| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp phát triển bền vững, người dân có cuộc sống tốt hơn

Thứ Hai 02/09/2019 , 08:17 (GMT+7)

Với phương châm "Phát triển kinh tế - Quan tâm cộng đồng xã hội và Bảo vệ môi trường", Công ty Núi Pháo hỗ trợ phát triển cộng đồng và thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua kế hoạch ngân sách hàng năm và các dự án hỗ trợ cộng đồng cụ thể.

Phát triển sản xuất kinh doanh trên quy mô toàn cầu

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần của Công ty Núi Pháo (Thái Nguyên) giảm so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.690 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 1,6 tỷ đồng. Hiện, sản phẩm florit - một trong bốn sản phẩm chủ lực của Công ty đang tiêu thụ rất tốt ở mức giá cao.

Một góc nhà máy chế biến khoáng sản Núi Pháo.

Được đánh giá là nhà sản xuất Vonfram lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc với trữ lượng quặng tiềm năng khoảng 66 triệu tấn, Công ty đã ứng dụng công nghệ cao vào khai thác, tỷ lệ thu hồi Vonfram của đơn vị đã tăng từ 65% năm 2016 lên 68% năm 2017 và 72% trong năm 2018, tận thu được hàm lượng của các sản phẩm ở mức cao so với các nhà máy chế biến khác trên thế giới 

Xác định các mục tiêu phát triển bền vững là nền tảng cho các hoạt động phát triển, năm 2018, Công ty đã trở thành thành viên chính thức của Hội đồng Doanh nghiệp Phát triển bền vững, đồng thời không ngừng cải thiện lĩnh vực quản trị bền vững thông qua việc thành lập Tiểu ban Sức khỏe, Môi trường, An toàn và  Phát triển Bền vững.

Thành tích của Công ty đã được ghi nhận nhận xứng đáng với hàng loạt giải thưởng uy tín: Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam; Top 100 Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam; Top 100 Doanh nghiệp Sao Vàng đất Việt; Top 50 Nhãn hiệu hàng đầu Việt Nam; Doanh nghiệp, doanh nhân xuất sắc của tỉnh Thái Nguyên qua các năm… 

Vì một cộng đồng phát triển bền vững

Hàng năm, doanh nghiệp dành từ 3-5 tỷ đồng cho các dự án như xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội cho cộng đồng; dịch vụ khuyến nông và sinh kế bền vững cho người dân; sức khỏe cộng đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường; tín dụng vi mô, nâng cao năng lực và các chương trình tài trợ, từ thiện... trên địa bàn các xã ảnh hưởng bởi Dự án nói riêng và tỉnh, huyện nói chung. Tính riêng năm 2018, tổng số tiền hỗ trợ cho các chương trình này là trên 5,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty còn hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bằng các chính sách riêng thông qua các chương trình phục hồi kinh tế và trợ cấp cho các nhóm đặc biệt khó khăn ngoài chính sách của Nhà nước với khoản kinh phí lên đến gần 150 tỷ đồng qua nhiều kế hoạch khác nhau dành cho hơn 6.000 người dân địa phương được hưởng lợi trực tiếp.

Cán bộ quan hệ cộng đồng của Công ty Núi Pháo luôn sát cánh giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án.

Đặc biệt, đáng ghi nhận những đóng góp của Công ty vào phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thái Nguyên và huyện Đại Từ.

Cụ thể, đã hỗ trợ xây dựng, cải tạo trên 8.200m đường giao thông nông thôn; gần 13.000 m đường điện thắp sáng làng quê; trên 500m kênh mương; xây mới 5 công trình và nâng cấp cải tạo 5 công trình nhà văn hóa xóm; cung cấp hàng nghìn bộ bàn ghế và hàng chục bộ trang thiết bị âm thanh cho 23 nhà văn hóa xã, xóm.

Qua đó, đã góp phần giúp các xã vùng Dự án được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới như xã Hà Thượng (năm 2014); thị trấn Hùng Sơn (năm 2016); xã Phục Linh (năm 2017) và xã Tân Linh (năm 2018).

Hỗ trợ thành lập và duy trì tổ thu gom rác thải xã Hà Thượng, tổ chức các đợt tuyên truyền, hưởng ứng các chiến dịch nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, các lớp tập huấn về quản lý rác thải nông thôn và phân loại rác tại nguồn cho hàng nghìn lượt người tham gia; hỗ trợ thu gom xử lý hóa chất bảo vệ thực vật; hỗ trợ thành lập 6 chi hội Phụ nữ “5 không 3 có”; làm trên 1500m đường hoa.

Cán bộ và nhân viên Công ty với tinh thần trách nhiệm thường xuyên làm việc sâu sát với cơ sở, tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. 

Không trao con cá mà trao cần câu, hướng dẫn người nông dân sinh kế ngay trên ruộng vườn của họ, nhằm nâng cao thu nhập từ sản phẩm chè là cây kinh tế trọng điểm của các xã trong khu vực dự án, Công ty đã hỗ trợ thành lập được 13 tổ hợp tác sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với 385hộ tham gia; trên 87.5 ha chè được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP.

Thực hiện mô hình Quỹ vốn vay tín dụng vi mô, ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đại Từ với tổng vốn ủy thác trên 9 tỷ đồng, 276 hộ được vay vốn ưu đãi để thực hiện các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Ông Phạm Quốc Ước - Tổ trưởng Tổ hợp tác chè an toàn xóm Khưu 3 xã Phục Linh chia sẻ: Năm 2018 dưới sự hỗ trợ của Công ty Núi Pháo đã thành lập được Tổ hợp tác chè an toàn với sự tham gia của 28 hội viên, trong quá trình thành lập tổ đã được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng thời gian cách ly, hướng dẫn ghi chép nhật ký nông hộ, đi thăm quan học tập các mô hình, được hỗ trợ ống tưới chè tiết kiệm. Trong quá trình thực hiện năng suất chất lượng chè đều tăng trên 20%, thậm chí có những hộ đạt 30% năng suất so với làm chè truyền thống. 

Bà Trần Thị Hòa - Tổ chè an toàn xóm 7 xã Hà Thượng tâm sự: Từ năm 2013 dưới sự hỗ trợ của Công ty Núi Pháo 19 hộ dân xóm 7 xã Hà Thượng đã được cấp chứng nhận chè an toàn theo quy trình VietGAP đến nay các thành viên trong tổ vẫn đang duy trì phát huy áp dụng khoa học kỹ thuật.

Nhờ vậy mà chất lượng và năng suất tăng và trở thành nguồn cung cấp chè thường xuyên cho cán bộ, công nhân của Công ty Núi Pháo.

Tinh thần chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng lan tỏa đến từng cán bộ công nhân viên trong Công ty. Trải qua hơn 10 năm, văn hóa chia sẻ, hướng tới cộng đồng và người yếu thế đã trở thành việc làm thường xuyên, tự giác của mỗi cá nhân.

Công ty đã chung tay giúp đỡ xây được trên 20 ngôi Nhà tình nghĩa; trao hàng trăm suất học bổng bằng tiền và hiện vật cho các em học sinh nghèo; khám và tư vấn sức khỏe cho trên 800 đối tượng người có công, hộ gia đình chính sách.

Công ty hỗ trợ trẻ có hoàn cảnh khó khăn bằng nhiều hình thức như tài trợ Tết Trung thu, đóng góp cho Quỹ Trẻ em ở cấp tỉnh và huyện, cung cấp trang thiết bị, xe đạp, xây, sửa nhà, cấp học bổng, hỗ trợ mô hình sinh kế cho trẻ mồ côi.

Cháu Nguyễn Bảo Hân (sinh tháng 1/2019) là con của anh Nguyễn Văn Công - công nhân vận hành thuộc bộ phận sản xuất của Công ty. Cháu Hân bị mắc bệnh Glocom bẩm sinh (một dạng tật về mắt có thể dẫn đến mù vĩnh viễn nếu không được chữa trị kịp thời).

Công đoàn Công ty đã phát động tập thể cán bộ, người lao động đóng góp ủng hộ 78 triệu đồng giúp gia đình anh Công có thêm chi phí đưa cháu đi khám chữa bệnh. Cùng với sự giúp đỡ của nhiều cá nhân, tổ chức, cháu Hân đã được đưa sang bệnh viện mắt tại Singapore phẫu thuật kịp thời.

Công ty Núi Pháo thường xuyên có những hoạt động giúp đỡ gia đình gặp khó khăn.

Mùa mưa bão này, 3 chị em cháu Ngô Khánh Linh, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở thị trấn Hùng Sơn đã được ấm áp trong ngôi nhà mới được xây dựng bằng tiền hỗ trợ của Công ty và Hội Chữ thập đỏ huyện Đại Từ.

Mẹ mất sớm, bố luôn đau ốm không có thu nhập ổn định, cả gia đình cháu Linh gồm 4 người sống trong ngôi nhà tạm diện tích 15m2 đã hư hỏng do bão. Song, cả 3 chị em Linh đều có thành tích học tập tốt ở trường, bản thân cháu Linh đã giành giải Nhì trong cuộc thi Khoa học và Vật lý cấp huyện.

Ngôi nhà mới do Công ty tài trợ sẽ giúp các cháu có nơi ăn chốn ở ổn định, các cháu có điều kiện và sự động viên để tích cực học hành hướng đến một tương lai tươi sáng.

Gần đây nhất, trong tháng 7/2019, Công ty đã triển khai mô hình hỗ trợ sinh kế vi mô cho 20 phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các xã ảnh hưởng, gồm các chị phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật, hạn chế nhận thức, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ có bệnh xã hội và đều đang làm mẹ đơn thân...

Qua đó hỗ trợ trên 300 con gà giống đẻ trứng, thức ăn chăn nuôi, sửa chuồng trại, tặng sổ tiết kiệm, quạt điện và cho vay vốn tín dụng ưu đãi với tổng giá trị trên 130 triệu đồng.

Nằm trong chuỗi các hoạt động tri ân nhân dịp 27/7, Công ty đã tổ chức tặng quà, khám chữa bệnh miễn phí cho người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, người cao tuổi, đối tượng chính sách của 05 xã trên địa bàn huyện Đại Từ.

Theo kế hoạch, năm 2019 Công ty dự kiến tổ chức 10 khóa tập huấn về phòng chống dịch bệnh thú y, trồng rau an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến nông lâm sản, thăm quan học tập kinh nghiệm sản xuất chè hữu cơ, kỹ thuật nuôi và chăm sóc ong lấy mật trong mùa rét..

Xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn cho các trường lân cận dự án; hỗ trợ xây dựng thư viện ngoài trời và trang thiết bị cho các trường học; khởi động dự án cấp nước sạch lâu dài cho cộng đồng (phối hợp với dự án nước sạch của Ngân hàng Thế giới tại Thái Nguyên; tiếp tục Dự án cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ làm bể lọc nước sinh học, xây nhà tiêu hợp vệ sinh cho hộ nghèo...

Những hoạt động thường niên của Công ty đối với cộng đồng dân cư trong vùng Dự án, đặc biệt là những đối tượng yếu thế như hộ nghèo, người già, phụ nữ khuyết tật, đơn thân... không chỉ nhằm thực hiện cam kết và trách nhiệm xã hội mà đây chính là tấm lòng, là tình cảm của doanh nghiệp để tri ân những đóng góp của người dân, của địa phương vào quá trình phát triển bền vững của Công ty.

Liên doanh Khai thác và Chế biến Khoáng sản Núi Pháo được trao Giấy phép đầu tư năm 2004. Tuy nhiên, ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Dự án Núi Pháo và gấp rút tái khởi động năm 2010, khi Tập đoàn Masan mua lại 70% lợi ích tại dự án. Tháng 7/2013, những tấn sản phẩm đầu tiên đã xuất xưởng, đánh dấu thành công bước đầu. 

Năm 2014, Công ty chính thức đi vào sản xuất thương mại với 4 dòng sản phẩm chính: Vonfram, tinh quặng Florit, Bismut và Đồng. Hiện nay, Núi Pháo là nhà sản xuất vônfram, flo-rít cấp a-xít và bít-mut hàng đầu thế giới.

Năm 2018 Công ty đã đóng góp trên 1.100 tỷ vào ngân sách nhà nước và hàng năm góp 1 triệu USD vào các chương trình an sinh xã hội của tỉnh Thái Nguyên; tạo việc làm ổn định cho hơn 2.000 lao động địa phương; hỗ trợ trên 6.000 người dân địa phương bị ảnh hưởng thông qua các chương trình phục hồi kinh tế và phát triển bền vững tại địa phương.

 

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.