| Hotline: 0983.970.780

Doanh nhân Hà Tuấn Anh: 'Tôi khát khao nâng tầm sản phẩm gỗ truyền thống'

Chủ Nhật 28/06/2020 , 14:13 (GMT+7)

Chỉ cần bố trí mặt bằng sạch và chủ trương đầu tư của Nhà nước, doanh nhân Hà Tuấn Anh sẵn sàng làm KCN chuyên đồ gỗ để nâng tầm các sản phẩm truyền thống.

Doanh nhân Hà Tuấn Anh (giữa) trong 1 lần được khen thưởng của Bộ NN-PTNT. Ảnh: H.T.A

Doanh nhân Hà Tuấn Anh (giữa) trong 1 lần được khen thưởng của Bộ NN-PTNT. Ảnh: H.T.A

NNVN đã có buổi phỏng vấn doanh nhân Hà Tuấn Anh – Tổng Giám đốc Tập đoàn Tài Anh – Thần tài gõ cửa, người luôn trăn trở với nghề gỗ truyền thống và đang có ý tưởng táo bạo để nâng tầm giá trị sản phẩm gỗ của người Việt, đưa ra khắp thế giới.

Sống và làm giàu từ gỗ

Chào ông, Tài Anh là 1 tập đoàn đa ngành nghề, có tổng giá trị tài sản lên đến hàng nghìn tỷ đồng, rất nhiều lĩnh vực để đầu tư vậy tại sao ông vẫn trăn trở với nghề gỗ truyền thống?

Doanh nhân Hà Tuấn Anh: Tôi sống bằng nghề này, gia đình tôi đã 3 đời làm nghề gỗ rồi. Nơi tôi sinh ra và lớn lên từ vùng quê giàu truyền thống với nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống như làng gỗ Phúc Lộc, làng gỗ La Xuyên,... Chính vì thế, từ bé, tôi đã tiếp xúc với gỗ, tôi say mê, hiểu và mong muốn nó phát triển.

Trước kia, gia đình tôi có xưởng mộc truyền thống có 12 công nhân, chuyên xẻ gỗ làm nhà, phục dựng công trình văn hóa, đóng nội thất gia dụng. Bố tôi là người đã mang sản phẩm gỗ đi giới thiệu khắp nơi từ năm 1985.

Doanh nhân Hà Tuấn Anh trả lời PV của NNVN. Ảnh: Đinh Mười.

Doanh nhân Hà Tuấn Anh trả lời PV của NNVN. Ảnh: Đinh Mười.

Sau này, cơ duyên đến với nguồn gỗ lớn từ châu Phi thông qua các hợp đồng hợp tác làm hạ tầng đổi lấy gỗ, từ đó tôi hợp tác khai thác, chế biến phôi gỗ xuất về việt Nam và sau đó chế biến các sản phẩm xuất đi nhiều nước trong khu vực.

Nghề gỗ nuôi sống, giúp tôi làm giàu và tạo công ăn việc làm cho rất nhiều anh em họ hàng bà con, sau nữa là công nhân kỹ thuật và người lao động, trong đó có nhiều người đi theo từ thuở ban đầu. Từ 1 xưởng gỗ bé, nay chúng tôi đã là 1 tập đoàn đa ngành nghề với mạng lưới kinh doanh rộng khắp cả nước và 18 nước trên thế giới, như: bất động sản, xây dựng, Logistic… tuy nhiên ngành xương sống của tôi vẫn là ngành gỗ với doanh thu hàng trăm triệu USD.

Riêng đối với lĩnh vực nghề mộc truyền thống, chúng tôi có trong tay hơn 300 nghệ nhân và công nhân kỹ thuật lành nghề, chuyên nghiên cứu sản xuất mới, phục chế các công trình di tích văn hóa, khẳng định chất lượng thương hiệu sản phẩm Gỗ Việt Nam. Các đơn vị trong hệ thống Tài Anh luôn liên tục mở các khóa đào tạo nghề mộc, mở các cuộc thi tay nghề mộc tại nhiều cơ sở trong và ngoài nước nhằm đào tạo lớp kỹ thuật kế cận, gìn giữ bảo tồn, truyền bá sâu rộng, nâng tầm nghề mộc truyền thống Việt Nam.

Có thể nói, nghề gỗ đã ngấm vào máu, tôi hăng say tìm tòi, sáng tạo, nâng tầm, quyết tâm làm giàu bằng nghề của ông cha. Các sản phẩm đồ gỗ truyền thống của Việt Nam rất có tiềm năng, nếu biết thổi hồn vào, làm chuyên nghiệp, có thương hiệu tốt thì giá trị sẽ được nâng lên.

Các sản phẩm nghề mộc truyền thống của Việt Nam rất độc đáo và có lịch sử hàng nghìn năm, nếu được thổi hồn và nâng tầm sẽ có giá trị rất lớn. Ảnh: H.T.A.

Các sản phẩm nghề mộc truyền thống của Việt Nam rất độc đáo và có lịch sử hàng nghìn năm, nếu được thổi hồn và nâng tầm sẽ có giá trị rất lớn. Ảnh: H.T.A.

KCN dành riêng cho nghề gỗ truyền thống

Vậy theo ông, sản phẩm gỗ truyền thống Việt Nam cần làm gì để nâng cao giá trị, đối với các làng nghề hiện tại cần phát triển như thế nào để các nghệ nhân sống được với nghề?

Doanh nhân Hà Tuấn Anh: Nghề gỗ mình đã có truyền thống hàng nghìn năm nay rồi, những sản phẩm này thế giới không có. Và câu hỏi tôi thường đặt ra là, tại sao Thụy  Sỹ lại làm cái đồng hồ giá trị cao đến thế… Việt Nam mình cũng có những sản phẩm truyền thống độc đáo, có truyền thống hàng nghìn năm, nếu thổi hồn tốt, sản phẩm tốt và chú trọng xây dựng thương hiệu tốt  thì mình bán được với giá trị rất cao chứ.

Tôi gắn bó với nghề gỗ, tôi hiểu được tiềm năng của nó và tôi muốn phát triển nghề truyền thống của cha ông nhưng phải nâng tầm sản phẩm lên, kết hợp khoa học công nghệ, thương mại điện tử và đưa ra thế giới tiêu thụ.

Tuy nhiên, bây giờ các làng nghề liên quan đến gỗ ở Việt Nam mang tính chất tự phát, làm lôm côm, có cơ sở đất đai không có, lấp đất nông nghiệp để làm mặt bằng, làm xưởng, sau 1 thời gian chính quyền kiểm tra lại chạy đi chỗ khác. Cứ chạy lung tung rồi không ổn định đầu ra đầu vào, ô nhiễm môi trường, lại không quy hoạch được.

Gỗ châu Phi được doanh nhân Hà Tuấn Anh đưa về nước thông qua các hợp đồng đổi công trình lấy tài nguyên. Ảnh: Đinh Mười.

Gỗ châu Phi được doanh nhân Hà Tuấn Anh đưa về nước thông qua các hợp đồng đổi công trình lấy tài nguyên. Ảnh: Đinh Mười.

Do đó, để nâng tầm giá trị các sản phẩm gỗ truyền thống thì chúng ta rất cần thiết có các khu công nghiệp làng nghề. Trong khu công nghiệp có đầy đủ cả doanh nghiệp Logistic, trung tâm thanh toán, trung tâm đào tạo nghề, khu trưng bày gỗ nguyên liệu, khu xẻ gỗ nguyên liệu theo đơn hàng của khách hàng, khu sản xuất đồ gỗ riêng, khu trưng bày đồ thủ công mỹ nghệ riêng, khu hàng gỗ nội thất, khu về gỗ công nghiệp riêng, có khu bán các phụ kiện. … Thậm chí trong khu công nghiệp có cả trung tâm bảo tàng để tôn vinh lịch sử các làng nghề, có sản phẩm tiêu biểu của từng thời kỳ, góp phần nâng cao thương hiệu.

Về mô hình khu công nghiệp chuyên về 1 nghề truyền thống như thế này hiện tại ở Việt Nam chưa có nhưng tại 1 số nước trên thế giới đã có và rất thành công như Trung Quốc, Đài Loan và 1 số nước khác. Trong khu công nghiệp này cần phải gắn với làng nghề truyền thống, làm thịnh vượng lại ngành nghề truyền thống của cha ông mình và chỉ chuyên về gỗ thôi chứ không thập cẩm đủ loại. Như thế còn có thể phát triển về du lịch, truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, bền vững. Nói chung, chỉ cần có chủ trương đầu tư của Nhà nước, có cơ chế hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng bàn giao mặt bằng sạch nhanh thì tôi sẵn sàng chi hàng nghìn tỷ đồng để tạo thành các KCN, cụm công nghiệp làng nghề, chuyên về đồ gỗ để giữ gìn phát triển nâng tầm nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm, tạo phúc lợi xã hội , gắn với phát triển du lịch. Và các khu công nghiệp làng nghề này sẽ là các điểm mà du khách trong và ngoài nước sẽ đến xem và mua sắm, hiểu và thêm yêu văn hoá Việt.

