| Hotline: 0983.970.780

Đội “cá heo” sông Lô

Thứ Năm 20/05/2010 , 10:34 (GMT+7)

Hơn 20 năm hoạt động, Đội cấp cứu chữ thập đỏ Sông Lô (Thị xã Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) được người dân gọi vui là đội “cá heo” sông Lô.

Ông Tỵ - Đội trưởng đôi cứu hộ đang giới thiệu với PV NNVN chiếc cặp phao cứu hộ trang bị cho học sinh

Hơn 20 năm hoạt động, Đội cấp cứu chữ thập đỏ Sông Lô (Thị xã Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) được người dân gọi vui là đội “cá heo” sông Lô. Với những thành tích trong cứu hộ, Đội đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. 

Mỗi năm vào mùa lũ, sông Lô trở nên rất hung dữ, có sức tàn phá lớn và sẵn sàng cướp đi sinh mạng người bất kể lúc nào. Chính vì vậy, năm 1988 ông Nguyễn Văn Tỵ, tổ 6, phường Tân Quang, Thị xã Tuyên Quang đã tự đứng ra thành lập Tổ cứu hộ sông Lô. Đây cũng là tổ chức tự nguyện cứu hộ trên sông nước đầu tiên ở Việt Nam. 

Ông Tỵ tâm sự: Khi mới thành lập tổ, nhiều lúc tôi cũng băn khoăn khi có người dọa sẽ xảy ra điều gì đó nếu cứ chăm chăm vào việc "cướp cơm" của hà bá. Nhưng đã gọi là làm phúc thì tôi không nề hà những chuyện đó, và tôi cũng chẳng tin có thể xảy ra chuyện gì.

Chính cái tâm trong sáng ấy của ông Tỵ đã lôi cuốn nhiều người dân vạn chài ngày đêm lênh đênh trên sông nước "bước qua lời nguyền" để làm công việc cứu người gặp nạn trên sông nước.  Nhận thấy vai trò tích cực cứu người và sự năng nổ, nhiệt huyết của các thành viên trong tổ, năm 1989, UBND thị xã Tuyên Quang đã ra quyết định thành lập Trạm cấp cứu chữ thập đỏ Sông Lô, sau đổi tên thành Đội cấp cứu chữ thập đỏ Sông Lô do ông Nguyễn Văn Tỵ làm Đội trưởng.

Đội cấp cứu chữ thập đỏ Sông Lô phần lớn là những người lao động trong làng vạn chài, hàng ngày họ miệt mài mò cua, bắt ốc, thả chài, giăng lưới, nuôi cá lồng trên sông Lô để kiếm sống qua ngày, gia cảnh hầu hết còn rất khó khăn và túng thiếu trăm bề. Họ tuy nghèo nhưng không bao giờ “mặc cả” khi cứu người, khiến người dân Tuyên Quang luôn kính trọng và mến mộ. 

Hiện nay, Đội cấp cứu chữ thập đỏ Sông Lô có 34 thành viên và chia làm 4 tổ: Tổ tìm kiếm, cứu nạn; tổ mò vớt, khâm liệm; tổ kế hoạch, hành chính; tổ vận hành phương tiện máy móc. Các tổ có nhiệm vụ hỗ trợ nhau trong việc cấp cứu người bị tai nạn trên sông nước; tìm kiếm người chết đuối, khâm liệm và giúp gia đình người bị nạn khắc phục hậu quả; mò vớt tài sản của nhân dân bị nước cuốn trôi trong những đợt lũ lụt xảy ra... Phương tiện của Đội gồm có 5 thuyền máy, 2 ca nô, 2 ô tô và đủ các trang thiết bị lặn, áo phao cứu hộ, máy phát điện, máy nén khí...

Trải qua hơn 20 năm hoạt động cái tên Đội cấp cứu chữ thập đỏ Sông Lô đã trở nên quen thuộc với người dân Thị xã Tuyên Quang. Ông Trần Khắc Ngọc, Chủ tịch UBND phường Tân Quang, Thị xã Tuyên Quang cho biết: Trong những năm qua, hoạt động của Đội cứu hộ rất hiệu quả và thiết thực. Các thành viên trong đội luôn ứng trực trước những diễn biến trong mùa mưa lũ, đảm bảo di dời an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Anh Nguyễn Hữu Tân, một thành viên đội nhớ lại vụ tìm kiếm 2 nạn nhân ở bến đò khách huyện Chiêm Hoá. Cả đội gần một tuần lặn ngụp dưới nước, hai bên bờ chật cứng người thân và người dân đứng trông ngóng, theo dõi. Nhiều lần lặn xuống nước tìm mò không thấy nạn nhân đứt hơi, kiệt sức... Không những vậy,  Đội trưởng Tỵ còn tý mất mạng khi lặn xuống tìm kiếm nạn nhân do dây dẫn của bình ôxy vướng vào đá bị đứt, anh Tỵ đã bị bất tỉnh dưới nước, rất may anh em trong đội kịp kéo lên, đưa đi viện cấp cứu mới qua khỏi cơn nguy kịch.

Trong những năm qua, Đội cấp cứu chữ thập đỏ Sông Lô đã cứu sống 60 người; tìm kiếm, vớt xác và khâm liệm cho gần 500 người; mò vớt được 3 ôtô, 5 tàu, thuyền lớn, hàng trăm xe máy cùng nhiều tài sản trị giá hàng tỉ đồng của nhân dân bị nước lũ cuốn trôi...

Xác định đối với thiên tai, lũ lụt, công tác phòng chống là chính, vì vậy cùng với công tác cứu hộ, cứu nạn, từ năm 2003 đến nay, Đội cấp cứu chữ thập đỏ Sông Lô đã tổ chức được gần 100 lớp bơi lội, cứu đuối cho hàng nghìn người dân; cấp hàng trăm cặp sách liền áo phao cứu sinh miễn phí cho các em học sinh phải đi học bằng thuyền, đò tại các huyện, thị trong tỉnh Tuyên Quang, góp phần bảo đảm an toàn cho các em nhỏ trên đường đi học, nhất là trong mùa lũ.

Bà Vũ Thị Bích Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết: Mặc dù hoạt động với tinh thần tự nguyện nhưng các thành viên Đội cấp cứu chữ thập đỏ Sông Lô hoạt động rất nhiệt tình. Trong những năm qua đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Giữa tháng 5, mới chỉ có vài cơn mưa nhỏ đầu mùa mà dòng Lô đã mênh mông và cuồn cuộn chảy, lòng tôi chỉ cầu mong sức khoẻ cho các anh, những con người luôn dũng cảm làm phần việc vì tâm sáng chí thiện.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất