| Hotline: 0983.970.780

Độc đáo nghề làm mõ và chuyện chế ra 'quả mõ kỷ lục'

Chủ Nhật 24/12/2017 , 13:15 (GMT+7)

“Dường như quãng đời tuổi thơ của mỗi người đều lớn lên trong tiếng ru của mẹ và tiếng mõ tụng kinh niệm phật của bà bên lũy tre làng. Nhưng thời gian trôi dần với những quá vãng bao la của mỗi con người lại gắn liền với tiếng mõ thì thầm trong tâm tưởng…”. Đó là lời tâm sự của nghệ nhân Lê Thanh Liêm...

Đó là lời tâm sự của nghệ nhân Lê Thanh Liêm, người đã làm hàng ngàn chiếc mõ cho các chùa trên khắp đất nước. Tôi gặp anh tại festival “Tinh hoa làng nghề” bên sông Hương.

08-01-39_trng_18

Điều làm tôi hào hứng khi gặp được nghệ nhân Lê Thanh Liêm, bởi trước đó tôi đã từng chiêm ngưỡng chiếc mõ kỷ lục của anh ở ngay tại Hà Nội, trong lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010. Chiếc mõ “khủng” của anh làm sửng sốt mọi người, không chỉ vì độ cao 1,2m mà còn ở độ âm vang của nó, trầm ấm rung lên như tiếng trống vậy. Lần này tôi đem những thắc mắc lục vấn anh, vì cách đây 7 năm, nhiều nhà báo đồn đoán chiếc mõ “khổng lồ” ấy phải lắp ghép, chứ làm gì có thân cây gỗ mít nào lớn đến như vậy. Nghệ nhân Liêm mỉm cười hiền lành rồi bình tĩnh giải thích, chiếc mõ nào cũng phải là một sản phẩm gỗ mít liền khối.

Anh khẳng định chỉ có những chiếc mõ gỗ liền khối mới cất lên âm sắc riêng biệt của nó. Tiếng mõ là sự âm vang của khí trời thiên thu đọng lại. Âm thanh của mõ làm thức tỉnh hồn người chậm rãi, bình thản hướng về cõi niết bàn. Để chứng minh cho những điều mình nói, nghệ nhân Liêm dẫn tôi đến bên cạnh chú học trò đang khắc chạm trên một chiếc mõ lớn trong góc trại. Quả nhiên đó là một thân gỗ liền khối. Anh đố tôi phát hiện ra vết ghép nào trên khối hình tròn này. Tôi tò mò dùng kính lúp soi rồi lắc đầu thán phục vì công đoạn đục khoét rỗng khối gỗ lớn qua một khe hẹp như vậy.

Thấy tôi lọ mọ như muốn khảo sát công đoạn này, nghệ nhân Liêm dùng chiếc đèn pin rọi qua miệng mõ cho tôi nhìn vào trong buồng rỗng tròn tựa như vỏ quả dừa trơn nhẵn. Tôi cố tưởng tượng xem người thợ sẽ moi ruột quả mõ này như thế nào từ một khối gỗ đặc. Đó cũng là một trong những bí mật khi làm mõ. Nghệ nhân Liêm nói, phải moi ruột mõ từ khi khối gỗ mít còn tươi, từng ít một. Cho dù công nghệ mới phát triển nhưng khi đục để chỉnh tiếng mõ chỉ có bàn tay người mới làm nổi.

Nhớ lại khi làm quả mõ lớn cho Lễ hội 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, anh đã cùng bạn bè đi khắp trong Nam ngoài Bắc, để tìm gốc mít lớn. Nhiều ngày lặn lội trong gió mưa, giông bão vào rừng sâu tìm kiếm, có ngày chỉ ăn bánh mì hay ăn mì khô thay cơm. Đói và khát. Khi ấy trong lòng anh luôn vang lên những câu thơ đầy ám ảnh hiện lên trong giấc mơ rằng: “Tiếng mõ là tiếng lòng tôi. Gửi trao khắp mọi phương trời nam mô. Âm vang từ mái nhà chùa. Mõ gieo từng tiếng, bốn mùa bình an”.

Anh kiên nhẫn trên bao nẻo xóm làng quê, theo mọi lời mách bảo, nhưng đâu có dễ. Bất ngờ có người gọi điện nhắn, bên khu rừng bắc Lào có vườn mít thân lớn cả mấy người ôm, sang thử xem. Thế là anh lên đường trong niềm mơ ước cháy bỏng, sẽ làm được một quả mõ kỷ lục, lớn hơn cả quả mõ cao 0,8m, rộng 0,92m, ở chùa Phật Quang, Phan Thiết.

Quả nhiên thỏa lòng mong ước, nghệ nhân Lê Thanh Liêm mua được gốc cây mít lớn nhất trong khu rừng, 200 năm tuổi. Anh nhanh chóng đưa về nước thi công dự án trong đời mình.

Công trình “Quả mõ kỷ lục”, quả là một thách thức đầy cam go cho người thợ đã theo đuổi 30 năm làm nghề, như nghệ nhân Lê Thanh Liêm. Mọi công việc làm phôi tạo hình quả mõ thì còn nhờ đến máy móc nhưng hình tượng chạm khắc và lấy tiếng thì một mình anh phải ra tay. Gọi tiếng mõ là một bí ẩn và cũng là tài năng của người thợ thành Huế này. Ngày đêm anh cùng thợ giúp việc cần mẫn moi rỗng quả gỗ lớn. Khi ấy những âm thanh mõ như tiếng vọng của đất trời tụ về trong tâm tưởng. Âm vang. Ấm áp và linh thiêng.

Có những đêm anh nằm mơ khi được chui vào trong quả mõ ngủ một giấc như tuổi thơ ngày nào. Anh bật dậy sờ vào từng đường cong nét lượn trong quả cầu gỗ. Từng âm sắc ngân lên mỗi khi tiếng dùi gỗ vỗ xuống miệng mõ. Những âm thanh ấy luôn luôn vang lên cùng anh cho đến khi nắng sông Hương bừng dậy. Mỗi nhát đục trong tay anh như có cánh bay lượn. Nghe như mỗi âm thanh vang lên qua từng nhịp thở bồi hồi trong trái tim. Cuối cùng “Quả mõ kỷ lục” (kích thước 1,0m x 1,2m) đã thành công đúng thời điểm lễ hội vừa tới, sau 4 tháng trời miệt mài lao động. Đó là một kỷ lục khó có thể sau này ai vượt qua được nghệ nhân Lê Thanh Liêm.

08-01-39_trng_21

Nhắc lại ký ức khó quên ấy, anh Liêm chỉ nhìn tôi cười rồi bật ra câu nói, tôi chỉ là “Kẻ làm mõ” thôi mà. Nhưng tôi càng bất ngờ hơn, khi ngồi bên thềm sông Hương, “Kẻ làm mõ” đã đọc cho tôi nghe bài thơ của Đại sư Trần Thánh Tông, trên chùa Yên Tử ngày nào. Giọng anh đặc sệt thổ âm miền núi Ngự, sông Hương: “Phải, trái rụng theo hoa buổi sớm. Lợi, danh lạnh với trận mưa đêm. Hoa tàn, mưa tạnh, non im ắng. Xuân cỗi còn dư một tiếng chim”. Theo anh, đó chính là hồn Phật mà kẻ làm thợ bên cửa chùa phải nhập thần, mỗi khi gọi tiếng mõ về.

Sau đó, nghệ nhân Lê Thanh Liêm chỉ dẫn cho tôi con đường về phường làm mõ lâu đời nhất, nơi anh ở và những người thợ trẻ tài hoa đang hành nghề. Đó là thôn Hạ, xã Thủy Xuân, TP Huế. Giờ xã đã lên phường nhưng thật ra xưa đến nay người ta vẫn gọi đó là làng mõ.

Đúng như anh Liêm cho biết, ở đây có dòng họ Phạm Ngọc đã ba đời làm mõ, hơn nửa thế kỷ qua. Tôi lần mò tìm đến xưởng của gia đình ông chủ trẻ Phạm Ngọc Thanh Hải bên triền núi Ngự. Anh là cháu nội nghệ nhân Phạm Ngọc Dư, người được coi là “tổ nghề”, gây dựng cơ sở làm mõ đầu tiên ở thành Huế.

Tại xưởng sản xuất của anh Hải có hơn chục người đang cặm cụi làm các loại mõ, với kích thước khác nhau, hối hả ai cũng mướt mồ hôi. Nơi đây còn là trung tâm dạy nghề làm mõ và làm chuông chùa. Học sinh ở khắp nơi đổ về học việc. Phạm Ngọc Thanh Hải cho biết không ít học trò ở xưởng anh đã tự mở cơ sở sản xuất mõ ở nhiều miền quê.

Đúng lúc đó, nghệ nhân Phạm Ngọc Dư vừa đi về, với chiếc mõ mới trong tay. Ông hồ hởi khoe vừa đi chỉnh lại tiếng mõ mới ở chùa Thiên Mụ. Tôi thật vui được ông tiếp và kể đủ mọi thứ chuyện chung quanh về chiếc mõ mà cả đời ông đeo đuổi dựng nghiệp cho đến nay. Mắt đã mờ chân đã chậm, nhưng ông Dư có khả năng thiên tài về chỉnh âm, nghệ thuật gọi tiếng mõ của riêng mình.

Đầu tiên ông kể cho tôi chuyện những chiếc mõ tre một thời của kẻ làm mõ rao tin trong làng quê. Nào là chiếc mõ làng lại khác mõ tre như thế nào. Vì sao chiếc mõ làng làm thành hình con cá. Hoặc vì lý do gì mà chiếc mõ chùa lại làm hình đầu con cá và khắc chung quanh thành những chiếc vảy cá hay đầu rồng...

Những câu chuyện cổ tích như gợi lại tuổi thơ tôi một thuở dịu dàng bên con sông bến nước. Nhất là chuyện từ bé ông Dư đã cùng theo cha nghe tiếng mõ làng khua vang báo tin trộm cướp hay giặc dã tàn phá xóm thôn. Đó là ký ức đã hơn 60 năm. Những chiếc mõ khua vang khắp làng quê, làm dậy lên hào khí cách mạng, trong công cuộc kháng chiến chống Pháp ngày nào.

Nhất là hình ảnh một thời có vùng, cả làng cùng đem mõ tre ra đánh chào đón những tờ bướm xinh xắn in dòng chữ báo hiệu thông tin mới: “Chào mừng ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam”. Đúng là tiếng mõ tre râm ran truyền tin thắng lợi trên các mặt trận trong những năm đánh Mỹ đầy cam go và khốc liệt. Giờ đây đã trải qua nửa thế kỷ, những tiếng mõ của làng kháng chiến ngày nào vẫn còn âm vang, chẳng thể nào quên.

08-01-39_trng_19jpg

Đúng như một thời ai đó đã ghi lại không khí một thuở: “Ra quân đánh giặc tay không. Mõ tre lời gọi đồng lòng xung phong. Đêm ngày tay mẹ vót chông. Ba xây chiến lũy canh phòng giặc qua”.

Từ những chiếc mõ tre đó, ông Dư bắt tay vào làm mõ chùa như một định mệnh, mà cả đời mình theo đuổi. Triết lý của đất Phật Huế đã ấp ủ tâm hồn ông, mỗi khi vung tay chạm khắc, trên mặt mõ. Những chiếc vảy rồng và hình tượng rồng luôn có những bài ca riêng của trời đất đem lại.

Ông nói, mõ được chạm trổ theo hình con cá với thâm ý, muốn thức tỉnh con người còn trong mê muội, u trầm. Bởi loại cá không bao giờ ngủ, luôn luôn mở mắt, và thích hoạt động. Phật muốn cho con người tu hành ngày đêm phải tỉnh giấc, cố công tu hành, mau chóng đắc đạo, chăm chỉ như loài cá vậy. Chính vì thế mõ thường được tạo hình con cá.

Trên thân mõ được chạm khắc những vảy cá, hoặc vảy rồng, cùng những hình tượng có ý nghĩa thành đạt, rạng rỡ. Ông còn kể cho tôi chuyện cổ tích về chiếc mõ và đọc cho tôi nghe những câu nói của những phật tử về tiếng mõ.

