| Hotline: 0983.970.780

Đoàn Tử Huyến và tôi

Thứ Hai 23/11/2020 , 20:32 (GMT+7)

‘Những người chết là vô hình nhưng không vắng mặt’, nên chi tôi vẫn thấy anh ở quanh đây mỗi khi có câu chuyện văn chương dịch thuật như xưa anh vẫn làm.

Dịch giả Đoàn Tử Huyến

Dịch giả Đoàn Tử Huyến

Tôi gặp anh lần đầu hình như ở cái quán sách của anh bên cạnh Nhà xuất bản Văn Học (49 Trần Hưng Đạo) đâu vào khoảng đầu những năm 1990. Khi đó anh bắt đầu nổi trong giới làm sách thời kinh tế thị trường mới mon men vào nước ta.

Thú thực là hồi ấy tôi còn rất ngu ngơ (đến giờ già rồi vẫn là ngu ngơ) không biết xuất bản ấn loát thế nào. Viết thì mới các bài lẻ tẻ, dịch thì càng chưa có chút gì. Gặp anh chuyện trò với tâm thế một kẻ mới vào nghề đang học nghề. Tiếng Nga anh học chính quy ở Nga. Tôi thì tự học tay ngang. Nhưng lòng ham mê văn chương và dịch thuật của tôi đã gặp sự chân tình, cởi mở của anh để tạo nên cái duyên kết nối lâu dài về sau.

Năm 1995, Hội Nhà Văn Việt Nam quyết định tái lập tờ tạp chí “Văn Học Nước Ngoài” đã từng có trước đây. Trong việc này có tác động lớn của anh với ý muốn làm một tờ báo sang trọng, chất lượng chuyển tải đến bạn đọc trong nước những giá trị tinh hoa của văn học thế giới.

Tổng biên tập của tờ tạp chí là nhà văn Ma Văn Kháng khi đó là ủy viên ban chấp hành Hội, trưởng Ban sáng tác, anh Huyến giữ chức Phó Tổng biên tập. Nhưng thực chất anh là linh hồn, là người quán xuyến toàn bộ từ nội dung đến việc đánh máy, in ấn của tờ tạp chí. Bởi bộ máy trị sự là từ Nhà sách Đông Tây của anh. Nhưng cái chính là anh được thỏa nguyện thực hiện ước muốn của mình và điều này được Tổng biên tập chia sẻ và tin tưởng giao cho anh gần như toàn quyền thực hiện.

Bản dịch cuốn tiểu thuyết “Sự bất tử” của Milan Kundera mà tôi thực hiện từ tiếng Nga với chữ viết tay bút bi trên giấy đen xám đã được anh và ban biên tập chọn in trong số đầu của tờ tạp chí. Khỏi nói là tôi đã vui sướng thế nào khi thấy những con chữ mình cặm cụi chuyển từ tiếng Nga sang tiếng Việt hơn hai trăm trang đã được hiện lên ngay đầu số của số đầu một tờ tạp chí làm kênh giao lưu văn học nước ngoài vào trong nước.

Sau đó suốt những năm anh còn làm tờ tạp chí này chúng tôi đã có những tháng ngày tất bật mà vui vẻ, say sưa bên nhau lo cho từng bài, từng số. Nhờ đó tôi đã có được thêm những bản dịch khác hoặc do tôi chọn và đề xuất với anh, hoặc do anh đề nghị tôi dịch.

Cũng từ tạp chí anh đã tổ chức được một trại sáng tác cho những người dịch thuật văn chương ở Đại Lải mà có lẽ là trại duy nhất cho bộ môn này tính cho đến nay. Từ bản in “Sự bất tử” trên tạp chí tôi đã có hứng khởi dịch thêm hai tiểu thuyết nữa của Milan Kundera. Đến năm 1999 anh đã gộp cả ba cuốn “Sự bất tử”, “Chậm rãi”, “Bản nguyên” in thành một cuốn dày hơn tám trăm trang, chính thức đưa nhà văn Czech định cư ở Pháp này vào Việt Nam.

Khi Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây lập ra mà anh vẫn là vai “chủ xị” tôi cũng lại được góp phần tích cực, hăng hái cùng anh. Làm sách, giới thiệu sách, tọa đàm, trò chuyện ở Trung tâm tôi luôn làm MC, còn anh âm thầm chuẩn bị mọi thứ, khi sự kiện diễn ra thì anh chụp ảnh.

Điều đắc ý nhất của tôi trong thời gian cộng tác cùng anh ở Trung tâm là được tham gia dịch và giới thiệu cuốn những bài tiểu luận viết bằng tiếng Pháp của học giả Phạm Quỳnh (2007). Đó là một công trình học thuật nghiêm túc làm hiện ra một Phạm Quỳnh trong tư cách một nhà văn hóa, điều mà bấy lâu vì thiên kiến người ta đã bỏ qua và phủ nhận.

Tôi dịch phần văn hóa giáo dục ông viết, trong đó có những bài phát biểu trước các cử tọa giới hàn lâm Pháp tại Paris, mà xúc động và khâm phục vô cùng trước tư thế trí thức của một người Việt Nam tuy bị nô lệ nhưng không chịu hạ mình khuất lụy trước những học giả chính quốc, vẫn biết cách đề cao giá trị tinh thần và văn hóa của chủng tộc và dân tộc mình. Anh còn mời tôi tham gia dự án dịch thơ Thụy Điển sang tiếng Việt. Khi đoàn nhà thơ Thụy Điển sang Hà Nội ra mắt sách, sau đó vào giao lưu ở Đại học Vinh, anh và tôi đã có những ngày vui thật vui vì thấy kết quả công việc văn hóa mình làm có ích cho cộng đồng.

Anh và tôi vẻ ngoài hao hao nhau do mái tóc chòm râu và cả khuôn mặt. Không ít lần hai anh em đã bị bạn người này tưởng lầm người kia. Chúng tôi lại đồng hương, lại thuộc kiểu người ham chơi, ham uống. Nhưng khác tôi hay ồn ào, xô bồ, anh tưởng ai cũng chơi được mà lại không dễ chơi với ai, tuy anh vẫn lắm bạn lắm người quen.

Cho đến cuộc viễn du cuối cùng anh cũng lặng lẽ.

Thứ Năm (19/11) anh đến nhà tôi ở Xuân Đỉnh gặp mặt bạn bè. Thứ Bảy (21/11) anh lên chơi nhà thông gia ở Sơn Tây. Và sáng sớm Chủ Nhật (22/11) sau khi đã thức dậy làm vệ sinh thân thể, anh quay lại giường nằm và đã ngủ giấc ngàn thu. Cuộc chơi Sơn Tây do ý anh muốn. Cuộc chơi nhà tôi do tôi mời anh. Ngẫu nhiên như sự sắp đặt của số phận anh đã gặp bạn bè, gặp người thân trước khi rời cõi tạm.

Ra đi ở tuổi bảy mươi, anh Đoàn Tử Huyến lưu lại cho đời những cuốn sách anh dịch văn chương Nga như “Tiếng gọi vĩnh cửu” (1986) của A. Ivanov; “Nguyệt thực” (1986), “Sáu mươi ngọn nến” (1987), “Đêm sau lễ ra trường” (1994) của V. Tendriakov; “Nghệ nhân và Margarita”(1988), “Trái tim chó” (1988) của M. Bulgakov; “Giọt rừng” (2011) của M. Prishvin… Bản dịch “Nghệ nhân và Margarita” của anh đã được nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1990) và Giải Sách Hay.

Tôi học được ở anh sự cẩn thận chi chút cho từng câu từng chữ tiếng Việt. Anh không bao giờ tỏ ra mình giỏi tiếng Nga với tôi, một kẻ tay ngang tự học và dịch tiếng Nga. Điều này đã tiếp thêm cho tôi sự tự tin và cả ngang bướng khi dịch thuật. Đã có những lần hai anh em cãi nhau về một từ mà mỗi người chọn một cách dịch khác nhau.

“Những người chết là vô hình nhưng không vắng mặt”, nên chi tôi vẫn thấy anh Đoàn Tử Huyến ở quanh đây mỗi khi có câu chuyện văn chương dịch thuật, làm sách, giao lưu văn hóa như xưa anh vẫn làm. Thế nghĩa là anh đã hóa thân vào những cái anh để lại cho đời.

Hà Nội, 23/11/2020

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất