| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 15/10/2019 , 08:53 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 08:53 - 15/10/2019

Doanh nghiệp ngại gì mà không dám lớn?

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung đã đưa ra một nhận định khá thẳng thắn về thực trạng doanh nghiệp hiện nay “họ sợ lớn và họ muốn lớn cũng không được”.

Ảnh mang tính minh họa.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nhiều năm làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đồng thời cũng là người tham gia xây dựng Luật Doanh nghiệp, cho nên ý kiến của ông rất đáng được nhiều giới, nhiều ngành quan tâm.

Nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung có phải là suy đoán chủ quan không? Hoàn toàn không! Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung đã có thực tế tiếp xúc với hàng ngàn doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau.

Thế nhưng, cảm giác chung của doanh nghiệp Việt hiện nay là không thấy an toàn về nhiều mặt để vững tâm dốc vốn liếng, dốc sức lực, dốc trí tuệ… để vươn lên lớn mạnh.

Vì sao như vậy? Vì môi trường cạnh tranh chưa lành mạnh. Khi đồng tiền của doanh nghiệp bị đặt trong những giăng mắc phức tạp của “tham nhũng vặt” và “lợi ích nhóm” thì mọi chiến lược phát triển căn cơ nhất đều trở nên bấp bênh. Doanh nghiệp không dựa vào nội lực, thì đành tìm kiếm các mối quan hệ hỗ trợ.

Từ đó, nảy sinh hệ lụy phức tạp, cơ hội không thuộc về doanh nghiệp có dự án triển vọng tích cực hoặc doanh nghiệp có kỹ năng quản trị hiệu quả, mà lại lọt vào tay doanh nghiệp thiết lập thành công các quan hệ thân hữu với chính quyền.

Trong bối cảnh ấy, những doanh nghiệp có tài và có tầm vẫn chưa phát huy được giá trị, mà những doanh nghiệp giỏi luồn lách lắm mưu chước lại giành được thị phần.

Luật Doanh nghiệp đã ra đời 20 năm, và Ngày Doanh Nhân Việt Nam cũng đã xuất hiên 15 năm, vì sao doanh nghiệp không dám lớn theo đúng khả năng và kỳ vọng? Rất đơn giản, doanh nghiệp cứ duy trì quy mô nhỏ thì đỡ bị chú ý, đỡ bị làm phiền.

Hay nói cụ thể hơn, doanh nghiệp e ngại những quy định không rõ ràng trong nhiều trường hợp, đồng thời những cuộc thanh tra và những đợt kiểm tra tùy tiện với mục đích không trong sáng sẽ đẩy những người làm ăn chân chính vào những sự giằng co kém văn minh.

Vì vậy, tâm lý chung của doanh nghiệp là cứ nhỏ mà lành, còn hơn mới lớn đã đối mặt bao nhiêu rủi ro không thể tiên liệu.

Doanh nghiệp sợ lớn và không muốn lớn, thì không thể nào trách giận họ. Thế nhưng, khi những tập đoàn đa quốc gia đang mạnh mẽ đổ bộ vào nước ta, thì sự co cụm của doanh nghiệp Việt Nam sẽ dẫn đến việc đánh mất thị trường vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp nhỏ thì không thể tạo dựng được thương hiệu cạnh tranh với các đối thủ quốc tế đang từng ngày chinh phục người tiêu dùng Việt Nam.

Mặt khác, khi doanh nghiệp “muốn lớn cũng không được” thì họ sẽ chuyển hướng kinh doanh, mà cụ thể là tham gia các chương trình đầu tư định cư tại những xứ sở cởi mở như Úc, Canada, New Zealand… thì một dòng tài chính khổng lồ sẽ rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.