Doanh nhân Hà Tuấn Anh trong 1 lần ký kết hợp đồng xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ với đối tác nước ngoài. Ảnh: Đinh Mười.

Doanh nhân Hà Tuấn Anh trong 1 lần ký kết hợp đồng xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ với đối tác nước ngoài. Ảnh: Đinh Mười.

Nên giao cho tư nhân

Hiện tại lĩnh vực nghề gỗ truyền thống ông đang đầu tư ở đâu, tính khả thi thế nào? Những yếu tố cốt lõi khi lập khu công nghiệp dành riêng cho ngành gỗ, theo ông là gì?

Doanh nhân Hà Tuấn Anh: Riêng với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ logistic, cung ứng gỗ nguyên liệu, đồ gỗ nội thất tại Chợ Gỗ Tài Anh – Thần tài gõ cửa tại Hải Phòng, Ninh Bình, Đà nẵng, Quảng Nam… chúng tôi đã có hơn 4.000 công nhân viên hoạt động tại nhiều quốc gia. Còn với lĩnh vực mộc truyền thống, bây giờ tôi đang đầu tư ở Quảng Nam, Hà Tây cũ, sản phẩm là đồ gỗ và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu thụ trong nước và nâng tầm lên xuất khẩu.

Đầu tư vào ngành gỗ theo hướng bền vững tính khả thi rất cao, bởi ngành gỗ đang phát triển và tăng trưởng tốt, 1 năm trưởng trên 20%. Các sản phẩm đồ gỗ nhu cầu lớn, ngay trong nước khách hàng cũng rất thích, năm nay mua 1 bộ bàn ghế 1 đồng thì năm sau đã 1,5 đồng rồi, thậm chí là hơn. Đồ gỗ không bao giờ mất giá đi. Các ngành nội thất, gỗ… trong nước và chung trên thế giới đang tăng trưởng đều.

Doanh nhân Hà Tuấn Anh trong 1 lần tham gia cùng đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến lĩnh vực xúc tiến thương mại tại châu Âu. Ảnh: H.T.A.

Doanh nhân Hà Tuấn Anh trong 1 lần tham gia cùng đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến lĩnh vực xúc tiến thương mại tại châu Âu. Ảnh: H.T.A.

Hiện tại, tôi rất mong muốn có các khu, cụm công nghiệp về nghề thủ công truyền thống được đầu tư đồng bộ, bài bản tại một loạt các địa phương như: Hải Phòng, Thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh), huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), huyện Ý Yên (Nam Định), các huyện ngoại thành Hà Nội như Đan Phượng,Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên....  Các địa phương này đều có làng nghề gỗ lâu đời nhưng hoạt động tự phát, nguy cơ gây nhiễm và không bền vững, cần quy hoạch lại.

Trong đó trước mắt tôi muốn đầu tư vào Thành phố Hải Phòng, ở đây có vị trí địa lí thuận lợi, chi phí Logistic, chi phí vận tải giảm so với các tỉnh khác. Mặt khác, tại đây có 2 làng nghề Kha Lâm và Bảo Hà dù đã mai một nhưng vẫn có thể phục hồi được, những làng nghề đều có tuổi đời hàng mấy trăm năm nay rồi. Mỗi làng nghề có 1 cái tiêu biểu riêng và đặc trưng riêng, ví dụ như Kha Lâm chuyên về nội thất, Bảo Hà chuyên về tượng, thế mạnh của mỗi làng nghề sẽ được giữ nguyên và phát triển lên.

Tôi đã nghiên cứu và suy nghĩ khá nhiều về những điều kiện thuận lợi của Hải Phòng như: là cửa ngõ xuất nhập khẩu gỗ, công nhân kỹ thuật có, cảng biển có… vị trí thì quá thuận lợi. Vậy nhưng, những năm gần đây, người Hải Phòng toàn phải nhập đồ gỗ từ các địa phương khác trong cả nước, những nơi này toàn phải xuống đây mua nguyên liệu gỗ về sản xuất, xong mới bán lại.

Tôi sẽ đề xuất với lãnh đạo của Hải Phòng về vấn đề này, nếu được chấp thuận và tạo điều kiện, doanh nghiệp của tôi sẵn sàng đầu tư cụm làng nghề  từ 600-700 tỷ, làm hạ tầng đường sá, cầu cống, nhà xưởng rồi xử lí môi trường… để cho các doanh nghiệp vào làm.

Nhà nước ta đang chú trọng phát triển ngành gỗ, hiện tại gỗ xuất khẩu của  ta đang đứng 2, chỉ sau dầu khí, dự kiến năm 2020 sẽ đạt hơn 10 tỷ USD. Chính phủ có rất nhiều dự án hỗ trợ làng nghề phát triển, cụm công nghiệp, nếu được địa phương tạo điều kiện về mặt bằng, chủ trương đầu tư theo quy định để tạo thành 1 khu công nghiệp để phát triển chuyên về các nghề tryền thống. Tôi sẽ đưa làng nghề gỗ vào làm trong đấy, tôi sẽ cung cấp gỗ cho họ và tiêu thụ luôn sản phẩm cho họ, chúng tôi hỗ trợ tối đa luôn, dịch vụ Logistic, kể cả dịch vụ ngân hàng… chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ đầy đủ.

Theo ông Hà Tuấn Anh, cần có khu công nghiệp chỉ dành riêng cho ngành gỗ, trong đó có hỗ trợ từ A-Z để nâng tầm sản phẩm truyền thống của người Việt. Ảnh: Đinh Mười.

Theo ông Hà Tuấn Anh, cần có khu công nghiệp chỉ dành riêng cho ngành gỗ, trong đó có hỗ trợ từ A-Z để nâng tầm sản phẩm truyền thống của người Việt. Ảnh: Đinh Mười.

Tuy nhiên dự án này cần phải giao cho doanh nghiệp làm bởi thực trạng là nếu các làng nghề gỗ giao cho nhà nước làm thì không thể đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của thị trường, tốt nhất giao cho tư nhân tự giải phóng mặt bằng, tự làm hạ tầng, xong tự mời nhà đầu tư vào thì sẽ quy củ hơn. Nhà nước chỉ giám sát thôi. Cũng có những làng nghề Nhà nước đã làm rồi nhưng không thành công do khó theo sát được thị trường. Về cơ bản các nhà đầu tư không vào, những chỗ có nhà đầu tư vào và thành công nhưng tỷ lệ thành công không cao, không theo sát được thị trường.

Về thị trường, nếu giao cho doanh nghiệp muốn kiểu như thế này hoặc thế kia thì người ta mới thuê thì mình làm đúng theo ý người ta, mình linh động hơn rất nhiều. Ví dụ, nếu nhà đầu tư thích 5.000m2 hoặc 3.000m2 thì cắt đúng từng đó cho họ, một số nhà đầu tư nước ngoài thường thích có sẵn nhà xưởng, họ đến chỉ lắp ráp máy thôi thì mình làm luôn cả nhà xưởng cho họ… những cái này nếu Nhà nước làm thì không thể làm linh động như giao cho doanh nghiệp tư nhân được.

Hiện tại Tập đoàn gỗ Tài Anh đã có thương hiệu quốc tế rồi, trong nước thì mấy chục năm nay đã bán hàng đi khắp các tỉnh thành. Riêng các nước Đông Nam Á đều có sử dụng sản phẩm gỗ của Tài Anh, Trung Quốc, Đài Loan, Mexico, đi châu Âu… Giá trị của tập đoàn trên dưới 2.000 tỷ.  Nếu đầu tư khu công nghiệp chuyên về ngành gỗ và các sản phẩm truyền thống, nguyên tập đoàn của Tài Anh đã có từ 5-7 cái, nhóm của tôi có khoảng 10 ông đầu tư vào đó. Ngoài ra, tôi là chủ Tịch CLB Kinh doanh & đầu tư Doanh nhân Việt toàn cầu hơn 1.000 doanh nhân uy tín trong nước và quốc tế. Do đó về vấn đề kêu gọi các nhà đầu tư với tôi hoàn toàn không khó và dự án với tôi chắc chắn tính khả thi cao.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Giá ca cao thế giới lập kỷ lục mới, tăng hơn 3 lần năm trước

Giá ca cao đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay trong ngày 26/3, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế ở Tây Phi, nơi chiếm khoảng 70% sản lượng toàn cầu.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất