| Hotline: 0983.970.780

Đổi đời nhờ gieo ươm giống cây dổi

Thứ Hai 21/10/2019 , 08:37 (GMT+7)

Nhờ gieo ươm nhân giống cây dổi, các nhà nông ở Mường Be đã làm được nhà sàn bê tông giả gỗ, một số hộ còn mua được xe sang 7 chỗ làm phương tiện đi lại, kết hợp vận tải cung ứng cây giống.

09-28-33_vuon_cy_giong_doi_ghep_cu_ho_bui_thi_nhm
Vườn cây giống dổi ghép.

Xóm Be Trên còn gọi là Mường Be (xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) được coi là cái nôi của cây dổi, bởi chất lượng dổi ở đây thuộc hàng tốt nhất nước ta. Nhưng từ nhiều năm trước, địa phương buông lỏng công tác quản lý, nên cây dổi dần bị cạn kiệt.

Trước thực trạng đó, một số nhà nông Mường Be đã chủ động gom nhặt hạt dổi từ những cây còn lại, gieo ươm thành cây con trồng trong vườn nhà, vàn đồi và biếu tặng người thân.

Nhận thấy đây là cách làm đúng hướng, UBND huyện Lạc Sơn đã phối hợp với các nhà khoa học, xây dựng mô hình nhân giống dổi bằng phương pháp lai ghép, đồng thời quảng bá tuyên truyền nhân rộng mô hình trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tiếng lành đồn xa, giống dổi của xóm Be Trên đã trở nên nổi tiếng, được nhiều địa phương trong cả nước biết đến thu mua. Nhờ vậy, các nhà nông Mường Be đã đổi đời, dựng được nhà sàn bê tông giả gỗ, sắm được tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, nhiều hộ mua được xe sang 7 chỗ ngồi, làm phương tiện đi lại, kết hợp vận tải cây giống đến tận nơi người tiêu dùng.

Để có thể hợp đồng bán được số lượng lớn cây giống cho các cơ quan doanh nghiệp, năm 2018 được sự hỗ trợ của UBND huyện, ông Bùi Văn Bun (xóm Be Trên) đã đứng ra thành lập HTX Cung ứng giống cây dổi và hạt dổi Chí Đạo, bước đầu thu hút được 20 hộ tham gia.

Theo đó, mỗi năm HTX đã sản xuất và đáp ứng cho nhu cầu thị trường được 7.500kg hạt và 1,3 triệu cây dổi giống các loại, bao gồm gần 300 nghìn cây ghép giống đầu dòng, 1 triệu cây thực sinh (không ghép), doanh thu ước đạt 8,5 tỷ đồng, lãi trên 6 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ thu 300 triệu đồng, nhiều hộ thu 500 triệu đồng/năm.

Được biết, dổi Mường Be đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2014. Phát huy kết quả đạt được HTX Cung ứng giống cây dổi và hạt dổi Chí Đạo đang tiếp tục xây dựng mô hình sản xuất giống cây gỗ lát hoa.

Ông Bùi Văn Bun – Giám đốc HTX Cung ứng cây giống dổi và hạt dổi Chí Đạo cho biết: Dổi là cây lâm nghiệp lưu niên có giá trị kinh tế rất cao, gỗ dổi được coi là mặt hàng xa xỉ cho đóng các đồ dùng nội thất gia đình, hạt dổi vừa có giá trị dược liệu, vừa có thể làm gia vị trong chế biến các món ăn...

Theo ông Bun, để trồng dổi đạt hiệu quả cao, ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc nên bắt đầu xuống giống từ tháng 2-4, các tỉnh miền Trung và miền Nam trồng đầu mùa mưa. Các loại đất trồng chè, keo, cọ... đều thích hợp cho trồng dổi, chú ý không trồng dổi nơi có địa hình thấp trũng.

09-28-33_gieo_uom_doi_giong
Gieo ươm dổi giống.

Với cây dổi ghép sau trồng 4-5 năm sẽ cho quả bói, cây thực sinh 8-9 năm mới có quả, thời vụ thu hoạch quả khoảng 15 tháng 8 âm lịch, năng suất trung bình đạt 3kg hạt khô/cây, giá bán dao động từ 1,2-3 triệu đồng/kg (tùy thời điểm), tuy nhiên giá trị nhất vẫn là phần thân gỗ, cây dổi 20 năm tuổi đã có thể bán được 20 triệu đồng tại vườn, mở rộng diện tích trồng dổi còn giúp giữ ẩm đất, chống xói mòn, giảm lũ ống lũ quét.

Để sản xuất cây dổi thực sinh, có thể tiến hành theo các bước: Ngâm hạt trong nước sạch - loại bỏ hạt lửng lép - vớt lấy hạt chắc rồi trà tách vỏ - gieo hạt trên luống theo mật độ (2 x 3)cm/1 hạt - tưới nước giữ ẩm thường xuyên - làm vòm nilon che mưa cây giống.

Lưu ý, đất vườn ươm phải cày bừa nhỏ mịn, lót phân chuồng hoai mục, lên luống rộng 1,2-1,3m, cao 20-25con. Khi cây con cao 5-10cm thì bứng trồng giâm vào các bầu nilon chuyên dụng. Cây giống giâm trong bầu phát triển cao từ 20cm trở lên có thể mang đi trồng rừng.

Nếu sản xuất giống cây ghép, phải chờ cho cây giống thực sinh phát triển cao 70cm (khoảng 1 năm) mới tiến hành cắt ngọn ghép đoạn cành lấy từ những cây dổi đầu dòng (tương tự ghép cây ăn quả nhãn, ổi, hồng xiêm). Khi cành ghép bật mầm cao 7-10cm có thể xuất bán cho người tiêu dùng.

“Phong trào gieo nhân giống cây dổi ở xóm Be Trên đã tạo được ảnh hưởng lan tỏa ra toàn xã Chí Đạo và một số xã khác như Hương Nhượng, Phúc Tuy. Huyện đang duy trì được 2.500 cây dổi lâu năm, trong đó đã bình tuyển được một số cây đầu dòng”, ông Bùi Thế Chiêu, Phó phòng NN-PTNT huyện Lạc Sơn cho biết.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.