| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp và ngân hàng tranh chấp, nhà nước chịu thiệt?

Thứ Tư 30/03/2016 , 08:05 (GMT+7)

Nguồn vốn nhà nước tại Tổng Cty Gang Thép Thái Nguyên đang đứng trước nguy cơ mất trắng 80 tỉ đồng chỉ vì tranh chấp xung quanh một thủ tục thanh toán rất đơn giản với Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam.

Ngân hàng VIB viện dẫn thủ tục, từ chối trả nợ bảo lãnh

Ngày 11/3/2011, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam chi nhánh Hà Nội (VIB Hà Nội) ký kết hợp đồng tín dụng số 10.11.11.020 cho Cty TNHH Thương mại và Xây dựng Hà Nam (sau đây gọi tắt là Cty Hà Nam) vay với tổng hạn mức tín dụng là 350 tỷ đồng, trong đó hạn mức vay vốn ngắn hạn 100 tỉ đồng và hạn mức bảo lãnh 250 tỉ đồng.

Trên cơ sở các đơn yêu cầu cấp bảo lãnh của Cty Hà Nam để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán đối với Cty Gang thép Thái Nguyên (gọi tắt là TISCO) theo hợp đồng mua bán thép số 05/GT-HN ngày 1/1/2011 giữa Cty Hà Nam và TISCO, VIB đã phát hành 6 thư bảo lãnh (TBL) cho người được bảo lãnh là Cty Hà Nam và người nhận bảo lãnh là TISCO (các thư bảo lãnh gồm TBL số 10.11.11.BL275 số tiền 35 tỷ đồng, có hiệu lực từ 7/9/2011 – 7/12/2011; TBL số 10.11.11.BL277 số tiền 35 tỷ đồng, có hiệu lực từ 8/9/2011 – 8/12/2011; TBL số 10.11.11.BL289 số tiền 50 tỷ đồng, có hiệu lực từ 15/9/2011 – 15/12/2011; TBL số 10.11.11.BL315 số tiền 50 tỷ đồng, có hiệu lực từ 1/10/2011 – 1/12/2012; TBL số 10.11.11.BL326 số tiền 50 tỷ đồng, có hiệu lực từ 6/10/2011 – 6/1/2012; TBL số 10.11.11.BL342 số tiền 30 tỷ đồng, có hiệu lực từ 22/10/2011 – 22/1/2012).

Trong đó khoản nợ gốc 73.369.818.250 đồng và tiền lãi mà Hà Nam còn nợ TISCO tương ứng với 2 thư bảo lãnh BL326 và BL342 với tổng số tiền 80 tỷ đồng, đều chưa được thanh toán.

Ngày 6/12/2011, TISCO có công văn đầu tiên số 1248 về việc yêu cầu VIB chi nhánh Hà Nội thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với 2 thư bảo lãnh TBL275 và TBL277 với tổng số tiền 70 tỷ đồng. Tuy nhiên VIB khẳng định kèm theo công văn này TISCO không xuất trình TBL gốc và các tài liệu chứng cứ kèm theo chứng minh việc Hà Nam đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Do vậy VIB đã từ chối thực hiện thanh toán bảo lãnh cho những TBL trên...

Ngày 31/1/2012 giữa VIB chi nhánh Hà Nội và Cty Hà Nam đã lập biên bản làm việc liên quan đến yêu cầu thực hiện bảo lãnh của TISCO. Tại biên bản làm việc này Hà Nam vẫn khẳng định sẽ chịu trách nhiệm thanh toán cho TISCO và không yêu cầu VIB chi nhánh Hà Nội thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Ngày 27/6/2012 giữa TISCO, VIB Hà Nội và Cty Hà Nam đã có buổi làm việc 3 bên. Tại biên bản TISCO khẳng định Cty Hà Nam còn nợ TISCO 160.572.304.806 đồng và lãi trả chậm là 17.387.166.362 đồng. TISCO đã gia hạn cho Hà Nam được thanh toán đến thời hạn ngày 30/6/2012. Nếu hết thời hạn này Hà Nam không thanh toán, thì yêu cầu VIB chi nhánh Hà Nội thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Đến ngày 27/6/2012 giữa TISCO và Hà Nam tiếp tục lập biên bản về việc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Tại biên bản này, TISCO yêu cầu VIB Hà Nội thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với tổng số tiền 88.938.966.729 đồng (gồm nợ gốc + lãi của hợp đồng 05). Tuy nhiên VIB Hà Nội đã từ chối thực hiện nghĩa vụ thanh toán, luận giải 2 TBL trên đã hết thời hạn bảo lãnh và TISCO không đáp ứng được các điều kiện của những thư bảo lãnh.

TISCO đòi tiền, Ngân hàng VIB không trả nên các bên đã phải nhờ tới sự can thiệp của Tòa án Nhân dân TP Thái Nguyên.

Theo đó, nguyên đơn là TISCO đề nghị tòa án buộc VIB Hà Nội có nghĩa vụ trả nợ cho TISCO theo bảo lãnh thanh toán số tiền gốc là 73.369.818.250 đồng và lãi phát sinh.

Tại phiên sơ thẩm ngày 15/9/2014, TAND TP Thái Nguyên đã tuyên xử không chấp nhận yêu cầu của TISCO về việc buộc VIB Hà Nội phải thanh toán số tiền 73.369.818.250 đồng và 23.609.178.071 đồng lãi theo các thư bảo lãnh BL326 và BL342.

Đồng thời tòa yêu cầu Cty Hà Nam thanh toán cho TISCO số tiền 145.814.614.990 đồng bao gồm cả nợ gốc và lãi theo hợp đồng mua bán thép TISCO số 05/GT-TMTD.

Không đồng tình với phán quyết trên, ngày 8/10/2014 Cty Hà Nam đã kháng cáo với một số nội dung trong đó có điểm quan trọng: "Hợp đồng mua bán thép số 05 của Cty Hà Nam ký với TISCO đã được sự bảo lãnh thanh toán của VIB Hà Nội theo TBL số 326 và 342. Do vậy kể từ khi có sự bảo lãnh của ngân hàng, việc thanh toán nợ quá hạn của hợp đồng 05 hoàn toàn thuộc trách nhiệm của ngân hàng VIB. Do đó tòa án tuyên buộc Cty Hà Nam phải thanh toán 145.814.614.990 đồng bao gồm cả nợ gốc và lãi theo hợp đồng mua bán thép TISCO số 05 là không đúng với bản chất vụ việc".

Tiếp đến ngày 22/6/2015 TAND tỉnh Thái Nguyên đã tuyên buộc VIB phải trả cho TISCO 80.000.000.000đ. Đồng thời số nợ phải trả của Cty Hà Nam đối với TISCO chỉ còn 30.842.117.083 đồng.

Nhận định của cấp phúc thẩm cho thấy, việc tòa án cấp sơ thẩm không tuyên bố buộc VIB Hà Nội thanh toán bảo lãnh cho Cty Hà Nam là sai. Bởi khi Cty Hà Nam thanh toán chậm, TISCO đã có công văn yêu cầu bảo lãnh ngay, nhưng phía ngân hàng lại nại ra lý do không xuất trình bảo lãnh gốc là không đúng. Tòa án nhận thấy việc ngân hàng cố tình không thực hiện đúng hợp đồng bảo lãnh để không thanh toán tiền bảo lãnh cho TISCO là không phù hợp với khoản 2 Điều 5 và điểm a khoản 2 Điều 23 của QĐ số 26/2006/QĐ–NHNN ngày 26/6/2006 (nay là Thông tư số 28/2012/TT-NHNN ngày 03/10/2012 của NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng).

Người nói có, kẻ nói không, 80 tỉ đồng mất trắng?

Trong nội dung thư bảo lãnh quy định: "Bất cứ yêu cầu nào liên quan đến bảo lãnh phải được xuất trình tại bên bảo lãnh trong thời hạn của thư bảo lãnh kèm theo thư bảo lãnh gốc này".

Để từ chối thanh toán số tiền 80 tỉ cho TISCO phía ngân hàng VIB cho rằng nghĩa vụ của TISCO là phải cung cấp cho bên bảo lãnh (VIB) thư bảo lãnh gốc và nếu xuất trình thì phải chứng minh là đã xuất trình. (Bằng hình ảnh, ghi âm, biên bản…). Việc TISCO không chứng minh được đã xuất trình thư bảo lãnh gốc tại bên bảo lãnh (VIB) là không thỏa mãn các điều kiện đã được nêu trong thư bảo lãnh.

Tuy nhiên, phía TISCO cho rằng VIB đã lợi dụng thông lệ của ngành ngân hàng để thoái thác trách nhiệm bảo lãnh của mình. Theo đó, công ty này khẳng định đã trình thư bảo lãnh gốc của TBL 326 và TBL 342 lên VIB Hà Nội trong thời hạn 2 TBL này có hiệu lực: “Sáng 4/1/2012, tức là vẫn còn 2 ngày trước khi TBL 326 hết hiệu lực, TISCO đã trực tiếp gửi Công văn số 05/GTTN-KTTC kèm theo toàn bộ hồ sơ chứng minh, đồng thời xuất trình 2 thư bảo lãnh gốc".

Ông Bùi Trọng Đường – Phó phòng Kế toán, đại diện cho TISCO khẳng định: “TISCO đã xuất trình toàn bộ giấy tờ cần thiết và vì giấy chứng thư bảo lãnh gốc chỉ phát hành duy nhất một bản nên TISCO đã thống nhất với đại diện phía ngân hàng là nộp bản photocopy. VIB Hà Nội đã kí nhận bản photo không có thắc mắc gì nhưng đến tận gần 6 tháng sau đó ngân hàng VIB mới viện cớ TISCO chưa xuất trình thư bảo lãnh gốc để từ chối trách nhiệm bảo lãnh”.

Chỉ vì một lý do có xuất trình hay không xuất trình TBL gốc, vụ việc tranh chấp, đôi co giữa TISCO và ngân hàng VIB đã kéo dài gần 1 năm qua nhưng điều bất hợp lý ở đây là Nhà nước có nguy cơ mất trắng 80 tỉ đồng?

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm