| Hotline: 0983.970.780

Độc đáo "Ấp thoát nghèo trắng"

Thứ Năm 02/01/2014 , 08:40 (GMT+7)

Đón mùa xuân mới 2014, Đại Thành (TX Ngã Bảy) là xã đầu tiên của tỉnh Hậu Giang trở thành xã NTM. Nơi đây cũng nổi danh với mô hình điểm “Ấp thoát nghèo trắng” Sơn Phú.

Đón mùa xuân mới 2014, Đại Thành (TX Ngã Bảy) là xã đầu tiên của tỉnh Hậu Giang trở thành xã NTM. Nơi đây cũng nổi danh với mô hình điểm “Ấp thoát nghèo trắng” Sơn Phú.

Cán bộ đồng hành

Những ngày cuối đông đầu xuân, chúng tôi có dịp về thăm xã Đại Thành, một trong 11 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh Hậu Giang và là 3 xã về đích trong năm 2013 theo kế hoạch. Trong không khí tưng bừng phấn khởi ấy, niềm vui của người dân ấp Sơn Phú như được nhân đôi khi mà toàn bộ 367 hộ, với 1.533 nhân khẩu, không còn hộ nào đói nghèo.


Hộ ông Huỳnh Văn Dững với mô hình nuôi vịt thịt nhằm nâng cao nguồn thu nhập, tạo điều kiện thoát nghèo bền vững

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Trưởng Ban lãnh đạo ấp Sơn Phú, cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của Thị ủy TX Ngã Bảy, UBND xã đã chọn Sơn Phú để đăng ký thực hiện mô hình “Ấp thoát nghèo trắng” nhằm làm điểm để chỉ đạo các ấp còn lại, khi ấy chúng tôi thấy vinh dự nhưng cũng rất lo. Vì các hộ nghèo vừa ít đất lại vừa không có vốn, thiếu kinh nghiệm phát triển SX. Giúp họ có được thu nhập để thoát khỏi hoàn cảnh đói nghèo hiện tại đã là khó nhưng thoát nghèo bền vững lại càng khó hơn”.

Nhưng không để phụ lòng mong mỏi của người dân cũng như lãnh đạo cấp trên, Ban lãnh đạo ấp Sơn Phú quyết tâm làm và đã làm thì phải thành công. Theo ông Tuấn, cuối năm 2012 ấp Sơn Phú đăng ký với xã thực hiện 3 tiêu chí lớn, đó là: Xóa trắng hộ nghèo; Hộ an toàn giao thông trên địa bàn ấp; Đầu tư làm con đường đẹp từ xã Đại Thành đến giáp Tân Thành.

Trong đó, việc xóa trắng hộ nghèo là khó khăn nhất. Qua rà soát, thời điểm đó toàn ấp có 7 hộ nghèo và 35 hộ cận nghèo, mỗi hộ lại có hoàn cảnh rất khác nhau. Để giúp họ thoát nghèo một cách bền vững, chính quyền địa phương đã tổ chức đối thoại với từng hộ nghèo nhằm nắm rõ hoàn cảnh cũng như tâm tư nguyện vọng. Theo đó, hầu hết các hộ đều có nguyện vọng được hỗ trợ hoặc vay vốn ưu đãi để cải tạo vườn tạp, phát triển chăn nuôi, buôn bán tạp hóa… 

“Để đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ sử dụng đúng mục đích và phát huy được hiệu quả, xã đã phân công cán bộ đảng viên đồng hành, kèm cặp, hỗ trợ cho các hộ nghèo trong phát triển SX và hàng tháng sẽ báo cáo trước chi bộ về những kết quả đã đạt được. Nhờ đó mà các mô hình thoát nghèo sớm phát huy được hiệu quả”, ông Tuấn cho biết thêm.

Ông Đỗ Văn Út, cán bộ Hội Người cao tuổi xã được phân công về Chi bộ ấp Sơn Phú để hỗ trợ các hộ nghèo thoát nghèo. Vừa lật mở cuốn sổ ghi chép, ông Út vừa chậm rãi nói: “Tùy vào khả năng, trình độ của mỗi đảng viên mà được phân công hỗ trợ các hộ nghèo sao cho thật hiệu quả. Như tui có kinh nghiệm làm vườn thì được phân công giúp đỡ các hộ có nguyện vọng cải tạo vườn tạp”.

Nhận nhiệm vụ, ông Út đã tích cực, hăng hái giúp hộ bà Dương Thị Ny từ việc làm thủ tục vay vốn ngân hàng, lập kế hoạch cải tạo lại vườn, đến mua cây giống, phân bón cũng như kỹ thuật chăm sóc…

“Khi hồ sơ vay vốn mới được phê duyệt, tui đã mạnh dạn đứng ra thuê xe quốc để liên liếp, đi mua cây giống, phân bón thiếu dùm cho hộ nghèo… đến khi nhận tiền thì trả lại sau. Nhờ đó đã giúp rút ngắn được thời gian, do không phải chờ đợi vốn”, ông Út cho biết về cách làm của mình.

Ghé thăm hộ bà Dương Thị Ny vào những ngày này, mới cảm nhận được hết niềm vui của gia đình khi được chính thức công nhận thoát nghèo vào dịp cuối năm. Tết này, gia đình bà đón mùa xuân về trong căn nhà mới xây do chính quyền hỗ trợ 30 triệu đồng, gia đình góp thêm hơn 10 triệu nữa để hoàn thành. Vườn cam sau nhà đang phát triển xanh tốt, những cây trồng trước đã cho trái.


Vườn cam sành của hộ bà Dương Thị Ny đã bắt đầu cho trái

Bà Ny chia sẻ: “Năm nay xã đã được công nhận đạt tiêu chí NTM, thì mình là người dân của địa phương cũng phải tự thay đổi cách nghĩ, cách làm, phải biết đổi mới cách làm ăn để vươn lên trong cuộc sống. Chứ cứ mãi trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước thì biết đến bao giờ mới tiến bộ được”.

Gia đình bà Ny có 7 nhân khẩu, trước đây nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào làm thuê làm mướn rất bấp bênh nên nhiều năm qua thuộc diện hộ nghèo. Còn hiện nay, những người con lớn đã trưởng thành, đi làm thợ hồ và làm công nhân ở khu công nghiệp ngoài tỉnh, thu nhập tương đối ổn định.

Vì vậy, đầu năm 2013, khi được chính quyền địa phương tuyên truyền vận động, hộ bà Ny đã mạnh dạn đăng ký thoát nghèo bền vững kể từ năm 2013. Với số vốn 10 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, gia đình bà dùng hết vào việc cải tạo diện tích vườn tạp sau nhà và mua 300 gốc cam sành giống về trồng. Trong tương lai không xa, vườn cam này sẽ là nguồn thu nhập chính của gia đình. 

Gặp gỡ, đối thoại với hộ nghèo

Từ thành công của ấp Sơn Phú, xã Đại Thành đang tích cực nhân rộng mô hình “Ấp thoát nghèo trắng” ra các địa bàn khác.

Ông Dương Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Đại Thành, cho biết: “Từ năm 2010 đến nay toàn xã đã giúp được 105/216 hộ thoát nghèo, trong đó ấp Sơn Phú thoát nghèo 100%. Nhờ đó đã giúp xã giảm tỷ lệ hộ nghèo hiện nay xuống còn 3,93% (so với tiêu chí NTM là dưới 7%), nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt 23,9 triệu đồng/năm. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để Đại Thành sớm trở thành xã NTM”.

Với quyết tâm xã NTM không có hộ đói nghèo, chính quyền xã Đại Thành đang tiếp tục tổ chức đối thoại với tất cả các hộ nghèo trên địa bàn xã, để nắm được tâm tư nguyện vọng của từng hộ, từ đó có kế hoạch hướng dẫn cho bà con cách làm ăn, phát triển kinh tế. Hộ nào có đất canh tác thì tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho họ cải tạo vườn tạp, trồng cây có hiệu quả kinh tế cao hoặc phát triển chăn nuôi. Riêng những hộ không có đất thì giúp vốn buôn bán nhỏ để tăng thu nhập, tiến tới thoát nghèo bền vững.

Ngoài ra, mỗi năm một lần UBND TX Ngã Bảy còn phối hợp với xã tổ chức “Gặp gỡ, đối thoại với hộ nghèo” để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt những khó khăn của của họ, từ đó tìm ra những giải pháp giúp họ tháo gỡ, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo ông Giang, để giữ vững và nhân rộng mô hình “ấp thoát nghèo trắng”, thời gian tới xã sẽ tiếp tục phân công cán bộ, đảng viên bám sát địa bàn, mỗi đảng viên sẽ hướng dẫn, giúp đỡ 1 - 2 hộ nghèo cách làm ăn, thực hiện có hiệu quả hơn những mô hình đang triển khai. Đối với những hộ đã thoát nghèo thì tiếp tục giúp đỡ để họ ổn định, vươn lên, nhằm tránh tình trạng tái nghèo. Đồng thời, triển khai nhân rộng mô hình ra toàn địa bàn, từng bước hạ tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã xuống mức thấp nhất và tiến tới mô hình xã NTM không có hộ đói nghèo.

“Từ thành công của xã Đại Thành cho thấy, nơi nào chính quyền vào cuộc quyết liệt, người dân đồng lòng ủng hộ thì những khó khăn, vướng mắc sẽ sớm được giải quyết để hoàn thành tiêu chí NTM.

Chúng tôi rất vui mừng phấn khởi vì Đại Thành không chỉ là xã đầu tiên của tỉnh Hậu Giang mà còn của cả khu vực ĐBSCL được chính thức công nhận là xã NTM. Xây dựng thành công xã NTM sẽ giúp cho mức sống người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, mà mô hình “Ấp thoát nghèo trắng” ở Đại Thành là một điển hình.

Đây là mô hình điểm của TX, sắp tới chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này ra các xã khác, nhằm giúp TX sớm hoàn thành các tiêu chí về xây dựng đô thị loại III trong thời giam sớm nhất”, ông Trịnh Quang Hưng, Bí thư Thị ủy TX Ngã Bảy.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất