| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp phân bón 'mệt phờ' vì hợp quy

Thứ Năm 16/07/2015 , 06:15 (GMT+7)

Kể từ khi Nghị định 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lí phân bón có hiệu lực, những tưởng thị trường phân bón sẽ quy củ, dễ thở hơn, nhưng thực tế cho thấy các đơn vị nhỏ và siêu nhỏ không ít đi mà ngược lại mọc ra như nấm.

Bên cạnh đó, các DN lớn thêm khổ vì phải trăm công nghìn việc đi lo thủ tục liên quan tới hợp quy.

Chúng tôi vừa có trong tay văn bản của một DN SX phân bón lớn đóng trên địa bàn TP Hà Nội gửi Bộ Công thương và Hiệp hội Phân bón Việt Nam phản ánh những bất cập, phiền toái trong việc chờ thực hiện công bố hợp quy theo Nghị định 202.

Theo đó, kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 202 ngày 27/11/2013 về quản lí phân bón, Bộ Công thương đã ban hành Văn bản số 2114/BCT-HC ngày 19/3/2014 và Thông tư 29/2014/TT-BCT về việc triển khai thực hiện Nghị định 202, DN lập tức triển khai ngay việc công bố hợp quy gửi Sở Công thương TP Hà Nội. Tuy nhiên, Sở Công thương Hà Nội ngay lập tức có văn bản trả lời chưa tiếp nhận hồ sơ hợp quy, lí do chưa đến 27/11/2014, ngày Thông tư 29 có hiệu lực.

Sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, Sở Công thương Hà Nội mới tiếp nhận và sau đó xác nhận bằng văn bản cho sản phẩm của Cty phù hợp với TCVN 1078:1999 (ngày 14/4/2015).

Tuy nhiên, sản phẩm phân đơn (lân, đạm, DAP) cơ bản đã ổn vì có Quy chuẩn Quốc gia, nhưng riêng các loại phân bón NPK của DN do chưa có Quy chuẩn Quốc gia nên các DN không biết công bố sản phẩm của mình hợp quy theo quy chuẩn nào? Bản thân Sở Công thương các tỉnh, thành cũng đang lúng túng chưa biết xử lí ra sao nên chưa thể công nhận hợp quy cho các sản phẩm NPK của DN.

Bất cập này, rất nhiều DN phân bón gửi công văn phản ánh lên Cục Hóa chất (Bộ Công thương) thì ngày 20/4/2015, Cục Hóa chất có công văn số 389a/CHC-SPT gửi Sở Công thương các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương hướng dẫn công bố hợp quy các sản phẩm phân bón vô cơ theo Thông tư 29 của Bộ Công thương, trong đó nói rõ “khi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa ban hành thì theo quy định của phụ lục 13 ban hành kèm Thông tư 29, trong trường hợp theo phụ lục 13 của Thông tư 29 không có thì được áp dụng theo các tiêu chuẩn cơ sở của DN SX công bố (theo danh mục phân bón như Nghị định 191 trước đây).

Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, kể từ khi Nghị định 202 có hiệu lực, việc quản lí phân bón vô cơ được giao toàn bộ cho Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT gần như không còn tham gia nữa vì hiện chỉ quản lí phân hữu cơ nên tạo ra khoảng trống khá lớn.
Trong khi đó, ngành công thương hiện chưa có cán bộ chuyên trách về phân bón nên giờ chỉ trông chờ vào lực lượng quản lí thị trường, mà đơn vị này chủ yếu đảm nhiệm việc thanh kiểm tra hàng hóa khi đang lưu thông. Vì vậy, việc triển khai các thủ tục hành chính liên quan tới phân bón gặp khó khăn.

Sau khi có hướng dẫn của Cục Hóa chất vào cuối tháng 4/2015, các DN SX phân bón đã gấp rút hoàn thiện hồ sơ và công bố hợp quy sản phẩm phân bón NPK gửi về Sở Công thương các tỉnh, thành theo quy định. Nhưng do trên thị trường có từ 5.000 - 7.000 sản phẩm NPK, nhiều DN có tới hàng trăm sản phẩm, song số lượng phòng phân tích được chỉ định hiện có hạn nên cho đến nay rất nhiều DN vẫn đang trong quá trình xem xét để được chấp nhận hợp quy NPK.

Nhưng khổ một nỗi, theo chia sẻ của một DN SX phân bón trực thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), SX phân bón là hoạt động kinh doanh liên quan tới thời vụ, bên cạnh đó, hàng năm Vinachem và Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT đều có chỉ thị các DN phải chuẩn bị SX nhằm đảm bảo nguồn cung cũng như ổn định thị trường, giá cả phân bón.

Để đáp ứng yêu cầu này, các DN SX phải tiến hành dự trữ trước ở kho và lưu hành tại các đại lí cấp 1, cấp 2, cấp 3 trên thị trường hàng chục ngàn tấn phân bón và trong kho cũng phải dự trữ lượng bao bì lớn tương đương khoảng 5 - 10 tỷ đồng mới đáp ứng được tiến độ SX.

Các bao bì NPK này do trước đây chưa có quy định phải công bố hợp quy nên chưa được in dấu hợp quy, hơn nữa các cơ quan chức năng đang trong quá trình xem xét chấp thuận hợp quy nên nhiều sản phẩm DN không thể in dấu hợp quy trên bao bì được vì sẽ vi phạm. Trong khi đó, DN cũng không thể tạm dừng SX, lưu thông phân bón trên thị trường vì nhu cầu của đối tác, đặc biệt là nông dân vẫn phải cần để phục vụ SX.

Nhưng chính sự nhập nhằng này đang khiến các DN SX phân bón khốn khổ vì liên tục phải hồi đáp, giải trình lực lượng quản lí thị trường tại các tỉnh, thành. Giả sử, mỗi tỉnh, thành mà lực lượng quản lí thị trường đều gửi công văn yêu cầu làm việc với lãnh đạo DN vì vi phạm hợp quy đủ biết sẽ gây khó khăn, tốn kém về thời gian, tiền bạc của DN lớn đến như nào?

Theo tìm hiểu chúng tôi, được biết các DN SX-KD phân bón đang gửi công văn tới các cơ quan chức năng kiến nghị, xem xét lại quy định phải công bố hợp quy đối với sản phẩm phân bón NPK, bởi hiện nay trên thị trường lưu thông khoảng 5.000 - 7.000 tiêu chuẩn cơ sở (theo danh mục của Nghị định 191 trước đây về quản lí phân bón) về NPK khác nhau.

Theo số liệu Hiệp hội Phân bón Việt Nam cung cấp, nếu như năm 2013 cả nước mới có trên 500 DN SX kinh doanh phân bón thì theo thống kê mới nhất năm 2015 con số này đã lên tới gần 1.000, trong đó riêng TP.HCM đã xấp xỉ 500 DN đang hoạt động ở lĩnh vực này, tức là tăng gần 100% so với năm 2013.

Nay, theo hướng dẫn của Bộ Công thương, các đơn vị SX lại phải một lần nữa công bố sản phẩm của mình phù hợp với quy chuẩn do chính mình đã công bố tiêu chuẩn cơ sở trước đó (theo Nghị định 191 về quản lí phân bón trước đây) thì có thật sự cần thiết không?

Việc làm này, theo các DN SX-KD phân bón là không phù hợp với tinh thần của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ vì sẽ phải có hàng nghìn bản công bố hợp quy các đơn vị SX, đơn vị chứng nhận, kiểm nghiệm chất lượng gửi các Sở Công thương gây tốn kém và lãng phí không cần thiết. Vậy, tại sao không dùng luôn TCCS NPK mà các DN đã công bố trước đây, bởi bây giờ nếu công bố lại DN cũng vẫn chỉ công bố TCCS như cũ (trừ sản phẩm phân bón có công thức mới).

Còn trong trường hợp các cơ quan quản lí vẫn yêu cầu DN phải phân tích, công bố lại TCCS đã công bố trước đó, các DN SX phân bón khẩn thiết đề nghị, trước khi có quy định phải công bố hợp quy sản phẩm NPK, lượng sản phẩm phân bón NPK đã SX và lượng bao bì chuẩn bị cho SX chưa đóng dấu hợp quy hiện lưu kho là rất lớn, vì vậy để tránh gây thiệt hại cho DN cũng như lãng phí của cải xã hội, đề nghị các cơ quan hữu quan xem xét phải có lộ trình thời gian khoảng từ 1 – 1,5 năm để xử lí hết lượng sản phẩm đã SX đang lưu thông trên thị trường chứ không thể đem đi tiêu hủy được vì xét cho cùng vẫn là người nông dân phải gánh chịu.

Trao đổi với chúng tôi, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) Nguyễn Văn Thanh cho biết, đơn vị cũng vừa nhận được phản ánh, kiến nghị từ phía các DN SX, kinh doanh phân bón về thủ tục công bố hợp quy.
Ông Thanh chia sẻ, đang tiến hành rà soát, xem xét lại các thông tư, nghị định liên quan để từ đó có những kiến nghị lên Bộ Công thương cũng như Cục Quản lí thị trường trên tinh thần cố gắng tháo gỡ khó khăn cho DN.

 

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm