Vật giá tăng từng ngày, còn đồng lương thì quá thấp. Không chỉ có thế, người công nhân còn chịu cảnh thiếu thốn đủ thứ: thiếu điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần; thiếu nhà trọ, nhà trẻ, trường học cho con em...
Cuộc vật lộn với bài toán chi tiêu hàng ngày khiến họ tồn tại thôi cũng đã khó, chứ đừng nói gì đến sống đúng nghĩa. Cuối cùng, nhiều người chọn giải pháp ra đi, hoặc trở về quê hoặc ra ngoài làm lại từ đầu.
Bữa sáng của các công nhân nhiều khi chỉ đơn giản là khoai lang luộc |
Càng làm càng… nghèo
“Đời công nhân cắm mặt làm quanh năm suốt tháng, chẳng biết vui chơi giải trí là gì. Vậy mà thu nhập một tháng của cả 2 vợ chồng cũng chỉ đủ lo thân, lo cho 2 đứa con và nuôi… chủ phòng trọ. Chỉ riêng xã này (xã Hóa An, Biên Hòa, Đồng Nai) có mấy chục ngàn công nhân, nhu cầu về nhà trọ rất lớn. Chủ nhà trọ nắm được tâm lý này nên mặc sức làm giá. Một căn phòng chừng 10m2 có giá từ 500 đến 800 ngàn đồng/tháng; tiền nước từ 10 - 20 ngàn đồng/khối; tiền điện từ 3 - 4 ngàn đồng/số", anh Nguyễn Văn Quốc, nhân viên Cty giày da P bắt đầu câu chuyện với tôi bằng hàng loạt bức xúc.
"Tôi vào Cty làm được 7 năm, thu nhập giờ mới lên được hơn 3 triệu/tháng. Còn vợ tôi làm 15 năm mới được gần 4 triệu/tháng. Vợ chồng tôi có 2 con nhỏ, đứa lớn chuẩn bị vào lớp 3, học ở trường xong là cô giáo chở về nhà dạy kèm luôn. Mỗi tháng ngoài học phí ở trường còn phải trả cho cô 550 ngàn nữa. Riêng cháu nhỏ mỗi tháng cũng tốn 700 ngàn vì giao cho cô từ sáng đến tối. Hôm nào cũng vậy, phải đến 8 – 9 giờ đêm 2 đứa con mới được gặp ba mẹ”, anh Quốc kể khổ.
Còn chị Tuyết, vợ anh Quốc cho biết mỗi tháng vợ chồng chị tằn tiện cũng để dành được vài trăm, nếu không có những khoản chi đột xuất như đi đám cưới, đám tiệc hoặc con nhức đầu sổ mũi thì đủ chi phí cho cả nhà đi chơi một buổi ở đâu đó gần gần. Không phải vay nợ là may lắm rồi. Làm công nhân cả đời tay trắng vẫn hoàn trắng tay, không tích lũy được gì, muốn mua một chiếc xe máy tàm tạm để đi làm cũng không mua nổi.
Chị H, 30 tuổi, quê Thanh Hóa cho biết 2 vợ chồng chị làm công nhân được 5 năm, tổng thu nhập 4 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng chi tiền “hụi chết” gồm tiền điện, nước, tiền học cho con… khoảng 2,5 triệu, chỉ còn lại hơn triệu đồng đi chợ cho 4 người. Năm 2009, tôi phải vay 2 triệu đồng của người trong phân xưởng, lãi suất 10% tháng để về dự đám tang mẹ chồng ở Hà Tĩnh. Đến nay tôi chỉ trả được tiền lãi 200 ngàn/tháng, nợ gốc vẫn còn nguyên. Tính đến nay số tiền lãi đã hơn gấp 2 lần số tiền gốc rồi. Riêng trong phân xưởng tôi có khoảng 70% số người phải vay lãi. Đặc biệt là số công nhân mới vào, tuổi còn trẻ, lương thấp nên họ luôn trong tình trạng ăn trước trả sau.
Đổi nghề mới mong… đổi đời
Chúng tôi đến khu nhà trọ công nhân ở ấp An Hòa, xã Hóa An, Biên Hòa lúc 3 giờ chiều. Những dãy phòng vắng lặng, cửa đóng im ỉm. Rất may mắn là chúng tôi gặp được người đàn ông duy nhất có ở nhà giờ này. Anh tên Nguyễn Trung Tự, 42 tuổi, quê Đồng Tháp, thoát ly gia đình 20 năm nay. Sau 16 năm làm công nhân, trải qua 4 Cty với công việc chính là nhân viên nhà bếp. Năm 2007, anh xin nghỉ việc ra ngoài làm dịch vụ nấu ăn đám cưới. Anh Tự kể: “Năm 1997, tôi lấy vợ. Và, cuộc sống gia đình bắt đầu “cơm không lành” khi đứa con đầu lòng chào đời, vợ chồng cứ hục hặc nhau suốt vì chuyện tiền nong. Anh tính hai vợ chồng công nhân, tổng thu nhập hồi đó chưa đến 3 triệu/tháng trong khi phải nuôi con nhỏ, thuê phòng… thì làm sao đủ mà không gây chuyện với nhau? Vợ chồng tôi bàn tính và quyết định về quê. Ở quê còn có ruộng, có ông bà giúp trông con, nên chắc không đến nỗi chết đói, vất vả như ở đây".
"Về quê làm ăn cũng khó khăn lắm, vì ruộng vườn không có, vốn cũng không, mình lại đi quá lâu, làm ruộng không quen. Đang lúc bế tắc thì tình cờ năm 2007, tôi lên TP dự đám cưới người bạn cũng làm công nhân và gặp người nấu cỗ là nhân viên nhà bếp chung với tôi trong Cty ngày nào. Anh ta xin nghỉ việc ra ngoài làm dịch vụ đám cưới mới hơn 1 năm mà rất khá. Gần chục nhân viên phục vụ trong đám tiệc đều là công nhân trước đây đã nghỉ việc. Sau khi đi đám cưới về, vợ chồng tôi tiếp tục bàn tính. Một tuần sau chúng tôi gửi con nhờ gia đình trông hộ, khăn gói quả mướp, lận lưng hơn chục triệu vay của ông bà, lên Biên Hòa làm dịch vụ nấu ăn cho đám cưới, đám tiệc. Đến nay, sau gần 3 năm làm công việc mới này, vợ chồng tôi đã trả hết nợ, ngoài tiền gửi về nuôi con hàng tháng khá hơn trước còn tích cóp được số vốn phòng thân nữa”, anh Tự kể.