| Hotline: 0983.970.780

Độc đáo nuôi rắn bán hoang dã

Thứ Năm 29/12/2011 , 11:24 (GMT+7)

Mô hình nuôi rắn bán hoang dã được ông Chau Sóc Kim áp dụng đang mang lại hiệu quả đáng khích lệ.

Ông Chau Sóc Kim, người dân tộc Khmer, quê ở ấp An Thuận, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn – An Giang là người đầu tiên trong tỉnh nuôi rắn theo mô hình bán hoang dã, mang lại hiệu quả đáng khích lệ.

Theo lời ông, hai vợ chồng trước đây chuyên sống bằng nghề ruộng rẫy nhưng gia đình lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Đã vậy, ông lại không may bị tai biến phải nằm viện suốt 1 năm trời nên khó khăn càng chồng chất. Sau khi khỏi bệnh, ông định tìm một việc gì nhẹ nhàng phù hợp với sức khỏe, nhưng tìm mãi vẫn không được. Bỗng một hôm, ông nghe bạn bè kể về việc nuôi rắn làm giàu nên đã bỏ ra nhiều thời gian tìm đến các chủ hộ nuôi rắn hổ hèo để tham quan và học hỏi kỹ thuật chăm sóc.

Sau khi tìm hiểu kỹ về chuồng trại, con giống, nguồn thức ăn, cách cho rắn sinh sản, ông liền quyết định chọn nghề nuôi rắn để mưu sinh. Ngay từ ngày đầu khởi nghiệp ông đã có những ý tưởng táo bạo là nuôi tự nhiên ngoài vườn chứ không nuôi lồng, nuôi chuồng như những nơi ông từng tham quan. Theo ông, rắn là loài động vật hoang dã, nếu nuôi chuồng chúng sẽ chậm lớn, tốn nhiều thức ăn và chất lượng thịt chắc chắn không bằng nuôi tự nhiên.

Từ ý tưởng đó, vợ chồng ông đã vét hết số tiền dành dụm, cộng thêm với tiền vay mượn khoảng 100 triệu đồng để đầu tư vào việc thiết kế một hàng rào kiên cố bằng gạch, quanh khu vườn nhà với diện tích trên 1.000 m2. Xong, ông lặn lội tìm mua 40 kg rắn giống gồm 4 loại không nọc độc như: hổ ngựa, hổ hèo, hổ hành và rắn lãi đem về thả nuôi.

Để tạo môi trường tự nhiên và thân thiện với loài bò sát, ông cho xây hai hàng hộc dài bằng gạch, tạo thành những hang nhân tạo vừa kín đáo vừa yên tĩnh cho rắn tự do ra vào đẻ trứng. Ngoài ra, ông còn xây thêm bồn nước, trồng cỏ dại và cây bóng mát cho rắn trú ẩn và tự tìm kiếm thức ăn.

Ông khẳng định nuôi rắn theo mô hình bán hoang dã sẽ ít tốn thức ăn hơn nuôi chuồng. Cứ vài ba ngày ông lại mua vài chục ký ếch nhái với giá rẻ rồi thả vô vườn cho chúng tự sinh tự diệt theo quy luật tự nhiên. Nhờ có nhiều cỏ cây rậm rạp nên ếch nhái tự kiếm thức ăn như cào cào, châu chấu để sinh tồn, đồng thời chính chúng cũng là mồi ngon cho lũ rắn. Ban đêm ông để đèn khiến cho nhiều côn trùng bay đến làm mồi cho nhái, ếch và cả rắn con mới nở.

Ông Kim phấn khởi nói: “Vợ chồng tôi đang tích lũy vốn để mở thêm diện tích nuôi với quy mô lớn hơn…”. Hy vọng mô hình nuôi rắn bán hoang dã này sẽ tiếp tục phát triển thuận lợi, đồng thời lan tỏa đến nhiều địa phương khác.

Từ cách nuôi đó, số lượng rắn đã tăng dần lên. Theo ước tính, khu vườn của ông hiện có khoảng 2.000 con rắn thương phẩm và rắn giống. Để lấy ngắn nuôi dài, ông đã tuyển chọn những con lớn bán dần với giá từ 200.000 – 500.000 đồng/kg tùy theo loại, cao nhất là hổ hèo (còn gọi ráo trâu) có giá dao động từ 500.000 – 900.000 đ/kg. Ngoài ra ông còn bán rắn hổ hèo bố mẹ với giá từ 4 – 5 triệu đồng/cặp và rắn con với giá từ 300.000 – 500.000đ/con.

Nhờ vậy mà chỉ sau hơn một năm phát triển ông đã bán đợt đầu được 180 triệu vào năm 2010. Năm nay, ngoài thu nhập tiền rắn giống, ông còn chăm chút cho đàn rắn thịt để tung ra thị trường vào dịp Tết Nhâm Thìn. Chị Diễm Châu, vợ ông Kim cho biết vào thời điểm gần Tết, giá rắn thương phẩm tăng cao, bạn hàng lại nhiều nên chị hy vọng thu nhập năm nay sẽ cao hơn năm rồi.

Theo Phòng bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm An Giang thì địa phương hiện có khoảng 10 hộ nuôi rắn được Chi cục thường xuyên kiểm tra, quản lý và cấp giấy phép, tạo điều kiện cho người nuôi vận chuyển, tiêu thụ ra thị trường trong và ngoài tỉnh một cách dễ dàng. Ông Chau Sóc Kim cũng là hộ nuôi được các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ và khuyến khích nhằm góp phần bảo tồn động vật hoang dã, đồng thời giúp cho bà con ở vùng Bảy Núi – An Giang tự xóa đói giảm nghèo một cách có hiệu quả.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.