| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 04/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 04/05/2015

'Đói cho sạch..."

Những tấm gương "đói cho sạch, rách cho thơm" khiến cả xã hội cảm phục. Đói nghèo, nhưng về nhân cách, thì họ lại không hề thiếu. Ngẫm ra, câu “Cái áo không làm nên thày tu”, thật đúng.

Suốt mấy ngày nghỉ lễ, cùng với những tin tức về lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước diễn ra ở khắp nơi, thì số phận của 5 triệu đồng yên Nhật do chị ve chai người Quảng Ngãi Huỳnh Thị Ánh Hồng nhặt được, nộp cho Công an TP Hồ Chí Minh vào ngày 28/4/2014, cũng tràn ngập trên các báo.

Số là sau khi giao nộp số tiền trên cho công an. Theo quy định, cơ quan công an đã thông báo trên các phương tiện truyền thông để tìm chủ nhân đích thực của số tiền đó. Sau 1 năm, nếu không có người đến nhận, thì số tiền trên sẽ thuộc về người phát hiện, là chị Hồng.

Trước ngày hết 1 năm đúng 1 ngày, tức ngày 27/4/2015, một người phụ nữ khác đã gửi đơn đến cơ quan công an, cho biết mình là chủ nhân của 5 triệu yên Nhật đó. Vì vậy công an phải tạm giữ tiếp số tiền đó để xác minh.

Số tiền đó thuộc về ai, rồi đây sẽ được phân giải. Dư luận chú ý đến chị Hồng, là chú ý đến cái phẩm hạnh của chị. Tình cờ có được số tiền kia, chị hoàn toàn có thể lẳng lặng mang ra chợ đen đổi lấy hơn 1 tỷ VND (ở TP Hồ Chí Minh, việc đó dễ như trở bàn tay).

Nhưng chị đã không làm thế, đã mang nộp cho công an với niềm mong mỏi rất chân thành: “Tôi mong sao chủ nhân đích thực của số tiền đó nhận lại được nó. Họ sẽ rất vui mà tôi cũng rất vui”. Rồi suốt từ đó đến nay, chị vẫn lầm lũi với gánh ve chai của mình…

Câu chuyện của chị Hồng khiến dư luận nhớ tới một câu chuyện khác. Cuối năm 2011, chị bán vé số Phạm Thị Lành (ngụ ấp Long Hữu, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) bán chịu cho một anh xe ôm 20 tờ vé số. Tiền chưa trả, vé cũng chưa trao.

Sáng hôm sau, khi biết trong 20 tờ vé đó có 4 tờ trúng giải độc đắc và 2 tờ trúng giải khuyến khích, với tổng số tiền 6,6 tỷ đồng, chị vẫn vui vẻ gọi điện bảo anh xe ôm mang 200 ngàn đến trả cho mình, rồi nhận vé mà đi lĩnh thưởng, dù nhà chị nghèo cùng cực, có lần chị đã tự tìm đến cái chết để giải thoát, may có người cứu kịp.

Hỏi sao không giữ lại số vé trúng thưởng kia cho mình, chị đáp: “Các cụ dạy đói cho sạch, rách cho thơm. Anh ấy có mua chịu, thì số vé đó cũng là của anh ấy rồi. Tiền ấy đâu phải của tôi nữa”. Được anh xe ôm tặng lại cho một tờ vé số độc đắc với giá trị 1,5 tỷ đồng, việc đầu tiên mà chị Lành làm là mua 2,5 tấn gạo tặng cho bà con nghèo.

Chị ve chai và chị bán vé số, đều là những người ở đáy cùng của xã hội. Về địa vị, nếu so với những Dương Chí Dũng (Chủ tịch HĐQT của Vinalines, người đã gây thất thoát của Nhà nước gần 370 tỷ, tham ô 10 tỷ), Vũ Quốc Hảo (nguyên Tổng giám đốc Công ty Cho thuê Tài chính II, tham ô 79 tỷ đồng trong thương vụ thổi cái tàu lặn có giá 100 triệu thành giá 130 tỷ)… thì họ ở thấp hơn đến nghìn lần. Về đời sống, lại còn nhiều lần thấp hơn nữa.

Thế mà đứng trước đống tiền có thể làm thay đổi số phận của mình trong phút chốc, mặt họ vẫn không hề biến sắc, tim họ không hề đập nhanh hơn. Họ đã chọn cho mình một cách hành xử rất đúng pháp luật, rất đúng đạo lý làm người. Đói nghèo, nhưng về nhân cách, thì họ lớn hơn những kẻ trên gấp ngàn lần.

Ngẫm ra, câu “Cái áo không làm nên thày tu”, thật đúng.