| Hotline: 0983.970.780

Đội bóng chuyền 'ông già' bãi biển

Thứ Bảy 02/11/2019 , 07:15 (GMT+7)

Gần 3 năm qua, cứ mờ sáng là trên bãi biển phường 7 (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) xuất hiện đội bóng chuyền, vận động viên từ U40 đến U70.

Người khởi xướng thành lập đội bóng chuyền lớn tuổi nhất, và trong đội bóng vận động viên tuổi già “quá bán” nên đặt tên đội bóng chuyền “ông già” bãi biển.

11-31-56_1
Mờ sáng căng lưới bóng chuyền trên bãi cát phường 7 (TP Tuy Hòa).

Đội bóng chuyền, cầu thủ tham gia là nhà báo, tổng giám đốc, tiểu thương buôn bán chợ, cán bộ nghỉ hưu. Với những pha bóng bỏ nhỏ “không qua lưới”, đập bóng “nhẹ sình”, đưa đôi tay “cái rổ” bắt bước một...t ạo ra tiếng cười giòn tan. Vận động 3 séc đấu, cái áo nặng “nửa lạng mồ hôi”. Ngày nào cũng chạy theo trái bóng, đánh bay bệnh tật.
 

Xuất phát từ bình trà Thông tấn xã

Sáng, 4h45 phút, thành viên đội bóng lần lượt có mặt tại Cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Phú Yên (1A, Nguyễn Văn Cừ, phường 7). Tại đây chế bình trà ngồi nhâm nhi xem kênh truyền hình Thông tấn xã, kể chuyện hài, nhậu “bia bầu” (bia tươi) tối qua... Đến 5h45 phút, cạn bình trà, các thành viên vác trụ, mang bao cước (đựng bóng và dây rãi làm vạch sân bóng) xuống bãi biển.

Căng lưới xong, séc 1 bắt đầu. Đội bóng chuyền “ông già” bãi biển, chỉ có tên chung, không có tên gọi riêng mỗi đội ở mỗi bên mà chỉ gọi bên này, bên kia.

11-31-56_3
Cầu thủ đội bóng chuyền “ông già” bãi biển với pha ngã người cứu bóng.

Mới ra sân, còn sớm nên có cầu thủ còn “ngủ nướng”, sân bóng chơi thiếu người, bên 4 bên 5, lúc thì bên 5 bên 6. “Ấn tượng” cầu thủ Bùi Văn Tâm (66 tuổi), với pha bắt bước một. Bên kia phát bóng bay qua lưới, ông quan sát rồi chạy theo “héc hô” trái bóng: Đây, rồi đưa hai tay bắt bước một, lúc nắm hai bàn tay thả lỏng cổ tay rộng ra “hình cái rổ”, đỡ bóng: bụp, trái bóng bay... xuống biển. Trên sân bóng sổ ra... một tràng cười.

Đó là mới khởi động, tiếp sau: bên này đập bóng, bên kia đệm bóng rồi chuyền búng bỏ nhỏ, bên này cứu bóng... bóng bay qua lại gần 2 phút mới “chết” bóng.

Đội bóng quen mặt với “vua phá lưới” Đào Quang Thắng, mỗi đập bóng “nhẹ sình” (bóng bay yếu lực) vậy mà dính lưới nên gắn biệt danh “vua phá lưới”. Hỏi ông, bóng chuyền mà đạt danh hiệu “vua phá lưới” thua là chắc. Ông Cười: Năm nay 63 tuổi mà bay người như thanh niên đập bóng chứng tỏ sức khỏe quá tốt. Hồi tôi công tác trong quân đội là tay chuyền 2, về hưu lên giàn công là ngon rồi.

Bước vào séc 2, hai bên bắt đầu thi đấu kịch tính tranh giành từng điểm. Cầu thủ “ngủ nướng” xuống tràn vô sân. Trên sân bóng “xuất hiện” cầu thủ với biệt danh độc đáo: Cào Cào. Sở dĩ có tên gọi Cào Cào là vì khi đánh bóng chuyền, hàng công đối phương đập trái bóng bay qua, ông bay như con cào cào “khiêng” bóng rồi té nằm dài trên cát nên mọi người đặt tên Cào Cào.

11-31-56_2
Bước vào séc 2, hai bên bắt đầu thi đấu kịch tính tranh giành từng điểm.

Ngược lại, cứu những trái bóng ở vị trí thấp, những pha bóng áp trước bụng. Người ta đệm bóng, búng bóng, còn Cào Cào “bợ” bóng, bỏ nhỏ “không qua lưới”, tạo ra tràn cười no bụng.

Hôm rồi Cào Cào xin nghỉ 3 bữa vô Sài Gòn thăm con, có người đi tắm biển vào xem bóng chuyền, kết thúc séc 2 hỏi, hôm nay không thấy anh Dương? Cả đội bóng “ông già” không ai biết. Hỏi đi hỏi lại, tả tới tả lui, cuối cùng mọi người nhận ra là Cào Cào.

Cào Cào tên trên giấy tờ Phạm Tấn Dương (62 tuổi). Tên đặt trên sân bóng chuyền ăn sâu vào tâm trí nhiều người nên dù Cào Cào có sui gia, cháu nội ngoại, nhưng trưa chiều ra chợ (Cào Cào là tiểu thương ở chợ Tuy Hòa) gặp, gọi Cào ơi, Cào hởi. Hỏi người ta kêu vậy ngại không, ông cười: Sao cũng được, mình dễ chịu mà.

Cùng lúc đó cầu thủ Kiểu có mặt trên sân bóng. Kiểu tên trên giấy tờ Ngô Hồng Tân (40 tuổi), người trục như “hột mít” nhưng rất nhanh nhẹn với những pha “ủi” xuống cát cứu bóng không để bóng “chết”, lại thường ăn mặt kiểu cách, guộn hai bên lưng quần…nên gọi biệt danh là Kiểu. Hỏi về đam mê bóng chuyển, Kiểu nói: Đánh bóng chuyền trên bãi biển “sướng” cái ngã lăn lộn trên cát, vận động xương khớp…
 

Đánh bay bệnh tật

Ông Ba Cần (Phạm Văn Cần 68 tuổi), lớn tuổi nhất đội bóng (người khởi xướng, ông sắm trụ, dây rải làm vạch sân, trái bóng) chuyền bãi biển, kể trước đây ông bị đau bã vai phải, đi chữa nhiều nơi từ bệnh viện tỉnh rồi thành phố không khỏi vậy mà tham gia đánh bóng chuyền bãi biển thời gian sau bệnh đau bả vai bay đâu mất.

“Chú nay U70 rồi, ngày nào cũng tham gia đánh bóng chuyền bãi biển. Hôm rồi Tám Thắng (thành viên đội bóng) dùng điện thoại livestream đội bóng chuyền trên facebook, đứa cháu ở quê (quê ông ở xã An Chấn, huyện Tuy An, Phú Yên), ngồi trong bếp vô mạng thấy comment: Chú Ba, già rồi mà nước da đỏ au. Nghe nó khen, mình…sướng”, ông Ba Cần nói.

11-31-56_4
Ông Ba Cần (ngoài cùng bên trái), người khởi xướng thành lập đội bóng chuyền “ông già” bãi biển.

Rồi ông kể, Gạch (cầu thủ đội bóng tên là Bùi Văn Mưu), hồi trước nước da tái mét. Sở dĩ gọi Gạch vì cơ thể mệt mỏi mỗi lần xuống biển ông hay nằm dài không cục cựa cứng như viên gạch. Có lần một tuần Gạch không đi tắm biển, ông đi siêu thị gặp con gái Gạch, hỏi sức khỏe ba, nó nói “ổng yếu hung rồi”. Ngày đầu tham gia bóng chuyền bãi biển, Gạch “làm biếng” bóng rơi kề bên không đưa tay chạm, về sau lanh bóng. Bây giờ Gạch đỏ da thắm thịt trở lại.

Còn ông Trần Lý, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ (sinh năm 1973), cầu thủ đội bóng chuyền “ông già” bãi biển chia sẻ: Năm rồi tôi đi công tác gần nửa tháng, ngày ngồi trên xe, chiều tối ăn uống không vận động vì vậy đắp lên lớp mỡ bụng 2 kg. Tạng người tôi 60kg là vừa mà tăng lên 62 nên thấy mệt. Khi về đến nhà sáng xuống sân bóng, thời gian sau “bay” 2 ký mỡ bụng. “Do bận công việc nên tôi tham gia “bữa đực bữa cái” nhưng cố gắng sắp xếp công việc đến sân bóng. Đội bóng chuyền đánh “3 xác bóng” (hư 3 trái bóng), vừa rồi tôi “đóng góp” trái bóng”, ông Lý nói.

Tham gia đội bóng chuyền “ông già” bãi biển có 5 nhà báo (1 nghỉ hưu). Nhà báo Trình Kế, Báo Nhân Dân thường trú tại Phú Yên cho hay: Lúc trước huyết áp cao lên đến 170/83 mmHg, thời gian qua tham gia đánh bóng chuyền nay đo lại huyết áp ổn định. Ngày nào cũng đánh bóng chuyền, cái áo nặng thêm “nửa lạng mồ hồi” đào thải “gian khổ” (ý nói bia rượu) trong người ra.

Còn nhà báo Đoàn Thế Lập, nguyên Trưởng cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Phú Yên cho biết: Lúc mới tập đánh bóng chuyền đứng dưới ô số 6, có lúc không có bóng “đứng lạnh”, nay tôi bước lên hàng công. Đánh bóng chuyền trên bãi biển, tính tỉ số nhưng ăn thua đồng xu cắt bạc nào. Thế nhưng quy ra tiền “sức khỏe”, mỗi lần đánh bóng xong rồi xuống biển tắm, lợi trăm ngàn đồng tiền bồi bổ “sức khỏe”. Sáng, nhâm nhi ly trà Thông tấn xã rồi xuống sân bóng chuyền bãi biển vận động, vui cười, làm tan biến hết mệt nhọc ngày hôm qua. “Cuộc sống người dân thành phố xung quanh là bê tông vây kín nhiều người thiếu vận động sinh ra bệnh tật. Vì vậy duy trì luyện tập bóng chuyền rèn luyện sức khỏe, giải trí là rất quý”, nhà báo Đoàn Thế Lập nói.

Đánh xong 3 séc bóng chuyền, ngồi nghỉ chờ ráo mồ hôi rồi tắm biển, về đến nhà gần 7h sáng. Cầu thủ đội bóng chuyền “ông già” bãi biển, người thì phường 3, người thì phường 7, xa nhất là ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa).

(Kiến thức gia đình số 44)

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.