| Hotline: 0983.970.780

Đời chăn gà du mục

Thứ Sáu 25/11/2011 , 11:50 (GMT+7)

Kêu lọc cọc, bay vù vù, đi như chạy, những con gà nặng cả một hai chục cân di chuyển trên cánh đồng như những sinh vật kỳ dị...

Kêu lọc cọc, bay vù vù, đi như chạy, những con gà nặng cả một hai chục cân di chuyển trên cánh đồng như những sinh vật kỳ dị. Hai người chăn ở hai đầu chân bươn bả chạy, tay phất cờ phướn, miệng kêu tích tích chỉ đường…

Gà tây lội ruộng

Trên cánh đồng trơ gốc rạ, Nguyễn Văn Mỹ thôn Trắc Điền (Đa Lộc, Ân Thi, Hưng Yên) cùng vợ mình mải mốt đuổi theo đàn gia cầm to lớn, lộc ngộc lạ thường. Ào ào lội qua mương máng. Thùm thụp nện chân trên đồng lầy. Chúng có sải bước nhanh của đà điểu, bộ lông của quạ đen, cú vỗ cánh dũng mãnh như giang, như vạc. Những cái chân bới bới. Những cái mỏ sục sạo vào từng khe ruộng, hang cua hay quơ gọn từng bông lúa chắt.

Vợ anh Mỹ lùa gà đi trên đường làng

Chẳng mấy chốc chúng đã di chuyển sang một cánh đồng khác khiến chủ nhân cũng mải miết lao theo. Nuôi gà tây là nghề gia truyền ở xã Đa Lộc từ thời thuộc Pháp, lúc đầu chỉ nhà giàu nuôi làm cảnh sau mới lan ra dân. Đời cụ, đời ông, đời bố anh Mỹ nuôi giống đại gia cầm này rồi truyền nghề đến đời con. Lúc toàn dân bụng sôi ùng ục vì đói quay, đói quắt hồi bao cấp, các vật nuôi bị giảm đàn cho đỡ cạnh tranh thức ăn với con người, gà tây vẫn sống ung dung vì nuôi nó chẳng mất gì ngoài cỏ. Người già Đa Lộc bảo rằng chỉ khi trâu bò chết, gà tây mới chết.

Tiếng là gà ngoại nhưng lại chịu thương, chịu khó lạ thường. Chúng bới đủ loại củ quả, sâu bọ để ăn nên người nuôi chỉ mất công chăn. Hồi đó anh Mỹ nuôi giống gà tây đen chỉ nặng cỡ 5-6 kg. Khi cả nước khó khăn, người người phải ăn độn, nhà anh Mỹ luôn có 30-40 gà tây đẻ, ấp sòn sòn, mỗi năm thu vài tạ thịt.

Gà tây thời bao cấp chỉ để bán cho ngành thương nghiệp chuyên dành cho cán bộ cao cấp hay đãi đằng khách khứa quốc tế. Một cân gà thịt đổi mười cân bột mì. Bột mì đó anh Mỹ lại đổi ra thóc. Trong nhà vợ chồng anh quây hàng chục cót thóc cao ngất nghểu chạm mái, phải bắc thang vào mà đổ 30-40 tấn thóc. Chỗ thóc ấy được anh chị hào phóng cho cả họ hàng, làng xóm vay chống đói qua ngày đoạn tháng.

Vợ chồng anh là người đầu tiên ở xã Đa Lộc làm được nhà mái bằng cũng nhờ con gà tây nâng đỡ. Nuôi gà tây hiệu quả thế nên thời bao cấp, vài chục người trải chiếu ăn chực nằm chờ tay phe phẩy quạt nan, quạt giấy ở nhà anh Mỹ chỉ để mua 20-30 con gà giống cũng là điều dễ hiểu.

Chăn gà trên đồng

“Mùa lúa chăn bờ mương, bờ máng, mùa gặt chăn trên đồng. Một đàn gà vài trăm con một ngày đi chăn ở đồng xa là đỡ tốn cả tạ thóc. Chúng tôi cứ đi miết cả tuần, cả tháng mới đáo về nhà một hai bận khi có việc giỗ chạp, đình đám. Tối gà ngủ trên bờ ruộng, người căng bạt ngủ cùng. Con chó béc - giê nặng ngót nửa tạ được huấn luyện để chăn gà luôn kè kè sát chủ. Thả rông trên đồng ít nhất phải có hai người chăn, một chặn đầu, một khóa đuôi. Chăn gà nhọc hơn chăn trâu nhất là khi chúng mót đẻ rất hay rúc vào lùm vào bụi, dễ mất. Hễ thấy gà mái kêu táo tác, sờ đít thấy cồm cộm trứng phải dẫn về chuồng cho chúng đẻ. Đưa đi, đưa về cả chục cây số một ngày là chuyện thường”, anh Mỹ kể.

Hết đồng sâu, ruộng cạn, xã gần, xã xa đều có dấu chân của đàn gà nhà anh Mỹ. Có những bận, đang chăn gặp khách Tây phanh ô tô, dừng lại xì xồ một chặp. Qua người phiên dịch anh mới biết họ bảo đại ý rằng: “Ở nước tôi gà toàn nuôi công nghiệp chứ không có thả rông trên đồng thế này. Xin ngài cho chụp chung vài tấm ảnh”.

 Ngay cả giáo sư người Hunggari, quê hương của giống gà tây nổi tiếng thế giới, cũng có lần bảo anh gà tây nuôi ở Việt Nam kích cỡ nhỏ hơn, trứng nhỏ hơn nhưng thịt ngon chưa từng thấy. Anh Mỹ chỉ cười mà đáp rằng cũng đúng thôi vì nó ăn cả trăm loại cỏ, loại lá kể cả những lá đắng như lá xoan, lá bưởi, nhặt đủ thứ củ, hạt, côn trùng trên cánh đồng, thịt sạch ngon là phải.

Một con gà làm được 10kg giò

Hồi năm 1995 - 2000 quà của chính phủ Pháp cho nông dân Việt Nam là giống gà tây trắng to tới 27-28 kg cũng được giao cho anh Mỹ nuôi. Năm đầu tiên không bán được vì trọng lượng gà quá lớn, anh để lại một con làm thịt, gói được 10 kg giò. Con gà đó nặng tới 29 kg, thịt ở lườn dày 12-15 cm. Giống gà tây này nặng đến nỗi mỗi lần qua mương máng anh chị phải lầy lật bỏ rơm rạ xuống bắc cầu cho chúng đi hoặc phải tự tay bê qua chỗ lầy thụt.

Anh Mỹ và con gà tây

Để lại vài con gà trắng làm giống, đổ một đống cát làm đệm cho con gà mái tây đen, hai vợ chồng anh làm công việc… hỗ trợ gà tây trắng phối giống. Một người đỡ bên dưới hai cánh con gà mái cho nó chịu đực mà không bị đè bẹp chết. Một người túm lấy chùm lông đuôi của gà mái để "công cụ" sung sướng của gà đực dễ lách vào. Gà tây giao phối rất lâu, không theo kiểu quẹt quẹt cho qua chuyện như gà ta mà kéo dài đến mươi phút. Gà trống phải dận dận cho gà mái cong đuôi mới ưng cái bụng.

Đi chăn thả, thấy gà tây trắng đạp gà tây đen phải nhanh chóng tách ra nếu không sẽ chỉ còn cách lượm xác gà mái vì trọng lượng của hai dòng gà này bất cân xứng nhiều lần. Gà tây mái mót trống cứ thấy có tiếng động lớn như ô tô, xe máy đi qua xình xịch là nằm bẹp xuống vì…tưởng nhầm.

Gà tây lai trọng lượng nhỏ hơn nên có khách mua. Mỗi con giống anh chị Mỹ bán tương đương 15 kg thóc. Một thời gian sau mấy khu du lịch ở Quảng Ninh phát hiện ra giống gà lạ toàn thân màu trắng, to nặng hiếm có liền cử người đến mua về làm cảnh. Họ cứ mua hai mái, một trống với giá đổ đồng mỗi con một triệu, tương đương hai tạ thóc. Mua xong tắm rửa, kỳ cọ gà bằng xà phòng thơm, sạch sẽ tinh tươm mới lên đường.

Dần dần nhu cầu gà cảnh bão hòa, người ta quay lại giống gà tây đen, tây lai vì thịt ngon, vì trọng lượng phù hợp. Gà tây rất hiền, mỗi lần về qua xóm, bọn trẻ chọn những con to nhất, nhảy tót lên cưỡi hệt như cưỡi đà điểu. Ấy vậy mà hễ thấy rắn là chúng kêu tích tích, chạy vòng quanh bao vây, có buổi chị Nguyễn Thị Thiện vợ anh Mỹ bắt được dăm ba con rắn là nhờ vậy.

Rành rẽ về con gà tây đến nỗi, khi chúng bị chướng diều vì ngộ độc thực phẩm, anh Mỹ dùng dao mổ hàng trăm diều gà một lúc, khâu vào chúng lại kêu tọp tọp đi ăn bình thường.

Gắn bó với con gà, anh Mỹ từng ba lần sạt nghiệp, đó là vào năm 2003 mất trên 100 triệu, năm 2010 mất 2 đợt 300 triệu bởi dính dịch. Hiện Đa Lộc có khoảng 30-40 hộ nuôi cả vạn con gà tây thịt, cung cấp vài chục tấn ra thị trường một năm nhưng gà giống vẫn chỉ có mình anh Mỹ. Gà tây nuôi cỡ 6 tháng là bán được. Lúc đó con trống nặng trên một yến còn con mái cũng cỡ dăm bảy cân. Xuất đi các nhà hàng với giá 90.000đ/kg, chạy nhất là dịp gần Noel hay Tết tây.

Có dịp vào nơi giao hàng, anh Mỹ tròn mắt khi thấy một nhóm khách tây chỉ có ba người mà gọi cả con gà 7-8 kg. Ăn uống no nê, họ còn gói đồ thừa kèm theo rau thơm, nước chấm về ăn tiếp. Ở thôn quê giờ một số nơi chớm mốt đám cưới toàn cỗ gà tây với bảy tám món. Nào dồi lòng, tiết canh, xương hầm, nướng, xào… Riêng chiếc diều luộc thái ra đã lùm lùm một đĩa nhỡ…

Xem thêm
Thủ tướng bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 303/QĐ-TTg ngày 12/4/2024 bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao) giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Tiền Giang lý giải việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai

Tỉnh Tiền Giang là địa phương đầu tiên ở ĐBSCL ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn tại huyện Tân Phú Đông.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió: Cấm lưu thông trên quốc lộ 1 đoạn qua đèo Cả

Lực lượng chức năng cấm tất cả phương tiện (trừ xe 2 bánh) lưu thông trên quốc lộ 1 đoạn qua đèo Cả do sự cố sụt lún khu vực hầm đường sắt Bãi Gió.

Bình luận mới nhất