| Hotline: 0983.970.780

Độc đáo xưởng giày đặc chủng cho bệnh nhân phong

Thứ Năm 08/02/2018 , 14:30 (GMT+7)

Đã 20 năm ròng rã, những người thợ ở xưởng đóng giày của Bệnh viện Phong – da liễu Trung ương Quy Hòa (TP Quy Nhơn, Bình Định) vẫn miệt mài với công việc lặng lẽ nhưng rất nhân văn, đó là công việc đóng giày, dép cho những bệnh nhân phong để họ có thể vững bước đi lại mà không đau đớn.

Không như những người thợ đóng giày khác, những thợ giày của bệnh nhân phong có những cách làm rất độc đáo!
 

Đóng giày cho những đôi chân không lành lặn

Đối với những bệnh nhân phong, có lẽ không gì làm họ sợ hơn là… những bước đi. Bởi, hầu hết những bệnh nhân phong ở đây đều không còn những đôi chân lành lặn. Bệnh tật đã khiến đôi chân của họ mất cảm giác, hoặc đôi chân đã lìa xa thân thể họ. Bởi thế, những bước đi chính là nỗi ám ảnh mỗi ngày của họ.

12-37-14_1
Những đôi giày “không giống ai” ở Xưởng đóng giày BV Phong-da liễu Trung ương Quy Hòa

Cảm thông với sự bất hạnh của những bệnh nhân phong, từ thuở Bệnh viên Phong – da liễu Trung ương Quy Hòa mới khai thiên lập địa, các ma sơ (nữ tu) làm việc tại bệnh viện này đã mày mò làm giày cho bệnh nhân. Tuy nhiên, việc đóng giày cho bệnh nhân phong của các ma sơ khi ấy chưa có quy mô và kỹ thuật bài bản. Từ năm 1997, Xưởng giày Bệnh viện Phong – da liễu Trung ương Quy Hòa mới chính thức được hình thành từ nguồn tài trợ của 2 tổ chức phi chính phủ Handicap International và Hội Cứu trợ bệnh phong Hà Lan. Theo các thợ giày ở đây, “ông tổ” nghề giày ở Quy Hòa là thợ giày Lê Huyền Linh ở Sài Gòn ra dạy nghề. Bởi cũng là 1 bệnh nhân phong, nên thợ giày Linh thấu đáo được người bệnh ở mức nào thì cần đi giày kiểu gì để bước chân không bị đau đớn.

Theo anh Nguyễn Văn Tâm, 1 thợ giày kỳ cựu ở Quy Hòa và cũng là đội trưởng đội thợ giày ở đây, giày của bệnh nhân phong đều làm bằng da, hoặc giả da, hình dáng thì “muôn hình muôn vẻ”. Nhiều đôi thì “lệch pha”, chiếc dài, chiếc ngắn. Có chiếc mũi dài quá khổ, có chiếc ngắn ngủn. “Giày của bệnh nhân phong có những tiêu chí bắt buộc như đế giày cao không quá 4 phân, đế trên phải mềm, đế dưới phải cứng để tránh các vật nhọn gây tổn thương, quai có độ co giãn. Tuy nhiên, thợ giày ở đây phải luôn sáng tạo để sản phẩm được phù hợp với từng kiểu dị dạng của từng đôi chân từng bệnh nhân”, anh Tâm nói.

Cũng theo anh Tâm, “khách hàng” của xưởng giày rất đa dạng. Người thì cụt hẳn hai chân, người mất một chân, có những bàn chân đã bị mất hẳn những ngón chân, có bàn chân bị mất gót…Thế nên những chiếc giày làm ra chẳng chiếc nào giống chiếc nào. Tất cả đều tuỳ thuộc vào hình dạng chân của bệnh nhân, rồi phải được đo vẽ thật tỉ mỉ mới có thể có được những chiếc giày, dép “ưng bụng” với từng người.

12-37-14_3
12-37-14_4
Thợ giày minh họa cách làm những đôi giày, dép “đặc chủng” cho bệnh nhân

“Mình phải mang thiết bị xuống tận giường người bệnh để đo kích cỡ. Nếu gặp những bệnh nhân có bàn chân biến dạng, lồi lõm nhiều thì phải dùng thạch cao đúc thành khuôn giày trước, sau đó dựa vào mẫu để cắt, đục đẽo, gọt tỉa, chỉnh lại cho thật khớp với chân người bệnh. Có những đôi giày chỉ dành riêng cho những bệnh nhân có đôi chân bị mất cảm giác hoàn toàn. Sản phẩm này phải thiết kế làm sao cho đế giày cứng và rộng hơn so với bàn chân nhiều, đồng thời phải gắn thêm cần sắt có dạng lò xo, giúp nâng bàn chân của bệnh nhân lên không cho va quệt hoặc kéo lê dưới đường khi bệnh nhân bước đi”, anh Tâm cho biết thêm.
 

Những đôi giày được sản xuất bằng… tấm lòng

Theo tâm sự của những thợ giày ở Quy Hòa, họ không phải đóng giày cho bệnh nhân phong ở đây bằng đôi tay mà là bằng… tấm lòng. Bởi, hầu hết những người thợ trong xưởng đều là bệnh nhân, hoặc là con em của bệnh nhân phong đang là cư dân của làng phong Quy Hòa nên trong mỗi sản phẩm của họ làm ra đều đầy ắp những tâm tình. Trong không gian lặng lẽ của bệnh viện, công việc của họ còn lặng lẽ hơn. Như những con ong thợ, họ cần mẫn làm công việc “giảm thiểu nỗi đau” cho những người đang cùng chung số phận.

Tham quan xưởng giày, chúng tôi được thỏa mắt nhìn ngắm những đôi giày rất độc đáo, chúng được sản xuất theo “toa” của bác sỹ. Chỉ những người bệnh được bác sĩ khoa điều trị chỉ định thì mới được mang nó. Bởi với bệnh nhân phong, có khi trên bàn chân thấy còn nguyên vẹn là thế nhưng những ngón chân hoặc gót chân đã bị tổn thương, gây đau đớn khi di chuyển. Đối với những trường hợp này, bác sỹ điều trị phải “kê toa giày”, khi ấy người thợ mới biết cách mà sản xuất và cấp theo chỉ định. Theo giải thích của các thợ giày, những bàn chân bệnh nhân bị tổn thương ở trước thì chỉ mang giày, dép ở nửa chân phía sau, còn ai đau phía gót chân thì mang ở trước. Tuổi thọ của mỗi đôi giày chỉ có từ 4 – 6 tháng nên với những bệnh nhân khuyết tật nặng thì phải đo vẽ, đúc khuôn và sản xuất “dài hạn”, ít nhất 3 lần/năm.

12-37-14_5
Những dụng cụ lắp vào giày cho bệnh nhân phong

Một bệnh nhân là cư dân của làng phong Quy Hòa từ năm 1950 cho biết: “Khi xưa tôi mang dép là để cho có mang chứ khi bước đi chúng làm tôi đau đớn lắm. Giờ có giày do bệnh viện cấp, dù bệnh đã nặng hơn nhưng khi đi chân ít bị đau hơn. Với đôi giày “đặc chủng” chúng tôi có thể đi dạo khắp làng. Lần đầu tiên mang giày “đặc chủng”, thú thiệt tôi mặc cảm lắm vì “chiếc đực chiếc cái”.

Bác sĩ Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Bệnh viện Phong - da liễu Trung ương Quy Hòa, cho biết: “Nhờ những đôi giày “đặc chế” mà bệnh nhân phong không những có thể thoải mái mà còn giúp họ giảm thiểu rất nhiều nguy cơ gây tái phát, thương tổn. Việc sản xuất giày chủ yếu được tài trợ bởi các tổ chức phi chính phủ. Việc làm giày không lợi nhuận, sản phẩm hoàn toàn được cấp miễn phí cho bệnh nhân”.

12-37-14_7
Những cốt giày đo chân bệnh nhân

Tuy nhiên, cũng theo BS Tuấn Anh, đã nhiều năm nay nguồn kinh phí dành cho xưởng đóng giày của bệnh viện ngày càng eo hẹp, những người thợ phải cân đối, tiết kiệm tối đa chi phí trong việc đóng giày cho bệnh nhân. Một nỗi lo xé lòng đang là “gánh nặng” của những người có trách nhiệm và bệnh nhân của Bệnh viện Phong – da liễu Trung ương Quy Hòa là dự kiến sắp tới, 1 tổ chức của Hà Lan, nguồn tài trợ chính cho hoạt động làm giày cho bệnh nhân phong rút khỏi Việt Nam, nguồn cung ứng về kinh phí vốn hạn chế chắc hẳn sẽ thêm phần eo hẹp.

Tuy nhiên, tình trạng dị dạng ở bệnh nhân phong ngày càng ít, vì bệnh đã có thuốc chữa trị chứ không như xưa, vì vậy việc làm những đôi giày “đặc chủng” cho bệnh nhân phong sau này cũng sẽ giảm đi, hy vọng nguồn tài trợ còn lại cũng sẽ đủ cung ứng cho những bệnh nhân có nhu cầu.

12-37-14_8
Lắp da vào cốt để đóng giày

 

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.