại thành Hà Nội (cách Hà Nội khoảng 10 - 15km), PV NNVN ghi nhận một số loại rau từ đồng ruộng tới tay người tiêu dùng đã  “đội giá” khủng khiếp như sau (tại thời điểm ngày 20/3/2014):

  Bán tại ruộng Thương lái cấp I Thương lái cấp II Bán lẻ ở chợ Bán lẻ ở chợ cóc Tăng so với giá tại ruộng
Cải bắp (Hải Dương) 4.500 đ/kg 6.000 đ/kg 7.500 đ/kg 10.000 đ/kg 11.000 đ/kg 140%
Su hào (ngoại thành HN)
 
4.500 đ/củ
 
6.000 đ/củ
  8.000 đ/củ 9.000 đ/củ 100%
Cải dưa (ngoại thành HN) 10.000 đ/kg 14.000 đ/kg   17.000 đ/kg 18.000 đ/kg
 
80%

 

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất