| Hotline: 0983.970.780

Đoàn tụ ngày thống nhất: Ngày Bắc đêm Nam

Thứ Hai 13/04/2015 , 06:05 (GMT+7)

"Tôi là người con duy nhất trong gia đình được sống với bố mẹ từ bé đến lớn. Các anh chị ở trong Nam thì quá thiệt thòi rồi. Còn các anh chị ngoài Bắc chỉ được 1 tháng 1 lần về ăn cơm với bố mẹ rồi lại lên trường, có khi vài tháng mới được về 1 lần vì ngày xưa đi lại khó khăn lắm".

Ông Mai Xuân Lộc, con trai út nhà ngoại giao Mai Văn Bộ, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Bỉ, Italia, Hà Lan chia sẻ với người viết bài này về hoàn cảnh gia đình ngày Bắc đêm Nam và niềm vui sum họp gia đình khi đất nước thống nhất.

Một gia đình 3 nguồn gốc

Theo Hiệp định Geneve sẽ có hiệp thương tổng tuyển cử giữa hai miền. Những người theo cách mạng hồi đó là sẽ đưa ra sau vĩ tuyến 17 để chuẩn bị bầu cử. Đâu có ai ngờ, giới tuyến tạm thời lại kéo dài tới hơn 20 năm phân ly. Có lẽ khó có thể so sánh nỗi đau tử biệt với nỗi buồn sinh ly bên nào xót xa hơn.

Ông Mai Xuân Lộc nhớ lại: “Lúc ba má tôi định tập kết ra Bắc thì ông bà ngoại còn sống, cũng yếu rồi. Ông ngoại tôi nói: Nếu mà mang hết con cái đi thì ông bà ngoại sẽ không biết sống với ai. Ông bà nghĩ rằng đi cũng một thời gian thôi, ai mà biết được nó sẽ kéo dài như thế. Gia đình mới quyết định ra Bắc, để lại 2 anh chị cho ông bà ngoại nuôi”.

ongno217121738
Ông Mai Văn Bộ

Từ đó, trong 5 người con của gia đình nhà ngoại giao Mai Văn Bộ thì có 3 nguồn gốc khác nhau. Chị hai và anh ba tập kết ra Bắc cùng ba mẹ, lớn lên học trường Học sinh miền Nam. Anh Tư, chị Năm ở lại miền Nam cho đến ngày giải phóng mới gặp lại được. Còn cậu út Mai Xuân Lộc sinh ở Hà Nội, lớn lên đi học Liên Xô.

Anh Tư- Mai Quỳnh Lâm ở lại miền Nam, được Đảng và Nhà nước hồi đó làm cho bản lý lịch giả: Ba đi buôn bán và đã mất. Lớn lên, Mai Quỳnh Lâm đi học rồi phải đi tổng động viên trong quân đội, học trường sĩ quan Đà Lạt, sau đó làm trong ngành không quân. Từ khi được lệnh tổng động viên vào quân đội Việt Nam cộng hòa, những người cách mạng vẫn dõi theo và qua đường dây liên lạc đã giao nhiệm vụ cho Mai Quỳnh Lâm chui sâu vào trong quân đội miền Nam. 

“Ba tôi thường dạy con cái: Phải yêu lao động. Ông giải thích rất đơn giản: Lao động là nguồn gốc của tất cả. Con người mà không yêu lao động thì không thể nào thành người tốt được” (ông Mai Xuân Lộc).

Mai Quỳnh Lâm đeo lon thiếu úy, có nhiệm vụ dẫn dắt đường bay, cho nên trước khi có cuộc bố ráp nào, để bảo vệ cán bộ giải phóng và bà con trong vùng, anh đều bí mật cung cấp thông tin ra vùng giải phóng.

Ngày đất nước thống nhất, với lý lịch từng công tác trong quân đội Việt Nam cộng hòa, anh phải đưa đi cải tạo. Nhưng vừa lên đến trại cải tạo thì đã có thư riêng. Rất may là người lãnh đạo trực tiếp đường dây của Mai Quỳnh Lâm vẫn còn sống cho nên ông xác nhận, anh được trở về đoàn tụ với gia đình.

“Nói chung trong giai đoạn chiến tranh như thế, không riêng gia đình tôi, hầu như các gia đình đều có hoàn cảnh chia cắt giống nhau. Nếu như không có giải phóng thì có khi cũng chưa gặp được nhau”, ông Mai Xuân Lộc xúc động nhớ lại.

Đoàn viên trọn vẹn

Hai năm qua nhanh như chớp mắt. Nhưng hơn hai mươi năm chia cắt, ngày Bắc đêm Nam, lại kéo dài đằng đẵng. Ngóng tin hai con ở với ông bà ngoại mãi Sài Gòn là nỗi mong mỏi của ông bà Mai Văn Bộ.

“Cách duy nhất có thông tin là lâu lâu mẹ tôi tổ chức cho ông ngoại viết thư gửi sang Hồng Kông. Từ Hồng Kông có cơ sở bí mật chuyển ra Bắc hoặc chuyển sang Pháp, nơi nhà ngoại giao Mai Văn Bộ được cử làm Trưởng đại diện thương mại của Chính phủ tại Paris. Sau đó, lại có cách chuyển sang Pháp trực tiếp thông qua Việt kiều. Trong mỗi bức thư đều không dám viết trực tiếp, chỉ dám nói bóng nói gió rằng thằng A, thằng B vẫn mạnh khỏe, còn đang đi học. “Mỗi lần nhận được tin như thế, mẹ tôi khóc dữ lắm”, ông Mai Xuân Lộc bồi hồi.


Ông bà Đại sứ Mai Văn Bộ và con út Mai Xuân Lộc tại Pháp

Dứt ruột sinh con ra mà xa cách nhau, chia ly suốt hơn 20 năm, lúc đi con còn bé xíu. Cũng có lần tổ chức Đảng đề nghị để đưa hai con ra Bắc theo đường dây từ Phnom Penh (Campuchia) ra. Nhiều con cái của các gia đình cách mạng cũng đi như vậy để cha mẹ yên tâm công tác.

Nhà ngoại giao Mai Văn Bộ (1918-2002), sinh tại quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên (nay là TP. Cần Thơ). Ông là thành viên trong bộ 3 nổi tiếng Huỳnh - Mai - Lưu (Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước). Đã được cử làm Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Bỉ, Italia, Hà Lan.

Nghe xong đề nghị này, ông bà Mai Văn Bộ rất muốn nhưng ông ngoại lại không đồng ý. Bà ngoại mất vì ung thư trước đó, còn ông ngoại, nếu đưa nốt các cháu đi thì nỗi cô đơn, vắng vẻ sẽ khiến ông không thể nào chịu nổi. Cho đến ngày quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, thống nhất hoàn toàn miền Nam, có nỗi vui mừng nào hơn khi hội ngộ, cha mẹ đoàn viên cùng ông ngoại và hai đứa cháu, một trai một gái. 

Ông Mai Xuân Lộc cho biết: “Không riêng gì gia đình tôi, đấy là tình cảm của những người cách mạng, hết sức thiệt thòi. Họ vì lý tưởng, còn tình thương thì chắc chắn là rất sâu đậm. Gia đình tôi tự nhận là may mắn, cho đến ngày giải phóng, 5 anh em đều được đoàn tụ”.

Ngày thống nhất đất nước, cậu út Mai Xuân Lộc còn đang du học, cậu nhận được thư của anh Tư, chị Năm gửi sang. Ba anh chị em chưa hề biết mặt nhau, nhất là cậu út sinh ở Hà Nội sau khi ba mẹ tập kết. Hai năm sau, 1977, từ Liên Xô về, Mai Xuân Lộc vào Sài Gòn, lúc này thành phố đã mang tên Bác. Anh hồi hộp khi biết sẽ được gặp anh chị của mình. Nhìn bề ngoài, họ rất giống nhau. Hai chị em liền nhận ra nhau ngay trong niềm vui thống nhất.

Xem thêm
Mỹ Tâm xin lỗi fan

Mỹ Tâm đã phải livestream xin lỗi khán giả sau khi hệ thống bán vé của concert 'My soul 1981' sập chỉ sau một vài phút mở bán.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

Công nghệ VAR tiếp tục ám ảnh U23 Việt Nam

Công nghệ VAR tiếp tục ám ảnh U23 Việt Nam sau tình huống trọng tài tham khảo và rút thẻ đỏ cho hậu vệ Nguyễn Ngọc Thắng cuối hiệp 1.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.