Nhưng có lẽ ấn tượng nhất mà tôi không thể nào quên khi người nghệ nhân già này nói, nghề làm mõ cực lắm, kiếm chẳng được là bao, lấy công làm lãi để sống qua ngày thôi. Vậy là người làm mõ phải theo đạo Phật không vụ lợi và toan tính. Nói rồi ông hít một hơi dài thiền tụng, bởi cái nghiệp này gắn với đời sống tâm linh như Phật đã dạy, hạnh phúc chỉ có được khi ta có khả năng dừng lại, trân quý giây phút hiện tại và trân quý chính bản thân mình.

Ông gọi một tiếng mõ, rồi áp lên ngực mình như muốn nói, ta đã là một nhiệm mầu của sự sống rồi. Tôi ngồi lặng thinh bên ông và ngộ rằng, ta không cần phải trở thành người khác, đúng như lời thánh hiền truyền lại từ bao đời nay. Đời người làm mõ bên sông Hương là vậy.

Ngày nay khi đến bất cứ chùa nào cũng có người bán hương trầm, chuông và mõ. Những ngôi chùa bên sông Hương cũng vậy. Những chiếc mõ của phường Thủy Xuân có mặt ở khắp nơi. Theo như nghệ nhân Lê Thanh Liêm nói, mõ của làng Huế đều được hàng trăm phật tử nước ngoài quan tâm và đặt mua. Nhiều khách hàng khen tiếng mõ của người sông Hương có hồn vía như tiếng người vậy. Đó chính là tiếng lòng người Huế được gửi trao đi khắp muôn nơi.

Chính vì thế, mõ còn được dàn nhạc cung đình Huế và các ban nhạc của chèo, tuồng, cải lương, hay dân ca các nơi tìm đến. Trong đó có cả ba loại như mõ tre, mõ sừng trâu và mõ chùa (gỗ mít). Sự lảnh lót, giòn giã của mõ tre luôn luôn tỏa lan sự hưng phấn rạo rực, trong nét nhạc vui tươi, hay còn là điểm nhấn cho độ chấm phá tô điểm những giai điệu sang trọng.

Đặc biệt mõ chùa, được phối khí trong những giai điệu ru man mác nỗi niềm uẩn khúc, trong lòng người. Riêng dàn Đại nhạc Huế đã tôn vinh tiếng mõ sừng trâu tựa như lời âm vang của núi sông bao đời nay. Đó là tiếng kèn xung trận, hay vào đại nhạc hội của dân tộc, luôn luôn ẩn giấu nỗi niềm an nhiên thầm kín.

Đúng như nghệ nhân Phạm Ngọc Dư, “tổ nghề” mõ, được coi là người con cửa phật đã tâm sự về cái nghề gọi tiếng lòng người, trong cõi hư vô trở về bên mái chùa. Ông nói, tiếng mõ là nốt nhạc cuộc đời. Nó cầm nhịp giữ cho tâm hồn phật tử không bị tán loạn trong khi hành lễ, tụng kinh.

Vậy nên, người đánh mõ phải là một nhạc trưởng bắt được nhịp điệu của kinh lễ làm đẹp lòng người, mỗi khi ngồi thiền tụng nơi cửa phật. Có lẽ vì chánh niệm ấy, nhà thơ Trương Nam Hương đã bày tỏ những nỗi niềm, bên thềm chùa rằng: “Chân tu tiếng mõ đêm rằm. Nghe hư vô cả trăm năm kiếp người”.

Những tiếng mõ làng Thủy Xuân râm ran trong sự khắc khoải lòng người. Chia tay xứ Huế, tôi bước lên con thuyền trên sông rời bến Ngự, ngước lên ngôi chùa bên cạnh Nhà lưu niệm Phan Bội Châu, chợt nghe tiếng mõ vang lên bao nỗi xốn xang. Bỗng nhiên tôi nhớ tới lời của thiền sư Thích Nhất Hạnh, viết bên chiếc mõ một câu rằng, hãy mỉm cười với nỗi đau là cách hay nhất, thông minh nhất và đẹp nhất mà ta có thể làm. Đó chính là sự kỳ diệu của tiếng mõ niệm phật ngày đêm.

(Kiến thức gia đình số 50)

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Xuất siêu nông sản 3 tháng đầu năm 2024 tăng gần 100% so với cùng kỳ năm ngoái

Ba tháng đầu năm 2024, nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá. Năng suất, sản lượng nhiều; sản phẩm chủ lực tăng; đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất